(Nhân
đọc “Thầy Phạm Kim Âu - Có một người
thầy như thế…” – Bửu Nam, Phạm Thị Anh Nga chủ biên, NXB Đại học Huế,
tháng 8/2014)
Cuốn sách ra mắt bạn
đọc đúng vào dịp khai giảng năm học mới và nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của
một người thầy nổi tiếng ở Huế. Một cuốn sách dày 600 trang khổ lớn, có
sự góp mặt của trên 70 tác giả trong và ngoài nước, với hàng trăm ảnh tư
liệu quý ghi lại hình ảnh thầy-trò từ những năm 1952-1953 ở Quảng Bình,
cho đến ngày Thầy về hưu, đã khắc họa sinh động chân dung một nhà giáo dục
tâm huyết với nghề, đồng thời gợi chúng ta nghĩ đến những bài học có thể
vận dụng trong sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà hiện nay.
Xin được nói ngay đến
một điều gần như là nghịch lý: Một thầy giáo được cả vạn học sinh - trong
đó có các trí thức, các nhà văn tên tuổi như Nguyễn Lương Phán, Hoàng
Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thùy Mai, Quế Hương, Trần Viết
Ngạc… - hết lòng kính phục, lại không gắn với một học vị, một sự vinh danh
nào! Có thể hiểu được điều đó khi đọc ở trang thứ nhất, trong một “cuốn sổ
đặc biệt” dòng chữ được kẻ nét lớn, chân phương, trang trọng, có ý nghĩa
thiêng liêng như một lời thề: TỔ QUỐC TRÊN HẾT. TẤT CẢ CHO TỔ QUỐC, VÌ
TỔ QUỐC, CHỈ VÌ TỔ QUỐC.”… “Thế mà
đáng tiếc thay, trước đây cũng như bây giờ, vì chỉ biết nghĩ đến lợi ích
cục bộ của bản thân hay gia đình và phe nhóm, hoặc vì chịu ảnh hưởng quá
sâu đậm của tư tưởng ngoại lai, không ít người đã hữu ý hay vô tình đặt
lên trên Tổ Quốc một giá trị khác!” (Trích từ bài của Hà Thúc
Hoan). Cũng trong bài viết này, chúng ta được biết, ngay sau “lời thề thiêng
liêng” nói trên, thầy PKÂ đã ghi “năm điều nguyện ước sâu sắc và độc đáo”:
1) Tôi nguyện sẽ chịu có một thân hình
không tráng kiện, rất có thể thường đau ốm, hoặc ho lao. 2) Tôi nguyện sẽ
chịu cảnh giúp người, người lại vong ân, và người rất có thể lấy ân làm oán.
3) Tôi nguyện sẽ chịu sự bạc đãi ức hiếp. 4) Tôi nguyện sẽ chịu sự
nghèo. 5) Tôi nguyện sẽ chịu sống tối tăm suốt đời.
“Năm điều nguyện” nghe qua cũng… khá ngược
đời, nhưng ngẫm kỹ, đây là một lẽ
sống cao cả. “Bình luận” về điều nguyện thứ ba, tác giả Hà Thúc Hoan cho
rằng “thầy PKÂ đã nguyện sống theo tâm
từ bi, theo hạnh nhẫn nhục của một vị Bồ Tát!” Còn với điều nguyện
thứ 5, nghe như “vô lý”, ông viết: “…
Tôi nghĩ ở đây thầy dùng cách nói có vẻ nghịch lý để buộc người nghe phải
động não, phải suy nghĩ kỹ để tìm chỉ ra ý tưởng ở dạng tiềm năng, như
viên ngọc đẹp ẩn giấu ở bên trong viên đá thô cứng, xấu xí… Thầy đã
thể hiện sâu sắc ý nghĩa của chữ “VÔ” của triết Đông… Cam “chịu sống tối
tăm suốt đời”, có nghĩa là nhà giáo PKÂ mong ước mãi hoài làm con đom đóm
nhỏ bay trong đêm den, bị bóng tối rộng lớn, dày đặc vây phủ mà không
chịu để tắt ánh sáng mong manh, bé nhỏ của riêng mình…” Cũng về điều
nguyện này, tác giả Trần Lạc Thư đã viết: “Ôi, những con đom đóm nhỏ mà ánh sáng khiêm tốn mãi lập lòe
trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người! Nơi ấy, ngay cả mặt trời chói
chang cũng không soi thấu được!”
Chỉ cần ngẫm “lời
thề thiêng liêng” và “Năm điều nguyện” của thầy PKÂ, chúng ta đã có thể hiểu
vì sao khi chàng học sinh quê Sa Đéc mới 17 tuổi đã tham gia cách mạng, bị
giam cầm, được thả ra lại sung vào phong trào “Thanh niên tiền phong” do
bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu hồi 1945, rồi biểu tình đòi trả tự do
cho Trần Văn Ơn, khiến thầy lại bị bắt, và buộc rời Nam Bộ năm 1950 rồi
bị đẩy ra Đồng Hới - một thị xã cực bắc vùng đất tạm bị chiếm; chúng
ta cũng có thể hiểu vì sao thầy PKÂ không hề nhắc đến “thành tích kháng
chiến”, không hề “khiếu kiện” ngay lúc tổ chức (do “sơ suất” nào đó!)
bố trí thầy làm tạp vụ ở trường phổ thông năm 1976! Cũng dễ hiểu vì
sao một người thầy mô phạm vào hạng nhất vùng “đất học” xứ Huế, đứng lớp
nhiều năm tại các ngôi trường danh tiếng như Quốc học, Đồng Khánh, Đại học
Sư phạm Huế, lại không nhận một danh hiệu, một sự khen thưởng nào! Trước
sau thầy Âu vẫn chỉ là thầy Âu! Mà suy cho cùng, nếu sống cho thật xứng
đáng chữ “Thầy” thì đó là danh hiệu cao quý nhất, mọi sự “bổ sung” đều
vô ích!
Nhắc lại lẽ sống của
thầy PKÂ, chợt nghĩ đến những kẻ đang ngự trị nơi này nơi kia, những kẻ
coi tiền tài, danh vọng, học vị trên hết, sẵn sàng làm mọi thứ để tranh
đoạt lấy chúng - mà “nhân”nào thì “quả” ấy; lẽ đương nhiên, những nhà
trường ấy phải xảy ra đủ thứ chuyện lùm xùm, các thang giá trị hỗn
loạn!
Với lẽ sống mô phạm
của thầy PKÂ như thế, nhắc “thành tích” hay những lời tán tụng của học trò
đối với thầy, hẳn không làm thầy hài lòng. Chỉ xin kể một việc cụ thể mà
thầy kiên trì làm trong suốt mấy chục năm dạy học rất đáng được ghi vào
sách “Kỷ lục Việt Nam” và có lẽ các thầy cô giáo ngày nay cũng nên noi
gương: mỗi lớp học, thầy dành một cuốn sổ, có dán ảnh học sinh theo sơ đồ
trong lớp và ghi chép riêng những nhận xét của thầy đối với mỗi học sinh.
Có tất cả 64 cuốn sổ như thế. Để “quản lý” và hiểu học sinh kỹ lưỡng,
đầu năm học, thầy còn làm “phiếu lí lịch” để mỗi học sinh cho thầy biết
hoàn cảnh của mình, không chỉ tên cha mẹ, chỗ ở, nghề nghiệp… mà còn có
các mục “Đi học bằng gì? / Từ nhà đến
trường độ mấy phút? / Họ và tên người bạn cùng lớp ở gần nhà? / Họ và
tên bạn thân, lớp nào? Trường nào?...” Với sự tôn trọng sự riêng tư của
học sinh, tất cả phiếu được thầy giữ bí mật, rồi trả lại cho từng học
sinh, sau khi ghi lại những lưu ý cần thiết.
Chỉ với mấy chục
“cuốn sổ đặc biệt” ấy, đến cuối đời, thầy PKÂ có hạnh phúc có lẽ ít có
thầy giáo nào sánh được: thầy luôn có hình ảnh mấy ngàn học sinh bên
cạnh mình; và ngược lại, mấy ngàn con người từng học với thầy Âu sẽ có
may mắn hơn người - dù ở mọi phương trời, dù đã thành ông nọ bà kia,
nếu muốn tìm lại hình ảnh tuổi thanh xuân trong trẻo của mình cùng với bạn
bè, chỉ việc trở lại căn nhà của thầy bên sông Hương, cho dù thầy đã “đi
xa” tròn hai chục năm…
http://baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=371&newsid=28-76-48303
Địa
chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT:054.828399. Mobile:
098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire