mardi 2 juin 2009

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM DUY VẬT BIỆN CHỨNG TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU NGUỒN GỐC CỦA NGÔN NGỮ (1995)



Phạm thị Anh Nga

Khoa Pháp

ĐH Sư Phạm Huế


Đặt vấn đề


Trước tiên cần xác định nguồn gốc của ngôn ngữ ở đây là nguồn gốc xuất hiện của ngôn ngữ loài người nói chung, chứ không phải nguồn gốc ra đời của một ngôn ngữ cụ thể (như tiếng La tinh, tiêng Trung, tiếng Nhật…) hay quá trình hình thành ngôn ngữ ở một chủ thể con người nào đó. Vấn đề giải thích nguồn gốc của ngôn ngữ loài người tựu trung lại là: Ngôn ngữ con người xuất hiện từ bao giờ và trong những điều kiện nào? Những đặc điểm chung nhất của ngôn ngữ đầu tiên của con người là như thế nào?

(Lascaux - http://religionsdelaterre.wordpress.com/2009/02/25/symposium-international-sur-lascaux-a-paris/)

Từ xa xưa người ta đã quan tâm nghiên cứu vấn đề nguồn gốc ngôn ngữ. Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại (thế kỷ V, IV trước Công nguyên) đã tranh luận sôi nổi trong một thời gian dài về các vấn đề: ngôn ngữ xuất hiện từ thiên nhiên hay do con người quy định, từ biểu thị bản chất của sự vật hay từ biểu hiện một cách tuỳ tiện dấu hiệu của sự vật do con người tạo nên. Một số học giả (Héraclite, Platon…) cho rằng từ dùng để gọi tên sự vật là do bản chất tự nhiên của sự vật quyết định, và con người không thể tuỳ tiện đặt tên cho sự vật. Đó là thuyết «theo tự nhiên». Một số học giả khác, như Démocrite, thì cho rằng tên gọi của sự vật là «theo quy định». Ở đây chúng ta chưa xem xét cách giải thích nào là đúng với thực tế, mà chỉ ghi nhận mối quan tâm đến nguồn gốc ngôn ngữ của người xưa.


Phần I – Một số thuyết phổ biến về nguồn gốc ngôn ngữ


Trên thế giới có đến hơn 500 thuyết khác nhau về giải thích nguồn gốc của ngôn ngữ. Ở đây chúng ta chỉ điểm qua một số thuyết phổ biến nhất.

Vào thế kỷ XIX đã phổ biến một thuyết về nguồn gốc ngôn ngữ là thuyết ngôn ngữ bập bẹ. Thuyết này cho rằng ngôn ngữ con người xuất hiện từ tiếng nói bập bẹ của trẻ con, với lý do trong nhiều ngôn ngữ khác nhau có những từ giống nhau mà khi bập bẹ học nói trẻ con đều phát ra trước những tử khác. Ví dụ trong tiếng Nga có «nana», «мaмa», tiếng Pháp có «papa», «maman»… phát âm gần như nhau. Thực tế là có một số từ trùng nhau trong nhiều ngôn ngữ: những từ phát âm là [mama] có nghĩa là «mẹ» trong nhiều ngôn ngữ Ấn Âu, trong cả tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên trong tiếng Géorgie [mama] lại có nghĩa là «bố». Ngoài ra, tiếng bập bẹ của trẻ con chỉ có thể trở thành những từ có nghĩa khi có môi trường xung qunah, nghĩa là có ảnh hưởng của ngôn ngữ mà trẻ con được nghe người lớn nói. Do đó, thuyết ngôn ngữ bập bẹ giải thích ngôn ngữ ra đời từ tiếng bập bẹ của trẻ con là không ổn.

Một thuyết khác về nguồn gốc ngôn ngữ là thuyết ngôn ngữ tượng thanh. Những người theo thuyết này, từ Démocrite và Platon (thời Hy Lạp cổ đại) cho đến những học giả thế kỷ XIX, đều cho rằng ngôn ngữ xuất hiện là do con người bắt chước một cách có ý thức hay không có ý thức các âm thanh trong tự nhiên như tiếng rống của thú vật, tiếng hót của chim muông, tiếng rít của gió mưa. Bằng chứng là ngôn ngữ nào cũng có từ tượng thanh. Tiếng Việt chẳng hạn có những từ «róc rách», «vi vu», «lào xào»… Theo thuyết ngôn ngữ tượng thanh, âm thanh của từ diễn đạt tư tưởng bằng hình ảnh của nó. Ví dụ, âm [i] biểu đạt một cái gì đó mềm mại… Giả thiết này không đứng vững vì những lý do sau: Thứ nhất, muốn bắt chước âm thanh của tự nhiên con người phải có cơ quan phát âm đã phát triển, có tiếng nói và tư duy hoàn thiện. Thứ hai, từ tượng thanh trong mỗi ngôn ngữ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những từ không tượng thanh. Và thứ ba, tính tượng thanh của từ chỉ là quy ước, thí dụ trong tiếng Việt tiếng gà gáy là «ò ó o», trong tiếng Pháp là «cocorico», trong tiếng Đức là «kikeriki», trong tiếng Anh là «cock-a-doodle-doo». Hơn nữa có những từ trong ngôn ngữ này là tượng thanh, còn trong ngôn ngữ khác lại không tượng thanh: trong tiếng Việt, «cười khanh khách» là từ tượng thanh, nhưng trong tiếng Pháp «rire aux éclats» lại không tượng thanh.

Một thuyết khác cũng khá phổ biến là thuyết cảm thán, với nhiêu hình thức: từ hình thức sơ đẳng (các đồ đệ của Épicure) cho đến hình thức phức tạp (Humboldt, Grimm…). Những người theo thuyết này cho rằng từ là hình thức biểu đạt tâm hồn của con người. Đầu tiên ngôn ngữ chỉ bao gồm những thán từ, là những tín hiệu của cảm xúc và ý chí (thí dụ về thán từ: tiếng Việt có «Ối dào!», tiếng Nga «Ax!», tiếng Pháp «Ouf!»). Sau đó những loại từ khác ra đời bằng những quy tắc cấu tạo từ.

Một dạng khác của thuyết cảm thán là thuyết duy cảm. Vào thế kỷ XVIII, nhà triết học Pháp Condillas cho rằng cảm giác là nguồn gốc của ngôn ngữ. Nhà tư tưởng Nga Rodisev thì cho ngôn ngữ ra đời là do cảm giác và nhu cầu giao tế. Còn Kudriapski, một nhà ngôn ngữ học Nga, thì quan niệm những từ xuất hiện đầu tiên là từ những tiếng kêu lúc hưng phấn về tình cảm. Đó là những từ cảm thán, và ngôn ngữ dựa vào đó mà phát triển.

Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của cảm xúc trong sự phát triển của ngôn ngữ, nhưng cho rằng nguyên nhân chủ yếu của sự xuất hiện ngôn ngữ là do trạng thái tâm hồn là không đúng, bởi vì chính xã hội mới là yếu tố quyết định sự ra đời của ngôn ngữ. Hơn nữa, từ cấu tạo từ thán từ thì không thể nhiều và trong nhiều ngôn ngữ không có từ cấu tạo từ thán từ.

So với các thuyết kể trên, thuyết ngôn ngữ cử chỉ có cách giải thích khác hẳn về nguồn gốc ngôn ngữ. Đại biểu của thuyết này là Wundt. nhà tâm lý học Đức thế kỷ XIX và nhà ngôn ngữ học Liên xô Marr. Họ cho rằng đầu tiên ngôn ngữ xuất hiện dưới dạng cử chỉ chứ không phải âm thanh. Ở giai đoạn đầu con người sử dụng cử chỉ để giao tiếp, sau đó mới dần dần đi tới ngôn ngữ nói. Bằng chứng là hiện nay có một số dân tộc (một vài bộ tộc châu Mỹ và người châu Úc) có ngôn ngữ cử chỉ khá phong phú. Tất nhiên việc sử dụng cử chỉ trong giao tiếp là một thực tế, song bao giờ nó cũng đi kèm với ngôn ngữ nói, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Thuyết cuối cùng mà chúng ta xem xét là thuyết tiếng kêu trong lao động. Thuyết này ra đời vào thế kỷ XIX ở Pháp, với L.Noire. L.Noire cho rằng ngôn ngữ ra đời từ những tiếng kêu trong lao động, cùng với quá trình lao động, bắt nhịp với những động tác lao động cụ thể. Bucher cũng đồng tình với L.Noire và đã sưu tầm những bài hát của người nguyên thuỷ để chứng minh cho thuyết của mình. Cách giải thich này so với những thuyết kể trên tỏ ra tiến bộ hơn vì đã bước đầu gắn nguồn gốc ngôn ngữ với quá trình lao động tập thể, nhưng nó vẫn còn quá thô sơ, vì chỉ thấy nguyên nhân xuất hiện ngôn ngữ là nhu cầu giảm nhẹ lao động bằng cách tạo ra nhịp điệu, chứ không thấy nhu cầu giao tiếp và trao đổi đã xuất hiện trong quá trình lao động tập thể.

Tất cả các thuyết nói trên về sự ra đời của ngôn ngữ đều có những thiếu sót rất cơ bản sau:

1. tách rời nguồn gốc của ngôn ngữ và nguồn gốc của ý thức, cho rằng ý thức có trước ngôn ngữ, tức phá hoại sự thống nhất biện chứng giữa ngôn ngữ và ý thức.

2. tách rời nguồn gốc của ngôn ngữ và nguồn gốc của con người, cho rằng con người ra đời trước ngôn ngữ.

3. không tính đến chức năng giao tiếp của ngôn ngữ, tức không thấy ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người và sự ra đời của ngôn ngữ chính là xuất phát từ nhu cầu giao tiếp và để thực hiện chức năng công cụ giao tiếp.

4. không tính đến lao động trong quá trình hình thành con người và ngôn ngữ.


Phần II – Vận dụng quan điểm duy vật biện chứng để nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ


A. Những luận cứ khoa học


1. Định nghĩa ngôn ngữ của Marx và Engels

Trước tiên chúng ta hãy xem xét Marx và Engels đã định nghĩa ngôn ngữ như thế nào. Ngôn ngữ đã được Marx và Engels định nghĩa trên cơ sở giải quyết một mặt của vấn đề cơ bản của ngôn ngữ: vật chất có trước hay ý thức có trước? Theo quan điểm duy vật, chính vật chất có trước, và ngôn ngữ đã được Marx và Engels định nghĩa như sau: «Ngay từ đầu, ‘’tinh thần’’ gặp phải cái rủi là bị vật chất ‘’đè nặng lên’’, thể hiện dưới hình thức các lớp không khí chuyển động, là các âm … nghĩa là dưới hình thức ngôn ngữ. Ngôn ngữ cũng cổ như ý thức. Ngôn ngữ là ý thức thực sự, ý thức thực tiễn tồn tại cả đối với người khác mà nhờ đó tồn tại cả đối với bản thân tôi, cũng như ý thức, ngôn ngữ xuất hiện do nhu cầu, do sự cần thiết cấp bách giao tế với người khác.» [1]

Định nghĩa nói trên của ngôn ngữ có liên quan với những cứ liệu của khoa học tự nhiên về nguồn gốc ngôn ngữ.


2. Những cứ liệu của khoa học tự nhiên về nguồn gốc ngôn ngữ

Trước tiên, ta thấy trong cơ thể con người không có một cơ quan tự nhiên nào chỉ dùng để thực hiện chức năng nói, như mắt dùng để nhìn, tai để nghe. Hệ thống các cơ quan tham gia vào việc nói gồm hàng loạt cơ quan: não, phổi, thanh quản và yết hầu, các cơ quan cấu âm ở miệng và mũi, trong đó mỗi cơ quan đều có một chức năng sinh lý cơ bản và đầu tiên: miệng dùng để nhai thức ăn, mũi và phổi để thở… Lời nói ở đây chỉ là chức năng bậc hai. Như vậy, lời nói là một chức năng tách khỏi các chức năng thuần sinh lý khác, và nó tập hợp hàng loạt các cơ quan không liên quan gì với nhau về mặt chức năng bậc một (chức năng đầu tiên) thành một hệ thống thống nhất để thực hiện chức năng bậc hai này. Đó là luận điểm cơ bản về nguồn gốc ngôn ngữ.

Do chức năng ngôn ngữ được thực hiện không chỉ do một cơ quan nào mà do toàn bộ một hệ thống các cơ quan, cho nên trong quá trình tiến hoá các cơ quan đã được chuyên môn hoá theo một số hướng. Hướng chuyên môn hoá thứ nhất là của phổi và yết hầu: cơ thể phải rướn thẳng lên, không di chuyển bằng bốn chi nữa mà bằng hai chi, giải phóng hai chi trước, tức hai tay, để dùng chúng vào một việc khác: chức năng lao động. Một hướng chuyên môn hoá khác là của não và các cơ quan phát âm ở khoang miệng và thành phần hốc mũi. Hướng này phải dựa vào việc hình ảnh trực tiếp của sự vật được thay thế bằng tín hiệu âm thanh của nó. Điều đó chỉ có thể xảy ra trên con đường làm chủ sự vật trong quá trình nhận thức thế giới khách quan, tức là đồng thời với quá trình hình thành ý thức trong mối liên hệ với thực tiễn-lao động. Như vậy sự xuất hiện của ngôn ngữ gắn với sự xuất hiện của con người và của xã hội loài người.


B. Nguồn gốc của ngôn ngữ


Từ những luận cứ khoa học trên, có thể khẳng định những yếu tố dẫn đến sự ra đời của ngôn ngữ tựu trung lại gồm có:

- những tiền đề sinh vật của ngôn ngữ

- vai trò của lao động và nhu cầu giao tiếp.


1. Những tiền đề sinh vật của ngôn ngữ

Những tiền đề sinh vật có vai trò rất quan trọng đối với sự ra đời của ngôn ngữ. Tiền đề sinh vật thứ nhất là sự giải phóng hai tay để lao động và dáng đi thẳng bằng hai chân của loài vượn, tổ tiên của loài người ngày nay. Không có sự chuyển biến sinh học đó thì con vượn không thể lao động và không thể chuyển thành người. Tiền đề sinh vật thứ hai là con vượn đã có bộ óc khá phát triển và biết sử dụng một số tín hiệu âm thanh chưa phân rõ từng âm. Đó là cơ sở sinh lý cho tiếng nói của con người.

Gần một triệu năm trước đây, ở giai đoạn thứ ba của thời đại kainozoi, loài vượn Australopithèque đã phát triển cao và sống thành đàn. Chúng di chuyển trên mặt đất chứ không trèo trên cây, và dùng hai tay để cầm lấy đồ vật. Chúng có quai hàm ngắn, chứng tỏ khả năng cấu tạo âm thanh đã được tăng lên, và bộ óc to, chứng tỏ hoạt động của chúng phức tạp dần. Ngoài ra, chúng còn có một số đặc điểm khác chứng tỏ trình độ tiến hoá đã khá cao, Đó là những động vật cao cấp về sau sẽ chuyển hoá thành người, và hoạt động của đôi tay về sau biến thành động tác lao động. Chúng không chế tạo công cụ lao động mà sử dụng những vật có sẵn (như đá có cạnh sắc) với tư cách công cụ. Nhưng dù sao đó vẫn là quá trình giải phóng đôi tay để lao động.

Đến giai đoạn thứ tư của thời đại kainozoi, loài vượn người Pithécantrope đã biết làm ra công cụ lao động và đi thẳng người bằng hai chân.

(Người Pithécantrope - ecoles.ac-rouen.fr)

Sau đó ít lâu, xuất hiện người Néandertal (Homo sapiens neandertalensis), tổ tiên của loài người ngày nay.

Pithécantrope, Néandertal chính là những con người nguyên thuỷ sống thành đàn, biết làm những dụng cụ lao động thô sơ bằng đá, xương, gỗ. Họ bắt đầu biết nhận thức thế giới chung quanh, và do đó có những tín hiệu âm thanh. Những tín hiệu này chưa phải là những từ và chưa phân rõ rệt thành từng âm, chưa có nghĩa đầy đủ. Nhưng dần dần nhận thức được hình thành, vận động và phát triển lên, tách khỏi sự tiếp thụ sự vật một cách trực quan. Nhận thức dần dần gắn với những tín hiệu âm thanh, và tiến tới khái quát những sự vật cùng loại dựa trên môt số đặc điểm chung. Đồng thời cũng xuất hiện nhận thức về mục đích và kết quả của việc sử dụng tín hiệu âm thanh. Tóm lại, lao động ngày càng phức tạp của con người tác động vào thế giới khách quan đã tạo ra hai sức mạnh của con người, là ngôn ngữ và ý thức.

(Người Néandertal - http://www.dinosoria.com/neandertal_histoire.htm)

Cuối thời kỳ đồ đá (néolithique) có con người Cro-Magnon. Theo di chỉ của khảo cổ, đó là những con người thuộc chế độ thị tộc, có những quan hệ lao động, xã hội và gia đình phức tạp. Họ đã có bộ óc phát triển tốt, tiếng nói đã phân rõ từng âm và đã có tư duy trừu tượng.

Người Cro-Magnon sống cách đây khoảng 40 – 50 nghìn năm. Như vậy, từ những tín hiệu âm thanh chưa phân rõ từng âm của con vượn đến tiếng nói của con người phải trải qua hàng chục vạn năm.

(Người Cro-magnon - home.comcast.net)


2. Vai trò của lao động và nhu cầu giao tiếp

Bản thân những tiền đề sinh vật của ngôn ngữ không thể tạo ra ngôn ngữ của con người, vì ngoài chúng ra còn phải có yếu tố thúc đẩy ngôn ngữ ra đời. Yếu tố đó chính là lao động và nhu cầu giao tiếp, trao đổi.

Trong tác phẩm «Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến từ vượn thành người», Engels đã khẳng định rằng sự phát triển của lao động có ảnh hưởng thúc đẩy những thành viên trong xã hội đoàn kết hơn, nhờ đó họ càng hỗ trợ nhau trong hoạt động chung, và mỗi thành viên cũng nhận thức ngày càng rõ hơn lợi ích của hoạt động chung đó. Engels viết: «Nói tóm lại, những con người đang hình thành ấy đã phát triển đến mức họ thấy cần thiết phải nói với nhau một cái gì đấy. Nhu cầu đó tự tạo ra cho nó một khí quan: cuống họng chưa phát triển của loài vượn nhờ uốn giọng mà đã biến đổi từ từ nhưng chắc chắn, để thích ứng được với một lối phát âm ngày càng phát triển thêm mãi và các khí quan của mồm cũng luyện tập được dần cách phát ra những âm vận nối tiếp nhau.»

Như thế lao động và xã hội có ý nghĩa quyết định trong sự xuất hiện của ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện đến nay, lao động chính là lao động tập thể trong xã hội và vì xã hội. Nó đòi hỏi nhiều người phải hợp sức, tổ chức và phân công nhiệm vụ, và chính nó đòi hỏi trước tiên phải có sự trao đổi tư tưởng, sự giao tiếp bằng ngôn ngữ.

(Người Cro-magnon - walkingdordogne.com)

Loài vượn có bộ óc khá phát triển và có những tín hiệu âm thanh (tiền đề sinh vật thứ hai của ngôn ngữ), nhưng chúng không có ngôn ngữ như con người. Vì có khả năng tư duy và nhu cầu trao đổi ý kiến, nên con người phải có ngôn ngữ. Như vậy nguồn gốc của ngôn ngữ gắn với nguồn gốc loài người. Lao động, ngôn ngữ và ý thức đã hình thành đồng thời, trong một thể thống nhất biện chứng, ở đó lao động đóng vai trò chủ đạo: lao động càng phát triển, càng phức tạp, thì càng thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của bộ óc và của ý thức, và do đó thúc đẩy cả ngôn ngữ phát triển, hoàn thiện, ngày càng chính xác, phong phú và có hiệu quả. Mặt khác, sự phát triển, hoàn thiện của ý thức, của ngôn ngữ tác động trở lại lao động, làm cho quá trình lao động ngày càng chính xác và hiệu quả, tạo được những công cụ mới, phát hiện những vật liệu mới và làm thay đổi môi trường lao động.

Trong thể thống nhất biện chứng đó, lao động, ý thức và ngôn ngữ không ngừng tác động lẫn nhau mà phát triển.

Trong tác phẩm «Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến từ vượn thành người», Engels cũng đã khẳng định: «Ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động và cùng phát triển với lao động. Đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn ngữ.»


(Con người tiền sử - www.teteamodeler.com)


Phần kết


Từ việc nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ, có thể rút ra một số ý nghĩa sau:

1. Học thuyết của các nhà kinh điển Marx-Lénine về ngôn ngữ có ý nghĩa quyết định đối với quan điểm duy vật biện chứng trong nghiên cứu những vấn đề về ngôn ngữ.

2. Ngôn ngữ là sản phẩm của lao động và là nhân tố đã cùng ý thức tách con người khỏi thế giới động vật. Ngôn ngữ xuất hiện trước hết là do nhu cầu giao tiếp trong cũng như ngoài lao động sản xuất.

3. Ngôn ngữ là kết quả khái quát hoá rộng lớn nhận thức của con người về từng cái riêng lẻ, là kết quả trừu tượng hoá mang tính xã hội của nhận thức bằng giác quan.

4. Xác định nguồn gốc ngôn ngữ gắn liền với lao động và sự hình thành của con người cũng chính là khẳng định một lần nữa nguồn gốc của ý thức, trong đó ngôn ngữ cùng với lao động tạo thành nguồn gốc xã hội của ý thức.

5. Xác định nguồn gốc của ngôn ngữ là góp phần giải quyết không những mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ý thức, mà cả mối tương quan giữa chúng với thực tiễn khách quan, đặc biệt là thực tiễn lao động sản xuất.


(Bài thu hoạch cá nhân môn Triết học - Chương trình Sau đại học)

1995


[1] Marx & Engels, Tuyển tập tập 3 (“Hệ tư tưởng Đức”)

3 commentaires:

  1. TRUONG QUANG DE7 juin 2009 à 14:51

    Anh Nga thuong,
    Toi da doc bai cua Anh Nga. Toi ngac nhien thay Anh Nga quan tam den linh vuc khá cổ dai do. Toi tin rang dong gop nay chac dang ke.

    RépondreSupprimer
  2. Thầy ơi, em cảm ơn Thầy đã rất quan tâm.
    Thực ra đây là 1 bài thu hoạch hồi em học lấy chứng chỉ Triết học, cùng 1 loạt các chứng chỉ khác, năm 1995. Đó là thời "hậu CIEP", và Thầy đã đi khỏi Huế.
    Cũng do thời đó em chưa quen nghiên cứu KH nên không có danh mục tư liệu tham khảo, là việc gần như bắt buộc.
    Nhưng "kéo" triết học đến gần với 1 lĩnh vực em đã được đào tạo ít nhiều (là ngôn ngữ học) là 1 nỗ lực của em thời đó. Thầy là người khai mở cho em, và sau đó là thời Cao học ở ĐHSPNN Hà Nội, và télé-enseignement de Rouen. Chính qua chuyên đề của thầy Gardin (Rouen) mà em được biết đến những nghiên cứu của Trần Đức Thảo.
    Nếu bây giờ em được làm thu hoạch lại, có khi em sẽ chọn triết học phương Đông và mối quan hệ nhân-quả, với những trải nghiệm và chiêm nghiệm tích luỹ trong chính cuộc đời mình.

    RépondreSupprimer
  3. TB. Thầy ơi, em quên "nói" là những khái niệm về homo-erectus, homo-sapiens, australopithèque, đặc biệt là homme de Cro-Magnon... em bắt đầu có được là nhờ tham gia soạn sách GK ở Sèvres. Và 1 buổi lang thang ở Musée du Louvre tìm hiểu về nguồn gốc loài người (vì em thấy mình ... quá lơ ngơ), và tò mò xem Việt Nam hiện diện như thế nào ở bảo tàng đó. Kết quả là một lô những ghi chép, và niềm vui bất ngờ khi cuối cùng nhìn thấy bộ đàn đá VN ở một vị trí đáng trân trọng, nằm riêng ngay giữa phòng, trong khu vực các nhạc cụ thế giới.
    Về đóng góp của bài này, công tâm mà nói thì nó chỉ là việc tổng kết những gì tiền nhân đã khẳng định. Nó chỉ "mới" với em, năm 1995, lúc làm bài thu hoạch sau khi học lấy chứng chỉ môn Triết học ở ĐHSP Huế thôi.

    RépondreSupprimer