jeudi 22 mars 2012

LÝ THUYẾT VỀ TÍNH LIÊN VĂN BẢN

(Từ góc nhìn Lý thuyết phê bình Pháp) *

Pierre-Marc de BIASI
(Người dịch : Bửu Nam-Phạm Thị Anh Nga)

Quan điểm tiếp cận


Khái niệm tính liên văn bản ra đời từ sự đổi mới lớn lao của tư tưởng phê bình Pháp những năm sáu mươi, ngày nay nó là một trong những công cụ phê bình chủ yếu trong nghiên cứu văn chương. Chức năng của nó là làm sáng tỏ tiến trình mà mọi văn bản có thể được đọc như sự sáp nhập (intégration) và chuyển hoá (transformation) một hay nhiều văn bản khác. Nhưng trong một phần tư thế kỷ, khái niệm này gây ra nhiều cuộc tranh cãi và cuối cùng chỉ được xác lập sau nhiều lần tái tạo định nghĩa, đặc trưng. Vậy để hiểu toàn bộ tầm quan trọng của khái niệm, cần phải theo dõi từng bước một tiến trình tái tạo đó.


I – Sự hình thành khái niệm

Khái niệm tính liên văn bản từ lúc khởi nguồn không tách khỏi những công trình lý thuyết của nhóm Tel Quel và tạp chí cùng tên (được thành lập năm 1960 và do Philippe Sollers điều hành), nó truyền bá những khái niệm chủ yếu được nhóm lý thuyết gia này xây dựng, những khái niệm sẽ ghi dấu ấn sâu sắc lên thế hệ của họ. Chính trong thời kỳ hưng thịnh nhất của Tel Quel vào những năm 1968-1969 mà khái niệm chủ chốt tính liên văn bản xuất hiện chính thức trong từ vựng phê bình tiền phong, nhất là trong hai công bố trình bày hệ thống lý thuyết của nhóm : Lý thuyết tập hợp (Théorie d’ensemble) (Tủ sách Tel Quel, Seuil, Paris, 1968), một công trình tập thể ở đó ta có thể thấy đặc biệt xuất hiện các bài viết của Foucault, Barthes, Derrida, Sollers, Kristeva, và công trình Sèméiôtikè. Nghiên cứu nhằm xây dựng một hệ phân tích ngữ nghĩa (Sèméiôtikè. Recherches pour une sémanalyse) (1969) của Julia Kristeva, tập hợp một loạt bài báo khoa học của những năm 1966-1969. Trong Lý thuyết tập hợp, Philippe Sollers phê phán những phạm trù được mệnh danh là thần luận về chủ thể, về ý nghĩa, về chân lý, v.v., và ông đề xuất chống lại hình ảnh về một văn bản trọn vẹn, và đông đặc, khép kín trong sự thiêng liêng hóa hình thức và tính đơn nhất của nó, và thay vào đó là một giả thuyết được vay mượn từ nhà phê bình Xô-viết Mikhaïl Bakhtine về tính liên văn bản như sau : « Mọi văn bản đều nằm ở điểm nối kết của nhiều văn bản khác nhau và nó cùng lúc là sự đọc lại, sự nhấn mạnh, sự cô đúc hóa, sự dịch chuyển và chiều sâu của những văn bản đó. » Trong chính công trình này (« Vấn đề cấu trúc hóa văn bản »), Julia Kristeva sử dụng tiểu thuyết Trung cổ Jehan de Saintré như một thí dụ để xác định cần phải hiểu thế nào là tính liên văn bản : đó là « sự tương tác văn bản nảy sinh bên trong một văn bản duy nhất » cho phép nắm bắt « những mã (codes) của một cấu trúc văn bản như là sự chuyển hóa những lớp (những mã) được lấy từ những văn bản khác. Như vậy cấu trúc của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XV có thể được xem như kết quả chuyển hóa của nhiều mã khác. […] Đối với chủ thể có nhận thức, tính liên văn bản là một dấu hiệu cho thấy bằng phương cách nào một văn bản đọc lịch sử và được cài lồng vào trong lịch sử ». Xuất phát từ sự phân tích chuyển hóa (vay mượn của Chomsky và Šaumjan), Kristeva tự thấy cần thêm vào đó giả thuyết về tính liên văn bản để đạt được « tính xã hội » và « tính lịch sử », những đặc tính không thể tiếp cận được trong một cơ chế dựa trên tính lưỡng phân mặt biểu đạt / mặt được biểu đạt, sự chuyển hóa của mặt biểu đạt / tính bất di bất dịch của mặt được biểu đạt. Chế tác lại về mặt phương pháp luận sẽ là thay thế cách xử lý trên bằng một « phương pháp chuyển hóa », là phương pháp đưa thêm vào đó khái niệm liên văn bản, do đó « dẫn đến việc định vị cấu trúc văn chương trong tổng thể xã hội xem như một tổng thể văn bản ». Như thế, tính liên văn bản của Petit Jehan de Saintré được xác định như là sự tương tác trong văn bản đó của bốn thành tố liên văn bản : văn bản kinh viện (scolastique) (tổ chức tiểu thuyết thành từng chương, mục, giọng điệu giáo huấn, tự qui chiếu mình lúc viết và thực hiện bản thảo), văn bản thơ ca cung đình (poésie courtoise) (hình tượng Phu nhân « tâm điểm được thần thánh hóa của một xã hội đồng tính tự soi bóng mình qua hình ảnh phụ nữ, […] hình ảnh Đức Mẹ đồng trinh », có tính chất nhục cảm của những người hát rong), văn chương truyền khẩu phố thị (de la ville) (những tiếng rao hàng quảng cáo của những người bán hàng rong, các bảng hiệu, văn bản kinh tế của thời đại) và cuối cùng là diễn ngôn cácnavan (du carnaval) (trò chơi chữ, sự lẫn lộn, cái cười, vấn đề thân xác và dục tính, mặt nạ, v.v.). Julia Kristeva kết luận rằng quan hệ liên văn bản này làm thay đổi ý nghĩa của mỗi một phát ngôn khi liên kết chúng trong cấu trúc văn bản, quan hệ này có thể được nêu lên như một « tổng thể lưỡng giá », cấu tạo nên cách tiếp cận đầu tiên về cái có thể xem là « đơn vị diễn ngôn » của thời Phục Hưng. Như thế, được trang bị thêm khái niệm tính liên văn bản, phương pháp chuyển hóa cho phép làm nổi bật « chức năng phối kết » (idéologème) [1] của văn bản, tên gọi được Julia Kristeva đặt cho chức năng gắn một cấu trúc văn chương cụ thể (chẳng hạn một tiểu thuyết) với những cấu trúc khác (chẳng hạn diễn ngôn của khoa học).


(Còn tiếp)




[1] Idéologème là thuật ngữ do Julia Kristeva đặt ra, để chỉ sự tổ chức, phối kết của một văn bản bên trên những cấu trúc khác. (ND)



* Bài được công bố trên Từ điển « Encyclopædia Universalis », bản mới, 2011. Phụ đề do người dịch đặt.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire