lundi 8 juin 2009

BẢN NHẬN XÉT BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI KHCN CẤP TRƯỜNG CỦA SV. TRƯƠNG TIẾN DŨNG (2005)


Tên đề tài : THỰC HÀNH VIẾT TIẾNG PHÁP Ở SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT ĐẾN NĂM THỨ BA KHOA PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Mã số : T 04-GD-106

Người chủ trì: SV. TRƯƠNG TIẾN DŨNG

Lớp Pháp 4, Khoa Pháp, Trường Đai Học Ngoại Ngữ Huế

Họ và tên người nhận xét : PHẠM THỊ ANH NGA

Học hàm học vị: Tiến sĩ

Đơn vị công tác: Khoa Pháp, Trường ĐH Ngoại Ngữ Huế



Nội dung nhận xét



I. Về mục tiêu đề tài:


Đề tài này nhằm nghiên cứu những lỗi về diễn đạt viết bằng tiếng Pháp của sinh viên học tiếng Pháp và đề xuất một số ý kiến đối với việc dạy và học để có thể nâng cao chất lượng viết. Đề tài gắn liền với thực tế dạy và học tiếng Pháp và những vấn đề thực sự còn tồn đọng của thầy và trò khoa Pháp Đại Học Sư Phạm Huế (nay là Đại Học Ngoại Ngữ Huế). Tác giả của đề tài là sinh viên năm thứ tư khoa Pháp, có quá trình học tiếng Pháp từ phổ thông và đã đạt trình độ khá vững vàng trong thực hành tiếng Pháp, có tiềm lực trong nghiên cứu đề tài và giải quyết vấn đề.


II. Về hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu:


- Về hình thức: Kết quả đề tài nghiên cứu được trình bày dưới dạng báo cáo tổng kết, được đánh máy vi tính, bao gồm 96 trang (kể cả phần phụ lục), trong đó nội dung báo cáo là 70 trang, gồm 3 trang mở đầu, 4 chương nội dung, 1 trang kết luận. Phần phụ lục bao gồm 6 phần nhỏ, trình bày một số khía cạnh liên quan đến chất lượng diễn đạt viết nói chung, và trong tiếng Pháp nói riêng. Hình thức nói chung rõ ràng, cô đọng.

- Về tư liệu tham khảo: Các tài liệu tham khảo về cơ bản là đủ, mặc dù chưa khai thác hết những nguồn tư liệu lý thuyết cần thiết cho đề tài, chỉ khai thác về kỹ thuật dạy và học chứ chưa khai thác được hết những cơ sở lý luận của vấn đề (về mối liên quan giữa các kỹ năng nghe nói đọc viết, và về việc khai thác lỗi một cách sư phạm (pédagogie de l’erreur) ). Tư liệu tham khảo khá cập nhật, sử dụng được các nguồn tư liệu từ internet.

- Về phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra. Từ việc sưu tầm các bài tập viết của sinh viên các lớp, sắp xếp các lỗi, đến nghiên cứu nguyên nhân gây lỗi và từ đó đề xuất những cải tiến.


III. Về nội dung và kết quả nghiên cứu:


Nội dung trình bày được cấu trúc một cách hợp lý, tương ứng với các bước tiến hành của quá trình nghiên cứu và kết quả đạt được.

Chương 1 đề cập đến bối cảnh của việc dạy và học môn thực hành viết ở khoa Pháp ĐHSP Huế, bao gồm các yếu tố: thời lượng, phương pháp giảng dạy, tình hình học viết, giáo trình cho các năm học. Việc trình bày khá đầy đủ, nhưng lẽ ra nên bổ sung thêm một vài nét khái quát về vị trí của môn thực hành viết trong chương trình đào tạo nói chung, tỷ lệ giờ, mối quan hệ của môn viết với các môn thực hành khác, cũng như những môn khác (thuộc các lĩnh vực lý thuyết tiếng, văn học, dịch...), và nguồn tuyển sinh cũng như phương thức, tiêu chí tuyển chọn. Chương 2 trình bày và xếp loại các lỗi sinh viên đã gặp, nguồn ngữ liệu là các bài tập thực hành viết của sinh viên, được tác giả sưu tầm và nghiên cứu. Cách sắp xếp các lỗi (theo các lĩnh vực chính tả, từ vựng, ngữ pháp, ý, văn phong...) nhìn chung là rất công phu, tỉ mỉ, và hợp lý. Nhiều chi tiết phân loại cho thấy tác giả đã dày công phân tích: thể chủ động và bị động, tự động từ, liên kết ý... Chương 3 phân tích nguyên nhân gây ra lỗi ở kỹ năng viết của sinh viên, chia các nguyên nhân làm hai loại: khách quan và chủ quan. Tuy chưa đi thật sâu về các nguyên nhân này, về cơ bản tác giả cũng đã nắm được vấn đề. Chương 4 đề xuất những cải tiến trong dạy và học môn viết để nâng cao hiệu quả và chất lượng viết của sinh viên.

Công trình nghiên cứu khoa học này đã thành công ở chỗ dựa trên nhiều lỗi có tính đa dạng của nguồn ngữ liệu thật, bước đầu phân loại và đề xuất những cải tiến có tính tích cực cao. Tuy nhiên nó chưa thật hiệu quả vì sự sắp xếp phân loại dường như chỉ mới nằm ở phạm vi bề mặt của vấn đề, chưa gọi đúng tên các lỗi mắc phải, chưa tạo cơ sở để xác định thực chất các lỗi, từ đó đề xuất cách tránh hoặc sửa chữa. Chẳng hạn xếp từ “résonnable” vào lỗi từ không tồn tại (tr.14) là chưa hợp lý, mà ở đây lỗi là ở chỗ âm [e] dược viết thành “é” thay vì “ai” (từ “raisonnable” là từ đúng). Ở trang 36, lỗi ở hai câu “... les professeurs nous avons expliqué...” và “... mes parents m’ai permis de...” được phân biệt thành 2 lỗi khác nhau, trong khi thực chất đó chỉ là một loại lỗi (động từ được chia hợp giống số với bổ ngữ gián tiếp nằm ngay sát động từ, thay vì hợp với chủ ngữ). Trường hợp “cour de récréation” (tr.58) được xếp vào lỗi “không hiểu rõ nghĩa của từ: viết dư từ hay dùng một cụm từ để giải thích một từ đã tồn tại” là không hợp lý.

Cũng có khi những câu được đề xuất với cương vị là những câu đúng thực ra lại không đúng, hoặc không thoả đáng: ở trang 21, sửa “nous passions les vacances à la plage de CL...” thành “nous sommes allés...” là chưa thoả đáng, ở đây chỉ cần thay “les vacances” bằng “nos vacances” (cấu trúc “passer ses vacances à...”. Hoặc câu “Après les jours de vivre ensemble sans être heureux...” (tr.38) được dưa ra để thay thế một câu “sai” thì bản thân nó vẫn chưa thoả đáng. Tương tự là câu 6 tr.47 (...auxquelles tous les pays assistant pour la raison économique), hoặc trang 50 (...pour contenter leurs parents...). Để diễn đạt ý “chúng tôi đã được gặp lại một người bạn thân” (tr.51), thay câu sai “j’ai été revue mon ami intime” bằng “j’ai revu mon ami intime” là chưa thoả đáng vì ý “được” trong câu tiếng Việt đã biến mất trong câu tiếng Pháp.

Xếp “des bains de soleils” vào loại “lỗi về số” vẫn chưa đủ. Ở đây vấn đề là ở chỗ: đó là từ ghép chính phụ, và để dùng ở dạng số nhiều, sinh viên đã sai khi thêm “s” vào tất cả các thành phần (constituants) của từ. Thực chất đây là lỗi thuộc loại “hypercorrection”, tức là đúng quá mức hoá ra sai, và sai không phải là do không đặt ở dạng số nhiều mà do đặt ở dạng số nhiều cả những chỗ không cần thiết và không được phép (và do đó mà sai). Nhầm “divorce” (tr.53, từ giống đực) là từ giống cái là có “nguyên nhân” của nó (do từ kết thúc bằng “e” như nhiều từ giống cái), hay viết “parfectement” (tr.53) không phải do “đặc điểm về ngữ âm: gần âm” như đã phân tích, mà do trong cấu tạo các từ phái sinh (mots dérivés) của từ “parfait” có những dạng “parfaitement”, “perfection”..., chưa kể trong tiếng Anh còn có “perfect”. Nhìn chung, muốn giải quyết một cách ngọn nguồn và hiệu quả, phải đi sâu tìm hiểu tận tường nguyên nhân, từ đó áp dụng cách sửa chữa, ngăn ngừa một cách hợp lý nhất, theo đúng tinh thần của “pédagogie de la faute”.

Ngoài ra, nhiều thuật ngữ được dùng một cách khiên cưỡng (“dấu huyền”, “dấu sắc” thay vì “accent aigu”, “accent grave”, tr.13)...


IV. Đánh giá chung:


- Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn

Đây là vấn đề rất lớn, rất đáng quan tâm và nghiên cứu, đáp ứng đúng những quan ngại của thầy trò không những của môn thực hành tiếng, mà còn của các môn học khác nữa, đặc biệt ở giai đoạn sinh viên tham gia thực hiện các loại bài tập lớn, niên luận, khoá luận bằng tiếng Pháp.

- Tính khoa học

Công trình nghiên cứu này có thể được xem như những thành quả đáng ghi nhận của tác giả trong bước đầu nghiên cứu khoa học, có tính lô-gic, có giá trị về lý luận và thực tiễn, có tính thuyết phục.

- Khả năng ứng dụng vào thực tiễn

Những đề xuất về dạy và học là rất tích cực, tuy nhiên chưa thể ứng dụng một cách toàn diện được vì những điều kiện thực tế (về giờ giấc, quỹ thời gian thực tế...) chưa cho phép.

- Hiệu quả kinh tế, giáo dục...

Có thể xem đây là những phác hoạ về một mô hình dạy và học lý tưởng, mà mỗi giáo viên và sinh viên có thể tuỳ từng điều kiện cụ thể đưa vào ứng dụng trong hoạt động dạy và học của mình. Được vậy, hiệu quả giáo dục sẽ rất đáng kể.


V. Những đề xuất:


Về hình thức

Cần tránh trường hợp trích dẫn có ghi tên tác giả, nhưng trong danh mục Tài liệu tham khảo lại không ghi (chẳng hạn trường hợp Gosselin et al., 1981 ở trang 65).

Về nội dung

- Cần trình bày bối cảnh của việc dạy và học môn thực hành viết một cách đầy đủ hơn. Đặc biệt xem xét lại nguồn tuyển sinh đại học và phương thức tuyển chọn sinh viên vào năm 1 (bài thi Pháp văn không hề có nội dung nào về diễn đạt viết, tự luận, là kỹ năng rất cần và có tính quyết định trong học ngoại ngữ).

- Cần phân tích và phân loại các lỗi một cách thực chất hơn, từ đó đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn.

- Nên dè dặt hơn hoặc kỹ lưỡng hơn trong các câu được đề xuất như câu đúng, để thay thế các câu sai, vì rất nhiều câu như vậy lại tiếp tục mắc lỗi.

Về phương pháp nghiên cứu

Cần bổ sung về mặt lý luận lý thuyết “pédagogie de la faute” và khái niệm “hypercorrection”.


- Câu hỏi thêm (nếu có)

Ở trang 45, tác giả xem câu “... le jour nouveau est aussi venu” là sai và thay bằng “un nouveau jour...”. Xin hỏi tác giả hiểu sao về “lỗi sai” đó.

- Đề nghị đưa ra Hội đồng khoa học để tổ chức nghiệm thu.

- Xếp loại: Tốt.


Huế, ngày 10 tháng 3 năm 2005

Người nhận xét


Phạm thị Anh Nga

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire