-
AN thân mến,
-
Tôi đã nhận được 3 truyện ngắn. Đã đọc. Thích cả ba.
Thực chất đây là một triptyque có thể mang tít chung : Một cõi đi về (TCSơn), với 3 tít riêng : Chuyện của Anh, Chuyện của Tôi, Truyện mình.
Một vấn đề, 3 góc độ nhìn. 3 ngôi kể. 1: Anh (trong nghĩa chàng, il); 2: Tôi. Trong truyện thứ 3, ngôi tôi ở dạng đặc biệt: không kể chuyện mà nói với em trong trí tưởng tượng, vừa je vừa tu, tôi với em ở tôi, mình!
2 truyện đầu nối nhau thành diptyque một cách tự nhiên, nhờ cốt truyện và nhân vật, khiến tôi nhớ tiểu thuyết Climats của André Maurois (rất hay). Từ truyện này qua truyện kia, hay ở đây : Anh trong truyện đầu rất say mê, sôi nổi, nhưng chưa thành người trong mắt người khác, chưa có tên. Trong truyện sau, vừa thành người trong mắt người khác thì tan biến ngay, chẳng có gì quyến rũ cả, ngược lại. Ở đời khó nhất là cho! Có khi ta muốn cho chính mình, không ai thèm nhận cả ! Phải chăng vì cái chính mình đó?
Truyện thứ 3 có vẻ hơi lạc lõng. Có thể vì chỉ còn một giọng nói bập bẹ trả lời, không bằng lý lẽ, bằng tình và hành động, một câu hỏi hoang mang : tình yêu này thật hay ảo ? Theo tôi, viết kiểu ấy thích hợp với nội dung. Dưới hình thái ấy, nó chỉ hoà mình được vào 2 truyện đầu qua câu hỏi nhức nhói trong truyện thứ 2. Nếu đào sâu câu hỏi ấy trong truyện thứ 2, nâng nó lên thành une question existentielle ám ảnh người đọc, rồi dùng một số chi tiết cụ thể, một số ý hay một số câu chữ nối nó với truyện thứ 3 thì độc giả sẽ tiếp cận truyện thứ ba như một bộ phận của triptyque này một cách tự nhiên. Cái lien này còn mong manh quá.
Tình người nói chung, tình yêu nói riêng, là đề tài muôn thuở của văn chương, văn học, nền tảng cuối cùng của mọi nền văn minh. Nhưng nội dung của nó rất khác nhau tuỳ mỗi nền văn hoá. Trong bất kể nền văn hoá nào nó cũng thay đổi qua những thời đại. Cứ xem văn chương Tây Âu từ thuở amour courtois tới bây giờ thì thấy. Mỗi thời đại đều có một mô hình thống trị tình yêu. Tuy vậy, quan hệ yêu đương thật luôn luôn là một quan hệ cá biệt giữa hai cá nhân, mỗi người nên người xuyên qua lịch sử cá biệt của mình. Vì thế, ở thời đại nào cũng có những con người «lọt sổ», vươn mình ra khỏi mô hình chung. Khi họ có nhu cầu biến nghiệm sinh riêng không thể phủ nhận được thành «lời» trong một nền văn hoá mà nó chưa hề có «tiếng nói», họ làm nghệ thuật, vô ngôn như hội hoạ, nhạc, múa, v.v. hay hữu ngôn như thơ văn.
Từ thập niên 70, tại Tây Âu, tất cả các mô hình cũ đều tan nát, con người lâm vào khủng hoảng tư tưởng liên miên cho tới ngày nay. Đúng, họ bớt thành kiến hơn, tự do và thoải mái hơn. Nhưng chẳng còn ai biết yêu là gì, là như thế nào cả. Chính vì thế đây là đề tài văn chương văn học đáng tìm hiểu, đáng viết.
Bây giờ, vài ý về nghệ thuật hành văn. Văn chương đương nhiên là phải có nội dung. Nhưng nội dung ấy không thể giới hạn ở kiến thức, lý trí thể hiện qua những khái niệm hình thức được xử lý với lôgích hình thức. Nó phải có nhục cảm (sensibilité, tất cả những gì ta cảm nhận được qua ngũ giác quan và hình thái tổng hợp của chúng mà người đời gọi là sixième sens) và có tình của một con người sống. Do đó, nó đòi hỏi một cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt : thể hiện được quan-hệ-sống của một con người với thế-giới, với người đời, với chính mình. Chính quan hệ ấy mới cá biệt, thoát ra khỏi những ý-chung (lieux communs). Có mấy điều sau, mỗi lần hạ bút, ta nên quan tâm:
1. Tránh sử dụng thói quen ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nói. Tiếng Việt có âm thanh phong phú, có kiểu nói láy dễ tạo âm điệu, có nhiều tournures d’expression đã biến thành une seconde nature. Sử dụng quá đà những thứ ấy là lạm dụng phần lệ thuộc của con người, không khơi lên phần tự do của nó. Toi mạng văn chương. Một trong những thói quen ngôn ngữ ấy là thừa chữ vì muốn êm tai, vì một nếp suy luận cố hữu nào đó. Dễ ăn khách vì là thói quen của cả một cộng đồng, nhưng thường có tác dụng ru ngủ, làm loãng tình ý của câu văn.
2. Tránh cấu trúc giải thích (structure explicative) của ngôn ngữ khi không phù hợp với nội dung. Cấu trúc giải thích hiện nay thuộc lôgích hình thức. Lôgích ấy chỉ thích hợp với một loại quan hệ của con người với thế-giới thôi, loại quan hệ phi văn chương nhất!
3. Mỗi lần đụng tới một từ thể hiện quan hệ của con người với không gian, nên suy ngẫm kỹ: ta muốn thể hiện quan hệ nào? Bình thường con người cảm nhận không gian một cách tổng hợp lờ mờ và chú ý tới một điều gì đó trong đó mà nó gọi là thấy. Những khái niệm có tính chất vật lý về không gian ít khi phù hợp với văn chương.
4. Mỗi lần đụng tới một từ thể hiện quan hệ của con người với thời gian, nên suy ngẫm kỹ: thời gian sống của con người luôn luôn ở dạng hiện tại. Ta nhớ một chuyện buồn, lòng ta bỗng đau buốt, ta trào nước mắt. Chuyện buồn là sự kiện đã qua, thuộc quá khứ. Nỗi nhớ, nỗi đau, nước mắt là hiện tại của chính ta. Nếu ta hành văn đạt, nó trở thành hiện tại của độc giả. Quan hệ giữa người với người xuyên qua văn chương là như thế. Tiếng Pháp rất phong phú về phương tiện biểu hiên thời gian. Nhưng nếu ta khai trừ thì hiện tại, văn chương Pháp còn lại gì ? Vì thế, mới có khái niệm présent de narration, không do một lý thuyết gia nào sáng tạo ra cả, chỉ thừa nhận một kích thước có thực của con người thôi. Ngay trong những tác phẩm dùng thì quá khứ để kể chuyện, những đối thoại luôn luôn ở thì hiện tại: chúng biểu hiện quan hệ sống giữa người với người.
Thôi, để bớt trừu tượng, tôi bình luận càn. Có điều gì ẩu tả, AN bỏ qua nhe.
Truyện Một thuở Paris
Tôi ngồi thừ người rất lâu như thế.
Thói quen ngôn ngữ nói. Như thế là như thế nào ? Hai từ ấy làm câu văn yếu ớt nhạt mờ đi, đâu làm nó mạnh lên như mình tưởng !
Những hạt nước mắt tức bờ đã khiến mọi vật quanh tôi như xoay tròn, lung linh, nhạt nhoà hư ảo.
Những hạt nước mắt : người đang khóc có thể cảm thấy những hạt nước mắt chảy trên da thịt mình, đâu có thấy những hạt nước mắt của mình trong quan hệ nhìn ! Viết thế này là nhìn chính mình từ bên ngoài như nhìn một đồ vật và khiến độc giả nhìn nỗi đau này như thế ! Thế thì truyền cảm cho nhau sao được ?
đã : sự kiện quá khứ vật lý, chẳng còn chút nhục cảm nào cả.
khiến : cấu trúc giải thích của lôgích hình thức, biến người thành vật thể đơn thuần. Ai giải thích được nỗi đau nhân tình ? Con người đau thì khóc « mờ nhân ảnh » chứ làm gì có chuyện nước mắt khiến con người hay đồ vật thành thế này thế nọ !
như : tối kỵ. Đã như thì không là thật, chỉ như thôi !
Nước mắt tức bờ, mọi vật quanh tôi xoay tròn, lung linh, nhạt nhoà hư ảo.
Như thế có tự nhiên hơn, người hơn không ?
Tôi gặp Vinh ở Trung tâm, khi đang ngồi một mình trong phòng làm việc, và những thanh âm líu ríu từ sân trước vọng vào thật quen khiến tôi ngước nhìn ra. Tôi nhận ra ngay, bên cạnh những đám cây bắt đầu rụng lá trồng dọc lối đi men sát bờ thành, có một nhóm người Việt Nam. Họ đang rạng rỡ vui đùa, cười nói.
Quan hệ với không gian, thời gian, cấu trúc giải thích.
Tôi gặp Vinh ở Trung tâm, khi đang ngồi một mình trong phòng làm việc. Những thanh âm líu ríu từ sân trước vọng vào thật quen, tôi ngước nhìn ra. Tôi nhận ra ngay một nhóm người Việt Nam, bên cạnh những đám cây bắt đầu rụng lá trồng dọc lối đi men sát bờ thành. Họ rạng rỡ vui đùa, cười nói.
Chỉ vứt vài từ, lật ngược một câu, quan hệ giữa con người với thế-giới khác hẳn.
Tôi theo Vinh đi dạo vườn hoa Luxembourg, kịp đón mùa thu với biết bao các kiểu sắc màu của lá vàng, ở các cành cây hay trên các thảm lá, từ vàng non, vàng tươi đến vàng thẫm, vàng nâu, vàng úa, thôi thì đủ các dạng vàng. Tổng hợp tất cả các sắc thái vàng đó tạo nên một cảm giác gì đó buồn buồn, sâu lắng, nhưng nó cũng đồng thời mang một vẻ đẹp quyền uy, cao sang, rực rỡ. Tôi lịm người đi trước sức quyến rũ của mùa thu Paris, rùng mình như vừa bừng tỉnh. Quanh tôi, cuộc sống muôn màu vẫn đang diễn ra từng giờ, từng phút, trưng bày mọi góc cạnh riêng của nó, từ êm ả dịu dàng đến tưng bừng nhộn nhịp. Mọi người chung quanh vẫn đang vui hay đang buồn, đang rộn ràng hay đang ưu tư, nhưng tất cả bọn họ đều đang thật sự sống. Duy chỉ có tôi là vẫn chìm ngập trong khói hương, vẫn đăm chiêu xa vắng.
Thừa chữ quá nhiều. Quá nhiều tics de langage. Lý luận tùm lum. Chủ thể của ngôn ngữ biến thành vật thể, etc. Khúc này chứa tất cả những điều « lý luận » về hành văn mà tôi đã nêu.
Tôi theo Vinh đi dạo vườn hoa Luxembourg, kịp đón mùa thu với biết bao sắc màu lá vàng, ở cành cây hay trên thảm lá, vàng non, vàng tươi, vàng thẫm, vàng nâu, vàng úa, đủ dạng vàng. Một cảm giác buồn buồn, sâu lắng. Một vẻ đẹp quyền uy, cao sang, rực rỡ. Tôi lịm người trước mùa thu Paris quyến rũ, rùng mình bừng tỉnh. Quanh tôi, cuộc sống muôn màu diễn ra từng giờ, từng phút, trưng bày mọi góc cạnh riêng của nó, êm ả dịu dàng, tưng bừng nhộn nhịp. Mọi người chung quanh vẫn vui hay buồn, rộn ràng hay ưu tư, nhưng tất cả thật sự sống. Chỉ có tôi vẫn chìm ngập trong khói hương, đăm chiêu xa vắng.
Thôi, tán phét như thế đủ rồi. Nếu có điều AN bực, bỏ qua nhe.
Tôi tặng AN một danh sách từ, mỗi lần AN dùng tới chúng, AN thử xem vứt đi thì có mất ý hay không. Nếu không, nên vứt. Nếu không mất ý nhưng vứt đi khiến câu văn lủng củng thì xem có cách nào viết lại cho ngôn ngữ tình hơn không?
Đây nhé :
Những chữ hay dùng thừa :
thì mà là được có con cái như vì một thấy ra để sự và nữa phải những:!?
của cũng vẫn đã sẽ một cách đang rồi trong các nó đồng-thời nhưng
Tháng 03, tôi giới thiệu triptyque này trên ămvc nhe, AN ok không? Cứ đăng cho thiên hạ thưởng thức. Sau đó, muôn sửa gì lúc nào cũng được. Văn chương sống ở thời đại Internet mà!
Chúc AN và gia đình sức khỏe, niềm vui.
Thân mến,
P.H.Đ.
***
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire