Đêm đã khuya, ngoài trời mưa nặng hạt rơi, tôi nằm nghe nhạc, ca khúc “Đồng Khánh ơi! tóc mãi nhẹ bay về với dòng sông quê hương” do thầy Nguyễn Hứa Thảo sáng tác: “Chạnh lòng thương Huế mình nhiều hơn / Mai đây anh sẽ về / Dẫu anh qua khó kịp.” Điệu nhạc, lời thơ khiến tôi xót xa nghĩ đến quê nhà.
Giọng ca cứ ngân xa, vang mãi, đưa tôi về với thầy cũ, trường xưa, rồi dừng lại, một góc học trò… một lớp học ngày xưa.
Ngày ấy, tôi học Pháp văn thầy Âu. Không biết tự bao giờ, thầy đã dạy bao lâu trong nghề, nhưng khi chúng tôi được học thầy, thì không những học tiếng Pháp, mà học rất nhiều điều hay ở thầy, thầy dịch cho chúng tôi những tác phẩm như “Sans famille”, “Eugénie Grandet”, v.v.. Qua những tiết dạy, thầy lồng những kiến thức phổ thông, đạo lý làm người, cách ứng xử… Nghĩa là thông qua dạy chữ để dạy người…
Một ngày nọ, tôi vào lớp trước thầy, mặt buồn thiu. Thầy hỏi:
“Sao hôm nay con vào sớm thế?”
“Dạ thưa... ”, mắt tôi đỏ hoe, tôi ấp a ấp úng nói, “Con phải vào trước giờ thầy như thầy đã dặn, nếu vào sau thì phải chen qua thầy mà vào trước. Và con muốn thưa thầy một chuyện nhỏ.”
Giờ nghĩ lại vừa con nít, vừa dễ thương, vừa thầm nhớ, kính trọng, biết ơn thầy...
Tôi định “méc” thầy về việc nhỏ bạn ngồi cạnh có cái tật hay nhéo tôi đau điếng. Khi bị bạn nhéo đau như vậy, thì không sao tập trung từ ngữ để vấn đáp. Mà khổ nỗi học thầy không tự ý phát biểu thì cuối tháng sẽ bị ghi một con số không. Phải giơ tay luyện nói, nhiều lần phát biểu thầy cộng lại và cho một cột điểm kiểm tra miệng.
Lúc ấy, thầy nhìn tôi như biết được tôi muốn nói điều gì. Cái nhìn trìu mến, bao dung, độ lượng, thân thương vô cùng. Rồi thầy nói: “Thôi, có gì ghi ra mảnh giấy cho thầy.”
Hôm sau, tôi lấy hết can đảm, làm sao vẫn giữ được tình bạn, thế là tôi viết: “Thưa thầy cho con ngồi chỗ khác. Lý do: bạn ấy hay nhéo con đau lắm khi con chưa kịp trả lời bạn.” Rồi bỏ vào sổ đầu bài (tôi giữ sổ đầu bài).
Một sáng thứ hai đầu tuần, tôi nhớ như in, sau khi dạy xong, ghi sổ đầu bài và bắt gặp tờ giấy, thầy bỏ vào cặp táp, coi như không hề có chuyện gì xảy ra. Tôi nhìn theo thầy lòng thầm cám ơn, vì thầy đã không đưa chuyện này ra trước lớp.
Tuần sau có giờ Pháp, thầy vào lớp, kiểm tra bài cũ xong, Thầy nhìn bao quát lớp một lần, rồi nói: “Hôm nay thầy đổi chỗ các con, để cùng nhau học tốt, giúp nhau mạnh dạn đàm thoại trước đám đông. Trước tiên là Numéro deux (tôi) lên ngồi bàn thứ nhất, từ ngoài vào.” … Rồi một vài bạn nữa lần lượt được thầy đổi chỗ. Thật là khách quan, vô tư, mà hợp lý vô cùng.
Năm tháng trôi qua …
Tôi vào Văn khoa, lại được học thầy. Ở bậc Đại học thầy vẫn vào lớp trước sinh viên (lớp sinh ngữ căn bản), thầy hỏi han tâm sự, dạy tôi cách đối nhân xử thế, đắc nhân tâm, dạy cách làm người. Tôi cũng tâm sự hoàn cảnh gia đình. Thầy nói: “Quẳng gánh lo di mà vui sống, không có nghề gì hèn hết con ơi!”. Nhiều và nhiều lắm. Bất chợt thầy hỏi một câu thật hóm hỉnh: “Con còn bị bạn nhéo nữa không?”. Trời ơi! cuốn tự điển sống, sao thầy nhớ lâu vậy? Con đã quên, thầy vẫn nhớ?
Rồi từ đó, không còn cơ hội tâm sự với thầy. Tôi vì cuộc sống mưu sinh phương xa kiếm sống, để lại sau lưng những kỷ niệm ngọc ngà, hồn nhiên, vui buồn và lắm chuyện của lứa tuổi học trò.
Nơi xa xôi hẻo lánh này tôi làm đủ nghề. Ngoài việc giảng dạy, tôi làm thêm nào là vắt sổ, đan len, ráp áo quần thuê, làm gia sư, làm sữa đậu xanh, đậu nành đi bỏ mối. Nhiều lúc bên những trang giao án, bên chồng bài thi, với lũ nhóc tì, “Hỏi bài em không thuộc / Hỏi bút em không mang / Chiều về không nói được / Cô ôm trời lang thang”, lại nhớ lời thầy dạy, nước mắt ứa ra. Thầy ơi, con vất vả quá!
Nhưng rồi nghĩ đến thầy, tôi cảm thầy vững tin, chiếc máy may cũ kỹ lại lạch cạch vang đều trong đêm khuya sau giờ soạn bài sau một ngày đứng lớp.
Nhìn lũ con say sưa ngủ, vô tư, nhớ lời thầy dạy, tôi cố “vươn vai mà sống / lâu dần đời người cũng qua”. Rồi tôi được bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của Liên đoàn lao động tỉnh. Về khoe với chồng, con ư? bạn bè đồng nghiệp ư? Không. Vô thường lắm. Tôi muốn về khoe với thầy như một đứa trẻ con được điểm mười về khoe với mẹ. Bởi trong mảnh giấy ấy, hình như tôi thấy thấp thoáng công lao của thầy. Để rồi hôm nay, thầy ơi! Lời xưa còn đó, mảnh giấy còn đây, người bạn nhéo con lại thấy thương con hơn khi thầy đổi chỗ: “Bạn ngồi chỗ khác rồi, mình biết nhéo ai đây?”. Chính thầy đã vun đắp nghị lưc, rèn cho con tính nhẫn, biết chiu đựng hy sinh, biết chiu thương chiu khó. Thưa thầy! con còn bạn, có ĐKG, có được cuộc sống ngày hôm nay, nhưng thầy đã hóa ra người thiên cổ, con đã mãi mãi mất thầy. Ơi! ơi! Thầy ơi! Bên tai tôi như còn văng vẳng lời thầy hỏi hôm nao: “Con còn bị bạn nhéo nữa không?” “Con còn bị bạn nhéo nữa không?” Rồi xa dần, lặng dần, tắt lịm trong màn đêm tĩnh mịch.
“Con về gặp lại cấp hai
Sân trường sứ trắng, khóc thầy gió rung
Con nghe hoa cỏ dấu chân
Giọng thầy trầm ấm, nở từng hạt gieo”
N.T.B.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire