Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

dimanche 12 octobre 2008

Ngọc quý nhập khẩu

(Minh hoạ của Tạp chí Tia Sáng)


“Người lớn” chúng ta, đặc biệt là các bậc thầy cô giáo, đã lắm phen lắc đầu ngán ngẫm trước những lỗi ngọng nghịu ngớ ngẩn khó lòng chấp nhận của đám học trò, hay những cái sai to tổ bố của con em, mà bất cứ nhà nghiên cứu giáo dục tài giỏi nào nhìn vào cũng đành ...bó tay, kêu trời! Nhưng thử mở cửa nhìn ra bên ngoài phạm vi đất nước Giao Chỉ̉ chúng ta một tí, xem tình hình ở xứ sở người ta nó có sáng sủa, có khấm khá hơn không. Thì đây, một cánh cửa hé lộ ra phương trời Tây, ở đất nước được xem là có nền văn minh văn hoá thuộc loại đáng nể nhất: Pháp quốc. Vâng, ở Pháp, kể từ 1999 đến nay, hàng năm, cứ vào cuối thu, (khi mà) lá ngoài đường rụng nhiều (rụng thực sự chứ không chỉ rụng trong ... thơ văn), thì các thầy cô giáo Phú Lang Sa lại nô nức đón chờ “lô hàng mới”, và sau đó hào hứng truyền tay hoặc meo cho nhau những sản phẩm mới ra lò ấy. Lô hàng mới đó là những câu, từ có chứa đựng những cái sai, cái lỗi được sưu tầm lượm lặt từ kỳ chấm thi toàn quốc văn bằng Tú tài (tốt nghiệp cấp 3) vừa kết thúc, mà một số trong bọn họ đã là giám khảo. Những câu chữ thu nhặt được đó được họ âu yếm gọi tên là “những viên ngọc quý”.

Xin nêu ra đây để quý vị cùng chiêm ngưỡng một số viên ngọc quý hiếm thu nhặt được từ bài làm của các thí sinh Tú tài Phú Lang Sa, mà tôi đã “nhập khẩu” về Việt Nam cách đây không lâu. Nhập khẩu mà chẳng phải qua thủ tục kê khai thuế má gì ở cửa khẩu. Dù đó là ngọc quý hẳn hoi, mỗi viên một vẻ, mười phân vẹn .. hơn cả mười.

Liên quan đến kiến thức tự nhiên nói chung, các em viết gì? Xin mời quý vị thưởng thức. “Một lít nước 20 độ + một lít nước 20 độ = hai lít nước 40 độ.” - “Muốn bảo quản nước đá được tốt hơn, người ta phải làm cho nó đông lạnh.” Chưa hết. “Một chai nước sẽ nổ tung khi đông cứng, vì dưới tác động của độ lạnh, nước trở thành chất gây nổ.” - “Phim ảnh là một năng lượng vẫn chưa được biết đến vào thế kỷ XIX.” Đọc những câu chữ của các em, ta dễ có cảm giác đang lạc vào một cõi u u mê mê nào đó ... không có thật, đầy ảo giác, vô cùng bí hiểm: “Theo lịch Hê-brơ, chúng ta hiện đang ở vào năm 5757 sau Công nguyên.”- “Từ thời Ác-si-mét về sau, tàu thuyền có thể nổi trên mặt nước.” - “Ác-si-mét là người đầu tiên chứng minh rằng một cái bồn tắm có thể nổi trên mặt nước.” - “Một kilô thuỷ ngân trên thực tế cân nặng đến một tấn.” - “Bom nguyên tử là vô hại khi nó được dùng để làm ra điện.” - “Nước biển đặc biệt được dùng để làm đầy các đại dương.” v.v. và v.v.

Riêng về lĩnh vực toán học, kết quả mười ba năm mài ghế nhà trường với một số em “túm lại” được thể hiện như sau: “Com-pa được dùng để đo độ của một hình tròn.” - “Hình đa giác là một hình có cạnh gần như khắp nơi.” - “Hình vuông là một hình chữ nhật mà phía nào cũng có góc vuông.” hay “Hình vuông là một hình chữ nhật có một cạnh ngắn hơn một chút.” - “Số 0 là số duy nhất cho phép đếm đến 1.” - “Tất cả các số chẵn đều có thể chia cho 0.” - “Số 0 rất cần thiết, nhất là khi người ta đặt nó sau những con số khác.” - “Để thực hiện phép chia, phải nhân bằng cách trừ.” - “Số tự nhiên là số có thể dùng tay sờ mó được.” (Úi dà...) “Định luật sác xuất được gọi tên như thế vì người ta không chắc chắn là nó tồn tại.”. (Nghe cứ như là chuyện tếu táo khôi hài, nhưng thực sự là chúng được trích trong các bài thi đấy!)

Về sinh học, có em viết: “Bộ óc có hai bán cầu, một bán cầu có nhiệm vụ theo dõi bán cầu kia.” - “Đồng tính không phải là một căn bệnh, nhưng không ai muốn mắc phải nó.” Nhạy cảm hơn nữa là những câu sau: “Chỉ số sinh sản phải bằng 2 để đảm bảo việc tái tạo các thế hệ, bởi vì phải có hai người để tạo nên một em bé. Có thể có ba hay bốn người để làm việc đó nhưng hai người là đã đủ.” - “Ốc sên là những con vật đồng tính.” - “Loài thỏ có xu hướng sinh sản với tốc độ của âm thanh.” - “Muốn đẻ trứng, gà mái phải được làm cho lên men bởi gà trống.” - “Loài mực khổng lồ chộp con mồi giữa những tinh hoàn vĩ đại của chúng.” Xem ra thế hệ trẻ của người ta cũng chẳng “kém cạnh” con em mình về mặt khoa học tự nhiên đấy nhỉ !

Còn về khoa học xã hội? Những viên ngọc quý cũng không kém phần phong phú. Có khi chỉ là sự ngô nghê như: “Những truyện ngụ ngôn của La Fông-ten (La Fontaine) xưa đến nỗi người ta không còn biết tên tác giả nữa.” Nhưng vẫn rất nhiều cung bậc khác. Ngọc địa lý có những chân dung như sau: “Ga-li-lê (Galilée) (1564-1642) bị kết án tử hình vì ông là người đầu tiên biết làm cho trái đất quay.” - “Mặt trời thôi không quay xung quanh trái đất nữa từ ngày người ta đe doạ sẽ thiêu cháy nó.” - “Bốn phương trời là: phải, trái, dưới và trên.” - “Mét là một phần mười triệu của một phần tư kinh tuyến, để cho được chính xác người ta đã làm tròn trái đất.” Về địa lý thế giới: “Ở Hoa Kỳ, muốn đi từ Đông sang Tây, người ta dùng tàu hoả, từ Bắc đi về hướng Nam thì dùng đường thuỷ.” - “Ấn Độ kéo dài từ cực đến đường xích đạo, gấp 88 lần so với nước Pháp với 33 triệu dân.” - “Trung Hoa là đất nước đông dân nhất, với một triệu dân cho mỗi km vuông” - “Việt Nam là thủ đô của Li-băng.” (!!!???) Ngay cả về nước Pháp của mình, cũng có những em viết trong bài thi: “Nước Pháp gồm 60 triệu dân, trong số đó có nhiều thú vật.” Đặc biệt là một “qui luật tiến hóa” của xã hội loài người: “Đất nước càng nóng thì càng kém phát triển, lạnh thì phát triển vừa vừa, rất lạnh là rất phát triển.” (!?). Và trả lời cho câu hỏi “Hãy cho biết tên một con sông lớn của Nga”, có em viết: “La vodka.” (là ... rượu vốt-ca)!

Tương tự như thế, ngọc lịch sử gồm những viên như: “Trong chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có những nước châu Âu tham chiến, trong số các nước đó có Hoa Kỳ.” - “Chiến tranh thường là một thời điểm hoà bình giữa hai nước, như giữa Pháp và Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai.” - Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm khoảng mười người chết nhưng chỉ về phía người Đức.” - “Chiến tranh thế giới thứ hai là một thời kỳ thanh bình và thịnh vượng của nước Đức.” - “Lịch sử Trung cổ đã được giải thích rõ ràng bởi Crix-tiăng Cla-viê (Christian Clavier) trong phim « Những vị khách lạ » tập 1 và 2.” *. - “Trong phim câm, các diễn viên nói với nhau bằng những chữ được họ viết bên dưới cuốn phim.” - “Chữ viết được phát minh ở La Mã bởi những người Ai Cập cách đây 100 năm.” - “Tử ngữ là loại ngôn ngữ chỉ có người chết mới sử dụng.” - “Người Ai Cập biến người chết thành xác ướp để giữ cho họ được sống.” - “Amx-tơ-rông (Amstrong) là người đầu tiên đi xe đạp trên mặt trăng.” - Liên quan đến lịch sử nước Pháp, có em viết: “Thập tự chinh là chuyến du lịch bằng tàu biển do Giáo hoàng tổ chức.” - “Cuộc chiến 100 năm đã diễn ra từ năm 1914 đến năm 1918.” - “Gian-đa (Jeanne d’Arc) là tổng thống.” ** - “Clô-vix (Clovis) mất vào cuối đời của mình.” - “Tháng 5 năm 68 xảy ra vào thời chiến tranh thế giới thứ hai.” - “Phrăng-xoa đệ nhất (François 1) là con trai của Phrăng-xoa 0 (François 0). » - “Lu-i XV (Louis XV) là chắt trai của chú ông ta là Lu-i XIV (Louis XIV).”.

Một số ngọc quý bắt nguồn từ sự nhầm lẫn giữa từ này và từ khác. Do nhầm từ viết tắt GDP thành BNP (Banque Nationale de Paris = Ngân hàng Quốcc gia Paris), mà có em viết: “Người ta nhận ra một đất nước là giàu hay nghèo khi nhìn vào BNP (Ngân hàng Quốc gia Paris) của họ.”. Tương tự như thế, do lẫn lộn “généalogique” (phả hệ) và “gynécologique” (phụ khoa) mà có em viết: “Người Pháp ngày càng quan tâm đến cây phụ khoa (thay vì cây phả hệ) của mình.” Có thể kể ra vô số những câu như thế: “Các vị hoàng đế tổ chức những trận đấu của các lò sưởi (thay vì của các dũng sĩ giác đấu).” (“gladiateur” = dũng sĩ giác đấu / “radiateur” = lò sưởi) - “Mỹ đã thả hai quả bom nghệ thuật ẩm thực (thay vì hai quả bom nguyên tử) trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.” (“atomique” = nguyên tử / “gastronomique” = nghệ thuật ẩm thực). Các từ “conjugaison” (phép chia động từ) và “conjugal” (thuộc đời sống lứa đôi) có hình thức gần giống nhau cũng là nguyên nhân đưa đến câu viết: “Những bài tập về chia động từ được gọi là đạo vợ chồng”. Và do từ “papyrus” (loại giấy của người Ai Cập xưa, được xem là thuỷ tổ của các loại giấy ngày nay) bị nhầm với từ ngữ gần âm “papiers russes” (giấy Nga) hay “papys russes” (lão ông người Nga), có em sáng tác: “Thuở xưa người Ai Cập viết trên những tờ giấy Nga (papiers russes / papyrus)” hay “Papyrus là tên gọi dành cho các lão ông ở Nga.” Và cũng do nhầm lẫn về chính tả giữa “faucon” (chim cắt) và “faux con” (thằng ngu giả hiệu), mà có câu: “Thần Horus có đầu của một thằng ngu giả hiệu (thay vì của một con chim cắt).” Đáng thương thay cho thần Horus!

Tên các tác phẩm văn học Pháp cũng bị bóp méo: “Trong tất cả các vở kịch của Mô-lie (Molière), “Những viên đá quý kệch cỡm” (thay vì “Những quý bà kệch cỡm”) là vở nổi tiếng nhất.” (“les précieuses” là những quý bà, nhưng “les pierres précieuses” lại là những viên đá quý) - “Bô-đơ-le (Baudelaire) đã gây ra xì-căng-đan khi viết cuốn sách nổi tiếng “Những đoá hoa của con đực.” “Mal” - niềm đau, đã biến thành “mâle” - con đực. Xì-căng-đan là lẽ tất nhiên! Đặc biệt, danh nhân của nhân loại hay của Pháp cũng cùng chung số phận hẩm hiu: “Lénine và Stallone (thay vì và Staline)”. (Stallone là tên một diễn viên cơ bắp nổi tiếng của điện ảnh Hollywood.) Còn nữa: “Những tài năng của thời Phục Hưng Ý là: Mic-ky thiên thần (Mickey l’ange) và con tôm hùm của Vin-xi (le homard de Vinci)”, thay vì Mi-ken Lăng-giơ (Michel Ange) và Lê-ô-na đơ Vanh-xi (Léonard de Vinci). Ắt hẳn chuột Mic-ky quen thuộc với các em hơn là nhà danh hoạ Mi-ken Lăng-giơ, cũng như Lê-ô-na đơ Vanh-xi, tác giả bức danh hoạ La Giô-công-đơ (La Joconde) làm sao gần gũi cho bằng ... một chú tôm hùm! Kịch tác gia Mô-lie (Molière), tác giả của nhiều vở hài kịch để đời, trong đó có vở “Thầy thuốc bất đắc dĩ” thì được nhắc đến là: “Mô-lie là thầy thuốc bất đắc dĩ.” Riêng về Huy-gô thì: “Vich-to Huy-gô (Victor Hugo) viết quảng cáo cho những kẻ khốn khổ đáng thương” (trong khi, như chúng ta biết, ông là tác giả của bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ”).

Có một số “danh ngôn” được các thầy cô giáo ở Pháp xếp vào loại câu “không thể xếp loại nổi”, vả thú thật là tôi cũng đã thử tìm hiểu nguyên cớ nhưng cuối cùng ... bó tay: “Gioóc-giơ Xăng (George Sand) là một người phụ nữ đồng tính yêu đàn ông.” - “Patx-can (Pascal) đã dành trọn đời mình để viết những tiểu luận của Mông-te-nhơ (Montaigne).” ***- “Thống chế Pê-tanh (Pétain) là một chiến binh già suốt đời ôm ấp những đứa trẻ.” - “Vich-to Huy-gô ra đời năm ông hai tuổi.” - “Con cháu của A-đam và E-va là Giê-su Ki-tô (Jésus Christ).” - “Giê-su Ki-tô ra đời cách đây nhiều triệu năm.” - “Giu-lơ Xê-da (Jules César) là một thương hiệu pa-tê dành cho chó.” **** “Mi-tơ-răng (Mitterand) qua đời vì bệnh ung thư tử cung.” (Khốn khổ thay cho vị tổng thống Pháp!). Và không biết việc tang ma của tướng Đơ-Gôn (De Gaulle) được tiến hành ra sao mà có câu: “Tướng Đơ-Gôn đã được chôn cất trong hai nhà thờ ở Cô-lom-bây (Colombey).” Chẳng lẽ vị tướng có công vô cùng lớn với lịch sử và nhân dân Pháp khi qua đời đã bị ... phanh thây!

Và cuối cùng là một số viên ngọc khác, kèm với lời nhận xét “nô-com-mèn” (no comment), bởi chúng thật sự là quái chiêu, không thể bình luận: “Thất tuần là một hình thoi có bảy cạnh.” - “Ngữ pháp chẳng dùng để làm gì cả vì nó quá khó hiểu.” - “Vào thời Trung cổ, người ta chưa phát minh ra sức khoẻ tốt.” - “Cực được bao phủ bằng nước đá: đó là bao cao su chứa giá băng.” - “Nếu một người nào đó đi theo bạn ngoài đường, hãy cảnh báo trước với anh ta, anh ta có thể hãm hiếp bạn.” - “Có nhiều kiểu bạo hành: cướp có dao, trộm có súng, hiếp dâm với bộ phận sinh dục.” - “Trên thế giới, chỉ có Pháp mới không phải là ngoại quốc.” - “Trước khi có máy chém, những kẻ tử tù bị hành quyết trên một chiếc ghế điện.” - “Tỷ lệ tử vong của trẻ em là rất cao, ngoại trừ ở người già.” - “Ngày xưa trẻ con sinh ra khi tuổi còn nhỏ.” - “Bằng cách ve vẫy đuôi, con chó diễn đạt tình cảm giống như con người.” - “Đức Giáo hoàng vừa qua đời lần thứ 264.” v.v. và v.v.

Và cứ thế, hàng năm, cứ vào cuối thu, lại là dịp để những viên ngọc quý mới mẻ được đưa vào bổ sung cho kho tàng “ngọc quý” của nền giáo dục Phú Lang Sa.

Kể ra thì ... ngọc phương Tây cũng phong phú đa dạng và “sáng” đâu thua gì ngọc ta, phải không quý vị?

Vâng. Thế đấy. Có thế mới ngộ ra một “chân lý”. Đó là: nỗi đau này ... đâu phải chỉ riêng cánh Giao Chỉ ta. Và trước những vấn nạn Giáo dục hiện nay chẳng có gì mà ầm ĩ lên thế. Dù cho tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ngày nay ở đất nước ta đã quá ư phổ biến, không chỉ ở cấp 1 (bậc tiểu học), cấp 2 (bậc trung học cơ sở) hay cấp 3 (bậc phổ thông trung học), mà còn là hiện trạng của các cấp cao đẳng, đại học, sau đại học, trên đại học, trên trên đại học...

Có thể một hôm đẹp trời nào đấy, chúng ta phát huy sáng kiến tổ chức một Festival quốc tế “ngọc quý học đường”, ắt hẳn sẽ thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo bà con xa, láng giềng gần. Thế nào họ chẳng chen nhau đến từ khắp năm châu bốn bể tất tần tật để thi thố. Cũng là một phương thức độc đáo để tạo nên thương hiệu quốc gia cho đất nước ta chứ nhỉ.

12 / 2006

Ghi chú
* Crix-tiăng Cla-viê (Christian Clavier): một diễn viên chính của phim «Những vị khách lạ» với câu chuyện kể về thời Trung cổ.
** Gian-đa (Jeanne d’Arc): một cô gái chăn cừu, sau thành nữ tướng chống quân Anh, bị đưa lên giàn thiêu và cuối cùng được phong thánh.
*** Patx-can (Pascal): nhà văn Pháp thế kỷ XVII, Mông-te-nhơ (Montaigne) : nhà văn Pháp thế kỷ XVI.
**** Giu-lơ Xê-da (Jules César): tên của một bạo chúa La Mã.

Tạp chí Tia Sáng tháng 4/2007

1 commentaire:

  1. Hello, I like this blog.
    Sorry not write more, but my English is not good.
    A hug from Portugal

    RépondreSupprimer

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú