lundi 21 novembre 2011

Thầy Âu : « Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị… » [Phần 1]


Nguyên bản bằng tiếng Pháp : Phạm Thị Anh Nga

– Người dịch sang Việt ngữ : Hoàng My


« Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị ; nhưng nếu tôi có thể lưu lại trong tâm trí các trò những tư tưởng đúng đắn và độ lượng thì, với tôi, đó sẽ là phần thưởng ngọt ngào nhất và điều vinh quang nhất.[…] » (Guyau, Thầy và trò)


Bài viết về người cha quá cố của tôi, Thầy Phạm Kiêm Âu, được viết « theo yêu cầu » của một nghiên cứu có chủ đề « Giáo dục nữ sinh và sự hình thành tầng lớp trí thức sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam từ năm 1920 đến năm 1945 »[1]. Có nhiều nguồn tài liệu: các ý kiến thu được qua các bảng câu hỏi, trao đổi email với / giữa các cựu nữ sinh và / hoặc các cựu đồng nghiệp của Thầy Âu, những chuyện kể và các thư từ trao đổi liên quan đến Thầy,... và còn có nguồn tài liệu dồi dào của gia đình chúng tôi. Bài này chủ yếu nói đến hình ảnh Thầy Âu thông qua cái nhìn của các cựu nữ sinh của Thầy, và cũng nhấn mạnh một số nét chính trong cuộc đời Thầy lúc sinh thời.


1. Thầy Âu các « học trò ruột » hay các « học trò nuôi »


Lúc sinh thời cũng như đã 15 năm ... 16 năm ... rồi gần 17 năm nay sau khi rời dương thế, với các cựu học sinh, và nhất là với rất nhiều cựu nữ sinh, Thầy Âu vẫn là một trong những hình ảnh điển hình của người Thầy chân chính, theo truyền thống Nho giáo của xã hội Việt Nam, một truyền thống có nhiều ảnh hưởng to lớn đối với nhiều thế hệ người Việt Nam.



Một chữ viết dạng thư pháp tiêu biểu cho một trong những châm ngôn của Thầy Âu

(« Nghĩa » - từ Hán Việt, không có từ tương đương trong tiếng Pháp.

Một số từ gần nghĩa : trung thực, trung thành, nhân đạo, gắn bó,…)



Không phải bất kỳ ai học cấp II - III ở trường nữ sinh Đồng Khánh (ĐK) ở Huế (nơi Thầy Âu đã tham gia giảng dạy suốt một khoảng thời gian quan trọng nhất trong sự nghiệp giáo dục của mình) cũng là học sinh của Thầy. Theo cách nói của những nữ sinh ĐK từ những năm 50 cho đến những năm 70 của thế kỷ trước (tùy theo họ là học sinh của Thầy hay không), họ là những « học trò ruột » hoặc là « học trò nuôi » của Thầy Âu. Và ngày nay, họ cùng ngồi lại để cùng nhau ghi lại những công lao của Thầy. Sau đây là những nhận xét của các « học trò nuôi » về Thầy:


« Tôi không có vinh dự được học tiếng Pháp với Thầy Phạm Kiêm Âu, nhưng khi nghe nhắc đến Thầy, tất cả những cựu nữ sinh ĐK như chúng tôi đều thấy tôn trọng và cảm phục những phương pháp giảng dạy rất hiệu quả của Thầy. » (Tôn Nữ Thanh Minh @ 21.3.2010) – « Tôi không được học với Thầy Âu, nhưng chị tôi – Như Tùng - thì có. Chị thường kể với tôi rằng Thầy Âu là một thầy giáo giỏi và rất nghiêm khắc, nhất là trong việc đánh giá cho điểm. » (Từ Thị Kim Cúc, Nguyễn Thanh Trí kể lại @ 23.3.2010) – « Thầy Âu không dạy tôi nên tôi không biết nhiều về Thầy. Tuy vậy tôi luôn xem Thầy như là Thầy của mình và đều chào Thầy mỗi khi gặp Thầy trong trường. » (Kim Thanh, Nguyễn Thanh Trí kể lại @ 26.3.2010) – « Tôi rất quý mến Thầy Âu và tôi thực sự lấy làm tiếc khi không phải là học sinh của Thầy. » (Kiều Hạnh @ 11.4.2010) – « Cũng như Kiều Hạnh, tôi không phải là học trò của Thầy Âu vì là học sinh khóa sau, nhưng các chị tôi đều học lớp của Thầy...Hình ảnh về Thầy mà tôi luôn mang theo bên mình là hôm ở sân bay Phú Bài... Đó là năm 1972, khi tôi cùng gia đình trở lại Huế. Hôm đó trời nắng gắt. chúng tôi đang đứng chờ xe. Thầy bảo chúng tôi lại gần, rồi dang rộng vòng tay và che chở chúng tôi bằng áo khoác của mình. Cho đến nay, chị em tôi vẫn còn nhớ rõ hình dáng cao lớn và giọng nói đầm ấm của Thầy lúc đó. » (Tăng Bảo Hương @ 18.4.2010).


Các lớp học thời xưa

Chú thích : Một lớp của Đồng Khánh khi chúng ta chưa sinh ra, 1936 – Và Đồng Khánh của thế hệ chúng ta

(Một thời Đồng Khánh 2007)


Về phần mình, những « học trò ruột » của Thầy Âu tỏ ra rất vui và tự hào còn lưu lại cho đến nay tấm hình của lớp chụp chung với Thầy (Nam Trân, Diệu Phương...), cuốn học bạ có lời phê và chữ ký của Thầy, hay là những lá thư dài với chữ viết khó đọc của Thầy (Nguyễn Thị Hòa, Nam Trân)... Qua email, họ cùng nhau ôn lại và chia sẻ niềm vui khi được xem lại những tấm hình của lớp, sự ưu ái dành cho học trò cũ của mình, những bức ảnh mà « bản quyền » (như Nam Trân nói) thuộc về Thầy Âu : Thầy cố gom lại hình của các học trò của từng lớp, dán chúng lên một mặt giấy lớn theo sơ đồ ngồi trong lớp, rồi Thầy chụp để lưu lại mỗi lớp một tấm ảnh chung và sau đó Thầy sang ra và phát cho mọi người... Thời đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số nên chỉ có ảnh đen trắng (hay phim âm bản).






























Hình ảnh (được tái hiện) các lớp của Thầy Âu

Hàng trên : (bên trái) Lớp 2A1, 1959-1960 (Lá Thư Phượng Vỹ 2008) – (bên phải) Lớp 2C1 1962-1963 (Đồng Khánh Mái trường xưa 1997)

Hàng dưới : (bên trái) Lớp Đệ Nhất C1(1968-1969) (Trích từ một power-point của các cựu học sinh ĐK - 2010) – (bên phải) Lớp 12A2 (Sinh ngữ 2), 1974-1975


2. Những kỷ niệm một thời với Thầy Âu


Những ký ức về Thầy là không thể đếm xuể sau mỗi lần gợi nhớ. Ở đây, tôi chỉ kể ra những câu chuyện được nhắc tới trong những email, và dành những câu chuyện được đề cập trong bảng câu hỏi để phân tích có hệ thống hơn vào lúc khác.


«Thầy luôn gọi tôi là số 27 (số thứ tự của tôi trong danh sách lớp) », một nữ sinh nhớ lại (Trương Thị Huệ @ 26.3.2010). Nếu như Thanh Trí (thuộc thế hệ xưa, khoảng năm 1951, hiện là họa sĩ ở Mỹ), vui thích với bức phác thảo hình ảnh người Thầy « già » với những đường nét đặc sắc cho thấy rõ nụ cười hiền hòa của Thầy, và một bài viết kể lại một giai thoại với Thầy (xem Phụ lục 2), thì Anh Phi (một học sinh thế hệ sau này, khoảng năm 1974, hiện sống ở Úc) đã khơi lại ký ức về Thầy qua một bài thơ ngắn (xem Phụ lục 2). Nam Trân tiếp lời : « Thầy Âu đã đưa ra cho các học sinh ĐK một định nghĩa rất hài hước và khó mà quên được : « Vào lớp sau Thầy tức là đi học trễ » (hoặc không được vào lớp hoặc bị trừ điểm !). Do đó các bạn rất sợ, có bạn đã làm té xe của Thầy (như là Anh Phi), hay có bạn chui qua chân Thầy để đi qua! » (Nam Trân @ 22.3.2010). Diệu Phương, một cựu học sinh lớp 12C2 do Thầy Âu chủ nhiệm, cho rằng bài thơ của Anh Phi đã vẽ nên « một hình ảnh rất sống động của chính mình cùng với các bạn cùng lớp, mỗi lần chuông reo báo bắt đầu giờ học với Thầy Âu, cả lớp thi nhau chạy thật nhanh để vào lớp trước Thầy » (Diệu Phương @ 22.3.2010). Đến lượt mình, Minh Phương kể: « Gần 40 năm trôi qua, tôi không nhớ rõ từng chi tiết nhưng chỉ nhớ là tôi rất thích giờ học môn Pháp văn, bởi vì Thầy rất năng động, Thầy yêu cầu mọi người phải nói và trả lời câu hỏi của Thầy. Chỉ cần nhìn sơ một lượt là Thầy nhận ra ngay trò nào chưa chuẩn bị bài trước ở nhà. Thầy có một nguyên tắc là không chấp nhận học sinh vào lớp trễ, chính vì vậy một hôm, Diệm Hoa (hiện định cư ở Thụy Điển) đã bị trượt chân trong lúc chạy thật nhanh để vào lớp trước Thầy. Cô ấy còn kể cho tôi những kỷ niệm lúc gặp tôi hồi năm ngoái. – Khi học những bài văn ngắn, Thầy thường đặt những câu hỏi mà câu trả lời đòi hỏi trí tưởng tượng/ sự động não chứ không phải học thuộc lòng. Có một số bạn trả lời không giống ý của Thầy hay ý của tác giả, nhưng nếu câu trả lời đó « độc đáo » và làm cho Thầy và cả lớp cười thì sẽ được « tha » và được lưu lại trong sổ của Thầy để sau này Thầy có dịp xem lại và nhớ về học trò của mình [ ... ]. Tôi còn nhớ trong một giờ học, Thầy biết được Thái Tuyết (hiện ở Sài Gòn) và tôi đang nói chuyện. Thầy gọi TT và yêu cầu phân tích một truyện ngắn (hình như của Balzac). TT rất run, liếc mắt đọc lướt bài văn, rồi thay vì nhận lỗi thì bạn ấy ngẩng cao đầu ra vẻ tự tin và trả lời bằng tiếng Pháp: « Bài văn nói về tình yêu của một đôi nam nữ thanh niên, tuy nhiên, tình yêu là điều mà không một ai có thể... giải thích hay phân tích ... ». Thầy bật cười vì TT đã nói mà không suy nghĩ, sau đó Thầy bỏ qua cho chúng tôi và Thầy cúi xuống, viết vào sổ phát biểu « bất hủ » của cô học trò hay nói chuyện » (Minh Phương @ 3.5.2010).


Nhưng chính xác thì những ai có thể có mặt trong cuốn sổ đó? Trong truyện « Trường xưa phượng đỏ » (xem Phụ lục 2), Nguyễn Thị Hòa đã kể lại những câu chuyện về mình và các bạn cùng lớp (năm học 1970-1971) thông qua những chi tiết mà Thầy Âu lưu lại trong sổ và đã gửi cho cô nhiều năm sau đó (1982).








Những cuốn sổ hành trình (di vật) ở nhà Thầy Âu

(Phòng làm việc đã được bài trí lại so với nguyên trạng)


Quỳnh Hoa đã tập hợp lại và chuyển cho tôi những đoạn trao đổi qua mail giữa cô và các bạn học (Quỳnh Hoa @ 11.5.2010): « Mỗi lần đi học sớm, chúng tôi thường ở trên cửa sổ nhìn ra sân trường để chờ thầy. Một hôm, Thầy Âu đến trường trên chiếc xe máy màu càphê sữa, phía sau xe là chiếc cặp da sắp rơi xuống đất. Thế là chúng tôi đồng thanh : Thầy ơi, những quả trứng lộn [2] đang đè nặng chiếc cặp đằng sau kìa, rồi chúng tôi phá lên cười. Đúng là tuổi trẻ nghịch ngợm !» (Lê Thị Châu) –« Mọi người rất hồi hộp trong giờ học của Thầy Âu, vì sợ bị ăn « trứng lộn». Tôi đã từng là « thương binh » của Thầy, nhưng tôi vẫn ở yên đó, chứ nếu bỏ trốn thì sợ bệnh sẽ tái phát. » (Tôn Nữ Cẩm Quỳ) – « Thầy dạy toán đặt ra một quy tắc theo đó những ai vào lớp sau Thầy dù chỉ một bước đều bị coi là đi học trễ. Do đó có những lúc có bạn đã đẩy Thầy ra sau để vượt qua. Có khi Thầy bị vấp chân, mặt mày các bạn tái nhợt đi, nhưng Thầy vẫn bỏ qua, vì Thầy là người đặt ra luật này » (Nguyễn Cửu Thị Việt).


Ngày nay, khi đọc bài viết của Nam Trân về Thầy Âu khi Thầy mất, Thư Trì nhớ lại « dáng người Thầy cao lớn nhưng mảnh mai, mái tóc chải ra sau để lộ vầng trán rộng, cặp mắt kiếng dày, bước đi nhẹ nhàng cùng với chiếc cặp táp luôn bên mình, và dường như [cô] vẫn nghe thấy tiếng cười khoan khoái và đầy khoan dung của Thầy trong lớp mỗi khi học trò « mắc một lỗi » hài hước nào ». Thư Trì tâm sự : « Tôi may mắn được học tiếp với Thầy ở đại học, được lĩnh hội thêm nhiều kiến thức khác và hàng tá kinh nghiệm để làm giàu vốn tiếng Pháp khiêm tốn của tôi, do đó tôi luôn cảm thấy yêu mến và tôn trọng Thầy. […] Thầy đã đi xa nhưng những ký ức về Thầy cũng như hành trang tri thức mà Thầy đã trang bị cho các học trò như là vốn sống vẫn còn mãi, hình ảnh của Thầy sẽ không bao giờ phai nhòa trong tim những đứa con tinh thần này » (Thư Trì @ 2.4.2010)


Thầy Âu và các học trò

Lớp Đệ tam (1956-1957) – ĐK (Quốc Học-Đồng Khánh 2007)


Cả những ‘‘tai nạn’’, những ‘‘rắc rối’’ giữa Thầy Âu và các học trò cũng được kể ra: « Thầy là một trong những giáo viên có nhiều ảnh hưởng nhất đối với học sinh và cũng là người để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Tôi không sao quên được hôm Thầy mời tôi ra khỏi lớp (lớp Đệ Ngũ[3]) vì mất trật tự trong giờ học. Tôi bị gọi lên phòng Hiệu trưởng, và hôm sau tôi phải tới nhà để xin lỗi Thầy... » (Quỳnh Hoa @ 28.3.2010) – « Thầy yêu cầu tôi chia động từ ‘Aimer’ ở thể mệnh lệnh. Tôi trả lời ngay : Thưa Thầy, động từ ‘Aimer’ không có thể mệnh lệnh! Sự im lặng bao trùm cả lớp. Thật bất ngờ,Thầy không nói tiếng Pháp nữa mà mắng tôi bằng tiếng Việt: « Trò giỡn mặt tôi hả ? Trò coi thường tôi phải không? Tại sao không chia được? – Tôi cũng nói tiếng Việt (Thầy không bắt tôi nói tiếng Pháp nữa): Thưa Thầy, yêu hay ghét đều là tình cảm từ tận đáy lòng của mỗi người, không ai được ra lệnh cho bất kỳ người nào, ngay cả vua hay tổng thống! Thầy có vẻ suy tư, Thầy không phạt tôi, không cho tôi điểm 0 và nói : « Được rồi ! ». Sau này, Thầy hỏi tôi vì giận Thầy hay sao mà lại cứng đầu như vậy, tại sao không nói nhỏ nhẹ với Thầy mà lại xử sự như vậy trước lớp... Lúc đó tôi cảm thấy rất hối hận nên nói : « Thưa Thầy, con xin lỗi, con biết mình sai rồi! » (Vương Thuý Nga @ 25.3.2010).


Họ không mù quáng xem Thầy của mình là một con người tuyệt mỹ, một người hoàn hảo, tuy nhiên với họ, Thầy luôn là biểu tượng của sự tận tâm, sự tinh thông, hiệu quả và là một hình mẫu trong cuộc sống: « Thầy Phạm Kiêm Âu là người thầy hy sinh tất cả vì học trò và Thầy cũng rất nghiêm khắc với họ. Học trò sợ Thầy nhưng rất quý trọng Thầy. » (Quỳnh Hoa @ 11.5.2010) – « Khi tôi còn là học sinh của Thầy, tôi nhận thấy có khi Thầy sai nhưng cốt yếu là Thầy chỉ muốn tốt cho học trò của mình, do đó tôi không phản đối. Sau này không học với Thầy nữa, tôi đã quên hết những gì mà lúc bấy giờ tôi cho là sai và tôi chỉ nhớ một người Thầy giỏi, đáng kính » (Vương Thuý Nga @ 30.3.2010). Thanh Trí thì nhận thấy ở Thầy « chân dung của một người Thầy chân chính, một giáo viên gương mẫu, tài năng và đạo đức, một tâm hồn nghệ sĩ […] đầy nhạy cảm ».


Thật vậy, theo những cựu học sinh của Thầy Âu đã trả lời bảng câu hỏi, những từ sau đây được dùng nhiều nhất để nói về Thầy (xếp theo thứ tự xuất hiện giảm dần): “tận tâm”, “đạo đức”, “nghiêm khắc”, “gương mẫu”, “hài hước”, “sống tình cảm”, “đức hy sinh”, “lý tưởng”, “công minh”, “hiền từ”, “giản dị”, “sáng tạo”, “có lương tâm”, “yêu cuộc sống và tin vào tương lai”, “tinh thông”, “đáng kính”, “nhạy cảm”, “có óc tổ chức”, “nguyên tắc”, “yêu cầu cao”.


(Còn tiếp)


Huế (Việt Nam), ngày 20 tháng 5 năm 2011

Phạm Thị Anh Nga

Nguyên bản bằng tiếng Pháp – Người dịch sang Việt ngữ : Hoàng My



Tin Trung tâm Giới và Xã hội (ĐH Hoa Sen), số 5, tháng 9 năm 2011

http://gas.hoasen.edu.vn/bantingas/no5/vi/index.html

http://gas.hoasen.edu.vn/filepdf/READING%20Maitre%20Au%20VI%2020082011.pdf




[1] Đại học Hoa Sen TP HCM, Dự án VALOFRASE, Khoa Tiếng Pháp Đại học Sư Phạm TPHCM, INALCO (Paris)

[2] Liên tưởng tới điểm « 0 » - điểm mà mọi học sinh thời đó đều e sợ.

[3] tương đương với lớp Quatrième ở trường cấp II ở Pháp.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire