11C5-QH và một vùng ký ức
An không tin có một thầy giáo, cô giáo nào đi dạy lại chẳng yêu mến học sinh của mình. An vẫn nghĩ đó là một thứ tình cảm rất tự nhiên, như mỗi con người lớn lên đều ít nhiều gắn bó với mảnh đất nơi mình đã sống.
Ngày còn đi học, từ một chỗ ngồi quen lẫn trong đám bàn ghế học trò An đã ngước nhìn thầy giáo, và cảm nhận tình thương vô bờ thầy dành cho An và bạn bè mình. An mơ sao lớn lên sẽ nối nghiệp thầy, để còn có thể sống mãi với không khí lớp học, với bảng đen và bụi phấn. Và An theo học nghề giáo thật, cái nghề khiêm tốn và nhỏ thôi, nhưng đối với An sao mà thân thiết... Bốn năm học ở trường Sư Phạm là bốn năm An xây đắp cho mình những ước mơ, An dọn mình để đón nhận một thiên chức đẹp hơn mọi lời ca: làm cô giáo.
Những buổi đầu An “lên bục gỗ” là vào năm cuối Đại học. Đợt thực tập một tháng, ngắn thôi nhưng đủ cho An những dịp sống thật đầy với học trò mình. An tưởng An có thể tan nhoà trong hạnh phúc mới, cái hạnh phúc của một tâm hồn mở rộng, vui sướng, nao nức trong những bước đầu tập tành, chập chững vào nghề. Tháng ba, lớp 11C5 và ngôi trường Quốc Học cổ kính... Cảm giác ngập trong tình yêu thương khiến có lúc An hoang mang, lo sợ sẽ không bao giờ còn tìm thấy lại được niềm vui dễ thương, đầy tràn như thế, niềm vui đã có với những đứa học trò, những đứa em, những “đồng chí” nhỏ. Những học sinh mà mãi về sau này, dù chẳng còn học với An, vẫn đến “chào cô giáo” trước khi lên đường, theo tiếng gọi của tổ quốc thiêng liêng...
Với những ước mơ dễ thương, xanh hơn màu lá, An ra trường và bắt đầu nghề giáo. Ngôi trường cũ nơi An miệt mài suốt bốn năm nuôi mơ ước làm cô giáo, và nay là nhiệm sở đầu đời của An, đám học trò “lớn còn hơn cả cô giáo nữa”, và những công việc mới đã giúp An lớn lên mỗi ngày. Từ những buổi đầu lên lớp, run rẩy và hoảng hốt trước đám học trò to đầu lạ lẫm, cho đến bây giờ An đã cảm thấy vững vàng, tự tin hơn. An cũng dần hiểu những gì An cần làm và có thể làm cho học sinh, những gì An học tập được ở chính những con người rất trẻ đang gọi An là cô. Tình cảm gắn bó, sự chân thật và và nhiệt tình tuổi trẻ đã gắn bó An với lớp học, với những tâm hồn An tiếp xúc mỗi ngày. An say sưa với lớp, yêu mến những đôi mắt mở to, ngước nhìn như chờ đón, như đòi hỏi ở An những cố gắng mới... Sáng nay An đã mỉm cười, nghe như tiếng giảng bài của mình vang ấm hơn mọi khi. Niềm vui dường như đã oà vỡ trong lòng cô giáo. Hạnh phúc... Học trò của An thời thực tập, có những em đang đóng quân ở miền Trung, đang chiến đấu ở biên giới phía Bắc hoặc ở vùng Tây Nam tổ quốc, và ngay cả bên K. nữa. Có những em đang miệt mài ở các giảng đường đại học. Có em đã ra đời với nghề nghiệp riêng. Cũng có những em hiện vẫn đang học với An. An cảm thấy mình “giàu có” quá, và tình cảm đã níu An lại với học trò mình thì tự nhiên như nụ cười chợt nở trước một hạnh phúc dễ thương. Hình như đó chính là cuộc sống, cũng là một phần rất lớn của đời An.
Giữa hai tiết dạy sáng nay, trong giờ giải lao An nhận được thư trả lời của Tân, điều An vẫn mong từ nhiều tháng nay. Những hàng chữ thẳng đứng, đều và rõ nét của cậu học sinh lớp An thực tập ngày trước, vẫn không thay đổi từ ngày em nhập ngũ.
“... Chắc giờ này cô đang suy nghĩ để chuẩn bị bài ngày mai lên lớp, đang cố gắng đưa vào giáo án của mình hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc (trong đó có em và các bạn em?). Cũng có thể giờ này cô đang có mặt ở các hiệu sách, hay đang trên bục giảng trước những học trò lớn và chăm ngoan... Cô có phải “nói” hết sức mình và khản cả tiếng, trước một lớp học đông đảo như ngày nào cô về thực tập ở lớp chúng em?”
“Hiện em đã chuyển về sư 330, là sư đoàn “chủ động” của chiến trường Tây Nam, chưa bao giờ biết thua là gì cả. Trung đoàn em đã qua chín tỉnh trên mười hai tỉnh của K., và đã tham gia ba chiến dịch, hiện đang mở tiếp hai chiến dịch mới truy quét toàn bộ quân địch còn lại. Cô biết không, xong chiến dịch 3 thì hầu hết phía địch đều tan rã. Sắp đến, trong chiến dịch 3B và chiến dịch 4 chúng em sẽ bước vào một thử thách mới: luồn sâu vào rừng với núi để phá tan hầu hết sở chỉ huy của địch. Hai chiến dịch này cũng không kém phần gay go... Nhưng điều quan trọng hơn cả là em đã xác định được vị trí của mình hiện nay. Em đã sẵn sàng tư thế. Cô biết không, đời sống thật là kỳ diệu...”
Lá thư viết dở, bởi em không còn dịp nào để ghi tiếp. Trang giấy còn bỏ trắng đến gần một nửa, em định kể gì với cô về những điều kỳ diệu đã khám phá trong cuộc sống mới đầy khói lửa và thử thách hở Tân? Hoài bão em nuôi trong tim, hay những ước mơ đang biến dần thành hiện thực? Tiếng người đồng đội của em ngồi trước mặt cô như vọng về từ một nơi nào xa, xa, xa lắm. “Chúng tôi trông có công tác đi qua Huế, để trao đến tận tay cô giáo cái thư... Đồng chí Tân chiến đấu rất anh dũng cô ạ... xung phong ngay đợt đầu... chiến dịch thành công... hy sinh... dũng cảm... Lá thư chưa kịp viết xong... trong túi áo đồng chí... phút cuối...”.
Chuyến tàu trưa sắp khởi hành. Người chiến sĩ trẻ phải ra ga ngay. Anh đi rồi, An vẫn ngồi thừ người, hai mắt dán vào một góc thư. Một vết thẫm. Một vệt máu khô. Lá thư viết cách đây đã nhiều tháng, lúc em còn đang say sưa nâng những ước mơ của mình lên một tầm cao... Lá thư bên em, phút cuối... Đời sống thật kỳ diệu, cô hiểu lắm chứ, dù cô chưa đoán ra hết những gì em chưa kịp kể, Tân ơi. Em học trò siêng năng hiền lành và ít nói thuở trước, người “đồng chí” nhỏ, người chiến sĩ gan dạ. Em đã xác định được vị trí của mình, đã sẵn sàng tư thế. Xung phong, xung phong. Sư 330, chưa bao giờ biết thua là gì cả. Chiến trường đẫm máu... Khi em bắt đầu viết cho cô những dòng chữ này, em có biết mình sắp sửa hy sinh? Em đã ngã xuống như thế nào? Em tiếc nuối vì phải ra đi khi chiến dịch chưa kịp hoàn thành, hay em mỉm cười mãn nguyện vì máu của em đã thấm hoà vào lòng đất bạn, cho một sự nghiệp chung...?
Tiếng chuông vang lên. Tiết học cuối sắp bắt đầu. An đứng dậy, gạt những hạt nước mắt và vuốt lại những sợi tóc rối loà xoà, đi về phía lớp. Khi An đã đứng rất thẳng trước học trò của mình, lẫn trong những đôi mắt ngước lên chờ đợi, An cảm thấy dường như có cả đôi mắt của Tân. Em nhìn cô giáo, mắt mở to, tinh anh, rất sáng.
Mỗi người thầy, người cô đều gửi gắm chút gì của chính mình vào mỗi một đứa học trò. Nếu em ấy trực tiếp bảo vệ tổ quốc, thì thầy cô em sẽ cảm thấy như một phần của chính mình cùng ra trận với em. Nếu như em ấy hy sinh, thầy cô em sẽ vô cùng đau đớn, nhưng sẽ không cúi đầu. Thầy giáo, cô giáo sẽ ngẩng đầu cao, cao hơn mãi để xứng đáng với em, như em đã sống và chết xứng đáng. Em có hiểu điều đó không hở Tân?
Và An bắt đầu tiết dạy của mình, với cái nhìn ngước cao.
1980 - 2006
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire