(NGHIỆM THU CHÍNH THỨC)
Tên đề tài: NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG GIẢNG DẠY TIẾNG PHÁP-NGÔN NGỮ THỨ HAI THUỘC HỆ SONG NGỮ TẠI VIỆT NAM
Mã số: B 2004-09-19
Người chủ trì: TS. LÝ THỊ HỒNG
Đơn vị công tác: Khoa Tiếng Pháp, Đai Học Ngoại Ngữ - ĐH Huế
Họ và tên người nhận xét: PHẠM THỊ ANH NGA
Học hàm học vị: Tiến sĩ - Giảng viên chính
Đơn vị công tác: Khoa Tiếng Pháp, Đại Học Ngoại Ngữ - ĐH Huế
Nội dung nhận xét
I. Về mục tiêu đề:
Đề tài nhằm xác định những cơ sở lý thuyết và thực tiễn, phục vụ cho việc định hướng trong đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao lực lượng giáo viên dạy tiếng Pháp cho hệ song ngữ tiếng Pháp tại Việt Nam. Đây là một trong những mục tiêu đào tạo chủ yếu của khoa Tiếng Pháp ĐH Sư Phạm Huế, nay thuộc ĐH Ngoại Ngữ Huế.
II. Về hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu:
Báo cáo tổng kết đề tài gồm 49 trang (không kể phần phụ lục), được trình bày rõ ràng, cân đối, và được phân bố như sau: 4 trang dành cho phần mở đầu, phần nội dung gồm 40 trang (19 trang cho chương 1, 21 trang cho chương 2), phần kết luận gồm 2 trang, và 3 trang danh mục tài liệu tham khảo (với 31 đầu sách và tư liệu tham khảo). Trong phần phụ lục, có hai tham luận của tác giả đăng trong 2 kỷ yếu Hội thảo Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (2003, 2005), xem như đủ điều kiện về công trình để nghiệm thu đề tài.
Ngôn ngữ của báo cáo tổng kết được sử dụng chặt chẽ, rõ ràng, đã có nhiều điều chỉnh hợp lý dựa trên những góp ý của Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở.
Tư liệu tham khảo về cơ bản là đủ, xử lý tốt. Cần lưu ý phân loại các nguồn tư liệu tham khảo, nên tách riêng (1) các tư liệu lý thuyết hay công trình phân tích thực tiễn, (2) các văn bản pháp quy của Nhà nước, Bộ, và (3) ngữ liệu thu thập trong khuôn khổ một cuộc điều tra tiến hành bên ngoài nhưng có liên quan đến đề tài.
Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu tỏ ra phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.
III. Về nội dung và kết quả nghiên cứu:
Chương 1 với nội dung “Nguồn gốc và vai trò của ngôn ngữ thứ hai trong dạy / học tiếng Pháp” đề cập đến các khái niệm tiếng mẹ đẻ, ngoại ngữ và ngôn ngữ thứ hai. Tác giả đã trình bày công phu, chi tiết và chính xác những định nghĩa và cách phân biệt các khái niệm đó của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là khái niệm ngôn ngữ thứ hai, và chốt lại bằng việc xác định loại hình song ngữ của nhà trường Việt Nam. Việc trình bày với nhiều chi tiết các khái niệm nói trên tưởng như không cần thiết, nhưng thực ra nó là thiết yếu để nắm khái niệm và có tầm nhìn vĩ mô trong định dạng và định vị các lớp song ngữ Việt Nam trong tương quan với hệ thống song ngữ của Pháp và các nước khác. Trong chương 1 này tác giả cũng đề cập đến nội dung và phương pháp giảng dạy ngôn ngữ thứ hai cấp THPT, với những nguyên tắc cơ bản, những kiến thức nòng cốt, cũng như nội dung và phương pháp giảng dạy. Tác giả đã tổng kết được một cách toàn diện những nguyên tắc có tính định hướng cũng như những yêu cầu về đào tạo hệ song ngữ.
Một số khía cạnh cần lưu ý: (1) Diễn đạt hoặc chuyển ngữ một số ý chưa được rõ ràng, chính xác: (tr.6) “Ngoại ngữ được dùng để chỉ ngôn ngữ không phải mẹ đẻ hoặc ngoại ngữ”, (tr.7) “Theo Henri BESSE ngoại ngữ đồng nghĩa với ngôn ngữ thứ hai trong tình huống ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ (langue maternelle) không được gọi là ngoại ngữ” và “Theo Bruno MAURER, không thể gọi là ngoại ngữ một ngôn ngữ mà trẻ con nói từ nhỏ trong gia đình và ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ áp dụng ở trường học (trường hợp một số trẻ con nói tiếng flamand, breton... trong gia đình và tiếng Pháp ở trường học), (tr.13-14) “c’est là-dessus qu’il faut s’interroger” chuyển ngữ thành “vấn đề cần được tra cứu lại” thay vì “đó chính là điều (điểm) cần xem xét kỹ”. (2) Tác giả xác định (tr.18) những kiến thức nòng cốt của học sinh song ngữ bao gồm kiến thức về ngôn ngữ, kiến thức về văn học, và kiến thức về cộng đồng Pháp ngữ. Theo tôi, xác định như thế là dành cho văn học một vị trí quan trọng quá mức cần thiết, trong khi trên thực tế học sinh song ngữ cần phần “ngữ” hơn là phần “văn”, và khả năng đọc hiểu và viết không nhất thiết phải dừng lại ở văn bản văn học, mà còn có nhiều loại hình văn bản khác cần thiết cho học sinh song ngữ hơn : văn bản thông tin (informatif), lập luận (argumentatif), khoa học (scientifique)… Hơn nữa, ngay cả trong phần “ngữ”, thì khía cạnh “thực hành” là quan trọng và thiết thực hơn là khía cạnh “lý thuyết”, nghĩa là các em cần biết vận dụng ngôn ngữ để nghe-nói-đọc-viết, để tiếp nhân tri thức và diễn đạt kiến thức cũng như trao đổi tư duy về các ngành học (năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ) hơn là hiểu biết về ngôn ngữ (kiến thức ngôn ngữ). Nên chăng thay thế “kiến thức ngôn ngữ” bằng “kỹ năng ngôn ngữ” và “kiến thức văn học” bằng “kiến thức văn hoá”?
Chương 2 có tựa đề “Thực tế giảng dạy ngôn ngữ thứ hai cấp THPT và mô hình đào tạo giáo viên”. Tác giả đã trình bày một cách rõ ràng tình hình thực tế của việc giảng dạy tiếng Pháp ở các hệ song ngữ ở Việt Nam, trên cơ sở các văn bản pháp quy của Bộ GD-ĐT, cũng như kết quả điều tra về công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông của Tổ Công tác mà tác giả là một thành viên. Và cuối cùng, tác giả đề xuất một số ý kiến có tính định hướng để xây dựng mô hình đào tạo giáo viên song ngữ, xuất phát từ những chương trình bồi dưỡng giáo viên đã thực hiện từ trước đến nay, và bổ sung thêm một số ý kiến. Việc phân chia thành hai giai đoạn đào tạo (đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao hay thường xuyên) là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và cũng đã được tiến hành lâu nay. Chương 2 này có nhiều điều chỉnh hợp lý và bổ sung 1 phần nhỏ so với báo cáo tổng kết đã trình bày ở buổi nghiệm thu đề tài cấp cơ sở.
Báo cáo cho phép chúng ta có được một cái nhìn toàn cục về chủ trương chung đối với việc giảng dạy song ngữ tiếng Pháp ở Việt Nam trên bình diện cả nước, cũng như tình trạng giáo viên, sách giáo khoa, kết quả đào tạo, tình hình và hiệu quả của công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Pháp nói chung và của các lớp song ngữ nói riêng.
Một số khía cạnh theo tôi là chưa thật thuyết phục: (1) (tr.20) Trong phương pháp dạy kỹ năng Đọc hiểu-Viết, tác giả xác định: “Mối quan hệ được xây dựng với những hoạt động văn hoá trong khuôn khổ ngôn ngữ thứ hai thông qua các bài văn học hoặc tiểu luận”. Theo tôi, có nhiều cách tiếp cận với văn hoá nước ngoài hiệu quả và toàn diện hơn là thông qua văn học, bởi văn học không phải là thể hiện duy nhất của văn hoá và không phản ánh toàn bộ văn hoá, do đó bám vào văn học để tiếp cận văn hoá là lãng phí thời gian, công sức, là chọn con đường xa xôi, tốn kém, hiểm trở nhất, trừ phi đó là những lớp chuyên văn học. Ngoài ra, về nội dung văn học của các lớp song ngữ (tr.21-22), tác giả xác định: “Do trình độ lớp 12 cao hơn lớp 10, 11 nên học sinh phải đào sâu, phát triển các tác phẩm văn học của các trường phái văn học nổi tiếng của Pháp có ảnh hưởng đến cộng đồng Pháp ngữ”. Theo tôi, nếu thật sự các sách giáo khoa dạy cho hệ song ngữ Việt Nam được biên soạn theo định hướng chuyên văn học đó, thì quả thật cần phải xem xét lại bản thân định hướng sai lệch đó. (2) Đánh giá về kỹ năng ngôn ngữ và nghiệp vụ, tác giả khẳng định: “Nhìn chung, kiến thức ngôn ngữ của các giáo viên trẻ tốt hơn các giáo viên lớn tuổi vì từ lâu họ dạy tiếng Pháp ngoại ngữ 1 và không được theo học các khoá đào tạo ở trong nước và ngoài nước [..]”. Theo tôi, xét về kiến thức ngôn ngữ thì phần lớn các giáo viên lớn tuổi có trình độ vững vàng hơn so với các đồng nghiệp trẻ, nếu có khiếm khuyết thì chủ yếu là ở việc cập nhật các phương pháp, thao tác đứng lớp, mà các đồng nghiệp trẻ có dịp tiếp thu ở Đại học (mới đây) và trong các dịp bồi dưỡng nghiệp vụ. (3) Trong đề xuất về đào tạo ban đầu (ở Đại học), tác giả đề nghị (tr.36-37): “Một trong những biện pháp khắc phục sự khiếm khuyết về kiến thức phương pháp giảng dạy song ngữ là ngay từ đào tạo ban đều ở Đại học, sinh viên được học môn Phương pháp giảng dạy (PPGD) song ngữ do giảng viên Đại học phụ trách hoặc mời giáo viên phổ thông có kinh nghiệm về giảng dạy song ngữ đảm trách”. Tôi nghĩ rằng nếu mời giáo viên THPT tham gia đào tạo cho sinh viên, thì chỉ nên giới hạn ở phạm vi trao đổi thông tin, kinh nghiệm, bởi bản thân họ cũng phải thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ (mà chịu trách nhiệm giảng huấn lại chính là đội ngũ giảng viên Đại học, bản thân tôi cũng đã nhiều năm đảm nhận bồi dưỡng cho họ). Vì vậy họ không thể đơn thân đảm trách một cách hiệu quả môn Phương pháp giảng dạy song ngữ ở Đại học được, trừ phi có phối hợp giảng dạy với một giảng viên Đại học. (4) Trong việc chuyển ngữ các trích đoạn của Sigüan và Trézeux (tr.39, 42) tác giả vẫn chưa diễn đạt đúng ý nghĩa của nguyên bản tiếng Pháp. Cụ thể: «S’agissant des objectifs [...]; pour ce qui est de l’Europe, l’enseignement bilingue doit favoriser l’émergence d’une citoyenneté européenne» được dịch là «Liên quan đến mục đích (thay vì: ‘mục tiêu’ hay ‘mục tiêu giảng dạy’) [...]; với những gì liên quan đến Châu âu (thay vì: ‘trong trường hợp của (Cộng đồng) Châu Âu’) thì việc giảng dạy song ngữ cần tạo điều kiện để thể hiện tư cách công dân Châu âu».
Cuối cùng, ý nguyện của tác giả “mong cung cấp một số thông tin cần thiết cho các giáo viên song ngữ tương lai”, theo tôi là rất khiêm tốn, và tác giả đã đạt được ý nguyện đó một cách thoả đáng. Tuy vẫn còn những điểm có thể gây tranh cãi, nhưng theo tôi trong khoa học việc có nhiều ý kiến trái chiều là một thực tế và tranh luận là đều cần thiết. Báo cáo tổng kết đề tài này là một tư liệu đầy đủ, phong phú về nội dung, đáng tin cậy về mặt khoa học, có thể dùng làm tư liệu tham khảo không những cho sinh viên, mà còn cho cả giáo viên ngành Sư Phạm tiếng Pháp ở Đại học, những người đang tham gia đào tạo giáo viên cho các cấp phổ thông, đặc biệt là cho hệ song ngữ tiếng Pháp.
IV. Đánh giá chung:
- Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn
Đề tài đáp ứng một nhu cầu thực sự của trường THPT và phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của khoa Tiếng Pháp ĐH Sư Phạm Huế, nay là ĐH Ngoại Ngữ Huế.
- Tính khoa học
Kết quả nghiên cứu đề tài chứng tỏ tác giả có năng lực tốt trong tư duy, trong tổng hợp và phân tích, vận dụng tư liệu lý thuyết và nắm bắt thực tiễn, và có năng lực nghiên cứu tốt.
- Khả năng ứng dụng vào thực tiễn
Những đề xuất của đề tài là hoàn toàn có tính khả thi.
- Về hiệu quả kinh tế, giáo dục...
Nếu được áp dụng trong thực tế, những kết quả của đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần tích cực trong xây dựng mô hình đào tạo giáo viên song ngữ, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy / học tiếng Pháp song ngữ ở cấp THPT.
V. Những đề xuất:
Không có đề xuất gì, và cũng không có câu hỏi.
Đề nghị đưa ra Hội đồng khoa học để tổ chức nghiệm thu.
Xếp loại: Tốt.
Huế, ngày 20 tháng 2 năm 2007
Người nhận xét
Phạm thị Anh Nga
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire