Trời bỗng đổ mưa. Lao xao vài bước chân chạy vội vào bên hiên thư viện, nép sát vô tường, nấp mưa. Ánh sáng chợt hắt hiu như muốn tắt ngúm hẳn. Trong một thoáng, tiếng mưa vỡ ngoài con đường nhựa ào ạt vọng vào đã thay thế cho muôn ngàn âm vang bình thường của xe cộ tới lui. Em tò mò nhìn ra khung cửa trông xuống mặt đường. Lúc này, những hạt mưa đã thật sự làm chủ tình hình ngoài kia. Cũng như em, cơn mưa đột ngột trút xuống gây xôn xao cho bao người, tựa hồi chuông báo hiệu sắp hết một mùa nắng, và khởi đầu cho những tháng ngày mưa phủ vây phố nhỏ.
Những ngọn đèn trong thư viện đã được bật sáng lên, chui tọt ra ngoài trời chùm ánh sáng mỏng manh, đan kín lấy những sợi mưa. Em cúi xuống trang vở dày đặc chữ nghĩa trước mắt, cố quên đi trong chốc lát bao hình ảnh chung quanh. Cũng còn dài cái thời gian em ngồi đây, thanh toán bài vở cho những ngày thi sắp tới. Thường ngày, em nán lại thư viện cho đến sáu giờ mới sửa soạn trở về nhà kia mà.
Và cũng khó khăn lắm mới xong cái bài học dài quá khổ của hôm ni. Bây giờ em mới có quyền gấp sách vở lại, ngắm mưa một tí và đợi cho cơn mưa dứt hạt để ra về. Thế mà ông trời cứ như muốn chọc tức em. Mưa đến khiếp thôi. Ào ào, ào ào mãi. Tia nhìn của em sau một hồi chao lượn khắp phòng học của thư viện cuối cùng cũng dừng lại ở mặt bàn nơi em đang ngồi. Phải nói là có “cái chi đó” khiến em nhìn vào hơi lâu mới đúng: một mảnh giấy, nơi kẽ hở của hai tấm gỗ mà ông thợ mộc nào đó đã lắp lại thành bàn học lâu nay cho em. Em thò tay rút nhẹ mảnh giấy, run đến đỗi suýt tí nữa nó đã rơi. Bên trong mặt giấy gấp lại là những hàng chữ ngắn:
“Cô nhỏ,
Mưa lớn quá. Mà tôi chả thích chiều nay cô nhỏ về mắc mưa, cảm cúm. Biết hôm ni chả ai nghĩ tới cái áo mưa, cô nhỏ chắc cũng vậy thôi phải không. Lúc nào về, cô nhỏ lại chỗ cô quản thủ thư viện. Tôi có gởi cô ấy cái áo mưa mới mượn được. Mong cô nhỏ đừng chê.
P.”
Những hàng chữ nghiêng nghiêng hơi nhòe ướt, có lẽ vì những hạt mưa bắn vào. Kẻ đã viết cái thư này chắc phải từ cơn mưa đi vào, chưa kịp lau nước mưa còn vương trên tay, đã vội ghi dòng chữ tháu. Nhẩm đi nhẩm lại đến mấy lần, em vẫn chưa hết ngẩn ngơ vì bức thư ngắn lạ lùng. Cái chi mà ngụy thế ni? Cái áo mưa ... mưa lớn quá ... Có phải kẻ lạ nào đề nghị em mượn áo mưa của họ? Mà không, cái áo mưa này họ đã mượn giúp em kia mà. Thế thì kẻ đó là ai? P. P là cái gì? Giọng điệu của dòng chữ trên có vẻ là của giới mày râu thì phải. Em ... em chưa biết P là ai cả. Chắc ông không còn cắm cúi với bài vở, lẫn chìm giữa rừng người trong phòng này nữa rồi. Không cách chi hình dung ra được cái ông P.
Thế có nghiệt không chứ. Làm sao em nhận cái áo mưa này được, dẫu cho lúc này em cần nó, rất cần là đàng khác. Ông lạ xa quá, em đâu dám nhận sự giúp đỡ của ông. Mưa vẫn còn chưa dứt hạt, và ngoài kia ánh sáng đã mờ nhạt dần. Nhưng mà không. Không thể ung dung ra về với cái áo mưa đó được. Và rồi, biết nói sao đây nếu mẹ hỏi cái áo mưa từ đâu mà có.
Những sợi mưa lưa thưa dần. Em cuống quít ôm cặp bước vội ra khỏi thư viện. Ở cạnh cửa ra vào, cô quản thủ đang ghi ghi chép chép gì đó với một vẻ rất ư bận rộn. May quá, em bước qua ngưỡng cửa thật êm thắm, không bị gọi giật lại. Bên ngoài, gió đã trở lạnh. Những con suối nhỏ và đám bùn xuôi ngược khiến em phải nhón từng bước chân để tránh cho áo quần khỏi lấm. Cái áo mưa ... chắc phải co ro suốt chiều tối nay trong ngăn tủ của cô quản thủ. Cô ấy ở trọ ngay trong khuôn viên thư viện, không cần đến nó để làm gì đâu. Và còn cái ông P nào đó. Ông nghĩ sao mà đem nó cho em mượn một cách kỳ quặc đến như vậy. Mai, em phải để ý xem làm thế nào ông nhét được mảnh giấy gởi cho em, mà em chả hay biết tí nào cả.
Thế nhưng lúc em mới còn chân sáo tiến về chỗ ngồi quen thuộc vào ngày hôm sau, thì đã bắt gặp một mảnh giấy nhỏ khác, cũng thu mình trong khe hở muôn thuở nơi bàn. Tiếc quá đi. Vậy là vẫn chưa biết được cái ông P đó ra sao. Ông này ... gì gì đâu. Hôm nay ông ghi: “Buồn cô nhỏ hết sức. Sao nỡ chê bai cái áo mưa. Bộ thích lọ dầu Nhị Thiên Đường hơn đó hở...”. Em liền phúc đáp như thế này: “Xin lỗi nha. Nhận áo mưa rồi về nhà mẹ hỏi tui biết trả lời ra sao. Hôm qua mưa tạnh tui mới về. Cái lọ dầu dành cho người cảm cúm, trù người ta đau hay sao mà đòi cho mượn”. Coi bộ bắt đầu kê nhau kỹ rồi đây. Em mím môi, nhét mẩu giấy hồi âm vào “hộp thư riêng” của ông P. Khỏi sợ kẻ thứ ba nào phát hiện, bởi chỉ có em muôn thuở ngồi học bàn này mới thông thuộc từng hốc nhỏ ở mặt bàn. Và ngoài ra chỉ có P, cái ông hiệp sĩ giấu tên ấy mới để ý tới hộp thư đặc biệt và kín đáo này thôi.
Mỗi ngày bước qua ngưỡng cửa của thư viện tới chỗ ngồi quen, em không quên nhìn xem có gì mới lạ không nơi hộp thư của ông P. Và dẫu cho lắm lúc em cố tìm biết P, ông vẫn biền biệt. Buổi chiều cuối tuần, tới trường và được nghỉ học, em qua thư viện sớm hơn thường ngày đến một giờ bốn mươi lăm phút. Không hiểu kiếp trước em có nợ nần gì với cái thư viện nhỏ bé này, mà em cứ mãi chui rúc vào đây những giờ rảnh rỗi. Bạn bè đã chẳng nói nhỏ Đông Chi với cái thư viện gắn liền với nhau như một nữ tu với tu viện đó sao. Hộp thư của ông P hôm nay vẫn còn trống. Dám chừng lát nữa ông sẽ tới đây với một tờ giấy nhỏ cho vào nơi đó. Ừ, biết đâu nhỉ. Thế thì em phải tránh đi nơi khác. Em chấm một bàn học hơi khuất mà từ bên ngoài nhìn vào khó ai có thể nhận ra em. Chưa tới mùa thi, bàn ghế thư viện ít được dùng tới, ngoại trừ một vài mống ưa thích cái không khí nơi này như em. Và cũng có thể như ông P nào đó.
Lúc em lần giở những trang sách lần thứ ba hay bốn gì đó, tia mắt mới ngước lên đã bị chôn chặt vào cái giang sơn nhỏ bé của em ở một góc thư viện. P đó. Em nhận ra P đang tần ngần liếc ngang liếc dọc, như một tên trộm, rồi bất chợt đưa tay về phía “hộp thư riêng”. Từ xa, em không nhìn thấy gì nhưng đoán chừng có một mảnh giấy đã bị tay ông che khuất.
Em len lén nhìn đôi mắt thật sáng của P, đôi mắt hơi nheo lại ở đuôi khi P mỉm cười. Trông P trẻ con quá đi. Người lớn ai lại chơi cái trò lạ quá thể vậy. P đã rời bàn học của em. Nhưng sao lại tiến về phía em thế này. Có lẽ ông chưa thấy em đâu nhỉ, đôi mắt còn đang mơ màng đâu đâu. Hai tay em lúng túng che vội khuôn mặt vừa mới cúi xuống ẩn giấu. Thế nhưng cảm giác bị nhìn ngó vẫn làm em hốt hoảng. Và một chút lao đao.
Tiếng chân di chuyển dần về phía em. Tiếp đó là sự ngạc nhiên đến sửng sốt của cả P lẫn em:
- Ô hay, sao lại ngồi ở đây. Cô nhỏ muốn đổi chỗ với tôi đấy à?
Em muốn kêu lên: Chỗ của ông thật sao? Kỳ quái nhỉ, muốn tránh ông lại nhè gia cư ông mà xâm nhập. Nhưng em vẫn làm nghiêm với đôi mắt P, đôi mắt lúc ngạc nhiên trông ngây thơ đến lạ:
- Thế ra thư viện buộc phải có chỗ ngồi nhất định à?
- Không. Nhưng cô nhỏ chả thích ngồi lung tung kia mà.
- Ai bảo với ông?
- Chả ai, nhưng tôi biết. Có bao giờ cô nhỏ dời chỗ đi đâu khác đâu.
- Thế lạ lắm sao?
P cười nhẹ:
- Lạ thật. Mà cũng chẳng lạ.
- Nghĩa là sao?
- Trước tôi cho là lạ. Nhưng lúc này thì không. Bởi có dịp nhìn cô nhỏ kỹ hơn, mới khám phá ra cô nhỏ không giống ai cả.
Em bật cười:
- Mười hai con giáp chả giống con nào đấy hở.
- Đúng. Và như thế những gì kẻ khác cho là lạ, đối với cô nhỏ lại là sự thường. Như cái chuyện cố thủ bàn học đó.
Em mím môi:
- Ông thì sao, ông bình thường lắm à?
- Không đâu. Nhưng tôi chẳng thích cô nhỏ gọi “ông”. Tôi đã già lắm đâu.
Em nhìn vào mắt P. Vẻ ngây thơ ở đó như trả lời thay em.
- Ông còn nhi đồng lắm chứ, chưa già đâu. Nhưng mà “ông gì” mới được chứ. Chẳng lẽ cứ ông Pê, ông Pờ. Hay lại là ông Phì, ông Phò, ông Phục Phịch hay gì gì khác.
- Phiến. Và ông Phiến rất vui sướng được tiếp chuyện với cô nhỏ, cô Đông Chi, đã nỡ chối từ cái áo mưa ông Phiến cho mượn, đã chê lọ Nhị Thiên Đường, nhưng lại ghi tên trên bìa vở khéo quá đi.
Phiến làm em ngượng đến chín người mất thôi. Cái tay cứ tự động gấp cuốn sách đang đọc dở, dằn lên tập vở rồi cho vào cặp sách.
- Cô nhỏ về à?
- Vâng. Phải trả bàn học lại cho ông chứ ông Phiến. Kẻo rồi thiên hạ lại phiền hà có kẻ bất tuân luật lệ thư viện, cứ mải nói chuyện làm vỡ cái tĩnh yên của không khí trang nghiêm đi.
Em đứng dậy, không nhìn vào mắt Phiến. Nhưng hình như đôi mắt ấy vẫn dõi theo em cho đến lúc em về tới chỗ ngồi quen thuộc. Cuốn sách mở ra trước mắt những hàng chữ quay cuồng. Chẳng lẽ cái ông Phiến đó đã làm em hết yên tĩnh rồi sao. Như lời lẽ hôm nay ông viết: “E tôi sẽ phải làm bạn cô nhỏ mất...”.
Phiến, em sẽ oán ông suốt đời mất thôi.
Như cơn mưa ngày nào đã báo trước, không gian dần chìm trong những trận mưa dai dẳng không nguôi. Bầu trời xám nghịt cơ hồ những giờ phút ngày giao với đêm. Em và Phiến thường bắt gặp nhau trên lắm con đường của phố vắng. Đôi khi cả hai cùng ngắm mưa, chung hưởng cái thú đi loanh quanh khắp phố dưới mưa, để mặc cho nước mắt của ông trời gõ lên hai cái mũ áo mưa hay vỡ nhòa trên mắt mũi. Phiến thường cười nheo cả đuôi mắt, nói lớn át cả gió mưa:
- Tỷ như đây là một cơn mưa đá, ta sẽ vỡ đầu mất thôi, cô nhỏ ơi.
- Và cái mặt sẽ như là giẻ rách.
- Ừ há. Thế thì vẫn còn may quá, bởi lúc này là những hạt mưa.
Thế đó. Dăm ba câu chuyện giữa em và Phiến vẫn chưa đâu vào đâu, chưa đủ đầu đuôi và còn trẻ con quá đỗi. Với em, Phiến không hay nói về cái gì buồn, ngay cả những nỗi buồn nhỏ nhoi và phù du nhất. Ông như muốn lấy giọng cười trong sáng khuất lấp đi bao khốn khó của cuộc đời. Cũng như Phiến rất ngại phút chia tay. Sợ cả những sân ga, phi trường, bến xe. Và hơn hết Phiến ngại nhìn thấy em khóc. Phiến bảo: Rồi tôi sẽ hết nghị lực để xa cô nhỏ đi.
Đó là lời nói sau cuối của Phiến với em. Cả tuần lễ sau, em không gặp ông. Thay lời chào, là mảnh giấy ẩn giấu trong thư viện: “...Đau lòng muốn chết khi phải xa cô nhỏ, và giã từ thành phố đang mưa. Cầu chúc cho cô nhỏ luôn giữ được một khoảng không gian trong thiên đường tuổi ngọc. Mai, tôi xa cô nhỏ rồi. Giọng cười ngày nào của cô nhỏ rồi sẽ ươm hồng những ngày tháng tới của tôi, nơi quân trường.” Hàng chữ có ghi ngày tháng. Như thế là Phiến đi đã được bốn hôm.
Thành phố lại càng buồn tênh. Những cơn mưa dần cuốn hút ánh sáng của mặt trời đã sợ hãi lẩn đi đâu mất. Lạ quá đi, ông Phiến. Ông đi bất chợt quá em nào có ngờ. Khi ra khỏi thư viện, gió lạnh đến cóng cả hồn em. Em gọi yếu ớt tên ông trong cơn mưa tầm tã, gió cuốn lời nói của em đi đâu mất hút.
Nước mắt rồi cũng hòa lẫn với những hạt mưa.
17h 30.08.1974
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire