13 năm sau ngày anh Sơn
lìa trần.
một
Dễ chừng đã mấy mươi năm …
Thuở ấy, tôi đang là sinh viên năm
thứ nhất Đại Học Sư Phạm Huế. Thời điểm đó, buổi sinh hoạt văn nghệ tầm
cỡ nhất hàng năm của trường là Đêm Sư Phạm, tương tự như ở các trường bạn là
Đêm Văn Khoa, Đêm Khoa Học…
Đêm Sư Phạm, không nhớ ở BIII4 hay
CIII4.
Không hiểu vì sao có một lúc tôi lại
len lên đứng ở cánh gà.
Anh Sơn cũng đứng ở cánh gà, mê mải theo
dõi các bài hát. Và có lúc anh quay qua bàn bạc gì đó với các anh chị đứng cạnh
anh.
Tôi vẫn lẩn chìm trong bóng tối.
hai
Năm bảy sáu hay bảy bảy gì đó tôi
không còn nhớ rõ, tính ra đến nay cũng đã hơn ba mươi sáu hay ba mươi bảy năm. Những
năm tháng cuối thời đại học...
Chiều ngày mười tháng hai, sinh nhật
bạn, từ lớp học bước ra tôi ghé các quầy sách dọc đường Lê Lợi tìm mua tuyển tập
nhạc của Hội văn nghệ Bình Trị Thiên vừa xuất bản, để tặng bạn. Một người bạn khá
thân, học cùng lớp, say mê hát hò và thường say sưa tập cho chúng tôi những bài
hát mới.
Nhưng chỗ thì đóng cửa, chỗ thì
không có cuốn ấy. Thời đó, các tiệm và quầy sách không nhiều như bây giờ.
Tôi đánh bạo đến thẳng trụ sở của Hội,
cũng trên đường Lê Lợi. Dường như đó là lần đầu tôi bước chân vào đó, một ngôi
nhà xinh xắn có kiến trúc Tây thật đẹp. Không một bóng người. Tần ngần một lúc,
tôi tính quay trở ra thì thấp thoáng có bóng ai đó xuất hiện từ căn phòng phía
sau. Trịnh Công Sơn. Không thể nhầm lẫn anh với một ai khác.
Anh bước ra, tươi cười, chào tôi, và
vồn vã hỏi han. Nghe ý định của tôi, anh sốt sắng và rất vui, bảo tôi chờ một lát.
Anh vào bên trong lục lọi, rồi quay
ra với tuyển tập nhạc trên tay. “Mọi người
đi về mô cả rồi. May quá còn một cuốn ni trong hộp thư của anh Hải Bằng, bạn lấy
tạm nhé. Mai sẽ “đền” cho anh ấy cuốn khác.” Tôi mừng rỡ cười toe, vậy là có quà kịp tặng bạn rồi.
Tôi xin gửi tiền. Anh Sơn trố mắt, rồi
cười khì: “Thôi tiền bạc chi, cứ cầm về tặng
bạn ấy.” Nằn nì thế nào cũng không được, anh cứ một mực lắc đầu.
Anh hỏi: “Bạn ấy thích ca hát lắm à”. Tôi khoe ngay về người bạn thân vừa hát
hay vừa hay hát của mình. Rồi dạn dĩ hơn, tôi xin anh ký tên vào tập nhạc. Anh
hý hoáy ký vào đầu trang có in bài mới sáng tác của mình, một bài hát về màu
xanh của cây lá, của cuộc sống và tuổi trẻ. Chữ ký của anh có kèm hình vẽ con
cá. Anh giải thích: “Tuổi của mình theo tử
vi phương Tây là Poissons...”. À, thì ra sinh nhật của anh cũng vào tháng hai
như bạn tôi và tôi, nhưng sinh nhật chúng tôi ở giữa tháng nên vẫn còn là Verseaux còn anh sinh gần cuối tháng nên
đã là Poissons.
Anh Sơn nói: “Các bạn có tổ chức gặp mặt hát hò chi không, nếu có thì rủ mình đến với
cho vui nghe.”. Tôi thiệt thà: “Dạ chắc
là không mô anh. Bạn em … nghèo lắm, chắc em chỉ tặng bạn ri là bạn vui lắm rồi.
Gặp mặt vui chơi e là tốn kém cho bạn…”.
Tưởng câu chuyện nhỏ ấy anh Sơn
không nhớ… Nhưng sau đó ít lâu, tình cờ chạm mặt anh và thầy giáo của tôi, đồng
thời cũng là bạn anh, trên đường đi học về, dọc đường Lê Lợi, tôi gật đầu chào
cả hai rồi … lủi mất. Tính tôi thuở đó vẫn thế, hễ thấy “người nổi tiếng” là e
dè lẩn trốn… Không ngờ ít hôm sau, thầy tôi kể hôm đó anh có hỏi thầy về tôi và
kể với thầy câu chuyện về tuyển tập nhạc hôm nọ.
Gần đây, nhắc lại những ngày tháng
cũ tôi có kể kỷ niệm này với bạn bè. Một cô bạn tỏ vẻ tiếc: “U chao là chị dại. Biết mô đó không là khởi
đầu cho một câu chuyện dễ thương, và … sau đó là một vài ca khúc, và biết mô nhân
loại lại chẳng nhờ đó mà có thêm những bài ca bất hủ khác của Trịnh Công Sơn.”
Tôi chỉ cười.
Không biết cuốn tuyển tập nhạc ngày
xưa với chữ ký kèm hình con cá của anh Sơn giờ này ở đâu, vẫn còn đâu đó ở trần
gian hay đã được hóa để theo bạn tôi
về với cõi âm. Năm tám mốt, bạn tôi lâm trọng bệnh. Năm tám hai, đang học Cao học
ở Hà Nội tôi nghe tin bạn qua đời. Cả thành phố Huế mộng mơ, thậm chí cả cái
cõi trần bao la này cũng không níu giữ được chân bạn, với bạn tất cả cũng chỉ
là nơi chốn ở trọ trần gian ngắn ngủi mà thôi.
Tôi không tin một chút chun nào về cái
“U chao…” nuối tiếc kể trên của cô bạn mình. Chỉ là một câu nói đùa. Cho vui. Như chúng tôi vẫn thường nói với nhau,
rằng nói đùa thì cứ mặc sức, tha hồ, bởi có ai bắt mình phải đóng thuế đâu.
Nhưng biết đâu, cũng rất có thể đó là một dịp
may hiếm hoi mà tôi đã vô duyên để vuột mất. Dịp may, để có thể đến gần hơn một
chút với thế giới của anh Sơn.
Thôi thì…
Như thể lỗi hẹn với cơ duyên. Và thế là nghìn
trùng.
ba
Năm chín lăm, Huế rộn ràng chờ đón đêm nhạc “Một
cõi đi về” của Trịnh Công Sơn. Nhiều giọng hát tiếng tăm cùng về hội tụ: Hồng
Nhung, Trịnh Vĩnh Trinh, Cẩm Vân… Một sự kiện văn hóa hiếm hoi ở vùng đất vẫn rất
trầm tư bình lặng thuở ấy.
Tôi và anh Nam chồng tôi mua hai vé
nhưng chỗ ngồi ở tít tầng hai, khá xa sân khấu.
Một đêm nhạc tuyệt vời. Anh Trịnh
Công Sơn tuyệt vời.
Xong, chúng tôi ra về. Không nghĩ gì
đến việc nán lại chào anh, xin chữ ký, chụp hình lưu niệm... Chỉ ra về, dù
trong lòng rất đầy, rất say. Và tờ chương trình đêm nhạc in trên giấy bìa cỡ lớn,
trang nhã và đẹp, tôi vẫn còn lưu giữ qua nhiều năm tháng.
Không có gì là lỗi hẹn, đơn giản chỉ
là không có cơ duyên hạnh ngộ.
Dù từ xa, chúng tôi đã nao nức. Và suốt
buổi tối tưởng như vô cùng đồng cảm với tâm nguyện của anh với quê hương, với
Huế. Về một không gian Trịnh Công Sơn, ở Huế.
bốn
Mùng một tháng tư năm hai nghìn lẻ một.
Đọc tin Trịnh Công Sơn mất qua email,
tôi đã tự nhủ: “Ồ không. Chỉ là cá tháng
tư thôi”.
Nhưng không, không phải thế. Là thật.
Anh chọn cái ngày oái oăm ấy để ra đi, như thể góp phần làm nhẹ bớt cú sốc, nỗi
đau, sự mất mát.
Tôi đã không đến thắp hương cho anh
tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật ở Huế, dù rất muốn, và dù tôi biết rằng ở đó
có một bàn thờ để mọi người có thể đến nói lời tiễn biệt anh. Giá như có anh
Nam ở nhà, có khi tôi sẽ theo cùng đến đó. Nhưng anh Nam đang đi công tác ở xa.
Lòng thì những muốn bứt phá, bươn
ra. Nhưng hai chân lại lì lợm, níu trì.
Tôi ở nhà, tha thẩn ra vào, lơ ngơ
khóc.
Lỗi hẹn thật rồi. Lỗi hẹn với chính
mình, với tâm tư tâm nguyện của mình.
Mãi mãi tôi vẫn tự trách mình về điều
đó. Cho dù sau đó tôi lần lượt tha từ tiệm sách về cuốn tuyển tập tình ca Trịnh
Công Sơn dày cộm và rất nhiều cuốn sách về anh. Đọc đi đọc lại, nghêu ngao hát.
Và buồn.
năm
Mười năm ngày mất của anh Sơn. Tôi gần
như không một động thái gì…
Cảm giác ngoài lề…
Nhiều chương trình tưởng niệm TCS.
Ru tình.
Liveshow nhạc Trịnh ở Hà Nội và Sài
Gòn với chủ đề Bóng núi.
Liveshow Ánh Tuyết với nhạc Trịnh
Công Sơn, chủ đề Có một ngày như thế,
tại Sài Gòn.
Ba đêm chủ đề Hà Nội - Huế - Sài Gòn cho sinh viên và cộng đồng người yêu nhạc Trịnh,
tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình mười năm nhớ Trịnh Công
Sơn gia đình phối hợp tổ chức tại Huế, Sài Gòn, Hà Nội.
Vân vân.
Chỉ chiều hai chín tháng ba, trong
buổi ra mắt ba đầu sách của thầy tôi tại nhà sách Phương Nam, tôi
đến, nhưng ngồi thu mình lọt thỏm giữa đám đông. Cuối buổi, tôi lặng lẽ ra về.
Anh Nam nán lại để mua sách, nhưng
cuốn “Tâm tình với Trịnh Công Sơn” đã hết.
Dịp đó, nhiều hình ảnh của anh Sơn
chụp chung với chị Dao Ánh được đưa lên internet kèm nhiều bài viết, trước khi
cuốn sách gồm những bức thư tình của anh gửi chị được phát hành. Anh Đ.T. từ
Pháp gửi email và chuyển cho tôi xem một bài có ảnh. Anh hỏi cô gái trong ảnh có
phải … là tôi hay không.
Thật lạ lùng, bởi ngoài một vài nét
hao hao mà gần như cô gái Huế nào cũng có, không đủ khiến cho người ta nhầm lẫn,
thì giữa chúng tôi vẫn rất khác nhau. Khác về nhiều phương diện. Đặc biệt, tôi
chưa bao giờ thân thiết với anh Sơn như thế.
sáu
Festival Huế hai nghìn mười hai. Tôi có mặt ở Đại
Nội Huế với “giấy thông hành” dành cho nghệ sĩ, do có tham gia đọc thơ và thu
tiếng, để phục vụ cho chương trình “Những chiếc gối đỏ” của Vanessa Jousseaume, thuộc
tổ chức Le Lieu Dit (Pháp). Anh Nam và con trai tôi thì mua vé vào.
Ở Vườn Cơ Hạ, nhạc Trịnh Công Sơn. Tuyệt
hơn rất nhiều so với tưởng tượng.
Không còn là cõi trần nữa.
Là một góc trời mơ, một góc trời
thơ. Là thiên đường. Qua những giọng hát Ánh Tuyết, Đức Tuấn... Và từ một khoảnh
đất thoai thoải nhô cao như ngọn đồi nhỏ, một ngọn giả sơn. Cây đa già, vầng
trăng sáng, những ánh đèn chuyển màu từ tím, xanh sang lục, vàng, đỏ... Nước
trong hồ tưởng chừng cũng lung linh theo ánh nến và tiếng nhạc.
Vườn Cơ Hạ - Festival Huế 2012
Có cảm giác như anh Sơn đang lẩn quất
đâu đó, mỉm cười. Như ngày xưa anh vẫn cứ loay quay ở cánh gà sân khấu.
bảy
Gác Trịnh năm hai nghìn mười ba, ngày
một tháng tư.
Căn nhà xưa của gia đình anh Sơn, và
sau đó chuyển lại cho anh Tường chị Dạ, và rồi nhiều năm cho thuê, đã được anh
em văn nghệ sĩ thuê lại làm Gác Trịnh. Khai trương đúng mười hai năm sau khi
anh Sơn qua đời.
“Ngôi nhà của những kẻ lang thang”
thuở xưa nay đã là Gác Trịnh.
Công đầu phải kể đến là của Lê Huỳnh
Lâm, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Tấn Hầu và một số anh em khác.
Thời anh Sơn và gia đình ở nhà này,
tôi chỉ có lần cùng bạn đến tìm thầy giáo (bạn tôi làm khóa luận tốt nghiệp với
thầy) và tôi đứng chờ bên ngoài. Đến lúc anh chị Tường Dạ về ở đây, thì gia
đình chúng tôi rất hay lui tới, vào ra đến thông thuộc từng góc nhỏ.
Đó là nơi con gái của tôi (ở nhà gọi
là Si hay Sissi) được bác Tường gọi là Bê Xi.
Cửa sổ nhìn ra hành lang phía trước
nhắc tôi nhớ lần cùng T.N. đến thăm anh Tường, dịp T.N. về Huế và anh Đ.T. từ
xa nhờ tôi dẫn đến gặp anh Tường. Hôm đó có lúc anh Tường vừa nhìn chằm chằm vào khung cửa sổ như bị thôi miên, vừa say sưa nói về nội lực của
người phụ nữ Huế.
Dịp làm hai cuốn sách về Bửu Chỉ và
Ngô Kha, cũng là dịp để tôi “gặp” anh Sơn trong những câu chuyện xoay quanh căn
nhà này, cùng những hoài niệm về tình bạn giữa ba người, nay đều đã quá cố.
Giờ khai mạc Gác Trịnh, một con bướm
đen nâu bay vào, lượn lờ quanh các bức tranh và ảnh treo trên tường. Mọi người nhìn
theo, xì xào: “Anh Sơn, anh Sơn về. Trịnh Công Sơn về.”. Cuối cùng con bướm
bay đến đậu trên má Thanh Ngọc, rồi trên tay áo. Và rồi tha thẩn bay đi.
Tiếng đàn Trần Văn Phú, giọng hát
Camille Huyền nhẹ nhàng thanh thoát. Ngọn nến vàng thầy tôi thắp trước di ảnh
anh Sơn giữa những dòng nhạc cũng nhẹ nhàng thanh thoát. Khai trương Gác Trịnh đậm
tình nghĩa, mà vẫn rất nhẹ nhàng thanh thoát.
Khai trương Gác Trịnh 2013 (Ảnh của Báo Tuổi Trẻ)
Trong sổ lưu niệm ngày khai trương
Gác Trịnh, tôi đã ghi lại cái cảm giác thôi không còn lỗi hẹn nữa. Mà ấm áp, đầy
tràn.
tám
Đường Trịnh Công Sơn ở Huế dọc theo
đường Chi Lăng, từ cầu Gia Hội rẽ phải. Và xuôi theo bờ sông Hương nền nã.
Tháng năm hai nghìn mười ba, cùng vợ
chồng anh N.C.T. từ Sài Gòn ra chơi, chúng tôi chia nhau một giây phút tưởng nhớ
người nhạc sĩ thân thương.
Đường Trịnh Công Sơn, ngày 12.05.2013
Vẫn còn sót lại ở đầu đường một ít bằng
lăng tím cuối mùa.
Huế 4 / 2013 – 4 / 2014
Phạm thị Anh Nga
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire