Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm tự bồi dưỡng cũa Cán bộ trẻ lần thứ I
Trường Đại Học Sư Phạm Huế - 1985
Trường Đại Học Sư Phạm Huế - 1985
Báo cáo của:
PHẠM THỊ ANH NGA
Khoa Ngoại Ngữ
Khoa Ngoại Ngữ
(...)
1. Trong công tác giảng dạy:
1. Trong công tác giảng dạy:
a- Bản thân công tác giảng dạy của chúng ta đã là một tình huống có vấn đề. Có người cho rằng nghiên cứu khoa học mới khó, chứ còn giảng dạy thì thế nào cũng xong. Tôi phản bác ý kiến trên, bởi lẽ:
- Thực tế quá trình đào tạo của chúng ta ở Đại học Sư Phạm chỉ đảm bảo cho chúng ta một số vốn kiến thức đủ để giảng dạy cấp 3 chứ không phải ở Đại học.
- Ngành khoa học nào, dù tự nhiên hay xã hội, cũng ngày càng phát triển. Bản thân chúng ta không tự cho phép mình lạc hậu với cái mới.
Do đó chúng ta cần đặt nặng công tác tự bồi dưỡng và không có quyền ngừng lại bất cứ lúc nào.
b- Giảng dạy phải mang tính người, có nghĩa là:
- Toàn bộ nội dung, yêu cầu, phương pháp. thái độ của chúng ta phải thật sự tôn trọng học sinh, làm cho bản thân người học phải thật sự nhận thức được cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc của bài học, thích học và làm chủ được việc học.
- Thông qua bài dạy, ngoài việc bồi dưỡng kiến thức, phát triển khả năng trí tuệ của học sinh chúng ta còn phải góp phần hình thành và phát triển cảm quan và tính cách của học sinh. Một cách suy nghĩ lôgic, cách đánh giá khoa học, cách dùng từ chính xác, phương pháp giải quyết vấn đề một cách tiết kiệm, biện chứng, hay sự cảm thụ tinh tế trước một câu văn hay, một ý tưởng đẹp ... đều là những yếu tố góp phần hình thành CON NGƯỜI của học sinh.
Trong một buổi hỏi thi vấn đáp môn ngữ văn ở lớp Pháp 2B cách đây không lâu, sau khi sinh viên đã trả lời những câu hỏi liên quan tới đề thi, tôi có đặt thêm câu hỏi: “Bạn có suy nghĩ gì về những bài khoá học trong năm và khi so sánh những bài khoá của học kỳ II với những bài khoá học kỳ I bạn có nhận xét gì không?”. Câu trả lời không được chuẩn bị trước, nhưng tôi rất cảm động khi thấy đa số các em được hỏi đã thấy được cái chiều sâu của những bài khoá. Trong năm học các em đã phải suy nghĩ và phát biểu ý kiến riêng của mình về những vấn đề của cuộc sống, về những quan hệ giữa người với người, từ những quan hệ trong tình huống đơn giản (trong gia đình, trong học đường, ngoài đường phố..., học kỳ I) đến những quan hệ trong tình huống phức tạp hơn (trong chiến tranh, giữa cái sống và cái chết..., học kỳ II) và với số vốn ngoại ngữ còn ít ỏi các em đã nói lên những nhận xét đó.
2. Trong nghiên cứu khoa học:
Đây là một vấn đề hết sức lớn. Tôi chỉ xin trình bày những suy nghĩ hết sức tản mạn của mình về một yêu cầu không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học, đó là tính khoa học.
Trong thời gian học ở Hà Nội, tôi có được một điều rất may mắn là được thầy Trương Đông San, tiến sĩ Ngôn ngữ học, nhận hướng dẫn đề tài tiểu luận Cao học. Với một quy ước: tôi phải tự làm lấy mọi khâu, vì điều kiện thời gian của thầy rất eo hẹp, thầy chỉ có thể giúp tôi định hướng công việc, tìm ra phương pháp nghiên cứu và cuối cùng là đánh giá công việc của tôi.
Trước khi chính thức nộp bản thảo tiểu luận, tôi gặp thầy tất cả 4 – 5 lần. Lần đầu tiên chúng tôi cùng đàm luận để chọn vấn đề. Những lần kế tiếp, lần nào tôi cũng được yêu cầu trình bày:
- Danh mục tài liệu tham khảo đã đọc được. Mỗi lần đều có bổ sung.
- Đề cương tiểu luận đã phác thảo. Mỗi lần đều có điều chỉnh và ngày càng thêm chi tiết.
Lần nào danh mục tài liệu đã đọc và đề cương tiểu luận cũng được thầy chấp nhận, nhưng thầy vẫn yêu cầu tôi phải suy nghĩ thêm và thầy có một số gợi ý nhỏ. Lần cuối cùng trước khi nạp bản thảo, khi tôi trình bày xong đề cương chi tiết (dài một trang rưỡi) thầy tuyên bố kết quả cuối cùng có thể đạt từ điểm 8 trở lên, “có đạt điểm 9 hay 10 là do lập luận của bạn khi viết”.
Công việc còn lại của tôi lúc đó là viết thành văn tất cả những ý tưởng, lập luận cô đọng trong 1,5 trang đề cương và tất nhiên, đề cương đó vẫn có thể thay đổi nếu cần thiết.
Đó là một câu chuyện, một kỷ niệm đã để lại một dấu lưu sâu sắc trong lòng tôi và đặc biệt là trong công tác nghiên cứu khoa học của tôi sau này.
Trong nghiên cứu khoa học, người hướng dẫn tốt nhất không phải là người truyền hết cho ta những hiểu biết và quan điểm của họ, mà là người giúp ta hình thành và phát triển một phong cách khoa học trong nghiên cứu. Đó không phải là người thường xuyên cung cấp những tài liệu tham khảo cần thiết, mà là người bắt ta tìm tòi phát hiện tài liệu. Đó không phải là người vạch sẵn cho ta một đề cương với đầy đủ các phần cần thiết cho đề tài, mà là người hướng dẫn ta hình thành được một đề cương hoàn chỉnh, trên cơ sở điều chỉnh dần những dạng đề cương ban đầu.
Đó là người giúp ta có được tính khoa học trong toàn bộ công tác nghiên cứu của mình.
Trường hợp chúng ta phải tự mình tìm tòi và nghiên cứu không có ngưới hướng dẫn, thì bản thân phải tạo cho mình phong cách đó, thể hiện ở các khâu:
- chọn đề tài
- tiến hành nghiên cứu, chương trình nghiên cứu, tính lôgic trong lập luận
- trình bày, báo cáo lại công trình nghiên cứu (không chỉ trình bày nội dung, mà trình bày cả lý do chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, lịch sử của vấn đề, cái mới của đề tài...).
Cuối cùng, để đảm bảo cho khả năng nghiên cứu vừa tốt vừa lâu dài, mỗi người chúng ta cần đáp ứng những điều kiện sau:
- yêu thích nghiên cứu
- bắt tay ngay không chờ đợi, chần chừ
- kiên trì nhẫn nại, quyết tâm
- phải biết tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của người khác, tranh thủ mọi dịp để tiếp cận và bắt kịp cái mới
- luôn nhớ rằng không một thành công nào của cá nhân có thể hoàn toàn tách biệt tập thể.
3. Những đề nghị đối với Trường, Khoa:
1. Tăng cường và đẩy mạnh các hội nghị khoa học, diễn đàn về nghiên cứu khoa học trong cán bộ trẻ.
2. Cần có yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cán bộ trẻ, về chuyên môn nghiệp vụ.
3. Trong mỗi Khoa có những hình thức bồi dưỡng cán bộ trẻ, trong phạm vi chi đoàn, tổ nhóm chuyên môn có kiểm điểm đánh giá cụ thể. Cử cán bộ trẻ đi học, hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các trường bạn, giữa khoa này và khoa khá.
4. Lập phiếu chuyên môn của cán bộ theo từng khoa, có ghi những môn học cần thanh toán, có lời nhận xét đối với những môn đã thanh toán.
5. Bằng mọi cách tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tiếp cận được với cái mới.
Kỷ yếu HỘI NGHỊ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM TỰ BỒI DƯỠNG CỦA CÁN BỘ GIẢNG DẠY TRẺ lần thứ I
Trường ĐH Sư Phạm Huế - 1985
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire