jeudi 5 septembre 2019

« TÁC PHẨM CỦA LÊ BÁ ĐẢNG » ( Noriyoshi Takagi )


Lebadang ( 1988 )

TÁC PHẨM CỦA LÊ BÁ ĐẢNG

Noriyoshi Takagi

Người ta thường cho rằng các tác phẩm nghệ thuật của ông là sự gặp gỡ giữa Đông và Tây. Hẳn là, sinh ra ở một vùng lân cận với “Huế”, cố đô của nước Việt Nam, đến cư ngụ ở Pháp và theo học Trường Mỹ Thuật ở Toulouse, ông có sự mẫn cảm và cách biểu đạt theo một phong cách nửa Âu nửa Á và do đó các tác phẩm của ông không phải phương Đông cũng không phải phương Tây, chúng ở lưng chừng giữa hai bên, nhưng ta không nên quá tin vào điều đó. Bởi vì các tác phẩm của ông biểu thị tính phổ quát và một sự kiếm tìm nhất định cái đẹp. Dường như sự hội ngộ giữa Đông và Tây chỉ quan trọng đối với riêng ông.

Các hoạt động của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, chạm trổ, dán, trang trí và trang phục của nhà hát Opéra de Paris. Ngoài ra, vào dịp triển lãm tại Hoa Kỳ, ông đã giới thiệu một số hình vẽ các trang sức. Có thể nói trong hầu hết các chất liệu và ở tất cả những gì ông chạm vào, ông đều thể hiện cái đẹp. Mặt khác, do cách thể hiện của ông luôn bị tính cách của ông kiềm tỏa, cho nên trong mọi lĩnh vực các tác phẩm của ông đều kết tinh được một nét riêng độc đáo. Mọi thứ đều gắn kết với nhau không thể tách rời: vẽ và dán, dán và chạm khắc. Chắc hẳn các trang sức cùng với các trang phục và quang cảnh trang trí cũng tạo nên một sự tổng hòa. Tất cả những điều đó hun đúc thành nét đặc trưng cho toàn bộ tác phẩm của ông. 

Không bị hình ảnh quá khứ níu giữ, ông tự do trải rộng những mày mò đa dạng của mình; bản thân cuộc sống của ông cũng đã biểu thị sự trải dài vô tận của thời gian cùng với những thăng trầm của nó.

Bởi vì, chính ông, ông cũng là một trong số những nghệ sĩ  đã đánh mất quê hương của mình và sinh sống ở nước ngoài, và chắc hẳn ông thấu hiểu sự đơn độc mà tự do mang đến cho mỗi người.

(Phạm thị Anh Nga chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp)


« THÔNG ĐIỆP » ( Lê Bá Đảng )

Lebadang (1988)  – Message

THÔNG ĐIỆP

Tôi không phải là người vô cảm khi đến Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc triển lãm đầu tiên của mình. Nếu người họa sĩ hiện đại cắm rễ trong sâu thẳm các nền văn hóa Á châu, thì truyền thống nghệ thuật Nhật Bản cho phép các họa sĩ trường phái Ấn tượng (mà nghệ thuật hiện tại là hậu duệ trực tiếp) nhận thức rõ hơn về cú sốc có thể được tạo nên bởi sắc màu và sự táo bạo chủ quan ở một đường nét được thiên cảm cá nhân gạn lọc. Thành tựu này của hội họa đương đại được đặt kề bên cảm quan viễn Đông của tôi. Ký ức về thuở ấu thời ở Việt Nam đã không ngừng dẫn dắt tôi tiến hóa. Hiểu theo một nghĩa nào đó, chuyến thăm Nhật Bản của tôi là một sự về nguồn, và nó khiến tôi cảm thấy mình thuộc về châu lục mà tâm tưởng tôi chưa bao giờ rời xa ấy đến nhường nào. Chắc hẳn tôi đã rút tỉa từ nguồn gốc tôn giáo nhà Phật của mình tình yêu cuộc sống mãnh liệt và không bao giờ chối bỏ được đó, và chắc hẳn tôi mong kết nối cái móc xích là tôi trong chuỗi dây xích dài sao cho được bền chặt.

Tôi còn ghi nhớ bài học về thiền định từ thuở ấu thời mà ngọn núi, những cây lưu niên, giải ngân hà đã truyền dạy cho tôi, và nếu bầu trời tượng trưng cho khát vọng tối cao, thì một khi ta vượt lên cao hơn đỉnh những ngọn cây và nhìn về mặt đất, quang cảnh nơi con người sống trải bung ra như một bức vẽ không bao giờ gián đoạn. Người ta đã chẳng luôn nói trong tất cả các ngôn ngữ rằng con người vươn cao về mặt trí tuệ đó sao ? Không gian do đó đã là nguồn cảm hứng bất tận của tôi, cái không gian mà người ta chợt nhận ra với tâm thế gần như sợ hãi khi chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao ; nơi sóng vang vọng giữa hai tảng đá trên bờ cũng hệt như giữa những bông hoa trong vườn hay giữa những nhân vật đang rảo bước trong sương mù. Là tiếng vọng lặp đi lặp lại cả nghìn lần, là vần gieo không ngắt quãng của thời gian vĩnh hằng mà không gian đồng hành như một khúc ca thần bí. Các bậc hiền triết và các nhà thơ vẫn luôn biết cách nhìn thế giới hữu hình từ rất cao. Họ không cần di chuyển bằng máy bay để xác nhận cách nhìn của mình, mà chỉ cần niềm tin vào vận mệnh con người và sự trường tồn tuyệt đối của tình yêu, không thế thì vũ trụ sẽ không thể tồn tại.

Tôi vô cùng xúc động khi chiêm ngưỡng một ngôi vườn Nhật Bản, là một không gian khép kín có sức gợi thật biểu trưng đến sự vô tận. Tôi tìm thấy ở đó sự khuyến khích để tôi tiếp tục công trình của mình và một chủ đề thiền định mới. Trái hẳn với những nghệ sĩ khác nhìn thấy mọi thứ ở ngay trên mặt phẳng ở vị trí trần gian của chúng, tôi nỗ lực nhìn thấy chúng từ cao trong không gian, như thể chúng và tôi cùng bị cuốn vào một vòng xoáy vũ trụ. Tôi biến không gian thành vùng đất của mình vì không thể hình dung ra không gian nếu không có tự do. Tình yêu sự tự do này chắc hẳn đã được tình yêu không gian chỉ định trong sâu thẳm nhất của tôi, bởi không thể hình dung ra cái này nếu không có cái kia. Tham vọng duy nhất của tôi sẽ là củng cố cho những ai bị công trình của tôi quyến rũ, nhu cầu về không gian và nhu cầu tự do, nghĩa là tình yêu cuộc sống. Tình yêu cuộc sống này sẽ không là gì nếu không có tình yêu không gian và không có tình yêu tự do. 

Lê Bá Đảng

 (Phạm thị Anh Nga chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp)