BẢN NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ
(Dành cho Cán bộ phản biện)
Tên đề tài: ĐỐI SÁNH THÀNH NGỮ CÓ YẾU TỐ CHỈ LOÀI VẬT TRONG TIẾNG PHÁP VÀ TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC Mã số: 60.22.01
Học viên thực hiện: NGUYỄN THỊ BÍCH THUỶ
Họ và tên, chức danh khoa học, học vị của người phản biện: PGS.TS. PHẠM THỊ ANH NGA
NỘI DUNG NHẬN XÉT
1. Về hình thức của luận văn
Luận văn Thạc sĩ của học viên Nguyễn Thị Bích Thuỷ gồm 89 trang (không kể phần phụ lục). Ngoài các phần mở đầu (9 trang), kết luận (2 trang), danh mục tư liệu tham khảo (5 trang), nội dung chính bao gồm 3 chương, được phân bố tương đối hợp lý về số lượng trang và nhiệm vụ. Cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, mạch lạc, nhìn chung thể hiện được mức độ nắm bắt vấn đề một cách khái quát.
Một số vấp váp có thể tránh được nếu dụng công tốt hơn:
- Khi dùng cách viết tắt, (trước đó) cần ghi rõ từ nguyên dạng là gì (VD tr. 17: TNSS)
- Trích dẫn ngữ liệu (từ, cụm từ hay câu) cần in nghiêng, đậm, hay sử dụng dấu ngoặc kép để phân biệt với nội dung đang diễn giải (VD tr.17, 18…), đặc biệt khi trích dẫn tiếng Pháp trong văn bản tiếng Việt như trong luận văn, tuỳ trường hợp mà cần ghi thêm cách dịch sát nghĩa ra tiếng Việt là gì. Trong luận văn phần lớn các thành ngữ tiếng Pháp được dẫn ra, phân tích hay đối sánh đều không được dịch sát nghĩa (ngoại trừ vài trường hợp như tr. 53).
- Khá nhiều lỗi chính tả, lỗi đánh máy, hay do sử dụng từ không đúng trong tiếng Việt và tiếng Pháp. Một vài trường hợp cần lưu ý nhất: trong tiếng Việt như “sĩ nhục” (tr.75), “trung dung’ (tr.54), ‘gà mái tây trống’, ‘gà mái tây mái’ (tr.50), ‘Nguyễn Quan Tu’ (?) (tr.10), trong tiếng Pháp (rất nhiều, chủ yếu là ngữ liệu trích dẫn), các tr. 35, 50, 52, 56, 57, 58, 53, 74, 79…, đặc biệt là ‘Non d’un chien’ (tr.39, 68 thay vì ‘Nom d’un chien’), ‘Quel chien de temps’ (tr.39, 59, 68 thay vì ‘Quel temps de chien’).
- Khi diễn đạt lại thành câu một ý đã tham khảo, cần thay dấu “ð” trong tư liệu gốc bằng từ chuyển mạch và kết thúc câu cho hợp lý (tr.60).
- Về danh mục tư liệu tham khảo: thứ tự sắp xếp không rõ ràng, riêng tư liệu tiếng Pháp cần xếp theo thứ tự họ, được đặt ra trước (không phải thứ tự tên riêng). Cách ghi các thông tin (NXB, tác giả, tác phẩm…) chưa thống nhất, một số tư liệu thiếu năm xuất bản, chưa chuẩn về cách viết hoa (tên tạp chí, tên ĐH Quốc Gia HN…), về số của tạp chí (TC Ngôn Ngữ).
- Phần phụ lục trình bày khá lộn xộn, nhất là phần đầu, và cũng có rất nhiều lỗi chính tả trong tiếng Pháp và tiếng Việt.
2. Về tính thời sự, ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận văn
Tuy đề tài nghiên cứu nhìn chung không có gì mới mẻ, đã được cày xới khá nhiều trong đối sánh giữa tiếng Việt và các ngoại ngữ Anh, Nga, Trung, nhưng đối với tiếng Pháp thì theo tôi được biết vẫn chưa có công trình nào tầm cỡ được công bố về đối sánh thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật.
Đây là một khía cạnh hay, hấp dẫn, thỉnh thoảng vẫn được sinh viên khoa Tiếng Pháp chọn để làm bài tập lớn, niên luận, khoá luận tốt nghiệp, nhưng ở mức độ đơn giản hơn, kết quả cũng chưa có gì nổi bật. Cách tiếp cận của luận văn có những điểm mới mẻ, đáng ghi nhận, có tính thuyết phục hơn.
Kết quả nghiên cứu nếu hoàn thiện hơn sẽ thực sự có ích cho những người nghiên cứu ngôn ngữ học đối chiếu, những ai quan tâm đến tiếng Pháp (dạy và học tiếng Pháp, giao tiếp với người nước ngoài trong cộng đồng Pháp ngữ). Ngoài ra, nó còn góp phần giúp cho mọi người có cái nhìn rộng mở và hiểu biết đối với sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hoá giữa các cộng đồng người khác nhau trên thế giới.
3. Về phương pháp nghiên cứu, độ chính xác của các tính toán, độ tin cậy của các số liệu
Các phương pháp chung, chuyên ngành, mang tính thao tác như đã được trình bày trong phần mở đầu đã được lựa chọn hợp lý và vận dụng có hiệu quả trong nghiên cứu. Ngoài ra, còn có phương pháp phân tích được sử dụng dù không được nêu tên.
Về tư liệu tham khảo, nhìn chung luận văn đã có định hướng đúng và có danh mục tốt, đủ. Tuy nhiên cần dè dặt hơn với từ điển mở wikipedia (chỉ nên dùng với tính cách trung chuyển để tiếp cận với những tư liệu có độ tin cậy cao hơn). Trang 11 còn nêu 1 “trang mục” của từ điển này với lỗi chính tả (‘wiquiquote’). Ngoài ra, cũng có lúc việc lựa chọn tư liệu tham khảo chưa thật thuyết phục, chẳng hạn có 1 từ điển về thành ngữ tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học lại không được sử dụng ở đây là ‘Từ điển Giải thích Thành ngữ tiếng Việt’ (Nguyễn Như Ý (Cb), Viện NNH, Trung Tâm KHXH và Nhân văn QG 1998, 731 tr.).
Ngoài một vài sai sót, kết quả nghiên cứu nhìn chung là có tính thuyết phục.
4. Về kết quả nghiên cứu và đóng góp của luận văn
Nội dung chính của luận văn bao gồm 3 chương, trong đó chương 2 là chương trọng tâm và chương 3 là nội dung nối dài của chương 2. Chương 1: Tổng quan về thành ngữ (24 trang) – Chương 2: Miêu tả đặc điểm cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa và đặc trưng ngôn ngữ-văn hoá của thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Pháp và tiếng Việt (31 trang) – Chương 3: Đối chiếu cấu trúc, ngữ nghĩa và đặc trưng ngôn ngữ-văn hoá của thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Pháp và tiếng Việt (18 trang). Nội dung các chương được trình bày mạch lạc, hấp dẫn và nhìn chung là đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Một số nội dung được trình bày gãy gọn, đầy đủ, đặc sắc: như lịch sử vấn đề trong phần mở đầu (tr.2-6), đặc điểm của thành ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt liên quan đến cách phân loại văn hoá của Trần Ngọc Thêm (tr.67…), tính đối ngẫu của thành ngữ tiếng Việt (tr.68).
Một số điểm cần lưu ý, nếu có thể (và tuỳ trường hợp) thì nên chỉnh sửa để hoàn thiện luận văn:
- Trong phần mở đầu, mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ nghiên cứu chưa rõ ràng, nhập nhằng, lẫn lộn với nhau, đặc biệt mục đích 3 thì thực ra chỉ là ý nghĩa, không phải mục đích nghiên cứu.
- Từ / ngữ (cụm từ): Thuật ngữ được sử dụng trong luận văn không rõ ràng, thống nhất, chẳng hạn khi thì ‘thành ngữ danh từ’, khi thì ‘thành ngữ danh ngữ’ (tr.42), với các từ loại khác cũng vậy, người đọc không thấy được là tác giả luận văn quan niệm chúng là giống hay khác nhau. Khi xác định cấu trúc thành ngữ, tác giả cũng thường nhầm lẫn danh từ và danh ngữ, động từ và đông ngữ…
- Trong đối chiếu giữa thành ngữ tiếng Pháp và thành ngữ tiếng Việt, liên quan đến các loài vật giả tưởng, chỉ nêu ‘rồng’ và ‘phượng’ là “thiếu công bằng”, lẽ ra phải khai thác thêm những hình tượng thú vật trong truyền thống văn hoá hay tâm linh của phương Tây, như các con ‘kỳ lân’ (licorne), ‘nhân sư’ (sphinx), ‘nhân ngư’ (sirène), ‘đầu người mình ngựa’ (centaure), ‘chó ba đầu canh ngục’ (cerbère), hay khai thác thêm trường hợp thành ngữ có yếu tố chỉ một số loài vật quen thuộc nhưng mang tính biểu trưng đặc biệt, như con gà trống đối với dân tộc Pháp.
- Một số chi tiết nhầm lẫn:
+ Về cấu trúc thành ngữ: do tác giả luận văn cố gắng chi tiết hoá và sơ đồ hoá các cấu trúc một cách chi ly quá mức cần thiết, nên mọi cái trở nên rắc rối và khó hiểu, khó nắm bắt, thậm chí là bị nhầm lẫn và sai lệch (VD tr. 31, 32 ® 41,42). Đặc biệt ở trang 33 tất cả các cấu trúc đều nhầm lẫn và không ổn. Thực ra cấu trúc thành ngữ tiếng Pháp cũng có nhiều điểm tương đồng với thành ngữ tiếng Việt nên có thể vận dụng cách phân chia trong tiếng Việt để miêu tả thành ngữ trong tiếng Pháp. Và một số cấu trúc thành ngữ đặc biệt như ‘être à cheval sur…’, ‘faire d’un … un …’ thì không nên sơ đồ hoá để tránh những rối rắm không cần thiết và thậm chí sai lệch, do không thể thay thế các từ trung tâm ở đây (‘cheval’, ‘faire’) bằng một từ nào khác.
+ Ý nghĩa thành ngữ có khi được xác định không đúng: tr.21 ‘bête comme âne’ (lì lợm khó bảo), tr.52 ‘thắt đáy lưng ong’ (chê bai), tr.55 ‘cưa sừng làm nghé’ (xu nịnh), tr.63 ‘một tiền gà ba tiền thóc’ (ăn hại), hay lệch lạc trong cách dịch, giải thích thành ngữ tiếng Pháp: tr.57 ‘être bête comme un(e) oie’ (dốt như con ngổng con), tr.58 ‘courir deux lièvres à la fois’ (hai chú thỏ cùng chạy).
+ Có những ví dụ minh hoạ không phù hợp: tr.52 ‘fier comme un coq’ để chỉ đặc điểm con người về sinh học, đặc biệt về xấu đẹp.
+ Trong phần đầu của phụ lục trình bày dưới dạng 2 cột, vừa có rất nhiều lỗi chính tả vừa có một số nhầm lẫn về nghĩa (VD: ‘réveiller un chat qui dort’ (đánh thức con mèo đang ngủ) được giải thích là ‘gợn đục khơi trong’, hoặc ‘prendre le taureau par les cornes’ (nắm con bò mộng ở ngay sừng, đối mặt với hiểm nguy): nắm dao đằng đuôi’)... Một số thành ngữ được kê ra 2, 3 lần, có khi mỗi lần là một nghĩa khác (‘enfermer le loup dans la bergerie’ (nhốt sói vào trong chuồng cừu): nuôi ong tay áo / mỡ treo miệng mèo), thậm chí là mỗi lần có một số lỗi khác: ‘ménager la chèvre et le chou’ được ghi thành ‘ménager la chèvre et la chou’, ‘menager le chevre et le chou’.
- Xác định thành ngữ tiếng Pháp không chú ý đến số lượng các thành tố, sự hài hoà vần điệu (tr.67), hay không có tính đối xứng (tr.69) là thiếu chính xác: có thể ở mức độ thấp hơn so với thành ngữ tiếng Việt, chứ hoàn toàn không thì không đúng. Bản thân tiếng Pháp là một ngôn ngữ phong phú về nhạc tính, người Pháp được xem là một cộng đồng người hiếm hoi có tai rất “nhạy” và “thính”, rất quan tâm đến hiệu ứng âm thanh (nhịp điệu, âm vận…) trong diễn đạt và giao tiếp. VD sự đối ngẫu, vần điệu hay sự trúc trắc cố tình trong các thành ngữ sau: ‘À bon chat bon rat’(mèo giỏi thì có chuột tài), ‘À petit oiseau petit nid’ (chim bé thì tổ bé), ‘À chair de loup dent de chien’(có thịt sói thì có răng chó), ‘sauter du coq à l’âne’ (nhảy từ gà sang lừa).
- Một vài khía cạnh lẽ ra nên được đề cập và khai thác trong luận văn:
+ nguồn gốc của thành ngữ (VD ‘(âne) vêtu de la peau du lion’ ( (lừa) đội lốt sư tử, bắt nguồn từ một chuyện ngụ ngôn của La Fontaine)
+ các biến thể của thành ngữ (‘chó chui gầm chạn’, ‘chó nằm gầm chạn’
+ những thành ngữ ‘mới’ được sản sinh gần đây, do ngôn ngữ chuyển biến không ngừng (VD ‘(ngồi sau nải chuối) ngắm gà khoả thân’, ‘gà cãi nước sôi’, ‘chuyện nhỏ như con thỏ’, ‘chán như con gián’)
+ hiện tượng vay mượn giữa thành ngữ tiếng Pháp và thành ngữ tiếng Việt (chẳng hạn ‘chính sách đà điểu’ vay mượn từ thành ngữ tiếng Pháp ‘politique de l’autruche’, hay ‘nước mắt cá sấu’ từ ‘larmes de crocodile’).
- Ngoại trừ vài đoạn có nêu nguồn tư liệu tham khảo, luận văn nhìn chung chưa thể hiện được rõ ràng phần nào, nội dung nào là do bản thân tác giả luận văn tự phát hiện, tự viết, và phần nào, nội dung nào là do tham khảo, tiếp thu từ các tư liệu có sẵn (dùng ngoặc kép khi trích dẫn, ghi rõ nguồn trích dẫn, tham khảo…). Phần kết luận bắt đầu bằng (tr.83) “Luận văn đã chỉ ra rằng…” nhưng thật ra nội dung được nêu lại không phải là kết quả nghiên cứu của luận văn, mà chủ yếu là đúc kết từ những tư liệu tham khảo đã sử dụng. Kết luận cũng lủng củng, thiếu mạch lạc, chưa nêu bật được những đóng góp của bản thân luận văn, những đóng góp tuy không nhiều nhưng vẫn đáng được ghi nhận.
5. Về khả năng ứng dụng và hướng phát triển của đề tài
Đề tài vẫn còn nhiều khía cạnh chưa khai thác, có thể mở rộng nghiên cứu thêm. Ở đây, trong phạm vi nghiên cứu của một luận văn thạc sĩ, tác giả không thể quá ôm đồm và có quyền tự lượng sức mình, chọn những góc tiếp cận phù hợp.
Việc ứng dụng để tăng hiệu quả trong giảng dạy tiếng Pháp, trong giao tiếp với người nước ngoài sử dụng tiếng Pháp là hoàn toàn khả thi.
6. Về nội dung và khối lượng của luận văn có đáp ứng được yêu cầu của một luận văn thạc sĩ hay không
Nội dung và khối lượng công việc của luận văn là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của một luận văn thạc sĩ. Mặc dù có những điểm khiếm khuyết như đã nêu, kết quả cho thấy tác giả luận văn đã rất nỗ lực và có thể nói là thành công trong việc thực hiện luận văn này.
7. Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho học viên bảo vệ
Với những ý kiến và đánh giá như trên, tôi đồng ý để học viên bảo vệ luận văn của mình, và sau bảo vệ tiến hành chỉnh sửa và bổ sung những gì cần thiết.
Kính mong Hội đồng đánh giá luận văn Thạc sĩ đồng ý.
Huế, ngày 22 tháng 11 năm 2011
Người nhận xét
PGS.TS. Phạm Thị Anh Nga
Câu hỏi dành cho tác giả luận văn:
1. Ở chương 2, trang 55 (và trong phần phụ lục), tác giả LV có nêu thành ngữ tiếng Pháp ‘être rat’ với nghĩa là ‘buộc cổ mèo treo cổ chó’. Đề nghị giải thích rõ thêm nghĩa của thành ngữ này, và cho biết tác giả dựa trên nguồn tư liệu nào.
2. Trong câu “Les chiens aboient, la caravane passe” (Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi), hãy xác định đặc điểm cấu trúc và đặc điểm ngữ nghĩa của câu, vai trò và ý nghĩa của ‘con chó’ trong câu này. Theo tác giả luận văn, đây là tục ngữ hay thành ngữ, vì sao ?
* Cứ liệu để đặt câu hỏi (từ điển Le Nouveau Petit Robert 1993):
1. ‘c’est un rat’: personne avare, pingre (cf par crois. avec les mots de sens voisins radin, rapiat, rapace), ‘à bon chat, bon rat’, ‘petit rat de l’Opéra’, ‘rat de bibliothèque’ (pers. qui passe son temps à fouiller dans les bibliothèques)…
2. ‘Les chiens aboient…’: il faut laisser crier les envieux, les médisants.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire