Theo dõi những trao đổi trên báo Tuổi Trẻ về lòng trung thực, tôi đã có lúc rất hoang mang lo lắng trước những nhận định và lựa chọn của một số bạn trẻ. Những «được» «mất» được dẫn ra như những luận cứ thuyết phục để các bạn ấy không lựa chọn sự trung thực. May mắn thay, đó không phải là suy nghĩ của tất cả giới trẻ, và cũng may mắn thay, bên cạnh đó còn có những người đi trước với những trải nghiệm của mình (như nhà văn Nguyễn Khắc Phê) đã nhắc nhở về nhân cách của con người và ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Trước tiên tôi rất hoan nghênh việc các bạn trẻ nêu thẳng ý kiến của mình trên diễn đàn, cũng là một thể hiện của lòng trung thực, dù ở đây sự trung thực ấy được dùng để nói lên một sự lựa chọn trái chiều với lòng trung thực trong những ứng xử của mình. Có thể nói, đã là con người, ắt là ai cũng nhận thức trung thực là một đức tính, là phẩm chất cao đẹp của con người. Nếu các bạn thẳng thắn nói đến «được» «mất» ở đây, hẳn là do việc nói lên ý nghĩ đó không dẫn đến một nguy cơ «mất» nào như trong trường hợp học hành thi cử, hay trong quan hệ với cấp trên, với những hiện tượng tiêu cực mà nếu trung thực các bạn có thể «mất» những cái lợi nào đó. Giả sử ở đây không phải là diễn đàn trên báo mà là một khung cảnh «đánh giá», «xếp hạng» thái độ, tác phong, tư tưởng, hành động của mỗi cá nhân trong một lớp học, cơ quan, đoàn thể… E là các bạn khó mà mạnh dạn khẳng định sự lựa chọn của mình như thế. Cũng giả sử trong những khung cảnh trường học, cơ quan, nếu việc đánh giá dựa vào những tiêu chí, chuẩn mực thực chất hơn, nhân bản hơn, con người hơn, nếu giáo dục gia đình, trường lớp, xã hội đã tạo được tiền đề, đã kiến tạo, hình thành và phát triển trong mỗi con người, từ tấm bé, những nền tảng đạo dức vững chãi hơn, và nhất là tiếp tục tạo điều kiện để lòng trung thực có đất sinh sôi, nẩy nở, lan rộng hơn, có chế độ thưởng phạt công minh hơn, thuyết phục hơn, thì tình hình có thể sẽ rất khác.
Nhân chi sơ tính bản thiện, nếu xã hội chúng ta là mảnh đất tốt, thì những hạt giống tốt tất sẽ phát triển đúng quy luật. Tóm lại, nếu nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn sự thiếu trung thực, thì đáng trách không riêng gì ở các bạn ấy (ít ra các bạn cũng đủ sự trung thực để nói lên điều đó, và việc nói lên đó đã là sự trung thực đáng trân trọng), mà đáng trách hơn cả là các bậc «người lớn», các bậc cha mẹ, những người có trách nhiệm với giáo dục nhà trường, với tổ chức xã hội và cộng đồng nói chung, xin quí vị hãy chân thành tự vấn xem bản thân mỗi chúng ta đã có những thể hiện trung thực chưa, và đánh giá, xếp loại, thưởng phạt… đã thực sự công minh, nhân bản, hợp lẽ chưa. Không nhìn xa xôi làm gì, ngay trong phạm vi của riêng mỗi người, trong gia đình mình, công việc của mình, trách nhiệm công dân của mình, cứ thế mà tự vấn…
Không biết có phải do tôi thuộc thế hệ lỗi thời hay không, mà ngày nay soát xét lại, tôi vẫn nhận thấy chưa hề khiến lòng trung thực của mình bị tổn thương trong cả bao năm đi học, từ tiểu học, trung học, đại học, và những giai đoạn học sau đó nữa. Có thể nhờ giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường mà tôi may mắn nhận được chăng? Vậy tôi có «mất» gì không? Nói theo một ý kiến đã được trao đổi, thì có chứ, có lúc điểm kiểm tra của tôi thuộc hạng kém trong khi có bạn cùng lớp quay cóp thì điểm cao hơn. Nhưng nhờ vậy tôi đã nỗ lực hơn để có được kết quả tốt hơn, và quan trọng hơn cả, là ý thức về nhân cách, giá trị thực của bản thân mình không cho phép tôi làm khác. Hay năm 2001, khi tôi thi lên ngạch giảng viên chính, dù không ít người đã tìm cách «xoay xở» trong lúc thi, tôi vẫn cắm cúi một mình, và dù tôi đã đủ điểm nhưng số điểm của tôi quả thực thấp hơn nhiều so với những người khác. Nhưng tự thâm tâm, tôi nghĩ tôi đã lựa chọn đúng. Suy cho cùng, «được» «mất» không chỉ là điểm số, những ưu ái từ cấp trên, từ người khác … nhưng không thực chất do ta có được dựa vào sự gian dối, giả tạo. Cái chính là sự đánh giá của bản thân mình đối với chính mình. Nếu «được» như thế mà mình cứ tự khinh mình, thì thực sự có là «được» không?
Tôi xin kể ở đây ba câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là những gì xảy ra giữa tôi và sinh viên năm thứ nhất năm 2001. Giữa học kỳ 1, tôi cho các em làm bài kiểm tra ở lớp về môn Diễn đạt viết. Một số sinh viên trao đổi với nhau và vẫn tiếp tục trao đổi dù tôi nhắc nhở nhiều lần. Đến lúc thu bài, dù còn một tiết học nữa, nhưng tôi không dạy mà đề nghị lớp sinh hoạt để tự kiểm về thái độ học tập thi cử, và đề nghị những em đã vi phạm viết bản tự kiểm. Trước khi lớp họp, tôi vừa căn dặn vừa tâm sự thêm với các em về việc học, kết quả học tập và thái độ học tập, về học kiến thức và học làm người. Dịp 20/11 năm đó, thật bất ngờ, trong buổi sinh hoạt toàn khoa các em đã nói lời xin lỗi và cảm ơn cô giáo về bài học làm người. Tôi nghĩ kỷ niệm đó sẽ ít nhiều mai một đi với thời gian, nhưng cũng còn lại đôi chút dấu ấn trong hành trang vào đời của các em. Câu chuyện thứ hai là tâm sự của một du học sinh Việt Nam trên đất Pháp, vào khoảng năm 1994, lúc tôi đang công tác ở Pháp. Em kể vừa qua một kỳ thi ở trường và làm bài không tốt. Tưởng như ở nhà nên em cứ mang tài liệu theo để quay cóp, nhưng đến phòng thi thấy ai cũng nghiêm túc làm bài, em ngượng… Kết quả là không làm được bài. Câu chuyện thứ ba, mà chắc các thầy cô từng nhiều năm coi thi tuyển sinh đại học đều trải nghiệm. Nhiều năm liền,vào những thập niên 80, 90 thế kỷ trước, cứ mỗi buổi coi thi, chúng tôi là giám thị phòng thường phải «gỡ» ra từ bên trong áo quần, khăn mùi soa, dây buộc tóc, tay, chân, bắp đùi… của thí sinh những xấp tài liệu xếp nhỏ hay cuộn tròn trước buổi thi. Và cuối mỗi buổi thi, phòng hội đồng thi lúc nào cũng đầy một góc những tài liệu thu được của thí sinh, chất thành một núi nhỏ. Những năm gần đây, hiện tượng đó bớt hẳn, là điều đáng mừng. Chủ trương «nói không với tiêu cực» có hiệu quả, có tính lan rộng, nhưng thực ra những dấu hiệu cải thiện đã thực sự bắt đầu từ trước đó, nơi này nơi khác. Tất nhiên là vẫn còn nhiều mặt chưa triệt để, và đó chính là diều chúng ta cần ưu tư xem xét.
Cũng không nên nhầm lẫn trung thực với bộc trực, thẳng tính, dù những tính cách ấy có liên quan với nhau. Vẫn có thể trung thực nhưng một cách khéo léo, lựa lời, lựa lúc mà nói, mà góp ý, phê phán, tuỳ người mà nói cách này hay cách khác, thay vì huỵch toẹt để có kết quả ngược lại. Không nhất thiết phải nói hết những gì mình nghĩ, nhưng những gì mình nói ra, nhất thiết phải là những gì mình thực sự nghĩ. Còn riêng với bản thân, đối diện với chính mình, thì liệu một người tự trọng có thể nào không tuyệt đối trung thực với chính mình hay không?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire