Jean-Claude Guillebaud là một nhà báo, nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm suốt đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên – Trở về Việt Nam” (1993) được viết sau chuyến đi Việt Nam của ông từ Nam chí Bắc năm 1992, được giải thưởng Astrolabe–Nhà văn du hành (Astrolabe-Écrivains voyageurs), NXB Points tải bản 2006. Hiện Guillebaud đang công tác tại nhà xuất bản Seuil (Paris).
Ðiều đó diễn ra hai ngày trước khi tôi lên máy bay. Tôi đã nhét vào va li của mình cuốn băng vừa thoáng nghe qua đó.
Toàn bộ câu chuyện bắt đầu trước khi đến Ðà Lạt một chút. Chúng tôi đã tạm dừng chân trong một ngôi làng và gọi trà đá ở hiên một quán giải khát nhỏ làm bằng tre. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế thủ công thấp như ghế búp bê. Những chiếc xe bò và những hàng xe đạp đi trên đường ném về phía chúng tôi những đám mây bụi đỏ. Nhiều người dừng lại để nhìn chòng chọc vào mặt chúng tôi. Từ bao lâu rồi họ không nhìn thấy những du khách phương Tây? Như thường lệ, một máy cát xét to tướng đang hoạt động ầm ĩ làm chúng tôi đến vỡ tai. Những thanh niên trong quán tưởng sẽ làm chúng tôi thoả mãn khi cho phát những bài hát Mỹ và nhạc hard rock. Những tiếng kèn bát dội vào lồng ngực chúng tôi như những cú đấm. Thật đinh tai và khó chịu.
Khi đó, tôi đã nhớ đến cuốn băng nhạc của Delerue đang ở trong hành lý của mình. Tôi đi lấy nó và đưa cho những thanh niên trong quán giải khát với vẻ quyền uy. Ngay tức khắc, họ tắt cái thứ musica đáng ghét của họ để mở bản nhạc của riêng tôi. Chính lúc đó, và chỉ vào lúc đó mà thôi, chúng tôi mới hiểu ra vì sao quang cảnh đó lại mang một vẻ khác thường. Chúng tôi là hai người Pháp đang ở ngay trong lòng đất nước Việt Nam và chúng tôi đang lắng nghe đến đinh tai nhức óc, ngay ở trung tâm một ngôi làng Lang Bian, cuốn băng nhạc gốc của phim Ðiện Biên Phủ, điệp khúc ám ảnh với những khúc đoạn độc tấu vĩ cầm đã nhịp theo những bước chân của đạo quân viễn chinh đi dần xuống địa ngục.
Dĩ nhiên đám thanh niên hỏi tôi cái âm nhạc kỳ lạ, khác một cách cơ bản đến như thế với nhạc trống của họ là thứ âm nhạc nào. Tôi gợi ý để bà D. giải thích rõ ràng cho họ biết đó là nhạc gì. Tôi ngóng xem họ phản ứng ra sao. Một vẻ nghiêm trang, cái gật đầu ra vẻ thấu đáo, vẻ chăm chú rõ ràng là trân trọng. Thật ra, thì chẳng có gì là thật rõ rệt. Nụ cười khô cứng của họ đúng ra có ý nghĩa gì? Họ có biết ơn chúng tôi hay không về việc chúng tôi đã lắng nghe trước mặt họ âm nhạc biểu trưng cho một thắng lợi của đất nước Việt Nam? Hay ngược lại họ đánh giá là thật khó chịu khi phải cùng những người nước ngoài nghe nhắc lại một sự kiện "anh hùng" đã từng được các nhà tuyên truyền cộng sản triệt để khai thác? Tôi không hiểu được một chút nào về chuyện ấy. Ở Việt Nam, nụ cười có khi còn bí hiểm hơn cả sự im lặng.
Kể từ "buổi diễn đầu tiên" đó ở gần Ðà Lạt, Raymond và tôi đã không ngừng nghe bản nhạc Công-xéc-tô vĩnh biệt, từ chặng dừng này đến chặng dừng khác, với cảm giác đang tiến hành một công cuộc tìm kiếm. Chúng tôi mở băng nhạc của mình ở những nơi chốn quá đáng nhất : bên thềm khách sạn Thống Nhất ở Phan Rang, trong một quán cóc dọc trên đường đến Qui Nhơn, trong nhà hàng của Khách sạn Vĩnh Ðông ở Nha Trang, ở một quán cà phê lộ thiên ở Ðà Nẵng... Mọi người im lặng để lắng nghe, có khi còn mỉm cười với chúng tôi. Việc đó bây giờ đã trở thành thông lệ. Khi tôi quên việc hành lễ đó, thì Raymond, với vẻ gần như nhạo báng, lại nhắc tôi trở lại với công việc: "Mang băng cát xét ra đi!" Tất nhiên là chúng tôi nói đùa: "Cuối cùng rồi cả nước Việt Nam sẽ nghe bản nhạc này." Nhưng "trò chơi" đó thực ra không vô tư đến thế.
Tôi lên mười tuổi khi đồn trấn thủ ở Ðiện Biên Phủ bị đánh bại. Ở khu nội trú Villard-de-Lans, người ta đã tập trung tất cả các lớp trong phòng ăn để dành một phút mặc niệm. "Hôm nay là một ngày tang tóc cho nước Pháp.", ông Hiệu trưởng nói. Chúng tôi không hiểu rõ lắm đó là chuyện gì nhưng, là con em của những người lính, theo bản năng tôi cũng đã khóc. Và khóc thật lâu. Ðối với tôi từ ngữ "tang tóc cho nước Pháp" là không đảo ngược được. Thế rồi, năm tháng trôi qua, tôi đã chôn vùi kỷ niệm đó trong sâu thẳm lòng mình. Tuy vậy, sau đó, khác với những người chung quanh, tôi đã không bao giờ chịu đựng được thái độ chống quân sự cợt nhã của những năm sáu mươi và bảy mươi, sự khinh thị của những "nhà chính trị", vẻ châm chọc của những trí thức thực ra là những người thân thuộc của tôi. Có cái gì đó trong tôi đã khiến tôi đứng về phía những người đã trả giá sòng phẳng cho những niềm tin của mình. Một thái độ khoan dung đối với những người lính, ngay cả khi họ thất trận, tràn ngập trong tôi khiến tôi không thể ghét bỏ những kẻ bất tài và sự ngu ngốc của các đội quân đồn trú. Nhưng tôi không thích ai mai mỉa về sự bí hiểm của chiến tranh, có thế thôi. Ðiều đó không khớp lắm với phần còn lại của cuộc đời tôi. Thây kệ. Tôi đã phải sống thích nghi, bằng mọi giá, với "mâu thuẫn" đó. Có lẽ tôi trở thành nhà báo là để giải quyết mâu thuẫn đó theo cách của mình: vừa ở phía bên này lại vừa ở phía bên kia ; dùng ngôn từ nhưng gần với sự việc; quen thuộc với các bài diễn văn, nhưng cũng không xa những hạt nước mắt.
Tôi thường vấp phải sự nhập nhằng đó vào những năm bảy mươi ở Sài Gòn, khi tôi thực sự bước vào một cuộc chiến tranh.
Từ khi trở lại Việt Nam, tôi hiểu rõ hơn vì sao tâm hồn tôi đã bị xáo trộn đến nhường ấy khi xem phim Ðiện Biên Phủ. Không chỉ do tính cách thống thiết của sự chiến bại, nỗi xé lòng của cảnh quy hàng và sự khiếp sợ của những binh đoàn hàng quân. Ðược quay ngay tại Việt Nam, với sự tham gia của quân đội cộng sản và những cựu "Việt Minh", cuốn phim mong muốn được là bản phác thảo của những cuộc tìm gặp lại diễn ra ở bên ngoài Lịch Sử, một cánh tay từ chiến tuyến này chìa sang chiến tuyến kia. Chỉ với sự hiện hữu của mình, nó cũng chứng minh được rằng con đường đó là có thể áp dụng được. Ít ra thì tôi cũng đã tiếp nhận nó như thế. Thế là, tự dưng hai nửa của tôi dường như có thể gặp lại nhau. Người ta có thể khóc lên được vì những điều nhỏ nhoi hơn thế...
Thế là từ Ðà Lạt trở đi, chúng tôi không thôi giám sát phản ứng của người Việt Nam. Nhưng sự mong đợi, sự nóng lòng đó không thật phải lẽ. Trong khi vội vã chúng tôi đã quên mất điều cốt yếu. Ý tưởng đó chợt đến với tôi khi tôi khám phá ra một vẻ buồn chán trên mặt hai cô bé phục vụ tại khách sạn Ðiện Lực ở Ðà Nẵng. Ðiều cốt yếu, chính là bề dày không lường được của thời gian trôi qua. Nói tóm lại, chúng tôi đã không cưỡng lại được trước căn bệnh ảo giác muôn thuở của người du khách, đó là: khi tạm dừng chân ở nơi nào đó trên thế giới, chúng ta đã làm như thể thời gian "địa phương", một thứ công cụ tiền tệ không chút giá trị, đã dừng lại khi chúng ta ra đi và hoạt động trở lại ngay ở thời khắc chúng ta quay về đó. Chúng ta đã phản ứng như thể Lịch Sử ngưng bước ở những đất nước mà chúng ta rời xa và chờ đến lúc chúng ta trở về để tiếp tục dòng chảy của nó. Như thể là thế giới chờ đợi được chúng ta bình chọn để có thể thực sự tồn tại, như Châu Mỹ đã đợi đến lúc được Colomb khám phá để có thể là Châu Mỹ. Tội lỗi xưa cũ của Châu Âu, mánh khoé của lòng kiêu hãnh và của việc du hành...
Bằng chứng là tôi đã cần một nỗ lực tư duy và một thao tác tính nhẩm trước khi nhận ra điều này: đối với những thanh niên Việt Nam, trận chiến Ðiện Biên Phủ cũng lùi xa trong quá khứ như trận chiến Verdun đối với chúng tôi, khi chúng tôi ở vào độ tuổi của họ. Chẳng là gì khác hơn một ngày tháng được đưa vào sách giáo khoa, giai đoạn đã nguội lạnh của một bài lịch sử được học nằm lòng ở trường. Vào tuổi hai mươi, chúng tôi có xúc cảm gì đâu, khi được nghe kể về những người lính của thế chiến thứ nhất, ở các trận Éparges hay Chemin des Dames?
Sự thật, thì những người Việt Nam chúng tôi đã gặp trên đường chẳng có gì đáng để nói về bản nhạc Công-xéc-tô vĩnh biệt của chúng tôi. Hãy cứ cho là họ bất cần đi. Và như thế cũng là tốt.
Chào bạn!
RépondreSupprimerMình làm quen nhé! Mình rất thích cách dịch của bạn, rất hay!