samedi 13 septembre 2014

Cơ chi ...





Tưởng nhớ em P.A.M.
 
PHẠM THỊ ANH NGA
1

Cơ chi giờ này em vẫn còn đâu đó trên cõi đời này. 

Đâu cũng được. Không cần phải gặp em đều đặn, bởi có khi nhiều tháng liền không gặp, chị vẫn an tâm vì biết em vẫn đang phiêu du ở một đất nước nào đó cùng các chiến hữu ngành Toán của em. Đang ở một phương trời rất xa, miệt mài làm và giải những bài toán khó, nhưng không quên chăm chút cho từng chi tiết nho nhỏ, để khẳng định vị trí và vai trò của quê hương đất nước mình, của thầy giáo mình trong thế giới Toán bao la. 

Cũng có thể em đang trên giảng đường, ở một đất nước chị chưa từng đặt chân tới, say sưa giảng toán bằng thứ ngoại ngữ gần nhất với đối tượng đang ở trước mặt mình. Bởi ngoài Toán, em còn may mắn có một vốn kha khá vài ngoại ngữ, để dễ dàng giảng, trao đổi, bàn luận về Toán học với các đồng nghiệp, sinh viên ở các góc trời khác nhau trên địa cầu. 

2

Cơ chi giữa khuya choàng tỉnh, nhớ em chị có thể bấm máy a lô em để tâm sự. 

Về những chuyện đẩu đầu đâu trên trời dưới đất, và em cũng chịu khó chia sẻ cái sự khùng điên đó của chị. Và cùng khúc khích cười trong đêm. 

Không như bây giờ, nhiều khi trong tối đen khuya khoắt, chị bừng tỉnh, vẫn chưa tin được là em đã đi xa, thật xa, mãi mãi xa. 

Sao thế hở em. Cái vẻ hồn nhiên hăm hở của em trước cuộc đời, trước cái đẹp, trước âm nhạc, hội họa, trước rượu và bia, trước những ân tình xa và gần dường như vẫn mới đây thôi mà. Cả những uất ức trước bao oái oăm cuộc đời mà em phải nếm trải ... vẫn còn đây mới mẻ tinh tươm. 

Như thể những năm tháng cuối này chỉ là cái gì đó thuộc về cõi ảo. Chỉ là kết quả của trí tưởng tượng. Đơn thuần là sự hư cấu cao độ hay sự cợt đùa của định mệnh. Nhằm thử thách anh chị em mình, gia đình mình trong một thoáng nông nổi, bốc đồng. Và rồi mọi thứ sẽ trở về y nguyên như cũ.

3

Cơ chi mười năm đã qua là không có thật. 

Từ cái buổi chiều oan nghiệt anh T. từ bệnh viện gọi điện về, báo em đang cơn nguy kịch. 

Chị vẫn ngỡ sẽ như lần trước đó, cái lần em vào cấp cứu rồi sau đó nằm viện mấy ngày, vừa nũng nịu đòi vợ em đút cơm cho ăn, lại vừa trêu cô y tá trẻ: “Sao em đẹp thế kia mà em lại tiêm đau đến thế?” Hôm đó chị còn tự nhủ mình phải bới xôi cho đầy cà mèn, thêm nhiều lạp xưởng và đậu phụng giã nát vào, để đưa vào bệnh viện cho mấy anh chị em nửa đứng nửa ngồi bên ngoài phòng cấp cứu chia nhau cho khỏi đói. 

Chứ không phải cái cảnh họ đẩy em từ bên trong ra, và em nằm thẳng băng, hai mắt nhắm nghiền, hai vai không động đậy nhưng sao bỗng to rộng lạ thường. Và phía bên kia, dưới chân em là cậu học trò thân yêu của em đang khóc. 

Không Minh ạ, sao lại thế được. Khó tin đến mức khi chị điện thoại cho em út của tụi mình đang ở xa, báo tin dữ, thì em H. đã bắt chị bình tâm và lặp đi lặp lại mấy lần, và chị càng lúc càng lắp bắp trong tiếng nấc. Rồi đưa em về nhà. Rồi trong đêm tối, anh D. chở chị lên chùa Từ Lâm, xin Chùa về giúp gia đình lo cho em cái lễ. 

4

Cơ chi một chút nữa thôi sẽ có tiếng gọi cửa. Chị sẽ chạy ra, cười toe đón em vào nhà, ngôi nhà vẫn còn thơm mùi sơn mới thuở nào. 

Để rồi một lúc sau thôi, ngồi trước mặt em, chị sẽ chường cái mặt ngố ra, hai mắt thô lố nghe em nói chuyện về Toán. Em không thèm cả nhìn chị, mà cứ say sưa như thể chị có thể chia sẻ cùng em cái thế giới mầu nhiệm với những con số, những công thức và niềm đam mê lạ lùng đã nuôi em từ rất lâu. Từ trong những năm tháng đói kém, ăn bo bo độn sắn nhưng Toán vẫn là dưỡng chất không thể thiếu cho tâm hồn em, trí tuệ em. Là hơi thở của em. 

Niềm đam mê vượt cao lên hơn hết thảy mọi thứ, khiến những năm tháng khó khăn nhất bố vợ em đã có lần tuyên bố sẵn sàng gánh hết mọi lo toan để đảm bảo cuộc sống cho vợ con em, để em được hết lòng, toàn tâm toàn ý LÀM TOÁN.

5

Cơ chi sau một giấc ngủ dài, dài đến bao lâu cũng được, chị sẽ mở bừng mắt, và chợt nhận ra rằng mọi thứ nghiệt ngã tưởng đã diễn ra suốt mười năm qua chỉ tuyền là một cơn ác mộng. 

Không có cái buổi sáng tiễn đưa em lên núi, đoàn xe ngang qua nhà ba mạ mình, dù hết sức kín kẽ không để mạ mình hay biết gì, trong cơn mê sảng mạ vẫn la to đòi “trả con tui lại cho tui”. 

Để không có cái cảnh thi thoảng mạ nhớ em, với vốn ngôn từ ít ỏi còn sót lại sau cơn bạo bệnh mạ lơ ngơ hỏi từng đoạn câu ngắt quãng “răng lâu ... không thấy ... chị nớ” (lâu nay ai mạ cũng gọi là “chị”, cho dù đó là đàn ông hay đàn bà, con cháu, em út hay người dưng). Và anh chị em nhà mình thì cứ cố lờ đi, hay nói dối rằng em đang đi làm toán ở đâu đó xa lắm, còn lâu nữa mới về. 

Cơ chi Minh ơi, vợ em không phải một mình bươn chải lo cho con trai em học hành từ nớ ni, lầm lũi vượt muôn trùng đưa con đến bờ đến bợt như bây giờ. 

Và để khi nghĩ đến em, nước mắt chị không phải đua nhau ứa ra, trào ra thế này. Mười năm trước như thế cũng là đành, mà sao bây giờ vẫn cứ thế Minh ơi.

09.2014
 
P.T.A.N.
(Photos: Phạm Anh Dũng)





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire