Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...
(Tiếp theo)
Hai chị em Anh Đào và Thiên Tân làm việc ở nông trường thấm thoát được tròn một năm. Khi rời Hà Nội ra đi, họ nhận được bưu thiếp gửi từ miền Nam ra cho biết ông bà Văn Thành, các anh chị đều ổn cả. Thanh Thảo có lời hỏi thăm. Cô ấy rất buồn xa bạn. Cách đây vài hôm bác Thức chuyển cho Anh Đào thư ông Văn Thành từ Paris gửi về bằng đường bưu điện. Ông bà và cả nhà sang Paris làm việc, sinh sống nhờ ông Lévy bảo lãnh. Ông bà tiếp tục làm việc, các cô cậu thì học tiếp đại học bên đó. Thanh Thảo vào Nhạc viện Paris. Anh Đào đọc thư khi đang chân lấm tay bùn ngoài bờ ao nuôi cá rô phi. Cậu Thiên Tân thì dừng xe công nông lại cùng chị bàn luận vài câu, rồi mỗi người tiếp tục việc của mình.
Hai chị em được bác Trực, giám đốc nông trường yêu mến, kính nể. Bác nhận thấy người có học vấn học hỏi những điều mới nhanh hơn kẻ khác, họ còn lao động cần cù và có trách nhiệm cao, trái với giáo điều mà bác đã tiếp thu đâu đó. Chẳng bao lâu sau khi họ đến nông trường, bác Trực giao cho Anh Đào làm trưởng phòng kế hoạch, còn Thiên Tân thì phụ việc cho tổ cơ khí. Thiên Tân tìm kiếm sách vở, tìm hiểu thêm nghề nghiệp và nhanh chóng thành thợ lành nghề, hỏng cái gì là gọi anh ta đến chữa được ngay. Thiên Tân còn phụ trách hai lớp dạy bổ túc văn hoá cho công nhân nông trường, còn bản thân cậu thì đêm nào cũng đi năm cây số để học bổ túc văn hoá cho hết trung học. Nhờ thông minh nhanh nhẹn mà cậu nhảy lớp mấy lần, chỉ cần một năm là xong chương trình trung học, dự thi tốt nghiệp phổ thông với đám học sinh chính qui và đỗ vào loại cao.
Một hôm, giám đốc Trực cho gọi hai chị em lên ngay văn phòng có người cần gặp.
- Còn nhớ anh không? - người khách nói khi hai chị em rụt rè bước vào phòng.
- A, anh Tiến! – hai chị em reo lên cùng lúc.
- Anh cứ tưởng các em quên rồi. Hai năm rồi còn gì! Anh thành thực xin lỗi nhé!
- Lỗi gì mới được chứ? Anh Đào nói. Anh làm gì ở đâu trong suốt thời gian dài như thế? Anh vẫn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn thủ đô à?
- Ấy chết, bác Trực xen vào, Anh Đặng Tiến bây giờ là sư đoàn trưởng rồi, to lắm đó.
- Có quà cho các em đây! Đặng Tiến nói.
Thiên Tân đề nghị:
- Anh kể cho chúng em nghe làm sao mà anh lên to thế đi!
Chuyện của Đặng Tiến tuy li kì nhưng cũng ngắn gọn. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Tiến cùng đơn vị trong gần một năm trời tiếp quản các vùng còn lại theo đúng hiệp định Pháp-Việt. Nhờ thành tích xuất sắc mà Tiến lên cấp chỉ huy nhanh chóng. Tuần vừa rồi Tiến mới về Hà Nội để báo cáo công việc. Việc công xong xuôi, Tiến theo địa chỉ Anh Đào cho dạo trước mà lần đế tìm nhà hai chị em ở phố Đồn Thuỷ. Tiến chỉ gặp được mỗi bác Thức, ông già làm vườn cũ, hiện trông nhà cho hai chị em đi làm ở nông trường. Nghe bác Thức kể đầu đuôi sự tình, Tiến đùng đùng nổi giận, lệnh cho lái xe chở mình đến ngay phòng Tổ chức trường Y Khoa.
- Tôi đến đây vì trường hợp cô Anh Đào, chắc đồng chí còn nhớ? - Tiến vào đề như vậy trước mặt viên trưởng phòng tổ chức, người đã sắp xếp cho Anh Đào đi lao động ở nông trường.
- Vâng, tôi nhớ, thưa đồng chí sư trưởng. - Trưởng phòng đáp, không lộ sắc thái tình cảm gì.
- Đồng chí có nắm được hoàn cảnh cụ thể của cô ấy không và có biết cô ấy tham gia quân tiên phong vào thành phố như thế nào không?
Trưởng phòng bình tĩnh nói:
- Tôi biết vì hỏi cô ấy kĩ lắm trước khi quyết định gửi cô đi lao động ở nông trường.
Đặng Tiến cố kìm nén nỗi bất bình:
- Một người như vậy mà đồng chí không cho người ta học tập, lại buộc đi lao động cải tạo, thế hóa ra cách mạng vô ơn sao? Cách mạng không có tim có óc gì sao?
- Tôi biết đồng chí sẽ nói nhu thế. Nhiều vị còn to hơn đồng chí đến mắng tôi như tát nước vì một con em nhà trí thức tư sản bị từ chối vào đại học. Nhưng thưa đồng chí, tôi phải kiên định lập trường giai cấp.
- Lập trường thế nào? Hễ không phải thành phần cơ bản thì bịt hết cửa à? Văn bản đâu? Chủ trương đâu? Ai nói chuyện cấm đoán đó?
- Phải kiên định thôi, đồng chí ạ. Tôi có thằng cháu chăn trâu hôm qua suýt chết đuối khi đưa trâu qua suối nước lũ. Đồng chí có mủi lòng không? Đồng chí có tự mình về làng tôi hỏi thăm bố mẹ nó một câu không? Mà đồng chí cho việc tôi đưa Anh Đào đi lao động là thiếu tình cảm. Vậy ai đúng ai sai đây? Tình cảm như đồng chí để bọn tư sản địa chủ đời đời đè nén ta hay kiên định như tôi để tránh cho Đảng hậu hoạ khôn lường.
- Tôi chỉ là một anh lính, Đặng Tiến buồn bã nói. Tôi chỉ biết sống bằng lòng chung thuỷ và thương người. Thế thôi. Cái lập trường của đồng chí nghe đúng lắm, nhưng có chết tôi cũng không theo. Thôi chào đồng chí.
Đặng Tiến ngán ngẫm về nhà nghỉ bộ Quốc phòng, bỏ cả ăn trưa rồi chiều đó tức tốc đi nông trường Tân Sở vì còn được nghỉ phép thêm vài ba ngày nữa.
Giám đốc Trực và sư trưởng Tiến chuyện trò tâm đắc, nẩy ra sáng kiến kết nghĩa anh em đồng thời kí kết văn bản kết nghĩa giữa nông trường Tân Sở với sư đoàn do Tiến phụ trách. Tiến hứa sẽ hợp tác với nông trường đào tạo cán bộ cơ khí, hỗ trợ máy móc thiết bị về trồng trọt chăn nuôi. Về phía nông trường, giám đốc Trực hứa sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho bộ đội.
Việc kết nghĩa làm cho nông trường thay đổi ngoạn mục. Các đơn vị quân đội của Tiến giúp nông trường xây dựng hệ thống nước máy, vừa dùng để tưới cây vừa vệ sinh chuồng trại với năng suất cao. Tiến còn lắp đặt một trạm thuỷ điện nhỏ, thắp sáng nơi làm việc, nhà ở công nhân, hội trường, phòng thí nghiệm. Nhờ có điện mà ai cũng sắm máy thu thanh. Tiếng nhạc, tiếng ca văng vẳng đêm ngày. Sự việc vui vẻ như vậy được nửa năm thì thấy Tiến biệt tăm, không có tin tức gì. Giám đốc Trực cũng như chị em Anh Đào lo lắng, không biết thăm hỏi làm sao.
Bỗng một hôm Tiến lại ngồi xe com-măng-ca tiến về phía văn phòng nông trường. Chị em Anh Đào ngừng công việc chạy đến hỏi thăm tíu tít. Chuyện Đặng Tiến kể thực thú vị, ai nghe cũng thấy hồi hộp xen lẫn mừng vui.
Sau khi dự lễ khánh thành trạm thuỷ điện Tân Sở về được hai hôm thì Đặng Tiến được triệu tập khẩn cấp lên Tổng Cục Chính Trị có việc cần. Đích thân Tổng cục trưởng, một vị chỉ huy quân đội tính tình giản dị, chan hoà với mọi người nhưng rất nghiêm khắc với kẻ nào lôi thôi về đạo đức. Ông đã từng giáng cấp, cho đi cải tạo lao động một vị chỉ huy vì lăng nhăng bồ bịch mà bỏ rơi vợ con ở quê, một vị khác đi xem bói, một vị thứ ba đi nhảy đầm. Ông lạnh lùng bắt tay Đặng Tiến rồi đi thẳng vào đề:
- Mời ngồi. Có thư tố cáo cậu lăng nhăng với con cái tư sản. Cậu chớ thanh minh dài dòng. Nếu có thì nói có rồi cởi bỏ quân phục mà về đạp xích lô nuôi vợ con. Nếu không thì nói không rồi mình sẽ hỏi thêm vài câu. Thế thôi.
Đặng Tiến đã có linh tính mách bảo nên đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:
- Không, thưa anh.
- Cậu nói sao?
- Không, thưa anh.
- Mình cũng tin như vậy. Người như cậu mình biết chứ, mình có mù đâu. Bây giờ nói rõ đi.
- Anh còn nhớ anh giao cho đơn vị tôi tiến về thủ đô hôm đó và tiếp quản một loạt đồn bốt Tây dọc đường không? Đặng Tiến thong thả nói.
- Làm sao quên được?
- Anh quên một điều: tiếp quản tức là phải nói chuyện với Tây vì lúc đó đồn nào cũng chỉ còn Tây trắng, Tây đen và Tây Ả rập. Bọn lính Việt đào ngũ hết trọi.
- À, nhớ ra rồi. Đáng ra phải phái đến cho cậu vài tay phiên dịch. Thế cậu xoay xở ra sao?
- Tôi đang lúng túng thì dân chúng báo cho biết có một cô gái và một cu cậu người Hà Nội vừa ra vùng kháng chiến muốn đóng góp công sức cho sự nghiệp giái phóng Hà Nội. Cô gái tên là Anh Đào, cậu con trai tên là Thiên Tân…
- Chà, toàn là những cái tên đượm mùi tư sản. Nhưng rồi sao?
- Nhờ có hai chị em đó mà công việc quá thuận lợi. Đoàn quân ta đến bốt Tây đầu tiên, thấy hai hàng lính bồng súng nghiêm chỉnh chào đón. Tôi và Anh Đào bước lên trước, đồn trưởng Tây chào theo kiểu nhà binh rồi nói một hồi dài.
- Nói những gì?
- Đại loại họ chấp hành các điều khoản nghiêm chỉnh, thả hết tù binh, tù nhân và dân phu họ bắt từ trước để lao dịch cho họ. Họ nói họ đem khí giới đi còn các thứ khác thì để lại hết. Bên ta, Anh Đào cũng làm một bài dài do tôi gợi ý trước, giọng sang sảng như chuông khiến Tây lắc đầu lè lưỡi thán phục. Rồi làm lễ hạ cờ Tây, thượng cờ ta, nghiêm chỉnh lắm.
Tổng cục trưởng gật gù:
- Nghe cậu nói mà mình thấy vô cùng phấn chấn. Có đám chụp hình quay phim nào đi theo cậu không?
- Dứt khoát là có rồi. Tôi nghĩ đến việc ấy đầu tiên.
- Phải cho thế giới biết Việt Minh là thế đó: là một cô gái nói sang sảng như chuông chứ đâu phải là đám mọi rợ cù lần như tuyên truyền thực dân ra rả mấy năm qua.
Đặng Tiến nói tiếp:
- Rồi đoàn xe của Tây đi trước, mình chờ nó đi hơn trăm mét mới đi theo đến đồn khác. Lại diễn ra bài nói sang sảng của Anh Đào. Cứ mỗi đồn tôi để lại một tiểu đội đóng giữ chờ lệnh mới.
- Anh Đào nói những gì mà dài thế? -Tổng cục trưởng tò mò hỏi.
- Nói mỗi nơi một khác chứ không phải bài chuẩn bị thuộc lòng đâu. Nơi nào nghiêm chỉnh đón tiếp, thực hiện hiệp định đúng đắn thì cô ta khen để động viên họ tiếp tục nghiêm chỉnh. Nơi nào có phần luộm thuộm thì cô ta nhắc nhở. Nhưng bất cứ nơi nào cô cũng nói một câu mà bọn sĩ quan binh lính rất hoan hỉ, có đứa vui mừng quá hô to bằng tiếng Việt :Việt Nam muôn năm!”.
- Câu gì thế?
- Cô nói với họ: bây giờ hòa bình rồi, chúng ta là bạn bè với nhau. Nhân dân Việt Nam không thù oán gì các bạn cả, ngược lại coi các bạn là anh em trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, độc lập và bình đẳng dân tộc.
- Câu ấy cậu gà hay cô ta tự nghĩ ra?
- Em có trao đổi qua loa. Cô ấy thêm thắt cho hay.
- Tuyệt lắm, mình cũng thấy phục các cậu.
Ông suy nghĩ một lúc rồi như sực nhớ ra:
- Khi về Hà Nội hai chị em chia tay các cậu à?
- Tôi cấp cho họ giấy xác nhận đã tham gia đoàn quân tiếp quản và có đóng góp xuất sắc, mong họ được chính quyền mói đối xử tử tế.
- Gia đình họ ra sao?
- Đi Nam cả. Họ trốn cha mẹ để ở lại miền Bắc.
- Gia đình đó phải là gia đình tốt, cậu có biết tại sao họ đi không?
Đặng Tiến tần ngần một lúc rồi mới nói:
- Thiên Tân có tâm sự. Anh Đào thì không. Thiên Tân cho biết ông cụ định ở lại với cách mạng, vả lại cả đời ông gắn bó với bảo tàng. Nhưng hôm tiếp quản, trưởng phái đoàn ta muốn cụ cho biết Tây có gian dối gì không. Cụ bảo ông giám đốc là một thứ Yersin trong nghệ thuật, hết lòng vì xứ sở này. Trưởng phái đoàn ta không tin, nói rằng đã là thực dân thì ai cũng gian dối cả. Ông cụ buồn thấy tình hình khó sống với định kiến ấy. Ông đành ra đi.
Tổng cục trưởng cười buồn bã:
- Cậu thấy chưa? Trí thức là thế đó. Họ coi trọng chi tiết hơn tổng thể. Họ chỉ nhìn cách mạng qua cái ông trưởng đoàn vụng về kia mà suy ra cái chung. Cậu nên lấy đó làm kinh nghiệm. Đối xử với trí thức y hệt chuyện dỗ con nít, phải hết sức tế nhị, nhẹ nhàng. Vụng về một tí là đi toi. Thế là ta mất một chuyên gia bảo tàng danh tiếng. Còn hai chị em kia, cậu có biết họ làm gì sau này không?
- Cậu em học tiếp phổ thông trung học, cô chị thi vào Y Khoa đỗ thủ khoa nhưng bị loại vì lí lịch.
- Cậu nói sao? Bị loại à? Chẳng nhẽ trường đại học cứng nhắc vậy sao? Cậu ở đâu mà không can thiệp cho người ta?
Đặng Tiến thở dài ngán ngẩm:
- Tôi vì công việc mãi hai năm sau mới về Hà Nội. Biết chuyện tôi đến gặp ông trưởng phòng tổ chức Y Khoa. Không được gì anh ạ.
Tổng cục trưởng ngạc nhiên:
- Khó đến thế cơ à? Để mình xem, lúc nào rảnh…
- Không được đâu - Đặng Tiến khoát tay – Tôi nghĩ nếu Staline mà sống lại chưa chắc thuyết phục được ông ấy. Tôi đã từng gặp gian nguy nhưng không hề sợ hãi. Vậy mà ngồi trước mặt ông ấy tôi thấy ớn lạnh cả người.
Tổng cục trưởng trầm ngâm:
- Hoá ra trong Đảng có những phần tử ghê gớm như vậy. May mà hắn không làm thủ trưởng của mình.
- Nhưng ông ta là người tốt bụng anh ạ.
- Cậu nói gì kì thế? Vừa cứng nhắc vừa tốt bụng, nghe khó tin quá.
- Nhưng đó là sự thực. Tay trưởng phòng cho rằng lao động là phương thuốc tốt cho tương lai của Anh Đào. Ông ta suy nghĩ đến mấy ngày rồi mới tìm ra cách thuyết phục Anh Đào về làm việc cho nông trường. Anh còn nhớ anh Trực, chỉ huy pháo binh không?
- Có. Mà sao?
- Trực hiện là giám đốc nông trường Tân Sở, nơi Anh Đào làm việc. Trưởng phòng tổ chức phó thác Anh Đào cho Trực, tôi nghĩ cũng hay.
Tổng cục trưởng đứng dậy:
- Thế là mình hiểu rồi. Cậu vì chị em Anh Đào mà giúp đỡ nhiều cho nông trường của Trực. Nhưng nhớ phải vô tư đấy. Tuyệt đối không được lấy của công mà ban phát vô nguyên tắc. Tình cảm là tình cảm, tài chính là tài chính, cậu hiểu chưa? Việc của cậu thế là ổn với tổng cục. Nhưng cậu còn phải mất thời gian làm việc cho nội bộ thông hiểu. Chính nội bộ có vấn đề.
Đặng Tiến đi được vài bước thì tổng cục trưởng gọi giật lại:
- Cậu điện ngay cho đơn vị đem xe tải đến khuân một ít sách của mình về tặng nông trường. Mình nhiều sách lắm. Nhà xuất bản nào cũng biếu sách họ in, để đầy phòng mà không có thì giờ đọc. Cậu hiểu là mình tặng chị em Anh Đào đó.
- Thưa anh, rõ.
Bác sỹ - Phó Giám đốc phụ trách đời sống.
Khoảng cuối năm 49 đầu năm 50 của thế kỉ trước, bác sỹ Đoàn Chuyên, một bác sỹ ngoại khoa có tiếng, nâng cấp phòng mạch tư của mình thành một bệnh viện tư có tầm cỡ. Thoạt tiên chỉ có khoa Ngoại do chính bác sỹ Chuyên phụ trách với chừng hai mươi giường bệnh. Sau đó, con đầu của bác sỹ Chuyên là Đoàn Tuấn, tốt nghiệp y khoa ở Thuỵ Sỹ ngành Tim mạch giúp cha mở khoa Tim mạch. Chẳng bao lâu sau, Tuấn rủ bạn cùng tốt nghiệp ở Thuỵ sỹ mở khoa Da liễu. Bà Đoàn Chuyên, tuy chỉ là dược sỹ nhưng cũng xoay xở mở một khoa Sản từ thiện, do Nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế tài trợ. Tất cả bệnh viện có khoảng trăm giường bệnh. Vốn liếng xây dựng bệnh viện trước hết là của tích luỹ qua bao năm mở phòng mạch của bác sỹ Chuyên. Ngoài ra còn có cổ phần của ba bốn người Hoa, bạn gần gũi của gia đình. Những khoản tiền đóng góp của thân hữu hay tổ chức hội đoàn thường chỉ dùng cho việc chữa bệnh từ thiện. Bệnh viện nổi tiếng trước hết là nhờ những việc làm từ thiện không những trong phạm vi thành phố mà còn lan đến các tỉnh lân cận, thậm chí đến cả các xứ Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, nguyên tắc hoạt động nghiêm khắc do bác sỹ Chuyên đề xướng là thầy thuốc chỉ biết đến chất lượng chữa trị, không nghĩ đến tiền bạc, không suy nghĩ về tiền bạc. Thực ra nguyên tắc nghiêm ngặt đó chỉ cho phép bệnh viện sống được vài năm là cùng. Nhưng bà Đoàn Chuyên vốn con nhà doanh nghiệp, biết cách điều hoà các mâu thuẫn tưởng như không điều hoà được mà giữ cho bệnh viện vừa sống khoẻ vừa có tiếng tăm.
Khi nghe tin quân Pháp sắp rút khỏi Hà Nội và quân cách mạng vào tiếp quản thành phố, ý nghĩ đầu tiên của bác sỹ Chuyên là sẽ ở lại với cách mạng. Những thầy thuốc danh tiếng của cả Đông Dương, vốn là bạn bè thân mật của ông, đều tham gia kháng chiến. Nay họ trở về chắc việc hợp tác sẽ vô cùng thuận lợi. Nghe tên Đoàn Chuyên, thậm chí một anh bộ đội tầm thường cũng kính nể huống chi cấp chỉ huy của họ? Một sự việc bất ngờ xảy ra làm hoàn cảnh đột nhiên thay đổi. Sau khi hiệp định Genève được kí kết, một số người Hoa ở Hà Nội không biết xoay xở cách nào mà về thăm được Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu bên Trung Quốc. Họ quan sát cuộc sống bên đó dưới chế độ mới, tìm hiểu tâm tư tình cảm bạn bè, người thân và đi đến kết luận là không thể tiếp tục cuộc sống bình thường của họ trong chế độ mới, dầu ở Trung Hoa hay ở Việt Nam. Bạn bè, người thân của họ đều khuyên họ di cư vào Nam, trong đó có đến một triệu người Hoa làm ăn thịnh vượng bao đời nay. Trước ngày họ vào Nam, họ đến chào bác sỹ Chuyên và cũng thành thực khuyên nên suy nghĩ cho kỹ trước tình hình mới.
- Các vị nói là không làm ăn được gì hết à? – Bác sỹ Chuyên nửa tin nửa ngờ hỏi.
- Không.
- Hiệu thuốc, phòng mạch… dẹp hết cả à?
- Đúng thế.
- Vậy người dân lấy gì mà sống? Bác sỹ Chuyên vẫn cố gặng hỏi cho ra lẽ.
- Họ vẫn sống chứ sao? Thậm chí sống tốt hơn xưa nếu họ thuộc tầng lớp dưới.
- Lấy gì mà sống?
- Mọi người làm việc cho nhà nước, thế thôi. Trước đây anh có hiệu thuốc tư, nay vẫn hiệu thuốc đó nhưng anh là nhân viên. Trước đây anh cắt tóc ngoài phố, nay anh vẫn cắt tóc, có điều anh phải ngồi một chỗ do hợp tác xã qui định, khách trả tiền cho một thu ngân, buổi chiều anh về người ta phát cho anh tiền công trong ngày.
- Có lẽ tôi suy nghĩ thêm. Chúc các vị thượng lộ bình an.
Sau đó vài hôm, cả gia đình bác sỹ Chuyên di cư vào Nam, riêng bác sỹ Tuấn còn độc thân muốn ở lại xem thời cuộc ra sao.
Tuấn giải thích quyết định của mình cho bạn bè nghe:
- Mình vốn thích phiêu lưu, nay có dịp may làm sao lại bỏ lỡ?
Cuộc phiêu lưu của bác sỹ Tuấn không xảy ra li kì như anh tưởng tượng. Vì tình hình chưa ổn định, bệnh viện tư Đoàn Chuyên đóng cửa chờ đợi. Tuấn tranh thủ đi đây đó về các tỉnh lẻ thăm bạn bè, quan sát đất nước hoà bình. Khoảng tháng giêng năm 1955, Tuấn được ban cải tạo công thương của thành phố mời đến làm việc. Họ giải thích cho anh rõ qui chế mới của bệnh viện:
- Bây giờ là bệnh viện công tư hợp doanh, cán bộ tiếp bác sỹ Tuấn nói. Lẽ ra trong chế độ mới không tồn tại bệnh viện tư cũng như trường học tư. Những thứ này thuộc địa hạt cực kỳ quan trọng. Mà đã cực kỳ quan trọng thì phải do nhà nước nắm giữ. Tuy vậy, cấp trên muốn duy trì danh tiếng của bệnh viện cũ nên không quốc hữu hoá hoàn toàn mà cho công tư hợp doanh. Đã có quyết định cử ông làm phó giám đốc bệnh viện, còn giám đốc là người của Bộ Y tế. Đội ngũ nhân viên vẫn lưu dụng như thường.
- Hình như họ di cư hết rồi, bác sỹ Tuấn nói.
- Thế thì giám đốc mới sẽ tuyển dụng người khác. Việc ấy bác sỹ không phải lo.
- Tôi chỉ muốn làm chuyên môn thôi, trên nên cử phó giám đốc khác.
- Đâu được! Văn bản qui định rõ: chủ nhân cũ của xí nghiệp làm phó giám đốc, các chức danh trưởng cũ thành chức danh phó. Chẳng hạn nếu còn khoa trưởng nào ở lại thì sẽ là phó khoa. Vậy nhé!
Từ đó Tuấn làm phó giám đốc của bệnh viện mình, được chia một phòng nhỏ tầng trệt vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ngủ, có cửa sổ trông ra một cái vườn khá rộng. Văn phòng của bác sỹ Chuyên nay là văn phòng của giám đốc mới, một người Tuấn chưa hề quen biết nhưng cũng nhã nhặn, đôi khi rụt rè mặc cảm cho rằng mình ngồi vào chỗ của người khác. Giám đốc mới muốn hợp tác chặt chẽ với Tuấn về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng có lẽ qui chế ngăn cấm nên phải lãng tránh. Tuấn cũng biết thân phận dành cho mình nên không làm gì ngoài “phó giám đốc đời sống”, nghĩa là chỉ lo chuyện giao dịch mua lương thực, thực phẩm cho bệnh viện, cuốc đất trồng rau xanh trong vườn, nuôi lợn, gà, thỏ trong các chuồng xây tạm dọc bờ rào. Nghe nói đâu có nguồn thực phẩm gì là Tuấn đến quan sát, thương thảo, mua bán, đổi chác. Anh cũng không biết mình thành một thương lái tự lúc nào.
Một hôm Tuấn tình cờ gặp bác Thức ở chợ Đồng Xuân khi Tuấn đang thương lượng mua một chục kí đậu tương về làm sữa đậu nành cho bệnh nhân. Bác sỹ Đoàn Chuyên, cha của Tuấn vốn là bạn thân của ông bà Văn Thành. Khi ông bà Văn Thành hay con cái trong nhà đau ốm, ông Chuyên tự tay chữa cho họ. Tuấn vẫn lui tới chơi nhà và thân với chị Hồng Hà, người cùng tuổi và học trung học cùng nhau. Nghe chuyện bác Thức kể về Anh Đào và Thiên Tân, Tuấn nghĩ ngay đến chuyện sắp xếp công việc để đi thăm hai chị em vào ngày chủ nhật tới.
Chuyến thăm của Tuấn đem lại những kết quả không ngờ. Trước hết là nông trường và bệnh viện của Tuấn sẽ kết nghĩa, hợp tác nhiều mặt. Bệnh viện sẽ cử những đoàn công tác thường xuyên đến nông trường chăm lo sức khoẻ cho công nhân. Nông trường sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cần thiết cho bệnh viện và cùng nghiên cứu, sản xuất một số dược liệu thông dụng. Nhưng điều đáng kể nhất là Tuấn và Anh Đào, chưa ai nói điều gì, nhưng hiểu ngầm là họ sẽ thành bạn trăm năm. Khi Tuấn hỏi đùa sao Anh Đào quá kén chọn mà chưa chịu sống với ai thì Anh Đào cười thực thà:
- Em vì lí lịch quá tồi nên ai cũng lãng tránh. Biết làm sao được?
Về nhà được vài hôm, Tuấn gửi cho Anh Đào bức thư ngắn: “Anh cảm thấy số phận dành cho chúng ta cơ hội trở nên đôi lứa. Nếu em cũng thấy như vậy thì viết cho anh vài chữ. Một điều làm anh băn khoăn là anh hơn em những mười tuổi…”. Anh Đào trả lời ngay: ”Đồng ý”. Mấy tháng sau, họ làm lễ cưới tại nông trường, trong không khí cực kì vui vẻ đầm ấm. Anh Đào vẫn tiếp tục công việc của mình ở nông trường, Tuấn vẫn làm phó giám đốc đời sống ở bệnh viện. Điều mới là chủ nhật nào Tuấn cũng về nông trường, khi có việc công thì ở lại lâu hơn. Họ được nông trường làm cho một ngôi nhà nhỏ bé nhưng xinh xắn gần bờ suối. Ôi hai quả tim vàng bên bờ suối! Ai đến thăm họ đều thốt lên như vậy.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire