“Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác
còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi”
(Trường ca “Tụng ca mặt trời” của Ikhnaton, vị pharaon-đại thi hào của Ai Cập, vào khoảng năm 1380 trước CN)
6
Nathalie và Éric rủ tôi cùng đi chơi và ăn trưa tại khu vườn El Azhar. Al Azhar là tên một ngôi đền Hồi giáo lớn của Cairo , đặc biệt nổi tiếng nhờ có trường đại học chuyên về lĩnh vực tôn giáo. Ai Cập dường như không có những khu công viên vui chơi, và khu vườn thuộc loại hiếm này chính là do tổ chức Aga Khan (thủ lĩnh Hồi giáo) xây dựng. Vườn khá rộng và nằm ở vị trí tương đối cao so với thành phố, nên từ sân thượng của tiệm ăn trong vườn, chúng tôi có thể quan sát từ cao gần như toàn bộ thủ đô Ai Cập. Xa xa còn thấy thấp thoáng bóng dáng Kim tự tháp.
(Trong khu vườn El Azhar)
Dù rất thích nhìn ngắm Cairo từ tầm cao lý tưởng này, cuối cùng chúng tôi đành phải vào bên trong để ăn vì tuy có nắng, nhưng gió ở độ cao này khá mạnh và lạnh buốt. Những đĩa bánh crêpe hương vị nấm và fromage nóng hổi, và trà nóng tạo cho chúng tôi một không khí thực sự thân mật, ấm cúng.
Nathalie và Éric thả tôi trước khu vực Nội thành. Tiếc là khi tôi mua vé, vào đến bên trong thì cũng gần đến giờ đóng cửa. Mọi khi họ đóng cửa muộn hơn, nhưng thứ sáu lại là ngày lễ trong tuần của người Ai Cập, theo thông lệ mọi địa điểm tham quan đều đóng cửa sớm một giờ. Chắc hai bạn của tôi đã quên mất chi tiết này. Tuy vậy, tôi vẫn còn chút thời gian để đi quanh một vòng, nhìn ngắm những toà nhà sử dụng nhiều chất liệu từ đá, đã ít nhiều hư hỏng với thời gian và chiến tranh, hoặc có khi do chính con người chủ động phá huỷ. Đền thờ Mohammed Ali thật hoành tráng bên trong khuôn viên Nội thành, được bao quanh bằng những hàng cây cao và những lối đi dài và rộng lát những ô đá vuông phẳng.
(Vé vào cổng Nội thành)
Tiếc là đã hết giờ nên tôi không thể vào xem bên trong đền thờ, mà dù có được vào chắc cũng chỉ có thể xem phần phụ. Bởi theo kinh nghiệm hôm đi tham quan phố cổ, bên trong đền thờ Hồi giáo không một phụ nữ nào được phép vào khu vực chính điện, ngay cả những nữ tín đồ trùm khăn và áo đen kín mít đến rợn người. Đó là nơi dành riêng cho nam giới, đặc biệt là những vị được gọi là “fous de Dieu”, nghĩa là những kẻ cuồng say Chúa.
(Một góc Nội thành)
Tôi loanh quanh ngắm nhìn và chụp ảnh một pho tượng sư tử ngoảnh đầu ra xa, với những đường nét cực kỳ tinh xảo, và những bậc cấp có lẽ là tàn tích của một ngôi đền xưa cũ, với những ô đá xếp liền nhưng móc nối với nhau theo kiểu các mảnh puzzle. khiến tôi liên tưởng đến mối quan hệ âm dương trong kiến trúc và tâm thức của phương Đông.
Tôi đang mải mê thì bỗng có tiếng còi hụ vang. Một đoàn người nháo nhác ùa về một phía, cạnh đó là một bác cảnh sát to cao như một ông thần giữ đền đang lùa đám đông ra xa khỏi chỗ có khỏi bay toả mù mịt. Thì ra có một đám cháy đâu gần đó.
(Những bậc đá trong Nội thành)
Tôi trở về nhà Nathalie và Éric, thông báo về kết quả buổi viếng thăm Nội thành. Hai người bạn của tôi tấm tắc: “Thật kỳ diệu!” Kỳ diệu không chỉ cho riêng tôi, mà cho cả đất nước Ai Cập. Những hạt mưa, đám cháy. Những điều lạ lùng hiếm thấy đã diễn ra trong những ngày qua. Chưa kể sự cố xảy ra hôm tôi đến ăn tối nhà họ về. Hôm đó, trên đường Nathalie đưa tôi thả bộ về khách sạn, có mấy thanh niên la hét đuổi theo nhau trong bóng tối. Chỉ cách chúng tôi vài bước, một người rút súng, bật tách một tiếng. Chúng tôi cuống quít níu lấy nhau vì sợ hãi. May mà chẳng có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Thường khi, Cairo cũng như những thành phố Ai Cập khác vẫn rất yên ắng và hầu như không bao giờ xảy ra vụ việc nào về an ninh trật tự.
Có nên tin có một phép mầu nào đó khiến những thông lệ của đất trời, sông nước và cuộc sống của hậu duệ các đấng pharaon bỗng chao đi, khác đi phần nào khi tôi có mặt? Ồ không đâu, nhưng với tôi những điều đó như một nét nhấn, một vệt chấm phá lạ thường trong bức tranh mặc định từ bao đời của Ai Cập. Để ghim chặt vào trong nỗi nhớ.
Cho tôi.
Và cho cả dòng Nile huyền thoại. Biết đâu đấy.
(Còn tiếp)
Sông Nile trên trời (7) : http://phamthianhnga.blogspot.com/2009/06/song-nile-tren-troi-7.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire