lundi 19 août 2019

« LÊ BÁ ĐẢNG phải là người ngoài hành tinh. » ( François NEDELLEC )

Lebadang – Art Vision à Paris, trang 33


(Phạm thị Anh Nga chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp)


Dáng người thấp bé, đôi mắt nhấp nháy, cái nhìn sắc bén xuyên suốt mọi vật và mọi người, dường như LEBADANG luôn đi đến nơi người ta không ngờ tới, nhờ một thao tác phép thuật biến ông thành một sinh vật siêu phàm. 
Nhìn cho thấu triệt thì tác phẩm của LEBADANG mang một vẻ gì đó hư ảo, hư ảo một cách thầm lặng.
Những không gian được quan sát từ trên cao, là nơi mà sự không bằng phẳng và gồ ghề của mặt đất nhắc ta liên tưởng đến các "terra incognita", các vùng đất hoang sơ của những nhà thám hiểm đầu tiên.
Như thể đó là vương quốc tâm linh, nơi ẩn náu của ký ức về những người quá cố.
Thoạt nhìn, đó là một công trình mà ánh mắt quét qua những vùng đất băng giá và hoang mạc, nơi có mỗi một tấm khăn màu xanh dương phủ lên khiến ta ngờ rằng ở đó có hồ nước hay sông băng.
Giữa sự yên ả và sự thinh lặng trước những cơn giông bão.
LEBADANG đứng ở giao diện này, nơi kẻ sáng tạo đùa nghịch một cách nghệ thuật và tinh quái với các ý tưởng, vật liệu và dự án. Là bậc thầy về ngôn từ và đồ vật và với một trí tuệ hiền nhân không ngừng đan xen trong nghệ thuật có tính tiết độ của mình, dường như LEBADANG hạ cánh, và nói thế không ngoa ngôn  gì cho lắm, trên một không gian sẵn sàng để được nhào nặn. 
Một khi có sự tương hợp hoàn toàn giữa sự thể hiện cỡ nhỏ thường được các chuyên gia gọi là ma-két và kết quả thực hiện ở quy mô một công viên, thì đó thực sự là một bản vẽ thiết kế. 
LEBADANG trở thành kiến trúc sư của thiên nhiên. Và chính nhờ có kiến trúc mà không gian tự nhiên trở thành không gian chung, nơi có những dấu mốc đầy ý nghĩa của sống và sống cùng.
Và tác phẩm của LEBADANG có cái uy lực tái tạo đó, là tái tạo dưới dạng ba chiều những hình khối mà ánh mắt và bàn tay muốn mơn trớn, muốn chiếm lĩnh.
Thế thì sao không thâm nhập trọn vẹn, hoàn toàn vào tác phẩm bằng trí tưởng tượng. Một thiên nhiên tầm cỡ hành tinh nơi đi dạo chơi là một điều tuyệt vời. Như thể hình mẫu, bản vẽ thiết kế mà chúng ta đề cập ở trên phải đi đến tận cùng định mệnh của mình – là nghệ thuật ở đó con người sống, dạo bước và khóc cười.
Thế giới vĩ mô và thế giới vi mô cùng hội tụ trong sự ảo diệu của các giác quan.
Bởi vì LEBADANG chắc chắn là con người của ký ức, của ký ức địa chất.
Khi ông lựa chọn giấy bổi, với mức độ chính xác chỉ có ở giới sáng tạo bậc thầy, ông biết mình sắp làm việc với bột giấy nguyên chất không lẫn chút than nâu nào, để định hình theo phong cách của nhà kiến trúc sư tầm cỡ một không gian pha lẫn vừa văn hóa vừa thiên nhiên.
Ông tìm thấy lại những địa tầng, những miệng núi lửa, những nếp lõm và những nếp lồi mà thời gian đã kết tủa nhưng cuối cùng "in situ", tại chỗ, người ta không nhận ra nữa.
Phải nhìn nhận đó là một kiểu về nguồn, một kiểu nhìn xưa cổ, ở đó thiên nhiên là nghệ thuật, ở đó hình thể là sự cộng hưởng của vũ trụ. 
Cho dù các địa tầng là bằng đá phiến hay bằng bột giấy, thì có hệ trọng gì. Có gì đó như là một phả hệ tạo hình, một sự tích tụ nhiều tầng "ký ức". 
Việc chuyển di trong cảm xúc ban đầu một công trình cỡ nhỏ đến một không gian nhiều hec-ta, như LEBADANG mong muốn, cho thấy nghệ thuật theo hình dung của người nghệ sĩ là một phần không thể thiếu của con người đến nhường nào. 
Và đó là một huyền thoại xưa cũ. Là cuối cùng thâm nhập vào chất liệu để trải nghiệm nó, để sống trong nó. Là tìm lại cảm giác thông thuộc rằng con người vừa là một vũ trụ vừa ở trong vũ trụ. Vừa là một người khổng lổ vừa là một chú bé tí hon.
Mặt khác, xưởng sáng tác của LEBADANG có một cái gì đó có tính phù phép vượt tầm kiểm soát của chính ông.
Giấy – ý tôi là những tầng những lớp giấy – màu đen, đỏ hay xanh dương, tựa những mảng kiến tạo lớn, leo trèo và trượt xuống tùy thích trên nền nhà.
Ông tái dựng những cảnh quan thu nhỏ, đương nhiên với một nỗi khát khao gần như bệnh hoạn nhằm loại bỏ những chi tiết thừa.
Ông muốn trở về với trạng thái ban đầu, hay nói cho chính xác hơn là với trạng thái nguyên thủy. 
Trạng thái mà ai ai cũng kiếm tìm để được yên tĩnh và mỗi triết gia đều tự tạo cho chính mình, được gọi tên là "Sa mạc nội tâm".
LEBADANG là một bậc hiền nhân, ông biết rằng những gì không được tạo ra với thời gian thì thời gian không lưu giữ. 
Thế là ông kiến tạo, ông tái lập những phong cảnh, những châu lục dựa trên những khuôn mẫu mà ông thu thập.
Như chính ông nói và như ông cảm nhận, đó là chu kỳ vĩnh cửu của ánh sáng và sự sống.
Đó là một công trình ở đó mỗi mảng bột giấy-đá phiến đều hít thở thật sâu sự sống và ánh sáng.
Và như thế, hành động sáng tạo đã hiển lộ vô cùng trọn vẹn.




François NEDELLEC

Quản đốc

Bảo tàng La Castre
CANNES




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire