Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

dimanche 14 juin 2009

«Suy nghĩ về giáo dục Việt Nam qua các trải nghiệm cá nhân» (Trương Quang Đệ)


Le présent texte figure dans la rubrique «Fenêtre», rubrique consacrée à ceux et à celles qui souhaiteraient y laisser quelques-unes de leurs traces...
Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...

Tôi đi học từ năm 1942, lần lượt qua các lớp đồng ấu (cours enfantin), lớp dự bị (cours ptéparatoire) và lớp sơ đẳng (cours élémentaire). Tháng ba năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, tôi tiếp tục lớp sơ đẳng dưới thời Trần Trọng Kim và nhận bằng yếu lược vào năm đó. Năm học 1945-1946, dưới chính thể dân chủ cộng hoà, tôi học lớp nhì, sau vài tháng được lên lớp nhất cho đến hết năm và dự thi tiểu học do chính thể mới tổ chức.

Bây giờ nhớ lại, thấy một điều kỳ lạ trong những năm 45 – 46 – 47 của thế kỉ trước là sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, tự giác, hồ hởi tự nguyện, không bị một ý thức hệ nào áp đặt. Các thầy cô thời đó khi dạy, khi coi thi, khi chấm thi đều đàng hoàng nhất mực, công bằng và nhân ái. Anh họ tôi tên là Bùi Khuyến, vừa đỗ thành chung năm ấy được Ty Giáo dục của chính thể mới bổ dụng làm giáo viên tiểu học trường làng, dạy đồng thời lóp nhì và lớp nhất. Anh kể: “Dạo ấy Ty trưởng là một vị thân sĩ hoàng phái, không nắm được đường lối cách mạng ra sao. Nhưng ông căn dặn các thầy cô trong tỉnh phải cố gắng theo kịp thời cuộc”. Những giờ Việt văn thầy cô say sưa nói về ca dao tục ngữ, về các bài thơ yêu nước, về các vị anh hùng cứu quốc. Giờ Pháp văn vẫn được duy trì và các thầy cô hứng thú nói về Paris, về cuốn “Vô gia đình”, về Paul và Virginie. Rõ ràng một khi con người được thực sự giải phóng thì cả thầy lẫn trò biết mình phải làm gì, không cần ai chỉ thị hay áp đặt. Điều mới mẻ đối với cả thầy lẫn trò là việc hoạt động ngoại khoá diễn ra sôi nổi hơn trước nhiều: cắm trại, trình diễn văn nghệ, mít tinh, hội họp, thi sáng tác văn thơ…

Những năm 47-49, chiến tranh diễn ra ác liệt ở Bình Trị Thiên. Chúng tôi không còn biết học ở đâu nữa. Vùng tạm chiếm cũng như vùng tự do hay vùng tranh chấp, các trường đều đóng cửa. Ở các vùng quê khó tìm ra giấy bút, sách vở. Bọn trẻ chúng tôi tụ tập dăm bảy đứa ngồi học với nhau khi kiếm được một tờ báo cũ hay một cuốn sách thiếu nhi.

Đến cuối năm 1949 tôi mới được gửi ra Hà tĩnh học năm thứ nhất PTCS ở Hương Khê. Đội ngũ giáo viên đến từ các trường ở Huế, Vinh và từ miền Bắc. Chương trình học là chương trình Hoàng Xuân Hãn nổi tiếng được soạn thay cho chương trình Pháp-Việt cũ. Dạo ấy chưa hình thành ý thức hệ XHCN chính thống, tư tưởng chủ đạo của chính quyền mới là độc lập dân tộc với phương châm dành cho văn hoá giáo dục là: dân tộc, khoa học, đại chúng do báo Tiên Phong khởi xướng năm 1946. Lúc đó ở Liên khu IV ông Phạm Đình Ái làm giám đốc Khu Giáo Dục. Đội ngũ thầy cô thời điểm ấy sắc sảo đáng ngạc nhiên. Nhiều thầy cô đảm nhiệm dạy nhiều môn khác nhau với chất lượng ngang nhau. Nhiều người còn nhớ đến các thầy Lê Quang Huỳnh và Lê Quang Long. Thầy Huỳnh dạy hết các môn xã hội và ngoại ngữ (Anh, Pháp). Thầy Long vừa dạy các môn tự nhiên (Hoá, Sinh vật…) vừa dạy các môn xã hội và ngoại ngữ (Việt văn, tiếng Anh, tiếng Pháp…). Địa hạt văn hoá tư tưởng dạo đó hoàn toàn cởi mở. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (tên gọi tổ chức Đảng trong thời hoạt động không công khai sau khi giải tán) tổ chức những cuộc tranh luận thâu đêm giữa thầy và trò về thời cuộc. Người thì bênh vực chủ nghĩa Mác, ca ngợi Staline, Dimitrov, Rosa Luxembourg. Kẻ thì hăng hái phản bác, coi chủ nghĩa xã hội kiểu Liên xô là thiếu dân chủ. Nhưng không ai thành kiến với những người ấy cả, không ai coi họ là phản động hay nguy hiểm cả. Chương trình Hoàng Xuân Hãn mô phỏng chương trình Pháp với các hệ tú tài phân ban thuộc trường trung học chuyên khoa: Tú tài triết, tú tài vạn vật…Trong lớp, thầy và trò đàm đạo, tranh luận thẳng thắn, sôi nổi. Học sinh tự học là điều tự nhiên, vì thầy cô cho bài tập không hạn chế vào những điều học ở lớp mà phải tham khảo nhiều tài liệu khác. Điều tối kị là sao chép nguyên si những đoạn văn mà không chú dẫn rõ ràng. Thi cử được tổ chức nghiêm chỉnh, các cuộc hỏi thi vấn đáp công khai cho người quan tâm đến dự. Qua các cuộc thi vấn đáp, người bên ngoài có thể biết học sinh nào xuất sắc hay kém cỏi. Việc thi đỗ, thi rớt mọi người có thể kiểm tra.

Cuối năm 1950, thời cuộc nghiêng về chủ nghĩa xã hội do thắng lợi của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, trong các vùng do chính quyền cách mạng kiểm soát, có chủ trương thay đổi lớn về giáo dục, tạm gọi là Cải cách giáo dục lần I. Trong hệ thống giáo dục mới, về cơ cấu trường lớp và chương trình, ảnh hưởng Liên xô là chủ yếu (thực ra là ảnh hưởng của truyền thống Nga). Từ hệ thống 12 năm phổ thông rút lại thành 9 năm: 4 năm tiểu học (cấp I), 3 năm PTCS (cấp II) và 2 năm PTTH (cấp III). Phương châm giáo dục là học chữ kết hợp lao động chân tay giản đơn. Bỏ hẳn ngoại ngữ. Nội dung học “hậu kim bạc cổ”. Cho điểm theo năm bậc từ 1 đến 5. Tình hình đó kéo dài cho đến năm 1975.

Dạo đó tôi học xong ĐHSP (Khoa Toán) và được phân công đi dạy trường cấp ba trong ba năm ở Thanh Hoá. Tôi nhớ thời còn là sinh viên, tôi dự nhiều buổi gặp gỡ Thủ tướng Pham văn Đồng. Lần gặp nào tôi cũng nghe thủ tướng phàn nàn về sự xa rời thực tế của nhà trường chúng ta. Nhà thơ Tố Hữu phụ trách văn hoá giáo dục thì trong nhiều hội nghị phê phán nhà trường ta không chú trọng lao động chân tay, chỉ lí thuyết suông. Có hôm ông Tạ Quang Bủu, bộ trưởng ĐH và THCN mạnh dạn phát biểu:” Nhân có anh Tố Hữu đây, anh chỉ ra cụ thể các trường đại học phải làm gì cho đúng đường lối?”. Ông Tố Hữu tránh không trả lời câu hỏi đó. Người ta thấy ông bực mình vì quả thực ông chỉ biết nói vậy chứ giải pháp thì đâu phải việc của ông? Và các trường cứ loay hoay như vậy cho đến ngày đổi mới.

Tôi nhớ mãi một chuyện xẩy ra khi tôi dạy ở Trường cấp III Lam sơn, Thanh Hoá. Tôi làm giáo viên chủ nhiệm đưa lớp tôi đi lao động một tháng trời ở một làng gần Sầm sơn. Có một em học sinh tên là X. lao động cực kì xuất sắc. Năng suất gặt, đập lúa, đào mương, đắp đập …đều vượt xa các bạn kể cả những nông dân chính cống. Khi chúng tôi sắp trở lại trường, người ta tổ chức một cuộc mít tinh để tuyên dương những gương sáng lao động và tuyên truyền ý thức lao động cho cánh trẻ. Học sinh X. là đối tượng sẽ được tôn vinh đầu tiên. Đến phút tuyên dương, người ta không thấy X. đâu cả. Có người cho biết X. ốm nặng không dậy được. Ít lâu sau khi tôi đến thăm X. tại nhà, anh ta tâm sự với tôi là chẳng đau ốm gì, chẳng qua muốn tránh mặt không muốn nhận phần thưởng mà thôi. X. nói: “Các thầy dạy chúng em phải học tập nông dân, cố gắng nắm bắt kĩ thuật của họ, kiến thức của họ. Em đã làm cho mọi người thấy rằng em vượt họ dễ dàng từ lâu. Chúng em đi học cốt để hiểu biết, để rèn luyện trí não, để giúp nông dân thoát cảnh đói nghèo lạc hậu, chứ đâu phải để rèn luyện cơ bắp và chìm mãi trong cảnh lạc hậu!”.

Phản ứng của X. là phản ứng chung của giáo viên và học sinh với đường lối giáo dục thô thiển thời đó. Ai cũng thấy kiểu đóng cửa trường đi lao động triền miên như vậy là không hay. Ai cũng thấy học 9 năm, cho điểm năm bậc là không hay. Ai cũng thấy chương trình kiểu Nga (sách thời Nga hoàng in lại) là lạc hậu vì Nga không biết đến cải cách Erlanghen năm 1936 ở Đức. Càng ngày những bức xúc ngấm ngầm hay công khai cũng được Bộ Giáo dục cảm nhận và năm 1964 Bộ mở hội nghị cải cách giáo dục ở Bãi Cháy. Tôi vinh dự được tham gia hội nghị đó. Hội nghị diễn ra trong một tình huống “nghịch lí về tư tưởng”. Sau báo cáo của Bộ và của nhiều cơ quan liên quan về tình hình giáo dục, đặc biệt về sự hình thành nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trên cơ sở lao động chân tay, đào tạo những lớp người sống tự cung tự cấp (tự túc một phần lương thực), những người tham dự nhận thấy không còn cơ hội để nói lên bức xúc của mình nữa. Một “sự cố” đáng lưu ý là có một người trí tuệ có lẽ không bình thường nêu lên câu hỏi: “Xin Bộ giải thích tại sao nền giáo dục của ta ưu việt là vậy mà phải cải cách?”. Tôi nhớ là bộ trưởng, các thứ trưởng và cả Thủ tướng Phạm văn Đồng đều bất ngờ trước câu hỏi kì cục đó. Sau một hồi lúng túng, các vị lãnh đạo cũng tìm ra được câu trả lời. Đó là dầu giáo dục ta đã rất ưu việt, nhưng sự vật bao giờ cũng đi lên, vậy cải cách để phù hợp với xu hướng tiến lên đó. Từ đó về sau, người ta tiếp tục nói về cải cách nhưng nội dung tư tưởng không rõ ràng. Sau 1975, hệ thống chín năm rồi mười năm chuyển lại hệ thống mười hai năm ngày trước, lớp vỡ lòng chuyển thành lớp 1. Suốt thời gian dài này, một mặt có nhiều cuộc cải cách sách giáo khoa để đưa vào những nội dung cập nhật và thường là quá tải, mặt khác có hai xu hướng nổi bật trong giáo dục mà đáng tiếc không có sự tổng kết nào để thấy được lô gích vấn đề. Xu hướng thứ nhất là xu hướng “công nghệ” của Hồ Ngọc Đại, rèn luyện tư duy học sinh theo suy luận hình thức của Bourbaki. Xu hướng này được nhiều nơi hưởng ứng vì thấy mới lạ và “trí tuệ” nhưng do những mâu thuẫn nội tại, vả lại không được các giới có thẩm quyền ủng hộ, đành phải im lặng rút lui. Xu hướng thứ hai ảnh hưởng tư tưởng cách mạng văn hoá Trung Quốc, lấy mô hình “thầy thuốc chân đất” làm chuẩn, loay hoay tạo ra những trường vừa học vừa làm mà đỉnh cao là Trường Thanh niên Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Hoà Bình, thành trì của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhà thơ Tố Hữu nhiều lần về thăm trường này và tuyên bố đó là mô hình giáo dục cho toàn quốc. Ông cũng khuyến khích các địa phương mở ra những trường vừa học vừa làm như vậy. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, thứ trưởng bộ Giáo dục lúc đó là người hăng hái mở rộng mô hình Hoà bình cho nhiều tỉnh thành toàn quốc, trong đó có trường vừa học vừa làm Tân Lâm ở Quảng Trị. Bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác vào thời đó luôn có mặc cảm là mình đi không đúng đường lối, mình chỉ chăm lo chuyên môn lí thuyết “tư sản” trong khi cần phải biến thanh thiếu niên thành những người lao động chân tay càng giản đơn càng tốt. Không ai dám nghĩ là mình phải rèn luyện trí tuệ cho học sinh, còn nói gì đến óc thẩm mỹ hay ý thức phê phán, phản biện! Trong hoàn cảnh như vậy, cơ sở trường lớp từ tiểu học đến đại học chỉ có thể ở trong trạng thái nhếch nhác, cư xá sinh viên quá tải, bẩn thỉu, điều kiện sống của thầy giáo và học sinh dưới mức trung bình của toàn dân. Vào những năm bảy mươi ở miền Trung lưu truyền giai thoại sau: Một vị cách mạng lão thành, sống qua nhiều năm trong ngục tù thực dân kể cả Côn Đảo, đến nói chuyện với sinh viên Trường ĐHSP Vinh về truyền thống cách mạng. Cuối buổi nói chuyện một sinh viên hỏi: “Trong các nhà tù người ta cho các bác ăn uống ra sao?”. Nhà cách mạng trả lời ngay: “Hết sức kham khổ tồi tệ….”, rồi ông nói thêm :”Nhưng suy cho cùng còn khá hơn các cháu hiện nay nhiều!”

Rõ ràng việc đào tạo các thế hệ tương lai trong các điều kiện nhếch nhác như vậy chỉ có thể tạo ra những người không có ý thức trách nhiệm cao với cuộc sống được.

Một trong những ý nghĩ ám ảnh nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày trước là làm sao để có “bản sắc dân tộc, chống lai căng và mọi hình thức phóng khoáng khác. Vì ám ảnh ấy người ta không phân biệt thành tựu của nhân loại với những thành tựu trong các nước phương Tây, loại bỏ tính quốc tế, tính toàn cầu của các thành tựu khoa học, coi những học thuyết mà phe xã hội chủ nghĩa không có là tư sản. Đối với ngoại ngữ tâm lí chung là dè dặt thậm chí cảnh giác thù nghịch, coi ngoai ngữ là con dao hai lưỡi. Sau 1954 miền Bắc không cho các trường dạy tiếng Anh, tiếng Pháp nữa (trừ Trường Albert Sarraut tồn tại cho đến khi Mỹ đánh phá miền Bắc năm 1964). Lí do đơn giản: những thứ tiếng đó là của thế giới tư bản. Sau đó một vài năm, lác đác một số trường ở các thành thị bắt đầu dạy tiếng Nga và tiếng Hoa. Thực ra việc học tiếng Nga không được mặn mà lắm vì nhiều sự kiện chính trị chi phối. Nhưng năm 60 do chống tư tưởng xét lại nên người ta cảnh giác với sách báo Nga. Tiếng Hoa thì đến năm 1978 do mâu thuẫn với Trung Quốc nên cũng bỏ không dạy nữa.

Thời tôi tham gia ban phụ trách Khoa Pháp thuộc ĐHSPNN Hà nội, mỗi lần đi họp tôi đều được cấp trên nhắc nhở dặn dò rằng sinh viên ngoại ngữ nhiễm tính độc hại bên ngoài nên rất phức tạp, cần theo dõi để giáo dục, không được lơ là. Hễ có vụ lộn xộn nào xẩy ra người ta qui ngay cho “dân ngoại ngữ”, không cần tìm hiểu đích xác ra sao.

Về chất lượng giáo dục, có thể hình dung điều nghịch lí sau đây: Học sinh, sinh viên được đào tạo trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ưu việt thì thường bị cảm nhận như yếu kém về hiểu biết và năng lực thực hành. Có nhiều vị lãnh đạo cao cấp khi nói công khai thì ca ngợi giáo dục xã hội chủ nghĩa nhưng trong nhà hay ở nơi riêng tư thì tỏ ra lo lắng thấy con cái học hành kém hẳn thời đại họ, tức là thời Pháp thuộc. Nhà văn Nguyễn Đình Thi thường chê cánh nhà văn trẻ, những người được hưởng nền giáo dục mới, là tù mù, không biết Kant mà cũng chẳng biết Bacon là ai, cái gì cũng ù ù cạc cạc.

Sự yếu kém về kiến thức văn hoá đó làm cho cán bộ ta, nhất là cán bộ đối ngoại, hết sức lúng túng trong công tác. Anh Vũ Quang Chuyên, giảng viên Khoa tiếng Anh, ĐHSP Hà nội những năm 60-70 của thế kỉ trước được trên luôn luôn mời làm đủ việc, do anh thạo tiếng Anh và có trình độ văn hoá cao. Anh đóng vai nghị sĩ để đi họp ở Úc, có nghị sĩ nào của ta làm được việc đó đâu? Anh đóng vai đại úy đi họp ban liên hợp ở Tân Sơn Nhất. Có một sĩ quan quân đội Sài gòn hỏi khăm anh: “Tuổi tác như anh mà chỉ là đại úy thì chậm quá đấy!” Anh cười: “Tôi chỉ là lính văn phòng, lên cấp chậm.” Anh còn đóng nhiều vai giáo sư để dự hội thảo quốc tế vì các giáo sư thực thụ thì không làm được việc đó. Anh còn đóng vai giám đốc công ty nữa. Qua trường hợp đóng vai của anh Chuyên ta thấy lỗ hổng giáo dục của ta quá lớn. Trong việc hợp tác quốc tế, cán bộ ta từ thấp đến cao đều phải dùng phiên dịch, không ai nói và cũng không được phép nói thẳng với đối tác bằng ngoại ngữ. Dạo công tác ở Hà nội và ở Huế, tôi thường được gọi đi làm phiên dịch cho cán bộ tỉnh và bộ. Vì trình độ văn hoá hạn chế nên cán bộ ta ít hấp dẫn được đối tác. Hãy hình dung các chị ở Trung ương Hội Phụ nữ lúng túng thế nào khi phải nói chuyện với Jane Fonda. Có vị lãnh đạo tỉnh khoe với khách rằng gạo Viêt Nam ngon nhất thế giới. Có vị lại nói rằng xe điện ngầm Matscơva chạy đến 350 km/h và dừng lại mỗi ga mười lăm phút.

Về giáo dục đại học, theo quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa và theo mô hình xô viết, chế độ chỉ cần các trường chuyên ngành để đào tạo những người làm việc cho bộ máy chuyên môn và kinh tế nhà nước. Từ đó ngành nào có trường đại học ngành ấy: Đại học ngân hàng, Đại học ngoại giao, Đại học thuỷ lợi vv. Các trường đại học đa ngành vốn phục vụ việc bồi dưỡng dân trí thì không phát triển. Những trường gọi là Đại học tổng hợp là các cơ sở trang trí và thực chất là các trường khoa học cơ bản. Loại trường này đào tạo một số cán bộ nghiên cứu nhưng đường lối không rõ rệt. Nhưng sinh viên tốt nghiệp ĐHTH nếu được nhận về một cơ sở nghiên cứu nào đó phải được đào tạo lại bằng cách cho ra nước ngoài học tiếp. Trong thời gian họ học ĐHTH không có chăm sóc gia đặc biệt gì.

Phương pháp giảng dạy và học tập ở đại học không khác mấy so với trung học phổ thông. Vẫn thầy đọc trò chép, không thảo luận tranh luận gì, càng không có nghiên cứu gì nghiêm chỉnh. Chị Hoàng Xuân Sính, khi dạy ở ĐHSP nhiều lần nói vui là ta không có đại học, chỉ có trường cấp bốn mà thôi. Ai cũng thấy chị nói đúng nhưng giải pháp nào để thoát khỏi tình trạng đó, thì không dám bàn cãi.

Do không có các đại học đa ngành tự chủ nên các trường không thể có sáng kiến xây dựng những môn học, ngành học đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Người dân muốn học cái gì mình cần thì gần như chịu chết. Ở miền Bắc suốt một thời gian dài người dân không biết học ngoại ngữ ở đâu. Cho đến nay sự phân biệt giữa một bên là nâng cao dân trí, bên kia là đào tạo ngành nghề vẫn còn chưa sáng tỏ Người ta hay nói về bản sắc văn hoá, về di sản nhưng trong chương trình học những thứ đó không hề được phản ánh. Chẳng hạn người ta không hề đòi hỏi sinh viên khoa học xã hội phải có kiến thức cổ ngữ. Chẳng hạn sinh viên khoa Văn phải đọc được chữ Hán, chữ Nôm, sinh viên khoa Sử phải biết ngoài chữ Hán, chữ Phạn (hay Pâli để hiểu văn hoá Chăm), mà phải biết tiếng Pháp nữa. Nói chung giáo dục đại học ta quá dễ dãi, chỉ phục vụ được cho người cần bằng cấp chứ không đủ cho người muốn làm việc.

Nền giáo dục XHCN theo kiểu lao động và đạo đức toàn diện không thực hiện được mục tiêu của nó nên biến tướng thành một thứ đối cực :giáo dục vì bằng cấp và luyện thi gà chọi. Đáng ra nhà trường là trung tâm kiến thức văn hoá thì lại trở thánh những nơi luyện thi bắt buộc, học ở lớp thì ít mà học thêm thì nhiều. Một nhà trường bình thường bỗng dưng thành tổ hợp lớp chuyên lớp chọn. Nền giáo dục đáng ra nhắm tới các mục tiêu XHCN thì chỉ co thành các chỗ phục vụ thi cử bằng cấp. Phương châm thầm lặng nhưng chủ đạo là học để thi, không thi không học, học cốt để lấy bằng, không vì hiểu biết. Vừa qua tôi có dịp nói chuyện với ông Michel Félix, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Lille 3, được mời sang dạy và mở chuyên đề ở Hà nội, Đà nẵng và Huế. Dự các lớp chuyên đề của ông là sinh viên, cán bộ các ngành kinh tế và cả cán bộ quản lí. Ông cho biết học viên Việt Nam không hề đặt câu hỏi hay tranh luận, phản bác gì hết. Ông cũng không rõ họ nhận thức được gì hay không, chỉ thấy họ ngồi yên lặng nghe rồi về nhà. Một thời gian dài Bộ bó tay trước tình hình đó. Rồi Bộ gần như đồng loã với xu hướng bằng cấp, thi cử mà ra sức tạo ra những kì thi rùm beng để chỉ đạt những mục tiêu không có ý nhgĩa gì. Những việc vặt chỉ cần giao cho các trường thì Bộ cũng muốn làm lấy. Tôi có cảm tưởng các cơ quan thuộc Bộ rất khoái tổ chức thi cử, xét duyệt, ra qui chế này nọ. Có những qui chế thật “lãng mạn” như thi vào ngoại ngữ phải thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thi Văn, Toán để làm gì? Trong khi học sinh đã tốt nghiệp phổ thông, tức là có trình độ cơ bản về hai môn đó rồi. Tuyển sinh vào ngành ngoại ngữ cốt chọn những người giỏi ngoại ngữ hơn người khác. Tôi nhớ có một em thí sinh người Nghệ An được điểm mười môn Pháp văn nhưng toán kém đành bị loại. Ai cũng tiếc. Việc thích tổ chức thi cử cồng kềnh tốn kém là một thị hiếu thiếu lành mạnh. Trong lúc tôi đang viết những dòng này thì Bộ đang tổ chức kì thi THPT rầm rộ theo từng cụm mà theo các báo thì vô cùng tốn kém. Phải thuê xe chở học sinh vùng xa về các cụm. Phải nhờ công an hộ tống đề thi, bài thi đi hàng trăm cây số vì việc chấm chéo đòi hỏi phải di chuyển như vậy. Để đạt kết quả quan trọng như thế nào? Ai cũng biết trước là thế nào các tỉnh cũng phải có học sinh đỗ khoảng 90% trở lên. Vậy rầm rộ tốn kém để làm gì? Đáng ra theo đúng nhân văn XHCN, cần tránh xa những việc diễu võ dương oai đó. Chỉ cần xây dựng lòng tin đối với các trường, với từng con người giáo viên, để họ căn cứ vào điểm quanh năm mà xét năng lực học sinh. Nếu có sai sót hay lạm dụng thì cũng không đến mức phải phế bỏ cả công lao giáo dục cả năm của nhà giáo.

Một câu hỏi nghiêm chỉnh được đặt ra là, xét trình độ sinh viên tốt nghiệp hiện nay, và thực tế sử dụng như thế nào trong các ngành hoạt động, các nghiên cứu điều tra cho biết phải đào tạo lại hoàn toàn. Vậy thi vào đại học bị làm khó để làm gì? Theo tôi vấn đề đặt ra hiện nay là tạo thuận lợi cho đầu vào (thi cử nhẹ nhàng, xét năng lực dựa trên kết quả học ở nhà trường v.v.), và xiết chặt đầu ra, làm cho đầu ra thích ứng với nhu cầu xã hội. Giáo dục chắc chắn phải có nhiệm vụ đào tạo con người, cung cấp cho con người hiểu biết và kỹ năng làm việc, kỹ năng sống trong cộng đồng. Nhưng một nhiệm vụ giáo dục khá quan trọng chưa ai nêu rõ là hạn chế và loại bỏ những trường hợp ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ trong phân công xã hội. Thời xưa, mỗi người tự nhận thấy mình sức lực ra sao rồi mới tính chuyện làm việc này việc nọ. Chẳng hạn thấy mình học được khoa học mới thi vào trường Bách Khoa. Thời nay điều kì lạ là có người không có năng lực trí tuệ nhưng vẫn có tham vọng học cái này cái nọ, làm ông này ông nọ. Sở dĩ có tình hình đó là trong một thời gian dài, cách đề bạt cán bộ của nước ta và những nước xã hội chủ nghĩa nói chung đều lấy tiêu chí “chính trị tư tưởng” làm chuẩn. Miễn là có quá trình hoạt động nào đó thì anh có thể làm thống đốc ngân hàng hay giám đốc viện nghiện cứu. Có những khoa hệ trọng ở bệnh viện bỗng thấy chủ nhiệm khoa mới được đề bạt là người không biết tí gì, có thể làm chết người như chơi. Ở ĐHSPNN Hà nội nơi tôi công tác nhiều năm, có một thời gian khoa trưởng khoa Nga lại không biết tiếng Nga, khoa trưởng khoa Anh lại không biết tiếng Anh. Ngày nay may thay hiện tượng đó không còn tồn tại nữa hay ít ra cũng dưới những hình thức kín đáo hơn. Nhưng dầu sao việc đánh giá con người khách quan và nghiêm chỉnh vẫn phải đặt ra thường xuyên.

Để đảm bảo việc đánh giá và sắp xếp nhân lực một cách hệ thống, các đại học nên có khoa dự bị (chuẩn bị cho học sinh vào học đại học đúng theo khả năng) và nên thành lập nhiều trường dự bị đại học. Qua một hay hai năm ở các lớp dự bị, học sinh được trang bị ngoại ngữ tương đối hoàn chỉnh và các kiến thức cũng như phương pháp học tập cần thiết cho việc học đại học. Nếu ai không đạt thì chuyển đi làm việc khác hoặc theo học các trường nghề ngắn hạn.

Suy cho cùng, vấn đề then chốt chưa được sáng tỏ hiện nay là vấn đề quản lí. Tức là vấn đề con người. Trong các kế hoạch, chương trình, dự án…chỉ thường thấy con số, chẳng hạn đến năm nào đó ta sẽ có bao nhiêu tiến sĩ, mấy trường chuẩn quốc gia v.v.. Không thấy bóng dáng con người. Mà thực ra chính những con người cụ thể tạo ra bước phát triển của xã hội. Có lẽ người ta muốn dùng câu:”Có những con số này sẽ có cái này” thay cho câu:”Có người này mới có cái này”. Do quản lí bằng con số nên bộ muốn ôm hết từ chương trình sách giáo khoa đến thi cử, bồi dưỡng giáo viên v.v.. Bộ không nghĩ rằng để cho các cơ sở tự chủ thì họ sẽ làm tốt hơn nhiều. “Thế thì sẽ loạn cho mà coi!”, người ta thường doạ như vậy khi nói đến tự chủ đại học hay tự chủ địa phương hay xoá bỏ độc quyền nhà nước về sách giáo khoa chẳng hạn.

Tôi nhớ lại thời mà hiện nay người ta gọi là thời bao cấp, thực ra là thời xã hội chủ nghĩa chính thống chưa biến dạng như hiện nay. Thời đó ở miền Bắc nhiều đồ dùng cá nhân như xe đạp, máy khâu, radio … phải được đăng kí sử dụng, muốn mua bán, trao đổi phải chịu nhiều thủ tục phiền hà. Người dân kêu ca đề nghị xoá bỏ việc đăng kí thì các cơ quan chức năng trả lời ngay: “Có mà loạn à?” “Ai biết anh dùng nó vào việc gì?”. Thời cấm chợ ngăn sông cũng vậy. Người ta thành thực nghĩ rằng nếu hàng hoá lưu thông tự do thì sinh ra loạn lạc. Tâm trạng lãnh đạo cả một thời bị niềm tin như vậy khống chế. Ngày nay trong nền kinh tế thị trường cởi mở, phóng khoáng, không ai còn sợ loạn lạc nữa và thấy cơ hội cho sáng kiến cá nhân đua nở. Những người quản lí kinh tế thấy việc quản lí trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả, khoa học, trí tuệ.

Tiếc rằng nền giáo dục vẫn chưa thoát ra được cách làm cũ kỹ của thời xã hội chủ nghĩa chính thống. Con người vẫn gặp nhiều rào cản, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên vẫn chịu nhiều bó buộc. Con ngáo ộp “Có mà loạn!” vẫn ám ảnh nhiều người. Để các đại học tự chủ à? Có mà loạn! Để thầy cô đánh giá lấy học sinh mình à? Có mà loạn! Bỏ độc quyền sách giáo khoa à? Có mà loạn!

Thực tế kinh tế thị trường cởi mở đã chứng minh tính uyển chuyển của nó, động viên được hết thảy những tài năng của dân chúng. Mong sao có một ngày giáo dục cũng cởi mở đầy hứa hẹn như vậy.


Tháng 6 năm 2009

1 commentaire:

  1. KG Thầy TQ Đệ
    Thầy ơi, theo đề nghị của Thầy em đã đưa bài của Thầy lên Portfolio rồi đây.
    Em tin rằng những trải nghiệm vả suy nghiệm này rất có ích cho những nhà hoạch định tương lai cho giáo dục nước nhà.
    Nhưng có ai "thèm" để mắt tới Portfolio này để đọc không thì lại là chuyện khác phải không Thầy ?
    Em ANga

    RépondreSupprimer

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú