lundi 10 janvier 2011

«Người Hà Nội» 1 (Trương Quang Đệ)

Le présent texte figure dans la rubrique «Fenêtre», rubrique consacrée à ceux et à celles qui souhaiteraient y laisser quelques-unes de leurs traces...
Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...



Hai chị em



Vào khoảng tháng mười năm 1954, hơn một tuần lễ trước khi quân Pháp rút khỏi thủ đô, ông Văn Thành từ công sở về nhà, dáng người mệt mỏi. Từ hơn hai mươi năm nay, ông làm phụ tá cho một học giả người Pháp, ông André Lévy, phụ trách bảo tàng nghệ thuật phương Đông tại Hà Nội. Ông Văn Thành ở cùng vợ và mấy người con trong một biệt thự nhỏ có hai lầu và một gác xép tại ngã bảy nhà thương Đồn Thuỷ gần đê sông Hồng Hà. Bao quanh biệt thự là mộ cái vườn trồng cây theo kiểu Nhật, có hàng rào chắc chắn bao quanh làm chỗ cho các thứ cây leo bao phủ, đến mùa hoa khoe sắc rực rỡ. Trong vườn có hồ nước, bể cá vàng, cầu gỗ và những cây tùng lùn vùng ôn đới. Đó là một gia đình điển hình cho từng lớp khá giả ở Hà Nội, nhưng không ai tỏ ra đài các mà còn vui vẻ thân mật với mọi người. Ông Văn Thành năm đó gần sáu mươi tuổi, bà vợ cũng xấp xỉ tuổi ông. Bà vốn đỗ tú tài triết, biết các thứ tiếng cổ như La Tinh, Hy Lạp và Do Thái. Nhưng qua nhiều năm theo chồng đi đây đó để tìm hiểu nghệ thuật phương Đông, bà không dùng đến các cổ ngữ nói trên nữa. Ngược lại, bà nhờ chồng và cả ông Lévy dạy cho biết thêm chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn, chữ Khmer…để giúp các ông này xếp loại, đánh giá các cổ vật phương Đông tìm thấy. Ông bà Văn Thành có nhiều con. Đó là Lê thị Hồng Hà, sinh tại Hà nội, hiện theo học Đại học Văn Khoa; Lê Vĩnh Chân, có tên như vậy vì sinh ở Vientiane bên Lào, hiện học Đại học Khoa Học; Lê thị Hương Giang, sinh tại Huế, hiện là sinh viên ngành hoá học; Lê thị Anh Đào, sinh tại Nhật Bản vào mùa hoa anh đào, học xong trường Albert Sarraut năm đó và đỗ tú tài sinh ngữ; cậu út là Lê Thiên Tân, sinh tại Thiên Tân bên Trung Hoa, hiện đang học Albert Sarraut đầu cấp trung học chuyên khoa.


Bà Văn Thành định gọi chồng ra ăn trưa thì ông khoát tay ngăn lại, hỏi khẽ:


- Bọn trẻ không có nhà à?


- Chẳng biết chúng đi đâu, có lẽ sang nhà bác Phước nghe thời sự.


Ông Văn Thành nhìn quanh rồi nói:


- Thế càng hay. Tôi định bàn với mình một chuyện hệ trọng. Như mình biết, trước đây tôi có ý định ở lại Hà Nội, ở lại miền Bắc để làm việc cho cách mạng , cho anh em kháng chiến…


- Thế mình định đi sao? Bà vợ ngắt lời, mặt tái đi.


- Bà bình tĩnh nghe tôi nói đã. Ông Văn Thành mệt mỏi nói rồi lo lắng nhìn vợ như sắp làm một điều lỗi lầm nghiêm trọng.


Rồi ông thong thả kể lại chuyện ông tiếp xúc với phái đoàn kháng chiến sáng nay khi họ đến nhận bàn giao bảo tàng. Dẫn đầu đoàn là hoạ sỹ Nhật Tín, bạn cũ thời Mỹ thuật Đông Dương của ông Văn Thành. Phía bảo tàng có ông André Lévy, ông Văn Thành và vài ba công tác viên khác. Buổi bàn giao diễn ra êm thấm, ôn hoà. Ông Lévy trả lời thẳng thắn những câu hỏi của phía kháng chiến, có những cổ vật hiện các nơi khác mượn thì ông hứa sẽ đòi trả lại sớm, còn những thứ mượn tạm nơi khác để trưng bày thì ông yêu cầu bên tiếp quản sẽ trả cho chủ sở hữu đúng hạn. Ông Nhật Tín, trưởng phái đoàn kháng chiến, hứa sẽ tôn trọng những chủ sở hữu đồ vật cho mượn, chủ yếu đối với ngoại quốc. Còn nếu chủ sở hữu là người Việt Nam, dầu ở trong Nam hay ngoài Bắc, ông sẽ thương lượng để họ tự nguyện hiến cho Nhà nước. Ông Lévy tỏ ra đồng tình với suy nghĩ đó và chúc phái đoàn kháng chiến bào quản tốt tài sản quốc gia, những gì mà ông và các cộng sự suốt đời thu nhặt, sưu tầm, xếp loại chu đáo.


Trong suốt buồi thảo luận, hoạ sỹ Nhật Tín làm như không nhìn thấy ông Văn Thành. Các người đi theo Nhật Tín còn rất trẻ, họ chắc không biết là Văn Thành và Nhật Tín vốn là bạn tri kỉ. Sau buổi làm việc, khi ông Văn Thành còn đứng ngẫm nghĩ gì đó ngoài hành lang vắng của bảo tàng, Nhật Tín một mình nhẹ nhàng đi tới.


- Anh chị mạnh khoẻ chứ? Các cháu ra sao rồi?


- Cám ơn anh. Nhà tôi vẫn nhắc đến anh. Các cháu học hành làm việc bình thường. - Ông Văn Thành đáp.


Nhật Tín nói tiếp:


- Chắc anh chị và các cháu ở lại với chúng tôi chứ?


- Chúng tôi đã bàn bạc và cũng định như thế. Anh biết tôi và nhà tôi gắn bó cả đời với bảo tàng này…


- Tốt lắm…


Rồi Nhật Tín nói nhỏ đủ để Văn Thành nghe:


- Anh cố nhớ cho kỹ bọn Tây cất giấu cổ vật ở đâu, như thế nào… Cách mạng sẽ không quên công anh đâu.


Ông Văn Thành ngạc nhiên, lặng người đi một lúc rồi mới nói nên lời:


- Tôi nghĩ anh biết tính ông Lévy chứ? Cả đời ông chỉ biết Việt Nam, không nhớ ông là người Pháp nữa. Ông ấy không biết dối trá đâu!


- Tin sao được? Đã là thực dân thì vơ vét thuộc địa là đương nhiên… Lá ngọc cành vàng của vua chúa ở Huế chẳng phải bị đem về chính quốc đó sao?


- Nhưng người ta vẫn coi Lévy là một Yersin của nghệ thuật… Anh tin tôi đi.


Nhật Tín suy nghĩ một lúc rồi như nói một mình:


- Yersin…Ừ Yersin…Lãnh đạo nói là sẽ đổi hết tên cho đường phố Hà Nội nào còn tên Tây…trừ Yersin và Pasteur… Quả có thế thật. Thôi chào anh. Hẹn gặp nhau ngày mai.


Chuyện là như thế đó. Bà Văn Thành vốn thông minh sắc sảo nên không chờ ông giải thích gì thêm, vội chạy đi tìm các con về nhà gấp trong lúc ông Văn Thành ngồi ăn một mình, miệng đắng khó nuốt trôi miếng cơm đã nguội.


Một giờ sau khi các cô cậu đã tề tựu đông đủ, ông Văn Thành nói:


- Ba me gọi các con về để bàn chuyện ta nên đi hay nên ở lại…


Anh Đào cắt lời cha:


- Thấy ba me quyết tâm ở lại rồi kia mà?


- Để ba nói hết đã. Ông Văn Thành nhìn Anh Đào vừa thương yêu vừa nghiêm nghị. Hôm nay ba vừa tiếp xúc với phái đoàn kháng chiến do bác Nhật Tín dẫn đầu…


- Ba à, bác Nhật Tín là ai thế? Thiên Tân khẽ hỏi.


- Con không biết đâu nhưng bác ấy còn nhớ con đó. Khi bác ấy ra chiến khu, con vừa lên ba tuổi. Giờ hẵng nghe ba nói cho hết đã rồi đứa nào muốn nói gì thì nói. Bác Tín sẽ thay ông Lévy phụ trách bảo tàng. Thoạt tiên ba mừng lắm, nghĩ là sẽ được tiếp tục công việc với người anh em. Nhưng rồi ba thấy bác ấy đầu óc đầy định kiến, suy nghĩ thiếu khoan dung, đặc biệt là không tin người, không tin ai cả. Như vậy ba me sẽ không có cơ hội làm việc tiếp tực, sẽ bị sa thải mà thôi. Lấy gì mà sống khi các con chưa ai có công ăn việc làm rõ ràng. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai khiến ta phải đi là vì Hồng Hà, Vĩnh Chân và Hương Giang…


- Chúng con làm gì cũng được mà, kể cả cày cấy… Hồng Hà nói.


- Nghĩ vậy thôi chứ việc đời phức tạp lắm. Các con đang học dở đại học mà rồi đây hệ thống đại học không còn như trước nữa. Sinh viên và các giáo sư di tản gần hết, còn lớp đâu? Hệ thống mới khác lắm, người ta nói vậy. Các con phải bắt đầu lại từ đầu, chẳng biết tương lai ra sao. Nghe nói đất nước chỉ phân chia có hai năm, đến khi thống nhất thì các con đã ổn định công việc rồi, đúng không?


Mọi người yên lặng suy nghĩ trước bài toán cuộc đời hắc búa chưa hề thấy. Bỗng Thiên Tân lên tiếng:


- Chị Đào và con thì không vướng gì hết, chúng con ở lại được chứ?...


Bà Văn Thành hoảng hốt:


- Con nói thế mà nghe được sao? Ba me không có hai con thì thà chết còn hơn. Con phải biết thương ba me chứ?


Ông Văn Thành nhìn Thiên Tân âu yếm nói:


- Ba biết con sớm có tình yêu đất nước và ba me tự hào về điều đó. Ba biết con và Anh Đào mở máy thu thanh nghe đài kháng chiến suốt đêm. Ừ giá các con không có ba me phải lo thì cứ làm điều gì mình thích. Nam nhi hồ thỉ…mà nữ cũng thế chứ sao. Tuỳ các con, ba me…


Bà Văn Thành oà khóc:


- Thế thì ông đi còn tôi ở lại với chúng nó!


- Thôi ba đi nghỉ đây. Ông Văn Thành tuyên bố.


* *

*


Khoảng tám giờ sáng ngày 8 tháng 10 năm 1954 khi cả nhà chuẩn bị đầy đủ hành lí để lên đường đi Hải Phòng lên tàu thuỷ vào Nam thì có người đưa cho ông Văn Thành một mẩu giấy nhỏ. Đó là thư của Anh Đào và Thiên Tân báo cho gia đình biết hai chị em đã từ đêm khuya chạy ra vùng kháng chiến, trú tại nhà một người quen có chút bà con xa với bà Văn Thành. Thời còn là hướng đạo sinh, Anh Đào từng đến nhà người quen này nhiều lần. Trong tình huống cấp bách đó, gia đình Văn Thành buộc phải chia thành hai mảng, hy vọng mơ hồ hai năm sau sẽ đoàn tụ.


Vào Sài Gòn một thời gian, cả nhà ông Văn Thành được ông Lévy bảo lãnh sang Pháp. Ông bà tiếp tục làm việc cùng ông Lévy ở bảo tàng Albert Kahn, gần rừng Boulogne. Ba người con được sắp xếp tiếp tục học tại các đại học Paris. Nhờ học giỏi, họ nhanh chóng nhận được học bổng đi tiếp tục nghiên cưu và học thêm ở Anh, Tây Đức và Mỹ. Sau này Hồng Hà trở thành trợ lý cho Tổng Giám đốc UNESCO, Vĩnh Chân có vai vế trong ngành xây dựng cảng hàng không, Hương Giang thì không theo ngành hoá nữa mà theo học ngành báo chí, đã đi tu nghiệp và tác nghiệp nhiều nơi ở châu Âu, châu Phi. Hiện cô đang chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ quốc gia về đề tài “quyền lực báo chí trong xã hội hiện đại” ở Đại học Lille III. Đối với những người này số phận coi như được định đoạt hợp lý và đơn giản. Sau này ta sẽ có dịp nói tới họ.


Anh Đào và Thiên Tân thì cuộc đời không được suôn sẻ như các anh chị kia. Khi ra đến vùng kháng chiến, người bà con dẫn hai chị em đến trình diện chính quyền địa phương. Các vị chính quyền hoan nghênh tinh thần yêu nước của hai chị em và hứa sẽ tìm việc làm thích hợp cho họ một cách nhanh chóng. Tạm thời họ cứ ở lại nhà bà con và tham gia những việc vặt như viết khẩu hiệu, tập hát những bài ca kháng chiến, dự các buổi mít tinh chào mừng giải phóng miền Bắc, chào mừng hoà bình lập lại trên toàn đất nước…


Hai chị em không ngờ là chỉ một ngày sau đó họ được triệu tập khẩn cấp đến trụ sở chính quyền xã. Một viên chỉ huy quân kháng chiến rất trẻ, nghe đâu giữ chức tiểu đoàn trưởng (dạo ấy quân đội cách mạng chưa có quân hàm) tiếp hai chị em rất niềm nở. Anh nói:


- Chúng tôi gặp cô và chú đây như bắt được vàng vậy. Sáng mai, tiểu đoàn tôi đi đầu đoàn quân tiến về Hà nội… Anh ngừng lại và hát: Trùng trùng quân đi như sóng…; Thiến Tân hoà theo: Lớp lớp đoàn quân tiến về


Họ cười vang , ôm nhau thắm thiết. Không khí chiến thắng thật làm xúc động lòng người. Tiểu đoàn trưởng nói tiếp khi không khí rạo rực đã dịu đi phần nào:


- Tiểu đoàn của tôi phải tiếp quản lần lượt từng bốt Tây trên đường đi. Ta phải nói tiếng Pháp với họ. Cô chú hiểu chưa? Việc của cô chú là vậy, tức là giúp một tay trong việc phiên dịch. Tôi nói được tiếng Pháp, nói kém thôi nhưng nói được. Còn anh em khác thì chịu. Cô chú giúp họ một tay!


Hai chị em mỗi người nhận một bộ quân phục kháng chiến màu xanh lá mạ, rộng thùng thình phải nhờ chủ nhà chữa lại cho vừa, hai cái mũ cối vừa để đội lên đầu nhưng khi cần có thể làm đòn ngồi. Mỗi người được phân ngay về sống với một đại đội.


Mọi việc diễn ra suôn sẻ trên đường về thủ đô. Cờ xí ngất trời, nước mắt tuôn trào, lòng người phấn chấn, nét mặt ai cũng rạng rỡ pha đôi chút lo âu không rõ vì sao. Những người quen biết hai chị em đứng bên đường ngơ ngác thấy họ đứng oai nghiêm trên các xe chỉ huy. Đến cửa ô chợ Dừa một bà cụ rẽ đám đông xông tới nắm chặt tay Anh Đào và khóc nức nở:


- Cháu đi kháng chiến mà con Thanh Thảo nhà bà tưởng cháu đã vào Nam rồi! Cái con lú lẫn thiệt. Hắn vào Nam tìm cháu đó…Giá hắn biết cháu oai phong thế này thì hắn ở lại đây rồi!


Anh Đào giài thích cho viên chỉ huy biết Thanh Thảo là bạn thân của Anh Đào suốt thời tiểu học đến trung học còn bà cụ đây là bà ngoại cô ấy. Anh Đào ra vùng kháng chiến mà không báo cho Thanh Thảo biết nên mới có chuyện cô ấy vào Nam tìm bạn. Viên chỉ huy cũng buồn lây, bùi ngùi thông cảm. Rồi đoàn quân tiếp tục diễu hành trong tiếng nhạc rộn ràng khắp cả phố phường.


*


Khi Anh Đào và Thiên Tân được phép trút bỏ quân phục để trở lại cuộc sống đời thường, cả đơn vị quân đội tổ chức một bữa cơm liên hoan đầy tình lưu luyến. Viên tiểu đoàn trưởng hứa sẽ liên lạc thường xuyên với hai chị em và nếu họ cần giúp đỡ gì thì cứ đến thẳng đơn vị, hiện tạm đóng quân ở trường đua ngựa Thuỵ Khê. Anh Đào không quên ghi địa chỉ, tên họ viên chỉ huy và cũng ghi địa chỉ của hai chị em cho mấy người gần gũi trong đơn vị. Tiểu đoàn trưởng tên là Đặng Tiến, sau đó được phái đi tiếp quản Hải Phòng rồi Quảng Ninh, Hòn Gai…mãi hai năm sau mới gặp lại Anh Đào.


Về đến biệt thự khu ngả bảy, hai chị em ngạc nhiên thấy cửa ra vào mở rộng, trong nhà có tiếng người dọn dẹp bàn ghế, mở đóng cửa sổ. Họ thận trọng quan sát xung quanh trước khi đi vào phòng khách. Có chiếc xe đạp dựng bên bể nước. Thiên Tân suýt nữa thì hét to vì mừng rỡ:


- Chị Đào ơi, bác Thức đó mà!


- Bác Thức ơi, chúng cháu đây! Anh Đào kêu to.


Bác Thức vốn là người làm vườn cho gia đình Văn Thành có lẽ đã hơn ba mươi năm qua. Bác Thức gái bán nước sôi và chè xanh ở chợ Hôm. Gặp lại các vị tiểu chủ, bác Thức mừng rỡ quá chừng, khóc hu hu làm Thiên Tân cười bò ra:


- Bác tưởng chúng cháu mất tích rồi sao?


- Cậu chớ nói gỡ. Bác Thức vội vàng khoát tay nhắc nhở. Ông bà chủ trước khi đi có gọi vợ chồng tôi tới dặn dò hết mọi sự. Phải săn sóc cho cô Anh Đào và cậu Thiên Tân chu đáo. Dặn phải trông coi nhà cửa cẩn thận tránh kẻ gian đột nhập. Dặn phải đem đồ đạc quí giá mà không dùng đến bỏ xuống tầng hầm và khoá cho kĩ. Dặn phải bảo quản tốt sách vở giấy tờ mọi loại…Ông bà gửi chúng tôi cất giúp cho cô và cậu ít đồ trang sức có giá và một ít tiền Đông Dương cũ. Cô và cậu cần thì nói một tiếng là chúng tôi đưa ngay.


Bác Thức đi rồi, nhà vắng vẻ khiến hai chị em ngồi lặng đi một lúc. Anh Đào nói:


- Hai chị em minh đã lựa chọn như vậy rồi thì ta phải đi cho đến cùng. Có quyết tâm không nào?


- Chị biết tính em rồi đó, có bao giờ em bỏ cuộc cái gì đâu?


Những ngày kế tiếp quả thật là thử thách đầu tiên về tinh thần cho những người lãng mạn như Anh Đào và chú em nhỏ. Người dân lặng lẽ bỏ nhà cửa ra đi. Họ thậm chí không giao nhà cửa lại cho ai cả. Họ cứ để bề bộn từ nhà ra đường ngổn ngang tủ, bàn, thảm, vật dụng đủ loại. Bọn bất lương cũng không thấy bóng. Một sáng ngủ dậy, hai chị em thẫn thờ nhìn xung quanh thì thấy vắng ngắt, không còn một kẻ láng giềng. Anh Đào và Thiên Tân lấy xe đạp dạo một vòng quanh phố. Các trường không có bóng người. Các cửa hiệu mở nhưng không có khách. Vài bác đạp xe xích lô quen biết hỏi thăm hai chị em:


- Thế à? Họ ngạc nhiên. Hai chị em nên đến chỗ kia, có bàn giấy gì đó, hỏi thăm nên làm gì lúc này.


Khoảng nửa tháng sau thì mọi việc có vẻ ổn định trở lại. Chợ búa, cửa hàng hoạt động bình thường. Điều làm hai chị em thấy bất ngờ là trường Albert Sarraut vẫn hoạt động và vẫn do Pháp quản lí. Hình như nhiều cơ sở khác như bệnh viện Saint-Paul, Viện Pasteur, hãng xe điện vẫn do Pháp tiếp tục điều hành. Thiên Tân ghi tên học tiếp lớp seconde, Anh Đào thì được cấp giấy dự thi vào lớp dự bị SPCN (Lý-Hoá-Vạn vật) để chuẩn bị vào trường Y Khoa.


- Cháu thuộc chuyên khoa sinh ngữ, liệu có học nổi y khoa không? Anh Đào lo lắng nói.


Bác nhân viên giáo vụ Albert Sarraut giải thích:


- Bây giờ mọi loại tú tài coi ngang nhau, thi vào đại học nào cũng được. Hiện chỉ có hai truờng thôi, Y Dược và Khoa Học. Còn có Đại học Sư Phạm nhưng nghe đâu chưa có kế hoạch thi tuyển. Cô cứ học Y đi, chẳng sao đâu. Mà đất nước cần nhiều thầy thuốc – bác nói thêm hóm hỉnh – còn sinh ngữ xi-lô xi-là của cô nay khó mà có cơ hội thi thố!


- Đành vậy thôi, cháu vào học Y Khoa xem sao.


Thiên Tân học hành suôn sẻ. Khung cảnh vẫn như xưa: viên hiệu trưởng người Pháp từng làm việc mấy chục năm ở xứ này rồi. Ông già đi nhiều nhưng nhiệt tình giảng dạy không sa sút gì. Các thầy khác người Pháp thì có vẻ mới bên Pháp sang, họ chỉ biết dạy học, không bàn luân chính trị. Có một số giáo viên người Việt vừa cũ vừa mới, ai cũng nói tiếng Pháp trôi chảy, họ rất hoà thuận với đồng nghiệp nước ngoài. Ra khỏi trường là không gian khác: cuộc sống ở mức tối thiểu, mọi người ăn mặc xuềnh xoàng, đi bộ hay đi xe đạp lọc cọc, nét mặt khắc khổ. Thiên Tân và các bạn Albert Sarraut có một mẹo vặt nảy sinh trong tình hình mới: Ở phòng thay quần áo gần cổng, mỗi khi ra khỏi cổng trường, học sinh mang bộ quần áo “lao động chân chính” để về nhà. Khi vào trường, họ lại khoác vào người bộ cánh con nhà, dáng dấp”tư sản”.


Một năm trôi qua, Anh Đào mặc dầu là dân sinh ngữ vẫn đỗ thủ khoa lớp SPCN. Cô nhận được giấy hẹn đến phòng tổ chức trường Y Khoa ngày 15/10 để làm hồ sơ nhập học. Đúng ngày đó, Anh Đào cùng đông đảo bạn lớp SPCN tề tựu ở phòng đợi trường Y Khoa. Người ta gọi tên từng người vào một phòng hẹp. Anh Đào sốt ruột vì mãi không thấy mình được gọi. Cô đang nhấp nhổm như vậy thì một người đứng tuổi, mặc đại cán, ngực gắn huy hiệu thương binh vỗ nhẹ vào vai cô và nhã nhặn mời cô vào một phòng phía cuối hành lang.


- Xin lỗi cô là Anh Đào phải không? Ngươi thương binh hỏi.


- Vâng. Anh Đào lo lắng đáp.


Người thương binh nói tiếp:


- Tôi là trưởng phòng tổ chức xin được làm việc riêng với cô vì trường hợp cô phức tạp. Trước hết xin cô kể cho nghe hoàn cảnh gia đình.


- Hoàn cảnh gia đình là gì ạ? Anh Đào đỏ mặt vì không hiểu ý nghĩa cụm từ mới mẻ đó.


- Là cha mẹ, anh chị em làm gì, ở đâu, nghề nghiệp thế nào…


Anh Đào cứ một hơi nói về gia đình không đắn đo suy nghĩ gì.


Người thương binh nghe chăm chú, gật gật đầu và nói sau một hồi yên lặng:


- Cô Anh Đào rất thẳng thắn, tôi thành thực cảm động vì sự thẳng thắn ấy. Tôi tin li do hai chị em ở lại miền Bắc là hoàn toàn trong sáng, thể hiện tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Nhưng cô thông cảm cho rằng cách mạng có những nguyên tắc không do tình cảm chi phối. Chẳng hạn lí lịch, gốc gác giai cấp, thành phần xuất thân gia đình, bản thân v.v. Trường hợp của cô như vậy đã rõ: không ai được phép thu nhận cô vào bất cứ một đại học nào. Em cô cũng vậy. Hai chị em phải tính toán lại cho kĩ về cuộc sống tương lai.


Anh Đào lặng im không nói nên lời. Dầu hai chị em đã lường hết mọi khả năng xấu nhất khi quyết định ở lại Hà Nội nhưng việc này quả vượt khỏi óc tưởng tượng, kể cả óc tưởng tượng của người từng trải. Cuối cùng cô rụt rè hỏi:


- Em chấp nhận nguyên tắc cách mang thôi. Nhưng theo bác, chúng em, tức là bản thân em và em trai của em, phải làm gì cho phù hợp với những nguyên tắc mới?


Trưởng phòng tổ chức nói ngay:


- Tôi đã suy nghĩ về trường hợp của cô suốt mấy ngày nay. Tôi thấy cô cần có dũng khí từ bỏ giai cấp, hay theo cách nói mới là đầu hàng giai cấp, cô phải phấn đấu biến thành người lao động thực sự. Một khi thành người lao động thực sự đứng vào hàng ngũ của Đảng tiên phong rồi thì thành phần giai cấp là chuyện thứ yếu. Nhiều vị lãnh tụ của ta cũng xuất thân như cô thôi: con quan lại phong kiến, tư sản, địa chủ. Tôi có người bạn thân trước là tiểu đoàn trưởng pháo binh, bị thương phục viên về làm giám đốc nông trường Tân Sở cách đây chừng năm mươi cây số. Nếu cô đồng ý tôi sẽ giới thiệu cô về đó tham gia lao động thật sự…


- Thế cũng được bác ạ… chỉ có điều cháu có đứa em đang học Albert Sarraut, cháu phải tìm người gửi em cháu mới yên tâm đi được.


- Cô nói cậu em học ở đâu?


- Ở trường Albert Sarraut ạ!


- Thế thì gay rồi! Học chi cái trường thực dân ấy! Chà, cả ngày Vive la France! Vive Henri Quatre! Vive Louis Quatorze le Roi-Soleil! Tôi biết mà. Tôi khuyên chân tình nhé: Lôi cậu em đi nông trường luôn cho cậu có dịp thay da đổi thịt, tẩy rửa hết hơi hám thực dân đó đi.


- Ở trường họ cũng dạy Jeanne d’Arc, Cách mạng Pháp, Công xã Paris, cả Aragon và Éluard nữa – Anh Đào liều mạng cãi.


Người thương binh khoát tay:


- Vải thưa che mắt thánh! Họ bịp thế thôi để được yên thân chứ họ xảo trá lắm. Dây vào là khốn! Cô nghĩ xem, Aragon thơ hay thật. Éluard cũng vậy. “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” phải thế không? Tuyệt vời. Nhưng liệu thơ ca của mấy ông đó có giành được chính quyền từ tay bọn tư sản không? Mao chủ tịch đã khẳng định là chỉ có súng mới giành được chính quyền. Cô thấy chưa? Bây giờ cô ra ngoài chờ tôi một lát, tôi viết cho cô thư giới thiệu với tay giám đốc nông trường Tân Sở.


Chừng mười lăm phút sau, một cô thư kí ra gặp Anh Đào, đưa cho cô thư giới thiệu và một cuốn sách bọc trong một trang báo cũ:


- Sách này trưởng phòng bảo tặng cho cô để cô đọc khi rỗi rãi. Hình như sách bằng tiếng Pháp – cô thư kí nói.


Anh Đào mở ra xem thì thấy đó là cuốn “Thép đã tôi” của N. Ostrovski, bản tiếng Pháp in ở Nga.


- Chị làm ơn gửi lời tôi cám ơn bác trưởng phòng. Cuốn sách bác tặng quí lắm, tôi sẽ đọc kĩ. Chào chị.


* *

*

(Còn tiếp)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire