Kính dâng hương linh Thầy P.K.A.
Mến tặng em P.A.T
và các bạn lớp 12C1- ĐK, nk 1970-1971.
T.N.Q.D....
.......
Chiều nay, nhìn lại tấm hình của
lớp 12 C1, Pháp văn sinh ngữ 1, niên khóa 1970-1971 chụp theo bản đồ lớp với
thầy Phạm Kiêm Âu, làm tôi nhớ lại những ngày thần tiên của thuở học trò xa
xưa. Mặc dù nó đã bị ố vàng theo thời gian nhưng từng khuôn mặt bạn
bè vẫn hiện ra rõ trong ký ức tôi. Mới đó mà cũng hơn bốn mươi năm
tôi rời trường xa lớp, sau những năm tháng bận rộn với công việc, cơm áo gạo
tiền. Bây giờ ngồi nhớ lại, thấy cả một trời tiếc nuối, bâng khuâng.
..
Kỷ niệm bao giờ cũng có buồn lẫn vui, nhưng đậm nét nhất, vui và cười ra
nước mắt vẫn là những giờ học Pháp văn với thầy Âu, vị Thầy chúng tôi không
những kính trọng mà còn thương như một người cha hiền từ. Mặc dù Thầy
không là giáo sư hướng dẫn lớp tôi, nhưng Thầy vẫn hiểu rõ hoàn cảnh, giúp đỡ,
khích lệ chúng tôi chăm lo học hành.
..
Đặc biệt giờ Thầy, luôn luôn tụi tôi phải có mặt đầy đủ trước khi Thầy bước
chân vào lớp. Khi Thầy đã "ngự'' trong lớp rồi là "ngoại
bất nhập", vì vậy mà Thầy cho phép tụi tôi có thể chen lấn, lắm lúc còn
"xô" Thầy ra để vào lớp trước Thầy.
..
Và một điều nữa là khi Thầy phát bài làm, học trò phải giữ cho kỹ đề bài,
làm xong trả lại Thầy, không được để mất một tờ nào. Thường thường
cứ mỗi tuần Thầy cho một bài thème ngắn khoảng từ mười đến hai mươi câu, đem về
nhà làm. Bài thème đó được Thầy đánh máy và quây ronéo, xong cắt ra
thành từng tờ nhỏ khoảng một phần ba tờ giấy học trò. Khi làm bài
xong phải đặt tấm giấy nhỏ ở giữa tờ bài làm và nộp lại cho Thầy. Vì
vậy tụi tôi gọi là "ruột". Thầy luôn luôn nhắc không được
phép để mất ruột khi nộp bài cho Thầy, phải giữ ruột sạch, không được lấm mực,
và Thầy kiểm soát rất kỹ nên đứa nào cũng phải nâng niu như...con ruột của mình
vậy. Cũng vì mấy tờ ruột đó mà tôi đã bị một lần "lên
ruột" và còn nhớ mãi cho tới bây giờ.
..
Một sáng chủ nhật, sau khi chia tay với "cọp nâu" sau mấy ngày
phép ngắn ngủi, tự nhiên tôi thấy lo lo, buồn buồn, chiến trường ngày càng sôi
động, súng đạn vô tình, làm sao biết được.
..
Đợi cho đến xế chiều tôi mới đem bài Pháp văn ra làm. Hỡi ôi, tờ
ruột đã không cánh mà bay, tôi cố công tìm vẫn không thấy. Tôi nhớ
là tôi rất kỹ, đã kẹp nó trong cuốn rédaction, vậy mà bây giờ nó biến đi
đâu. Tôi mở từng trang vở, xáo tung tất cả sách, lôi hết cặp ra cũng
"bặt vô âm tín". Lúc đó mặc dù trời ở Huế đang mùa Đông mà
tôi vẫn đổ mồ hôi hột. Làm sao bây giờ, thôi thì đi tìm
"nó" chứ sao. Tôi rủ con N. và thêm mấy đứa bạn nữa, thế
là một đoàn nữ hùng binh cỡi chiến mã... sắt lên đường đi tìm ruột, mà chẳng
thấy ruột đâu. Đến nhà đứa nào cũng cùng một giọng điệu "chết
mi rồi, mất ruột thầy Âu chỉ có nước... chết". Một quân sư
khác góp ý "mi mu khóc, cứ lên gặp thầy, đem "cọp nâu" ra dọa,
khóc hụ hụ lên, rồi đổ thừa cho "cọp nâu" lỡ dại xếp tàu bay chơi
rồi, là Thầy... sợ liền". Mỗi đứa một ý càng làm cho tôi quýnh
lên. Con N. nghe vậy nói " mi nói chi lạ rứa, ai lại đổ thừa
cho người ta tội chết, để tau cho mi mượn ruột tau, rồi về nhờ ông Ngoại mi
đánh máy lại là xong". Tôi nghe như vậy quá mừng, phóng nhanh
về nhà, và tối hôm đó mặc dù đang bị cảm, ông Ngoại tôi cũng phải thức để giúp
tôi hoàn thành tấm ruột giả, trả Thầy. Khổ một nỗi kiếm đâu ra giấy ronéo
cho giống ruột của Thầy bây giờ, thôi đành phải dùng giấy pelure trắng
vậy. Sau khi đưa tôi tờ ruột giả, ông Ngoại còn căn dặn "lần
sau nhớ cẩn thận nghe con" làm cho tôi thật hết sức ân hận.
..
Vậy là sáng mai tôi nộp bài với tấm ruột giả. Tôi đành nhắm mắt
thưa thật với Thầy "Thưa Thầy", Thầy hỏi "Có chuyện gì?"
"Thưa Thầy con..." "Con sao?" "Dạ con mất ruột." Thầy sửa lại gọng kính,
nhìn tôi "Mất ruột?" " Dạ, vì vậy hồi hôm
con đã nhờ ông Ngoại con đánh máy ruột khác để trả lại Thầy, nhưng ruột con
trắng chứ không vàng giống Thầy". Thầy cầm tờ ruột giả rồi nhìn
tôi, tôi nghĩ thế nào Thầy cũng la tôi một trận, nhưng chờ hoài chẳng
thấy. Và với giọng Nam hiền hòa, Thầy nói "Tội hôn, sao
không cho Thầy hay mà lại để cho ông Ngoại già yếu thức đêm giúp con như vậy tội
quá. Lần sau nhớ cẩn thận nghe con". Nghe đến đó tự
nhiên tôi thấy tủi thân và tôi khóc òa lên làm Thầy cũng ngạc nhiên và thế là
Thầy cho tôi về chỗ ngồi. Sau lần đó tôi thề không bao giờ để mất
ruột lần nữa.
..
Rồi cũng nhờ mấy tấm ruột đó mà con "bạn ruột" của tôi, đã tìm
được "bức tối hậu thư " nó gửi cho Thầy năm xưa, không ngờ Thầy vẫn
còn giữ cho tới bốn mươi năm sau, lúc trở về Huế nó có dịp ghé thăm và con trai
Thầy đã soạn ra đưa cho nó. Đó là cả một kỷ vật vô giá mà
những ai là học trò thầy Âu mới có được.
..
*****
Và đây là " bức tối hậu thư
" trả nợ ruột của bạn tôi:
...
Việt Nam Cọng Hòa
Huế, ngày 7. Mai. 1971
Kính thưa Thầy,
...
Con tên là Cái thị Thu Hương, sinh
ngày ..... , tại Phường Thái Trạch, Thành nội, Huế. Hiện trú tại 19
Phan Thanh Giản, thuộc quận 3, tỉnh Thừa Thiên. Kính xin thầy một
việc quan trọng sau đây.
..
Nhân gần ngày lễ Phật Đản, con muốn
thanh toán nợ nần cho Thầy, nợ gồm có : 3 ruột, đáng lẽ phải nộp sáng thứ hai,
nhưng con bị "estomac" nên không đi học được để trả ruột cho
Thầy. Bây giờ con trả ruột cho Thầy rồi. Thầy thông cảm
cho con một lần cuối cùng rồi thôi.
Nam mô A Di Đà Phật.
Xin Phật phù hộ cho Thầy an
khang trường thọ. Lạy Thầy ạ.
Con
Thu Hương
(Sao y bản chánh)
..
Biết là "quá khứ không
nên truy tìm" , nhưng đôi lúc tìm về quá khứ lại là những viên thuốc an
thần cho những bất an và phiền não ở hiện tại.
Sau bốn mươi mốt năm xa
trường, chiều nay tôi ngồi bên ni nhớ về bên tê đại dương mà thấy lòng thương
nhớ khôn nguôi.
..
****
Vài dòng con kính gởi
Thầy,
..
Thưa Thầy,
..
Hôm nay buồn buồn con ngồi kể
chuyện đời xưa với Thầy. Con vẫn nhớ như in dáng Thầy dong dỏng cao,
với chiếc áo laine màu nâu nhạt, cổ bà lai, có hai túi nhỏ. Thầy
luôn xách chiếc cặp táp căng phồng mà tụi con đặt cho Thầy là "Monsieur
Grandet".
..
Con nghĩ nghề dạy học đối với
Thầy không phải là một "nghề", mà đó là cả một nghệ thuật
Thầy đã "đam mê". Thầy như một người nhạc trưởng tài hoa
điều khiển lớp học từ đầu giờ đến cuối giờ một cách trọn vẹn, đã cho tụi con
những giờ phút vui tươi, thoải mái, vì 12 C Pháp văn sinh ngữ chính không phải
là một môn học "dễ nuốt".
..
Con vẫn còn nhớ, mỗi lúc Thầy
dừng bước trước cửa lớp, dậm dậm chân, cười chúm chím, cốt để cho tụi con
- những đứa ham ăn đang mê mãi với những chiếc bánh quai vạt đậu
xanh nóng hỗi hay ly chè bột lọc bọc dừa ngọt lịm của chị Châu, có thì giờ
"rượt" cho kịp Thầy. Thầy không muốn tụi con bị trễ mất
một giờ học. Lúc nào trông Thầy cũng nghiêm nghị, " làm mặt
lạnh" cốt để cho tụi con lo học vì năm thi gần kề, chứ không bao giờ Thầy
"nặng tay" với tụi con. Rồi cũng có những ngày mùa Đông ở Huế lạnh
cắt da, Thầy giảng bài với tiếng ho húng hắn, Thầy lại lấy ra những viên kẹo ho
bọc đường màu lục để ngậm, và lớp học vẫn tiếp tục với giọng Nam trầm ấm của
Thầy, lâu lâu lại pha một chút dí dỏm làm cho tụi con quên cả giờ
về. Cũng nhờ có Thầy mà ngày hôm nay cho dù ở phương trời nào, trong
hoàn cảnh nào tụi con vẫn ngẫn mặt lên, sống như thân tùng bách giữa chợ đời
bon chen, phiền muộn.
..
Với tấm lòng của Thầy như
vậy, mà sao hồi đó sau khi thi đậu, tụi con lại không nhớ ghé thăm Thầy, cho
Thầy hay những tháng ngày Thầy đã khổ công với tụi con nay đã có kết quả
tốt. Rồi mãi đến mấy mươi năm sau, lúc Thầy không còn nữa con mới nhớ
lại và viết vài dòng cho Thầy.
Con nghĩ với tâm lượng từ bi, Thầy đang ở nơi chốn bình yên nào đó, và Thầy
đang mỉm cười mà tha thứ cho tụi con - một lũ con gái tinh nghịch
lúc nào cũng mơ mơ màng màng như người ở cõi trên, hỏi một đằng trả lời một
nẻo, thích làm những chuyện ngược đời chẳng giống ai. Đến nỗi có hôm
Thầy bắt gặp, Thầy nhìn tụi con lắc đầu ngán ngẩm: "thiên tài
thì giới hạn mà lũ khùng điên thì không bến bờ", tụi con nhìn Thầy cười ha
ha, và rồi thì thầy trò cùng... cười.
..
Vài giòng như một nén tâm
hương con xin gởi đến Thầy, và ước gì nếu có được cuốn sách ước, con sẽ
: "ước chi con được trở lại lớp 12 C1 năm xưa, với mười lăm
phút "bonus" sau mỗi buổi học, để được nghe lại giọng trầm trầm với
cuốn "Monsieur Grandet" của Thầy."
...
Con,
T.N.Q.D.
Tháng Tám năm 2012...
Lớp Quỳnh Diêu
(12 C1, nk 1970-1971)
http://www.dk1967.blogspot.com/2013/01/quynh-dieu-tuong-nho-thay-pka.html