dimanche 28 septembre 2014

Có phải là Venise ...





1

Làm cuốn sách về em không dễ chút nào Minh ơi. Ngoài những bí ẩn của thế giới toán diệu kỳ mà em say mê thuở nào, và chị thì ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì, còn có những buổi, chị giở các thứ ra để làm thì ... nước mắt cứ ứa ra, chẳng làm gì được, thậm chí chẳng còn nhìn thấy cái gì trước mắt.

Sáng nay điện thoại xuống cho Phượng, vợ em, bàn về ngày kỵ em tuần sau. Chị nghe giọng Phượng sũng nước, mà chị thì dường như cũng thế.

Hình này có phải là ở Venise không Minh nhỉ. Chị chưa đến đó bao giờ nên không biết. Đắm chìm trong những tư liệu em lưu giữ và cùng với Phượng chị đã lục tìm được, và biết Venise, Paris, Tokyo, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ... là những nơi lẽ ra em đã đến hoặc trở lại lần nữa, nếu như em không đột ngột ra đi.

Những ngày này, sao quá nhiều tin không vui.

Con gái một bạn học cùng lớp với chị, ung thư giai đoạn cuối, đã được đưa về nhà... Mới học xong 4 năm sư phạm, mà bây giờ chỉ còn biết vật vã với những cơn đau ngút trời.

Một bệnh nhân cùng phòng với chị hôm chị bị tai nạn hồi tháng 7, nay bị bệnh brugada, tim phải cấy máy trợ lực (chi phí 280 triệu), đang chạy vay thêm tiền để chi trả, và trả nợ. Cả anh của cậu ấy cũng bị, chưa đủ tiền để cấy máy, bạn bè đang chung tiền góp giúp. Trước đó, một người anh của cả hai cũng đột ngột tử vong, có thể do cùng bệnh này. Bệnh do gien, và có thể di truyền.

Minh ơi, có phải ngày xưa em cũng do bệnh brugada mà đột tử... 10 năm rồi, chẳng còn thay đổi gì được nữa, nhưng sự uất ức lẽ ra đã phải chìm xuống, sao lại cuộn lên trong chị thế này...

Phò hộ cho chị và cả nhà hoàn thành cuốn sách về em nghe.

Cả tuyển tập công trình của em mà học trò em đã và đang ra sức làm nữa.

Anh N đang xuống nhà anh B.D. Tối qua anh chị cùng xuống đó dự lễ tẩm liệm, sáng nay là lễ thành phục. Thêm 1 cái tang, một sự mất mát, và chị càng nhớ em Minh ơi. 




2

Tối qua chị bắt đầu in bản thảo chính thức để nạp cho nhà in và nhà xuất bản. Nhưng máy in giở chứng ra mực tèm nhem... Chị đi ngủ mà ức lắm không ngủ được, bật dậy mấy lần, và đột nhiên phát hiện ra mình đã thiếu sót một chi tiết rất quan trọng trong những trang đầu sách. Và chị đã kịp thời bổ sung... (Sáng nay anh N đã phải mang máy in đi thay ống mực.)

Mãi thật khuya chị mới chìm vào giấc ngủ. Một giấc ngủ thật là say, đưa chị đi xa thật xa. Ở đó chị gặp lại em, Minh ơi. Em vẫn như độ nào, mặc đúng bộ áo quần này, và chở chị trên chiếc xe đạp cọc cạch thuở xưa. Em vừa đạp vừa thở hổn hển, lại vừa nói huyên thuyên. Chị hỏi em mình đang ở đâu đây, có phải Hà Nội không, em trả lời thì còn mô nữa. Chị ngồi ở yên sau, nắm vai em, tay em, tất cả đều mềm, và ấm... Và chị hiểu, ngay trong giấc mơ, rằng đó chỉ tuyền là giấc mơ...

Nhưng một lúc sau chị lại thấy tụi mình cùng thả bộ trong sân trường Jeanne d'Arc thuở nào, nhưng gọi ai người ta cũng không nghe, không thấy hai chị em mình.

Rồi có một lúc em khuỵu xuống, và ngất đi, và chung quanh thì không có một ai khác. Chị bồng em trên tay, băng qua rất nhiều nơi... Không hiểu sao chị lại có thể bồng em cho được, vì em cao và nặng thế kia mà...

Tỉnh dậy, chị biết em vẫn đang dõi theo mọi người.

Mỗi người, bằng cách riêng của mình, đang cùng ôn lại những năm tháng cũ, và hướng đến ngày mai.

Cả em nữa, phải không Minh?


28.09.2014 - 13.12.2014
phạm thị anh nga
 

samedi 13 septembre 2014

Cơ chi ...





Tưởng nhớ em P.A.M.
 
PHẠM THỊ ANH NGA
1

Cơ chi giờ này em vẫn còn đâu đó trên cõi đời này. 

Đâu cũng được. Không cần phải gặp em đều đặn, bởi có khi nhiều tháng liền không gặp, chị vẫn an tâm vì biết em vẫn đang phiêu du ở một đất nước nào đó cùng các chiến hữu ngành Toán của em. Đang ở một phương trời rất xa, miệt mài làm và giải những bài toán khó, nhưng không quên chăm chút cho từng chi tiết nho nhỏ, để khẳng định vị trí và vai trò của quê hương đất nước mình, của thầy giáo mình trong thế giới Toán bao la. 

Cũng có thể em đang trên giảng đường, ở một đất nước chị chưa từng đặt chân tới, say sưa giảng toán bằng thứ ngoại ngữ gần nhất với đối tượng đang ở trước mặt mình. Bởi ngoài Toán, em còn may mắn có một vốn kha khá vài ngoại ngữ, để dễ dàng giảng, trao đổi, bàn luận về Toán học với các đồng nghiệp, sinh viên ở các góc trời khác nhau trên địa cầu. 

2

Cơ chi giữa khuya choàng tỉnh, nhớ em chị có thể bấm máy a lô em để tâm sự. 

Về những chuyện đẩu đầu đâu trên trời dưới đất, và em cũng chịu khó chia sẻ cái sự khùng điên đó của chị. Và cùng khúc khích cười trong đêm. 

Không như bây giờ, nhiều khi trong tối đen khuya khoắt, chị bừng tỉnh, vẫn chưa tin được là em đã đi xa, thật xa, mãi mãi xa. 

Sao thế hở em. Cái vẻ hồn nhiên hăm hở của em trước cuộc đời, trước cái đẹp, trước âm nhạc, hội họa, trước rượu và bia, trước những ân tình xa và gần dường như vẫn mới đây thôi mà. Cả những uất ức trước bao oái oăm cuộc đời mà em phải nếm trải ... vẫn còn đây mới mẻ tinh tươm. 

Như thể những năm tháng cuối này chỉ là cái gì đó thuộc về cõi ảo. Chỉ là kết quả của trí tưởng tượng. Đơn thuần là sự hư cấu cao độ hay sự cợt đùa của định mệnh. Nhằm thử thách anh chị em mình, gia đình mình trong một thoáng nông nổi, bốc đồng. Và rồi mọi thứ sẽ trở về y nguyên như cũ.

3

Cơ chi mười năm đã qua là không có thật. 

Từ cái buổi chiều oan nghiệt anh T. từ bệnh viện gọi điện về, báo em đang cơn nguy kịch. 

Chị vẫn ngỡ sẽ như lần trước đó, cái lần em vào cấp cứu rồi sau đó nằm viện mấy ngày, vừa nũng nịu đòi vợ em đút cơm cho ăn, lại vừa trêu cô y tá trẻ: “Sao em đẹp thế kia mà em lại tiêm đau đến thế?” Hôm đó chị còn tự nhủ mình phải bới xôi cho đầy cà mèn, thêm nhiều lạp xưởng và đậu phụng giã nát vào, để đưa vào bệnh viện cho mấy anh chị em nửa đứng nửa ngồi bên ngoài phòng cấp cứu chia nhau cho khỏi đói. 

Chứ không phải cái cảnh họ đẩy em từ bên trong ra, và em nằm thẳng băng, hai mắt nhắm nghiền, hai vai không động đậy nhưng sao bỗng to rộng lạ thường. Và phía bên kia, dưới chân em là cậu học trò thân yêu của em đang khóc. 

Không Minh ạ, sao lại thế được. Khó tin đến mức khi chị điện thoại cho em út của tụi mình đang ở xa, báo tin dữ, thì em H. đã bắt chị bình tâm và lặp đi lặp lại mấy lần, và chị càng lúc càng lắp bắp trong tiếng nấc. Rồi đưa em về nhà. Rồi trong đêm tối, anh D. chở chị lên chùa Từ Lâm, xin Chùa về giúp gia đình lo cho em cái lễ. 

4

Cơ chi một chút nữa thôi sẽ có tiếng gọi cửa. Chị sẽ chạy ra, cười toe đón em vào nhà, ngôi nhà vẫn còn thơm mùi sơn mới thuở nào. 

Để rồi một lúc sau thôi, ngồi trước mặt em, chị sẽ chường cái mặt ngố ra, hai mắt thô lố nghe em nói chuyện về Toán. Em không thèm cả nhìn chị, mà cứ say sưa như thể chị có thể chia sẻ cùng em cái thế giới mầu nhiệm với những con số, những công thức và niềm đam mê lạ lùng đã nuôi em từ rất lâu. Từ trong những năm tháng đói kém, ăn bo bo độn sắn nhưng Toán vẫn là dưỡng chất không thể thiếu cho tâm hồn em, trí tuệ em. Là hơi thở của em. 

Niềm đam mê vượt cao lên hơn hết thảy mọi thứ, khiến những năm tháng khó khăn nhất bố vợ em đã có lần tuyên bố sẵn sàng gánh hết mọi lo toan để đảm bảo cuộc sống cho vợ con em, để em được hết lòng, toàn tâm toàn ý LÀM TOÁN.

5

Cơ chi sau một giấc ngủ dài, dài đến bao lâu cũng được, chị sẽ mở bừng mắt, và chợt nhận ra rằng mọi thứ nghiệt ngã tưởng đã diễn ra suốt mười năm qua chỉ tuyền là một cơn ác mộng. 

Không có cái buổi sáng tiễn đưa em lên núi, đoàn xe ngang qua nhà ba mạ mình, dù hết sức kín kẽ không để mạ mình hay biết gì, trong cơn mê sảng mạ vẫn la to đòi “trả con tui lại cho tui”. 

Để không có cái cảnh thi thoảng mạ nhớ em, với vốn ngôn từ ít ỏi còn sót lại sau cơn bạo bệnh mạ lơ ngơ hỏi từng đoạn câu ngắt quãng “răng lâu ... không thấy ... chị nớ” (lâu nay ai mạ cũng gọi là “chị”, cho dù đó là đàn ông hay đàn bà, con cháu, em út hay người dưng). Và anh chị em nhà mình thì cứ cố lờ đi, hay nói dối rằng em đang đi làm toán ở đâu đó xa lắm, còn lâu nữa mới về. 

Cơ chi Minh ơi, vợ em không phải một mình bươn chải lo cho con trai em học hành từ nớ ni, lầm lũi vượt muôn trùng đưa con đến bờ đến bợt như bây giờ. 

Và để khi nghĩ đến em, nước mắt chị không phải đua nhau ứa ra, trào ra thế này. Mười năm trước như thế cũng là đành, mà sao bây giờ vẫn cứ thế Minh ơi.

09.2014
 
P.T.A.N.
(Photos: Phạm Anh Dũng)





jeudi 3 juillet 2014

« Vẽ chân dung Thầy » (Mai Châu)

 (Trích email)

Email ngày 04.03.2014
Tôi chưa hề làm chân dung, dịp này tôi muốn vẽ chân dung Thầy, một việc mà bạn bè cũng như học trò Thầy chưa ai làm. Tôi làm để bày tỏ lòng kính trọng quý mến một người bạn lớn dạy cùng trường mà tôi luôn xem như bậc Thầy của mình về mọi mặt, dù làm việc này đối với tôi là một thách thức lớn. Sau 1975 tôi và Thầy Bửu Đôn sống vất vả bằng nghề lao động, lúc nào có tí thì giờ rảnh rỗi rất hiếm chúng tôi thường về nhà Thầy “chơi”. Sau những buổi chơi ngắn ngủi gần Thầy như thế chúng tôi lại như được tiếp thêm năng lượng mới, vui sống và thích nghi tốt với môi trường mới, làm việc với năng suất cao hơn, nhờ thế mà con cái được học hành, gia đình thoát qua cơn túng thiếu.
Hồi đó tôi là người hết sức nhạy cảm trước tranh Đinh Cường, lại may mắn nhờ anh hướng dẫn kỹ thuật và được phép tự do sử dụng tủ sách hội họa rất đồ sộ của anh, tôi đủ tự tin và dám cả gan mò mẫm làm tranh sơn dầu, một ước mơ xa vời mà trước đó chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến.
Thuở ban đầu tôi thường ngại ngùng trước tấm toile trắng rộng như sa mạc, Cường thường nhắc tôi hãy cầm pinceau lên thì mới có tranh. Tôi đã làm như thế, và đã có những bức đầu tay. Tôi kể lại những điều này để khoe Thầy về một biến cố mới rất dễ thương trong đời tôi. Thầy chia vui với tôi nhưng không quên gợi cho tôi một vài suy nghĩ.
(Còn tiếp)

Email ngày 05.03.2014
Thầy nói đừng vội vàng, thức ăn vật chất tiêu hóa tốt trở thành dưỡng chất nuôi mình, thức ăn tinh thần (tư liệu) cũng phải tiêu hóa thật tốt để trở thành dưỡng chất mang đậm nét riêng của mình, không chỉ để nuôi mình mà còn cống hiến cho người.
Có lúc tôi hỏi đùa nếu là họa sĩ Thầy sẽ vẽ cái gì. Đó là một câu hỏi hết sức đơn giản nhưng thuộc vào loại khó, thế mà Thầy đã trả lời ngay rằng bức đầu tay sẽ vẽ một người ngồi thoải mái dưới đất. Tôi và Đôn biết ngay Thầy muốn nói trèo cao rất nguy hiểm. Bức thứ hai sẽ vẽ một con cá (chắc là cá chuồn có cánh) luôn thích bay lên khỏi mặt biển nhưng rồi cũng rơi xuống nước mà thôi…
Câu hỏi vào loại khó nhất mà tôi đặt ra là Thầy nghĩ gì về các trường phái thì Thầy bảo hãy mở lòng  mình ra, trong đó có chứa tất cả mọi thứ, dù phong cảnh, chân dung (như chân dung Anh Nga qua nỗi lòng của Đinh Cường) hay khỏa thân, v.v. …, hãy chép lại từng thứ một trong đó mà anh khoái theo cách của anh thì anh sẽ có những tác phẩm tuyệt vời nhất, đó là trường phái của tôi.
Những trao đổi bất chợt hồn nhiên và thực dụng như thế làm chúng tôi thích gần Thầy, và vì thế mà khi viết nhưng dòng này thì nhớ Thầy rất nhiều. Những lời dặn dò đó của Thầy nuôi tôi lớn lên trong ước mơ sẽ có những bức tranh vừa ý, nhưng tôi tuy đã là một cụ già tám mươi mà lại hình như đang ở trong tình hình “trở về tuổi thơ” nên có thừa hăng say theo kiểu đi xe đạp tuột dốc mà cục gôm phanh bị mòn, do đó nhiều khi vì hấp tấp sơ ý bỏ quên không thực hiện được trọn vẹn những lưu ý của Thầy.
Tôi đang mở lòng ra để làm một chân dung Thầy (theo trường phái của Thầy?) như là một cách tưởng nhớ dễ thương nhất, nhưng hình như bộ nhớ làm nên ký ức của tôi có vấn đề nên xin Anh Nga hãy cứu tôi bằng cách gửi liền cho tôi qua email một số ảnh chân dung tiêu biểu của Thầy để làm tư liệu, và tôi hứa sẽ thận trọng trong việc tiêu hóa thật tốt khi sử dụng chúng.
Xin cám ơn Anh Nga thật nhiều.
Mai Châu

Email ngày 09.05.2014
Vì là trưởng họ nên lâu ni quá bận về vụ làm thẻ đỏ cho đất nhà thờ trên đó hiện có người ở, cho đến chừ mới tạm ổn. Bắt đầu làm chân dung Thầy, ảnh tư liệu cái thì trẻ quá, cái thì già quá, hình ảnh Thầy qua bộ nhớ rục rệu của tuổi 80 thì lại không còn được trung thực nữa, nhưng may cách của mình cốt ghi lại thần thái và tính cách của nhân vật là chính, nên chắc mọi thách thức rồi cũng sẽ vượt qua.
Khoảng chừng mươi ngày nữa là xong. Chất liệu sơn dầu rất lâu khô. Acrylic thì chóng khô nhưng có những hạn chế của nó. 
MC

Email ngày 10.05.2014
Nga à, gửi thêm 2 ảnh làm cho mình có thêm một niềm vui vì ngoài việc cung cấp tư liệu thì còn là một hỗ trợ tinh thần rất quý, mình thường xem mọi việc trong đời như một trò chơi lớn của Hướng đạo, nên ai được tham dự là rất vui ở chỗ làm răng để vượt qua những khó khăn khi chơi.
Đêm qua bà xã đi Saigon nên mình có quyền thức vọc màu chơi cho đã và xem như bức tranh gần xong. Phần mềm trong đầu mới khó còn phần cứng thể hiện thì thuộc về kỹ thuật nên nhanh.
Không ngờ lại được xem ảnh Đính hôn của anh Nam, nụ cười chú rể nói lên nhiều điều (?), cô dâu gầy đầy chất dâu Huế, ai chụp được bức ảnh quá tuyệt vời, mình phục lăn đó.
Cả đời gần chết đến nơi mà ngoài việc làm mấy bài luận thời học trò nhớ không lầm hình như rất ít điểm ra, rất hiếm khi phải cầm đến cây bút, chừ mà bắt viết thì mình cũng làm với điều kiện là phải chấm chính tả, chấm ngữ pháp, quẹt bớt những phần thừa vô duyên giùm.
MC

Email ngày 28.05.2014
Tranh chân dung Thầy đã xong, chắc chiều sẽ mang lên tặng Ông Bà.
MC
Họa sĩ Mai Châu (Mai Quang Châu) với bức chân dung Thầy Phạm Kiêm Âu mới hoàn thành (05/2014)

Email ngày 30.06.2014
Bức chân dung Thầy được Anh Nga cho là “rất quý” và một số người xem không chê là may mà lại còn khen, thế mà hôm đem lên nhà mình cũng run vì thiếu tự tin, không hiểu ý Nga thế nào. Thường thì họa sĩ bậc thầy họ chú trọng tính cách nhân vật, còn ngoại hình là thứ yếu vì họ không nhắm đến việc vẽ tranh thờ, họ không muốn chọc cho con cháu nhìn vào đó thì chảy nước mắt. Còn mình không thích vẽ xong rồi lại phải ghi chú tên nhân vật kẻo sợ người xem không biết là ai. Thế nên cách làm chân dung Thầy của mình là vừa chú trọng đến tính cách vừa chú trọng ngoại hình...
MC

(AnhNga nhặt nhạnh)
*


Tác giả và AnhNga, dịp khai trương triễn lãm tranh "Ước mơ xanh" của họa sĩ Mai Châu (Liễu Quán - Huế, 27.04.2013)