Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

jeudi 28 août 2008

SỰ KHÁM PHÁ CHÂU MỸ VÀ TIẾP XÚC LIÊN VĂN HOÁ

Phạm thị Anh Nga
Trường Đại Học Ngoại Ngữ - ĐH Huế
-
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong cuốn "Sự chinh phục Châu Mỹ" (La conquête de l'Amérique, NXB. Seuil 1982), Tzvetan Todorov đã đề cập và phân tích những diễn biến trong quá trình khám phá và chinh phục Châu Mỹ của những người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI. Dựa trên những chi tiết tường thuật và phân tích của ông, có thể nói sự kiện đó là hình ảnh có tính biểu trưng lớn đối với toàn nhân loại về sự gặp gỡ Kẻ Khác văn hoá. Nói cách khác, đó chỉ là một tình huống tiếp xúc liên văn hoá ở một thời điểm xa xưa, nhưng nó lại điển hình cho sự tiếp xúc liên văn hoá nói chung và cho phép chúng ta cùng suy nghiệm về cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân và nhìn nhận Kẻ Khác văn hoá, cũng như thái độ ứng xử trong tiếp xúc với tha nhân.

Chúng ta thử tìm hiểu xem những nhà chinh phục Tây Ban Nha đã có những biểu tượng (représentations) và thái độ như thế nào đối với những thổ dân Anh-điêng (Indiens) và văn hoá của họ, và thử lý giải bằng cách nào những biểu tượng và thái độ đó có thể làm điểm tựa cho một cái nhìn thông suốt về quá trình giao tiếp liên văn hoá và về các dạng gặp gỡ Kẻ Khác văn hoá.

Trong số những người Tây Ban Nha đi chinh phục Châu Mỹ, những tên tuổi được ghi nhận đầu tiên là Colon và Cortés, nhưng hình ảnh mà họ ghi nhận về Kẻ Khác văn hoá thực ra lại không giống nhau. Đối với Colon, sự khác nhau được khẳng định nhưng đồng thời cũng bị khước từ. Colon mong muốn tìm biết, nhưng dối tượng của việc tìm biết đó lại là thiên nhiên, chứ không phải là bản thân những người Anh-điêng: đối với ông, thoạt đầu người Anh-điêng được xem như một thành phần của cảnh vật, «thuần khiết về văn hoá», «tốt», là đối tượng của «lòng ngưỡng mộ được quyết định từ đầu», và về sau, theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược, là những kẻ «hoang dã», «hung ác», «thù nghịch». Về phía Cortés, tuy ngưỡng mộ những vật dụng do người Anh-điêng sáng tạo (kiến trúc nhà ở, vải vóc, đồ trang sức…), ông ta vẫn không thừa nhận tác giả của những vật phẩm đó là những cá thể có tính người : trong quan niệm của Cortés, họ chỉ có vai trò thu hẹp là kẻ sản xuất vật phẩm, nghệ nhân, kẻ làm trò tung hứng, và chỉ giữ cương vị trung gian, không thể so với cương vị của CÁI TÔI đang nhận định về họ. Tóm lại, đối với Colon cũng như đối với Cortés, những người Anh-điêng chỉ được xếp ở vị trí lưng chừng giữa người và thú, và chỉ có tính người một cách không trọn vẹn.

Về sau, cuộc tranh luận giữa hai quan niệm đối lập về mối quan hệ giữa người và người, một bên là bình đẳng, một bên là thứ bậc, đã đặt Las Casas et Sepulveda ở hai vế đối cực: chủ nghĩa bình đẳng (égalitarisme) của Las Casas, xuất phát từ những lời dạy của đấng Ki-tô, khẳng định về một quan hệ bình đẳng «trừu tượng» (abstraite) giữa chúng takẻ khác, tức là giữa người Tây Ban Nha và người Anh-điêng; trong khi lập luận của Sepulveda lại dựa trên tư tưởng của Aristote, về sự phân biệt giữa những người được sinh ra là chủ nhân và những kẻ được sinh ra là nô lệ (T.TODOROV 1982: 193). Tất nhiên là với Sepulveda, có tồn tại một thang giá trị của xã hội loài người : chỉ có một mối quan hệ duy nhất là quan hệ đơn thuần cao-thấp, ở nhiều mức độ khác nhau, trong cùng một bậc thang giá trị duy nhất. Nhưng ngay cả Las Casas, dù ông có tư tưởng bình đẳng chủ nghĩa, cũng tự thoả mãn với quan niệm lấy bản thân mình làm trung tâm (égocentrique), không phải về mặt không gian mà về mặt thời gian, trong một cách nhìn nhận mang tính tiến hoá: những người Anh-điêng "ở kia" (là-bas) "hiện nay" (maintenant) cũng chính là "chúng ta" (nous) "ở nơi này" (ici) "thuở xưa" (jadis). Cách nhìn nhận này chẳng qua cũng chỉ là một dạng khước từ bản sắc của Kẻ Khác mà thôi.

Những người Tây Ban Nha chinh phục Châu Mỹ đã nhận biết và hiểu những người Anh-điêng như thế nào, và điều đó đã được thể hiện ra sao?

Theo T.Todorov, Colon đã không nhận biết văn hoá của Kẻ Khác, và không nhận biết ngay cả Kẻ Khác. Sự tồn tại của hai huyền thoại tưởng như mâu thuẫn nhau, Kẻ Khác như «kẻ hoang dã tốt lành» (bon sauvage) hay như «con chó bẩn thỉu» (sale chien) thể hiện sự khước từ không công nhận họ như những chủ thể có cùng những quyền lợi như bản thân mình, nhưng đồng thời lại khác với bản thân mình. Về phía Cortés, ông đã khẳng định được ý muốn tìm hiểu, thể hiện trong cuộc viễn chinh của mình qua việc tìm kiếm thông tin và sử dụng một người thông ngôn: đó là La Malinche, một phụ nữ Anh-điêng, được xem như biểu tượng của sự pha trộn văn hoá và của vai trò trung gian. Do có khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ của thổ dân, Cortés đã tham gia vào việc biên dựng huyền thoại về cuộc trở về của Quetzalcoatlt, theo chiều hướng có lợi cho ông. Tuy nhiên, ngôn ngữ và lời nói lại được Cortés sử dụng như một công cụ để điều khiển, sai khiến Kẻ Khác, và việc hiểu Kẻ Khác chỉ là một sự-hiểu-có-tính-phá-huỷ (compréhension-qui-détruit). Về trường hợp của Las Casas, thì định kiến về sự bình đẳng lại gây trở ngại cho việc hiểu biết Kẻ Khác: từ định đề về tính bình đẳng dẫn đến sự khẳng định về sự giống nhau, và như thế Kẻ Khác chỉ đơn thuần được đồng nhất với «lý tưởng của cái tôi» (idéal du moi) hay với chính cái tôi.

Việc hiểu Kẻ Khác có vẻ tiến xa hơn trong trường hợp của Diego Duran (tu sĩ dòng Đô-mi-ních) và Bernardino de Sahagun (tu sĩ dòng Phơ-răng-xoa). Duran tìm hiểu về tôn giáo của người Anh-điêng, chia sẻ cách sống của họ, những thiếu thốn và khó khăn của họ, và đạt đến «đỉnh cao của hoạt động hiểu biết» nhờ hiểu được văn hoá của mình cũng như của Kẻ Khác, và nhờ có khả năng diễn dịch những ký hiệu của văn hoá này qua những ký hiệu của văn hoá khác. Tương tự như Duran, Sahagun cố gắng tự đồng hoá phần nào với Kẻ Khác, và với ông công việc viết lách cũng đóng vai trò trung gian giữa hai nền văn hoá. Tuy nhiên mục tiêu của họ chẳng có gì khác hơn là, đối với Duran, làm cho người Anh-điêng đi theo tôn giáo của chính ông, và đối với Sahagun, đồng hoá Kẻ Khác với bản thân mình. Nói tóm lại, ở Duran cũng như ở Sahagun, vẫn chỉ là sự tiêu diệt bản sắc của Kẻ Khác.

Về thái độ đối với Kẻ Khác, Colon đã không thành công trong giao tiếp vì ông thực sự không quan tâm đến giao tiếp. T.Todorov nhận định: «[…] bằng những bước chuyển động tăng dần, Colon đi từ chủ nghĩa đồng hoá (assimilationnisme), bao hàm sự bình đẳng về nguyên tắc, đến hệ tư tưởng của chế độ nô lệ, nghĩa là sự khẳng định về vai vế thấp kém của người Anh-điêng» (T.TODOROV 1982: 63). Cortés thì quan tâm đến văn minh của dân tộc Át-téc (Aztèques, Mêhicô), nhưng ông vẫn là kẻ xa lạ đối với nền văn minh đó, và thiết lập với Kẻ Khác một mối quan hệ nhằm «hiểu, đoạt lấy và phá huỷ» (comprendre, prendre et détruire): hiểu trong một sự hiểu có tính huỷ diệt, đoạt lấy bằng sự bóc lột và vòng nô lệ, và phá huỷ vừa về lượng vừa về chất, đến mức T.Todorov đã khộng ngần ngại gán cho ứng xử đó từ «diệt chủng» (génocide).

Nếu Sepulveda quan niệm cuộc chiến của người Tây Ban Nha với đối phương (là người Anh-điêng) là một cuộc chiến chính nghĩa, thì Las Casas, xuất phát từ tính được xem như phổ quát của tôn giáo của bản thân ông, là đạo Cơ-đốc, đã tiến hành một công cuộc thuộc địa hoá «hoà bình» (pacifique), một cách êm thắm nhẹ nhàng: thay vào chỗ lính tráng, là những tu sĩ, những nông dân-thực dân (paysans-colons). Nhưng nếu ông không tiến hành chiến tranh cũng như không biến Kẻ Khác thành nô lệ, chỉ thực ra mục đích duy nhất mà ông nhắm đến là để bảo toàn và nâng cao sức mạnh về tài chính của đất nuớc Tây Ban Nha của ông. Mặt khác, chủ nghĩa bình đẳng của Las Casas lại khước từ bản sắc của Kẻ Khác (bình đẳng tức là giống nhau, nghĩa là phải đồng hoá với bản thân) và từ đó dẫn đến sự huỷ diệt bản sắc.

Nhìn chung, ứng xử của Colon trước người Anh-điêng, cũng như của những người Tây Ban Nha khác đi chinh phục Châu Mỹ, đều có tính lấy bản thân mình làm trung tâm (égocentrisme), và đều đồng hoá những giá trị của bản thân mình với những giá trị nói chung. Người Anh-điêng được xem như chỉ có tính người một cách không trọn vẹn, và những người Tây Ban Nha khước từ của họ vai trò chủ thể và không giao tiếp, tương tác với họ: những người đi chinh phục Châu Mỹ «nói tốt về người Anh-điêng; nhưng, trừ trường hợp ngoại lệ, không bao giờ nói với người Anh-điêng», tức là không xem họ như đối tượng giao tiếp hay tương tác (T.TODOROV 1982: 169). Cuối cùng, sự tàn ác đối với Kẻ Khác kinh khiếp đến mức T.Todorov nhận định: «Cứ như thể những kẻ đi chinh phục Châu Mỹ tuân theo quy tắc (nếu có thể gọi như thế) của Ivan Karamazov, là ‘’họ được phép làm tất cả’’» (1982: 185)

Như thế, khẳng định rằng câu chuyện về những người Tây Ban Nha khám phá và chinh phục Châu Mỹ có thể được xem là điển hình của tiếp xúc liên văn hoá, thì điều đó có ý nghĩa như thế nào? T.Todorov giải thích bằng hai ý như sau: thứ nhất, đó chính là bước đầu tiên của nhân loại trong quá trình khám phá ra Kẻ Khác văn hoá, mặc dù thật ra đây là sự khám phá ra Châu Mỹ hơn là khám phá ra người Châu Mỹ; thứ hai, cuộc chinh phục này báo hiệu và đặt nền tảng cho bản sắc hiện nay của «chúng ta» (tức là của thế giới phương Tây), và có thể xem năm 1492, năm Colon vượt Đại Tây dương, là phù hợp nhất để đánh dấu bước khởi đầu của một «kỷ nguyên hiện đại» (ère moderne).

Quả thật, trong giao tiếp liên văn hoá, Kẻ Khác bao giờ cũng là đối tượng cần khám phá, tìm hiểu, và điều đó thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Câu chuyện về sự khám phá và chinh phục Châu Mỹ đã cho phép chúng ta tiếp cận với rất nhiều biểu tượng về Kẻ Khác (Kẻ Khác như…): từ Kẻ Khác như đồ vật đến Kẻ Khác như chủ thể-sản xuất vật phẩm, Kẻ Khác bình đẳng với cái tôi nghĩa là giống cái tôi, đối lập với Kẻ Khác khác cái tôi nghĩa là thấp kém hơn cái tôi. Dù thế nào chăng nữa, ở đây Kẻ Khác không bao giờ được xem là một chủ thể bình đẳng với cái tôi nhưng đồng thời lại khác với cái tôi.

Theo T.Todorov, thái độ của Colon đối với người Anh-điêng sẽ được lặp lại vào thế kỷ sau (và cả về sau này) ở nhiều kẻ thực dân trong ứng xử với người dân thuộc địa (T.TODOROV 1982: 58): hoặc là Kẻ Khác là một con người thực sự, có cùng những quyền lợi như cái tôi, giống như cái tôi, và cần thiết phải đồng hoá với cái tôi, hoặc là anh ta khác cái tôi, tức là thấp kém hơn cái tôi. Trong cả hai trường hợp cùng lấy bản thân làm trung tâm này, «người ta khước từ sự tồn tại của một thực thể con người thực sự khác, có khả năng không phải chỉ đơn giản là một trạng thái không hoàn thiện của bản thân» (T.TODOROV 1982: 58).

Las Casas cũng như Cortés đều bảo vệ cho hệ tư tưởng của chế độ thực dân chống lại hệ tư tưởng của chế độ nô lệ. Quả thật chủ nghĩa thực dân đã tỏ ra tiến bộ hơn chủ nghĩa nô lệ, và số phận của Kẻ Khác ít nhiều cũng được cải thiện hơn. Nhưng «nếu chủ nghĩa thực dân một mặt đối lập với chủ nghĩa nô lệ, thì nó cũng đồng thời đối lập với một dạng khác, có tính tích cực hay trung tính, của sự tiếp xúc với tha nhân, mà tôi gọi tên một cách đơn giản là giao tiếp» (T.TODOROV 1982: 225). Theo T.Todorov, giao tiếp không kèm bạo lực là thực sự tồn tại, và cần được bảo vệ như một giá trị. Chuỗi từ «chủ nghĩa nông nô / chủ nghĩa thực dân / giao tiếp» (esclavagisme / colonialisme / communication) có thể được xem như một công cụ phân tích và đối lập quan niệm, và đồng thời cũng tương ứng với chuỗi nối tiếp trong thời gian của các dạng quan hệ liên văn hoá.

Những nhận định rút ra

Sự gặp gỡ Kẻ Khác, như trong trường hợp của những người Tây Ban Nha đi chinh phục Châu Mỹ trên đây, thể hiện một nỗ lực đồng hoá Kẻ Khác và tiêu diệt sự khác nhau giữa Kẻ Khác và cái tôi, và nỗ lực này đã ít nhiều thành công. Thành công này, theo T.Todorov, có thể được giải thích bằng một nét đặc trưng của văn minh Châu Âu, xem như bằng chứng về «tính ưu việt» tự nhiên của người Châu Âu: khả năng hiểu Kẻ Khác, mà thí dụ có tính thuyết phục nhất là nghệ thuật thích nghi và ứng biến trong ứng xử của Cortés. Quá trình này được tổ chức thành hai giai đoạn: đầu tiên là sự quan tâm đến Kẻ Khác, một dạng tha giác (empathie) hay tạm thời tự đồng hoá với Kẻ Khác, và sau đó, đồng hoá người Anh-điêng với thế giới của bản thân mình. Ngoài ra, chủ nghĩa bình đẳng, đặc trưng của Cơ-đốc giáo, cũng đã được sử dụng để phục vụ cho hệ tư tưởng của chế độ thực dân.

Về việc phân loại các mối quan hệ đối với Kẻ Khác, có thể ghi nhận rằng quan hệ với Kẻ Khác không chỉ bao gồm một chiều kích, và những vấn đề liên văn hoá có thể được xếp trên ba trục:

- trên bình diện giá trị (axiologique), là sự thẩm định về giá trị (Kẻ Khác là tốt hay xấu, tôi yêu thích hay không yêu thích anh ta, anh ta ngang hàng tôi hay thấp kém hơn tôi);

- trên bình diện hành động (praxéologique), là hành động nhích lại gần hay tránh xa đối với Kẻ Khác (tôi đồng hoá mình với anh ta hay đồng hoá anh ta với bản thân tôi), và giữa sự lệ thuộc của bản thân đối với Kẻ Khác và việc buộc Kẻ Khác lệ thuộc vào bản thân là một thái độ khác, có tính trung tính hay thái độ dửng dưng;

- cuối cùng, trên bình diện khoa học luận (épistémique), tôi biết hay tôi không biết bản sắc của Kẻ Khác, với rất nhiều mức độ khác nhau từ biết ít, đơn sơ đến biết nhiều, sâu sắc.

Trong trường hợp các nhà chinh phục Châu Mỹ, theo T.Todorov, có thể ghi nhận ở một số trong bọn họ những nỗ lực nhằm tôn trọng sự khác nhau trong quan hệ với Kẻ Khác (1982: 310-311) như sau:

- Về mặt giá trị, ở tuổi về già Las Casas đã đạt đến mức yêu mến và đánh giá cao người Anh-điêng, không phải bằng cách dựa trên lý tưởng của bản thân mình, mà là trên cơ sở lý tưởng của họ: đó là một tình cảm thương mến không có tính đồng hoá, trộn lẫn, «‘’trung tính’’, theo cách nói của Blanchot và Barthes»;

- Về mặt hành động, Cabeza de Vaca đã đạt đến một điểm trung hoà trong quá trình đồng hoá Kẻ Khác với bản thân và tự đồng hoá mình với Kẻ Khác: ông đã sống và trải nghiệm cả hai nền văn hoá từ bên trong. Đối với ông, không còn có sự đối lập giữa cái tôi và Kẻ Khác, và mặc dù chưa thực sự trở thành người Anh-điêng, ông không còn là người Tây Ban Nha một cách trọn vẹn nữa. «Sự trải nghiệm của ông báo hiệu sự trải nghiệm của kẻ lưu đày hiện đại (exilé moderne)»;

- Về mặt nhận thức, Duran et Sahagun báo trước, «dù không ý thức một cách trọn vẹn, sự đối thoại giữa các nền văn hoá, đặc trưng của thời đại của chúng ta», «sự đối thoại ở đó không ai có lời cuối cùng, không ai là kẻ thắng cuộc, ở đó không một tiếng nói nào có thể hạ thấp kẻ khác xuống cương vị đồ vật, và ở đó người ta rút tỉa được lợi thế của mình từ vị thế bên ngoài đối với kẻ khác». Về sau, Bakhtine cũng khẳng định về một cách trải nghiệm tính khác biệt (altérité), đó là: cần khẳng định vị trí bên ngoài của Kẻ Khác đồng thời thừa nhận anh ta như là một chủ thể con người.
Cuối cùng, những gì Las Casas để lại trong chúc thư của ông, lưng chừng giữa lời tiên tri và lời nguyền, đã khẳng định một cách xác quyết về một trách nhiệm có tính tập thể của người Tây Ban Nha nói chung, chứ không chỉ riêng của những người Tây ban Nha đi chinh phục Châu Mỹ: «Chúa sẽ gieo xuống đất nước Tây Ban Nha cơn thịnh nộ và cơn giận dữ của ngài, bởi vì Tây Ban Nha ít nhiều có phần trong những của cải nhuốm máu đã tiếm đoạt với cái giá là biết bao đổ nát và cuộc thanh trừng». Về phía mình, T.Todorov đề nghị thay thế ở đoạn chúc thư trên «đất nước Tây Ban Nha» bằng «Tây Âu». Ông khẳng định: «dù cho Tây Ban Nha đóng vai trò đầu tiên trong phong trào thuộc địa hoá và huỷ diệt những kẻ khác, đó không phải là đất nước duy nhất». Lịch sử dường như đã chứng minh là Las Casas đúng: chế độ nô lệ, cũng như chế độ thực dân «kiểu cũ» đã bị tiêu diệt, và nhiều cuộc «trả thù» cũng đã được tiến hành (T.TODOROV 1982: 306). Theo T.Todorov, «không gì bức bối cho bằng nhìn thấy lịch sử lặp lại - ngay cả khi đó là lịch sử của một sự huỷ diệt». Chính theo cách nghĩ đó mà câu chuyện về sự khám phá và chinh phục Châu Mỹ trở nên thật sự có ích và có ý nghĩa: nó cho phép chúng ta ý thức sâu sắc về «những gì có nguy cơ tái diễn nếu người ta không thành công trong việc hiểu Kẻ Khác» (T.TODOROV 1982: 307).

11 / 2005

Tư liệu tham khảo
Tzvetan TODOROV, 1982, La conquête de l’Amérique, NXB Seuil, 339 tr.
Phạm Thị Anh Nga, 2000, ‘Ces interactions qui ne vont pas de soi’. Étude des gloses métacommunicationnelles sur la rencontre Français-Vietnamiens dans des romans et récits d’expression française, Luận án Tiến sĩ, Đại Học Rouen, CH Pháp, 374 tr.

Tạp chí VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT số 3(261) / 2006
***

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú