LABADANG
2 tháng 11, 2016 – 5 tháng 3, 2017
BẢO TÀNG CERNUSCHI
BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT
CHÂU Á – THÀNH PHỐ PARIS
Năm 2015, Bảo tàng Cernuschi được bà Myshu Nguyễn Lê
Bá Bảng hiến tặng những món quà rất quý, để tưởng nhớ phu quân của bà, nghệ sĩ
người Pháp gốc Việt Lebadang. Ở Pháp, Lebadang là người kín tiếng, mặc dù ông
đã sống ở đất nước này từ năm 18 tuổi. Nơi tác phẩm của ông được phổ biến rộng
rãi hơn là Hoa Kỳ, Nhật, Đức và Việt Nam. Mặc dù ở xa quê, ông vẫn giữ một mối
liên hệ mật thiết về văn hóa và tình cảm với quê hương nguồn cội của mình, và
quê nhà đã dành riêng cho ông một bảo tàng chuyên khảo ở Huế, được mở từ năm
2006.
Là một nghệ sĩ lan man và ham thu thập, một nhà thám
hiểm không hạn độ về chất liệu và kỹ thuật, Lebadang thích tự xem mình như một
« nghệ nhân » hơn là một nghệ sĩ. Ông để lại một tài sản nghệ thuật
là nơi giao thoa của màu nước, khuôn rập, bản khắc lụa, tranh vẽ, tác phẩm nặn
bằng đất, điêu khắc bằng kim loại, thủy tinh, bằng thép không gỉ hoặc bằng gỗ,
đồ trang sức, gốm sứ, thảm trang trí. Ở ranh giới giữa điêu khắc và hội họa,
các tác phẩm độc đáo nhất của ông được kiến tạo từ giấy bổi dày, được xé ra và
dán ở lớp trong cùng. Các Không gian
đắp nổi rất cao đó gợi nên hình ảnh một trái đất tưởng tượng và nên thơ được
nhìn từ bầu trời. Vượt qua mọi thử thách về kỹ thuật, ông chuyển chủ đề đó sang
lĩnh vực tranh in bằng khuôn rập và thành công trong việc thiết kể các phức hợp
cực kỳ tinh xảo : cắt các hình thể được tập hợp một cách thủ công, dập nổi
bằng nhiệt, trổ khắc, màu sắc in thạch bản, đó chính là những công đoạn trong
quá trình thực hiện các Không gian
nói trên.
Hai mươi tác phẩm được giới thiệu ở bảo tàng Cernuschi
cho phép minh họa những tìm tòi liên tục và những giai đoạn khác nhau về phong
cách của Lebadang. Bị trừu tượng cám dỗ vào những năm 1960, ông làm nổi lên những
mô thể và những kết cấu khiến người xem nhìn thoáng qua cứ ngỡ đã nhận diện được
là gì. Đối với ông, sự trừu tượng, cách vận dụng các kiểu sắp xếp và những khoảng
rỗng được chiếu sáng ở phía trong cùng gợi ra cái nguyên thủy ban sơ trong triết
lý Đạo giáo.
Trong thời Chiến tranh Việt Nam, Lebadang biểu thị nỗi
đau xé lòng của mình bằng một loạt các bức tranh có nhan đề Phong cảnh bất khuất. Một thiên nhiên hỗn loạn, với các vách đá đen
dựng đứng, những cảnh sục sôi hung hãn, tung tóe hằn thù, và xuyên suốt qua tất
cả là một vạch đỏ. Chỉ là một vệt màu, tia hy vọng mảnh nhưng sắc bén, thể hiện
đường Hồ Chí Minh, con đường mòn bí mật đã giúp tiếp nhiên liệu cho các đội
quân cộng sản. Một bức màu nước cùng năm cũng chọn chủ đề chiến tranh với một
phong cách thoáng gợi nhớ những phong cảnh Trung hoa cổ điển. Cây cối bị đốt
cháy bốc lửa, đe dọa những túp lều đơn sơ, là vết tích cuối cùng của một nhân
loại bị truy đuổi, sập bẫy và mắc kẹt giữa những lằn sáng nổ tung chói chang của
một cảnh quan bị dày xéo. Ở đó có thể thấy bao kỳ công trong những vầng sáng và
những đường cong uốn khúc mà người nghệ sĩ sẽ theo đuổi ở các giai đoạn sau,
trong Tấn trò đời và các Không gian.
Trong những năm 1978 và 1979, được chào đón ở các xưởng
vẽ của những phòng trưng bày Hoa Kỳ Circle Fine Art, Lebadang cho ra đời một loạt
bản khắc lụa, ở đó ông tìm cách đạt đến một chiều sâu, một sự hòa quyện sắc màu
lộng lẫy thông qua sự rung động của sắc màu và việc xếp các màu sắc đó chồng lên
nhau hơn là dồn chung chúng lại.
Năm 1980 đánh dấu một bước ngoặt trong tác phẩm
Lebadang : đó là năm con trai của ông qua đời. Lần đầu tiên, Lebadang lao
động cho chính mình, tự giải thoát khỏi các phong cách thời thượng và những tác
phẩm thực hiện theo đơn đặt hàng. Ở tuổi chín muồi, ông tái hiện khuôn mặt người
trong những loạt tranh được ông gọi tên là Tấn
trò đời, để vinh danh Balzac : Lebadang tự nhận thấy có cảm hứng trước
sự mẫn cảm của nhà văn đối với những nỗi đau, những niềm vui, những phần số của
phận người. Ở đó ông cũng chạm vào cái phổ quát trong những tác phẩm cuối của
mình, khi vượt ra khỏi những ảnh hưởng văn hóa. Ông cũng kiến tạo cho mình một
dấu triện bao gồm một hình vuông che chắn cho một gia đình : một đứa bé ở giữa
bố mẹ mình. Ý tưởng về con người trong khung đó sẽ còn được tiếp tục và mở rộng
khi ông thực hiện những sản phẩm sau đó, là các bức Không gian, được phát triển từ năm 1985.
Hệt như một kiến trúc sư của giấy, Lebadang nặn nguyên
liệu bột giấy thành hình thù trông giống như bề mặt của một vùng đất tưởng tượng
nhìn nghiêng, với các thung lũng và những ngọn núi. Người nghệ sĩ sáng thế cho
thấy một cảnh quan thanh tịnh, tâm linh, được tái tạo từ trực giác về một thiên
nhiên nguyên thủy, vô hình nhưng hiện hữu. Một tiếng vọng theo quan niệm Lão
giáo vang lên trong cuộc tìm kiếm được đề xuất với khán giả này, ở đó khán giả
được mời phóng tầm mắt nhìn ra bên ngoài sự hữu hạn của tác phẩm.
Vào khoảng năm 2001, Lebadang, ở tuổi 80, bước vào
giai đoạn sáng tác cuối. Ông đề xuất một sự tổng hợp tĩnh lặng nhiều chủ đề
trong số những chủ đề ông đã suốt đời đeo đuổi. Trên một phông nền cố tạo nên vẻ
hợp nhất và đơn sắc, ông quét lên những nét rung gợi nên một chất liệu khó sờ
thấy, vừa dày đặc, phát quang vừa chuyển động, và dường như báo trước sẽ có một
mô thể nào đó nổi lên. Và rồi một mặt Phật thanh thản và hướng nội hiện ra. Và
từ đấng thiêng liêng đó chỉ còn một khuôn mặt viên mãn ở cõi u minh. Ánh sáng
dường như tỏa ra từ dưới lớp sơn màu, là dự cảm tối hậu của người nghệ sĩ về một
thế giới tâm linh bên kia.
Anne Fort
Quản đốc Bảo tàng Cernuschi
------------------------------------------------------------------------------------------------
TIỂU SỬ
Lê Bá Đảng, nghệ danh là Lebadang, sinh ngày 27 tháng
6 năm 1921 ở Bích La Đông (thuộc tỉnh Quảng Trị, gần Huế, cố đô của nước Việt
Nam), và mất ngày 7 tháng 3 năm 2015 ở Paris, Pháp, là một họa sĩ, thợ khắc,
điêu khắc gia Việt Nam có quốc tịch Pháp từ năm 1980.
Ông đã trải qua phần lớn đời mình ở Pháp, với vài dịp
lưu trú tại Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Tác phẩm của ông thật đồ sộ và bao gồm tất cả các lĩnh
vực nghệ thuật. Sau khi học ở trường Mỹ Thuật Toulouse từ 1942 đến 1948, ông bắt
đầu những bản vẽ, bức tranh, bản in thạch bản và bản khắc đầu tiên của mình với
những chủ đề khá cổ điển. Sau đó, ngay từ năm 1955, tác phẩm của ông đã được
các nhà phê bình nghệ thuật công nhận. Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati đã tổ chức
triển lãm cá nhân đầu tiên của ông ở Hoa Kỳ vào năm 1966. Năm 1985, ông sáng
tác những Không gian đầu tiên của
mình, là những tác phẩm bằng giấy phối hợp nhiều kỹ thuật cắt dán và xếp chồng,
giữa điêu khắc và phù điêu, như một sự tổng hợp và vượt qua hai dạng thức thể
hiện này.
Nước Pháp đã vinh danh ông và tặng ông Huân chương Văn
học Nghệ thuật năm 1994. Ông cũng nhận được một số danh hiệu tại Hoa Kỳ, Anh quốc
và Việt Nam. Ông được giao nhiệm vụ thực hiện thanh gươm viện sĩ của Jacques
Ruffié[1] năm
1991. Ông đã tạo ra các phối cảnh và trang phục cho vở opéra Mỵ Châu - Trọng Thủy tại Nhà hát kịch
Opéra de Paris năm 1977, xuất bản nhiều tập tranh in thạch bản, trong đó có tập
Tám con ngựa năm 1964, là tập tranh đầu
tiên của ông với những hình nổi, không màu sắc cũng không mực in, với thơ và
thư pháp của Chou Ling. Ông cũng thiết kế những sản phẩm điêu khắc cho nhà chế
tạo thủy tinh Daum và thực hiện một “Không gian” lớn trong các công trường đá của
“Giáo đường Hình ảnh” ở Les Baux-de-Provence năm 1997.
Tại Việt Nam, với sự hiện diện của Lebadang năm 2006,
thành phố Huế đã khánh thành Quỹ Nghệ thuật Lebadang nhằm bảo tồn và trưng bày
thường xuyên hơn 400 tác phẩm phản ánh hơn 70 năm sáng tác của ông.
Các tác phẩm của ông có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá
nhân, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp.
Luc HO
Phạm thị Anh Nga chuyển ngữ từ
nguyên bản tiếng Pháp
[1]
Jacques Ruffié (1921-2004) : Nhà huyết hoc, nhà di truyền học và nhà nhân loại học người Pháp. (Chú
thích của người chuyển ngữ)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire