BẢN
CÂU HỎI DÀNH CHO CÁC HỌC SINH CŨ CỦA THẦY PHẠM KIÊM ÂU
Trong
khuôn khổ một công trình nghiên cứu về trường học thời Pháp thuộc và những giai
đoạn tiếp theo, và về ảnh hưởng của nó đối với những người đã từng là nữ sinh
trong các trường học Việt Nam những thời kỳ đó, Nhóm Chủ trì Công trình (bao gồm
một số giảng viên Đại Học Pháp và Việt Nam) đã đề nghị Phạm thị Anh Nga (con
gái của Thầy Phạm Kiêm Âu, hiện là giảng viên trường Đại Học Ngoại Ngữ, Đại Học
Huế) cùng tham gia và viết một chân dung về Thầy.
Bản câu hỏi này được gửi đến các Chị, nhằm giúp cho Anh
Nga tiếp cận được với hình ảnh Thầy Phạm Kiêm Âu theo cách nhìn và trong ký ức
các chị đã từng là học trò của Thầy.
Mong Chị vui lòng giúp Anh Nga thực hiện công việc này . Các câu trả lời xin gởi
về:
- hoặc
dưới dạng giấy (đánh máy hoặc viết tay): địa chỉ nhà, Phạm thị Anh Nga, 317
/ 3 Điện Biên Phủ, Huế (Việt Nam)
Anh Nga xin vô cùng cảm ơn Chị.
Một số
thông tin riêng về Chị
Họ tên của Chị: ..Nguyễn Thị Thúy Loan .......................................................................................
Tuổi hiện nay: .......53 (sinh năm
1957).......................................
(nếu thấy có điều gì không tiện, Chị có
thể không ghi họ tên, tuổi của mình)
Chị đã học với Thầy Phạm Kiêm Âu:
- tại trường ...... Đại
học Sư Phạm Huế..................................................................
- lớp ........................... hoặc từ lớp .................
đến lớp ...................
- năm ..1, 2, 3....................... hoặc
từ năm .1976................ đến năm .1979..................
- (các) môn học: ×□ Pháp
văn □ Toán □ Lý Hoá □ ......................
Nghề nghiệp của Chị:
- từ năm 1980 đến năm 1992 : Giáo
viên tiếng Pháp tại: Trường PTTH Thái
Phiên – Đà Nẵng
- từ năm 1992 đến năm 1994 : Giáo
viên tiếng Pháp tại: Trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn - ĐN
- từ năm 1994 đến năm 2003 : Giảng viên tiếng Pháp tại: Trường
Đại học Sư Phạm – ĐHĐN
- từ năm 2003 đến năm 2010 : Giảng
viên tiếng Pháp tại: Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHĐN
- hiện nay: Giảng viên chính – Khoa Pháp – trường Đại học Ngoại ngữ –
ĐHĐN
1. Theo Chị, Thầy Phạm
Kiêm Âu là một người thầy như thế nào ?
(xin Chị điền vào các ô dưới đây 3 từ mà theo
Chị là thể hiện đúng nhất hình ảnh của Thầy):
1a
- ..Lương tâm
|
2a
- .Mẫu mực
|
3a
- ..Tình cảm
|
Xin Chị
giải thích vì sao Chị chọn những từ đó :
1b - .Thầy giảng dạy rất nhiệt tình, tận
tâm, hết lòng vì sinh viên
|
2b - .Thầy luôn giữ tác phong mẫu mực của một
nhà giáo, từ việc đến lớp đúng giờ, đến lời nói, cử chỉ, cung cách.
|
3b - Thầy hiểu và cảm thông với những khó
khăn nhất định của sinh viên, thầy luôn có lời động viên hay an ủi đúng lúc.
|
2. Điều gì là ấn tượng
nhất đối với Chị trong các giờ học với Thầy ?
Giọng
Thầy to, rõ, khi Thầy cất tiếng giảng bài có sức thu hút đặc biệt. Thầy là người
Nam
nên giọng nói của Thầy rất tạo ấn tượng với tôi khi sống và học tập trong một
môi trường mà đa số đều nói giọng Huế, trong đó có tôi.
3. Trong
thời gian học với Thầy, ngoài những giờ học ở lớp, Chị có dịp tiếp xúc thêm với
Thầy không ?
×□
Có □ Không
Nếu có, những dịp đó
là do :
□ Chị chủ
động tiếp xúc với gia đình Thầy
□ Gia
đình Chị là chỗ quen biết với Thầy
×□ (trường
hợp khác, xin ghi rõ là gì) Có đôi lần Thầy mời một số sinh viên trong lớp đến
nhà Thầy chơi, lần nào cũng có tôi.
4. Chị có biết ít nhiều
về gia đình của Thầy không?
□
Có □ Không
Nếu có, xin Chị kể sơ lược những gì Chị biết, trong thời
gian Chị còn học với Thầy và khi đã hết học với Thầy.
Tôi
không biết nhiều về gia đình Thầy, ngoài việc Thầy kể là phần lớn các con Thầy
đều theo học tiếng Pháp, cũng như Cô (hiền thê của Thầy) lúc còn đi học cũng học
tiếng Pháp. Có một lần được Thầy mời đến nhà chơi, Cô cũng có ra phòng khách tiếp
chuyện, Thầy đưa một bài đọc tiếng Pháp cho Cô bảo Cô đọc cho chúng tôi nghe.
5. Xin Chị
thuật lại vài kỷ niệm đáng nhớ về Thầy, thời còn đi học với Thầy (trong lớp,
bên ngoài...) cũng như về sau.
Kỷ
niệm đáng nhớ về Thầy tôi còn lưu giữ nhiều, xin kể ra đây 3 chuyện.
1)
Năm thứ hai, ngoài môn Grammaire, chúng tôi còn được học với Thầy môn Lecture
expliquée, Thầy giảng rất hay và tôi rất thích. Có một lần Thầy giảng một bài đọc
của Victor Hugo, bài đọc ngắn kể chuyện hai đứa trẻ nghèo đi lang thang bên bờ
hồ, gặp một phụ nữ dáng vẻ giàu có, ăn mặc sang trọng cũng đang dẫn con đi dạo.
Đứa bé con nhà giàu cầm trên tay một mẩu bánh ăn dở, tỏ vẻ phụng phịu không muốn
ăn nữa. Bà mẹ dỗ mãi không xong bèn bảo con vất xuống hồ cho thiên nga ăn. Hai
đứa trẻ nghèo từ khi nhìn thấy mẹ con người phụ nữ giàu có chỉ thèm thuồng nhìn
mẩu bánh trên tay cậu bé nhà giàu, chỉ đợi cho hai mẹ con quay lưng đi, đứa lớn
hơn nằm xuống sát mép hồ, lấy cây khều miếng bánh trong khi bầy thiên nga cũng
sấn sổ bơi đến. Thằng bé vớt được miếng bánh sũng nước vui mừng chia ngay cho
em.
Câu
chuyện cảm động ấy lại thêm phần cảm động vì những lời bình của Thầy. Có một lúc giọng Thầy nghẹn ngào và tôi nhớ nước mắt mình cũng tuôn trào
khi Thầy nói : Il n’y a pas de plus grande douleur pour un père ou une mère
d’entendre ses enfants crier : J’ai faim et de n’avoir rien à leur donner.
Thầy nói đến đấy thì nước mắt Thầy cũng tuôn. Những năm 77, 78 ấy, đói ăn là sự
thường tình, nhưng nỗi lòng của Thầy tôi cảm thấy mình hiểu được, và đã khiến
tôi nghĩ đến cha mẹ mình, cũng vất vả, lo toan, hi sinh mọi bề để con cái không
phải thiếu ăn thiếu mặc. Sau này khi lập gia đình, rồi có con, những khi vất vả
ngược xuôi vẫn không đủ lo cho con, tôi lại nhớ đến Thầy, nhớ những giọt nước mắt
của Thầy và của chính mình trong buổi học ấy.
2) Tôi học đến năm thứ ba thì em gái tôi từ Đà Nẵng ra học
năm thứ nhất. Thầy cũng dạy em gái tôi và Thầy biết đó là em tôi. Cuối năm thứ
nhất lớp em tôi phải đi lao động xa 3 tuần. Buổi sáng ngày đi, xe đến đón tại
trường, tôi đến trường đưa em tôi đi. Hai chị em bịn rịn đưa tiễn nhau, lòng
tôi lo lắng vô kể vì em tôi sức khỏe yếu, lại đang bị cảm. Hai chị em chỉ còn 5
đồng, tôi đưa cho em tôi cầm đi nhưng em tôi lại nhất định không chịu nhận vì
cũng lo lắng cho chị ở lại không có tiền xoay sở cách nào, Em tôi đã lên xe mà
số tiền 5 đồng ấy cứ dằng co qua lại. Bỗng đâu Thầy đi đến gần chỗ hai chị em
tôi và Thầy ôn tồn bảo em tôi cứ cầm tiền tôi đưa, Thầy quan sát hai chị em từ
một lúc lâu rồi và Thầy rất xúc động khi thấy hai chị em nhường nhịn cho nhau.
Thầy bảo em tôi cứ cầm tiền và yên lòng mà đi, Thầy nói nếu cần Thầy sẽ cho tôi
mượn tiền để sống trong khi chờ được phát học bỗng. Thầy nói đến đâu nước mắt
chị em tôi trào ra đến đó. Tôi rất hiểu Thầy cũng vô cùng vất vả để lo miếng ăn
cho gia đình, nhưng Thầy cũng sẵn sàng chia xẻ với sinh viên học trò Thầy lúc
khó khăn. Tấm lòng của Thầy, tình cảm của Thầy dành cho chị em tôi, chẳng khi
nào tôi quên được.
3) Năm học thứ ba của tôi tại trường ĐHSP Huế cũng là năm
đại hạn của tôi. Vì một số bạn trong lớp và một số bạn ở lớp khác vượt biên mà
tôi bị chịu kỷ luật cảnh cáo toàn trường. Lỗi của tôi lúc ấy đối với Hội đồng kỷ
luật nhà trường là đã không « tố giác » việc làm sai trái ấy trong
khi tôi biết rõ. Ngày có quyết định cảnh cáo, cô thư ký văn phòng Khoa Ngoại ngữ
đã đem vào lớp với yêu cầu của Nhà trường phải đọc lên trước lớp. Hôm đó là giờ
của Thầy. Khuôn mặt Thầy lộ rõ nét buồn bã, Thầy nhẹ nhàng đem quyết định đưa
cho tôi và dặn tôi hết giờ đến gặp Thầy. Theo lời dặn, tôi đến gặp Thầy và lại
một lần nữa, Thầy nói trong nước mắt rằng Thầy rất buồn và tiếc cho tôi. Thầy rất
bất ngờ không hề biết những chuyện xảy ra. Dịp này tôi cũng thổ lộ nỗi lòng của
mình với Thầy, rằng tôi không thể làm cái việc « tố giác » trái với
lương tâm đạo đức mà trước đây tôi đã được dạy dỗ như vậy được. Thầy hoàn toàn
thông cảm với tôi. Tôi tin tưởng hoàn toàn ở Thầy nên tôi có cho Thầy biết ý định
thôi học của tôi. Thời gian sau chuyện này Thầy chủ động gặp tôi nhiều lần để
khuyên tôi cố gằng vượt qua, đừng bỏ học. Tôi cảm động vô cùng và tôi đã nghe lời
Thầy, tôi đã cố gắng vượt qua. Tôi thấy Thầy cư xử hoàn toàn giống như một người
Cha, thương yêu, bảo ban, chia xẻ, thông cảm, động viên. Ngoài gia đình là chỗ
dựa vững chắc của tôi, ở thời điểm ấy, Thầy là một trong những người hiếm hoi đến
với tôi, an ủi tôi, trong khi đa số đều ghẻ lạnh, hả hê.
6. Trong việc dạy học
hay trong tiếp xúc với học trò, Thầy có điều gì khiến Chị không hài lòng, buồn,
giận, bất bình ... hay không ?
×□
Có □ Không
Nếu có, xin Chị nói
rõ.
Có
một điều tôi không đồng ý với Thầy là vào giờ học của Thầy, Thầy buộc sinh viên
ngồi chỗ cố định theo bản đồ lớp, Thầy đặt cho sinh viên một số kèm với ký hiệu
G (Gauche) hoặc D (Droite). Thầy điểm danh hay gọi lên bảng theo ký hiệu số này
chứ không gọi tên chúng tôi. Tôi nhớ là trong lớp rất nhiều bạn không thích Thầy
do cách tổ chức này của Thầy. Tôi nhớ có lần cũng đã lễ phép góp ý với Thầy để
Thầy gọi tên chúng tôi chứ đừng gọi bằng số, tôi nói nous ne sommes pas des
prisonniers. Thế nhưng Thầy nói rằng từ lâu Thầy vẫn hành xử như thế từ thời Thầy
còn dạy ở các trường trung học mà không có vấn đề gì. Nhưng Thầy chỉ gọi chúng
tôi bằng số ở trong lớp thôi, ngoài lớp Thầy gọi tên.
7. Thầy
có những nguyên tắc riêng, kỷ luật riêng đối với học trò và lớp học. Chị có nhận
xét gì về những điều đó ?
Thầy tuyệt đối không thích học sinh đi trễ, Thầy định
nghĩa đi trễ như sau : Être.en retard, c’est arriver en classe après le
professeur. Và Thầy cũng thường nói vui : Si vous arrivez en même
temps que moi, vous pouvez me bousculer pour entrer dans la classe avant moi.
Thầy cũng tuyệt đối không thích sinh viên nói chuyện riêng khi Thầy giảng bài.
Có nhiều bạn ở lớp tôi, phần lớn là nam sinh viên, không thích Thầy vì cho rằng
Thầy quá nguyên tắc và cứng ngắc. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ những nguyên tắc ấy
của Thầy là hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi được đào tạo để ra làm thầy, chúng
tôi phải được học tập không những kiến thức chuyên môn mà cả về tác phong, cư xử
chuẩn mực của một nhà giáo. Sau này ra đời, đi dạy học như Thầy, tôi càng thấy
thấm thía với cách giáo dục của Thầy vì càng ngày môi trường giáo dục càng suy
thoái, theo nghĩa rộng cũng như nghĩa hẹp. Học sinh, sinh viên cứ tha hồ đi trễ,
vì giáo viên cũng tha hồ bê trễ trong giảng dạy nên rốt cuộc phải xuê xoa, làm
qua loa với nhau. Có thể nói hiện nay, nếu làm việc đúng đắn, có lương tâm đạo
đức nghề nghiệp, tôn trọng mình, tôn trọng người khác, sẽ trở nên lạc loài, bị
cô lập, thậm chí bị chế giễu. Làm việc công tâm sẽ bị xem là « dũng sĩ diệt
sinh viên ». Tôi vẫn cố gắng làm theo lời Thầy dạy, nhưng tôi không phạt
sinh viên đi trễ, bỏ qua khi sinh viên làm bài không trung thực, chấp nhận những
ác cảm của người khác để trung thành với những tâm nguyện của mình, với đạo đức
lương tâm của một con người nói chung và nhà giáo nói riêng, những điều tốt đẹp
mà tôi đã được học từ các Thầy Cô của mình xưa kia, nhất là từ Thầy Âu.
8. Khi đã hết học với
Thầy, Chị có tiếp tục liên lạc với Thầy không?
□ Rất thường xuyên
□ Thường xuyên □ Thỉnh
thoảng ×□ Không bao giờ
Nếu có
liên lạc, thì đó là những dịp:
□ Chị về
thăm hay đến thăm Thầy □ Học sinh
cũ tổ chức gặp mặt với Thầy
□ Thầy
đến thăm Chị □
Thư từ qua lại giữa thầy trò cũ
□ (Trường
hợp khác, xin ghi rõ)
..............................................................................................
9. Trường
hợp Thầy có viết thư cho Chị, thì trong thư Thầy, Chị có nhận thấy những gì là
tâm đắc của Thầy, những gì Thầy mong muốn truyền lại cho các học trò cũ ?
Rất
tiếc là sau khi ra trường, tôi đã phải ngược xuôi để có được việc làm, rồi cuộc
sống với mọi nỗi lo toan đã không tạo cơ hội cho tôi liên lạc với Thầy.
10. Chị có biết gì về những hoạt động yêu nước
thời chống Pháp của Thầy, trước khi Thầy về dạy học ở Huế hay không ?
□ Có ×□ Không
Nếu có,
xin kể những gì Chị biết.
..................................................................................................................................................................
11. Thầy
có bao giờ kể gì về thời gian Thầy tham gia chống Pháp ở Nam bộ hay
không ?
□ Có ×□ Không
Nếu có, thì vào những dịp nào, xin Chị xác định rõ.
..................................................................................................................................................................
12. Khi gặp lại các bạn
cũ, các Chị thường nhắc đến và nhớ đến điều gì nhất về Thầy?
Có
lẽ chuyện điểm danh và gọi tên sinh viên bằng số.
13. Khi
Thầy qua đời (năm 1994), Chị có được tin ngay hay không ? Cảm giác của Chị
khi nghe
tin đó ra sao ?
Tôi
chỉ hay tin rất lâu sau đó. Cảm nhận của riêng tôi là rất buồn, rất ân hận đã
không biết kịp để đến thắp một nén hương tiễn biệt Thầy, một người Thầy mà tôi
rất yêu mến kính trọng.
14. Theo
Chị, ngoài những kiến thức liên quan đến các môn Thầy dạy, Thầy có truyền đạt
thêm cho Chị và các bạn những bài học nào khác về cuộc đời không ?
Cho
riêng tôi thì nhiều. Thầy dạy cho tôi lòng tự trọng, sự trung thực, lòng dũng cảm,
sự thông cảm, bao dung với người khác, lòng trắc ẩn, tâm tình chia xẻ với người
gặp hoạn nạn, đau khổ. Thầy dạy bằng cả tấm lòng của mình nên những bài học của
Thầy thấm sâu trong tôi.
15. Chị
có nghĩ rằng nếu mình là nam giới, Thầy sẽ quan tâm hơn và đánh giá Chị tốt hơn hay không ? Thầy
có bao giờ đề cập đến những vấn đề liên quan đến “nam giới” và “nữ giới” không?
Không
hề. Tôi không hiểu câu hỏi này. Tôi thấy mình là nữ giới nhưng tôi có chủ quan
nghĩ rằng tôi được Thầy quan tâm đặc biệt. Có lẽ vì tôi học giỏi chăng ?.
16. Theo
Chị, các Thầy Cô dạy cùng thời với Thầy có giống Thầy không, hay khác với Thầy?
Theo
tôi thì khác. Thầy đối với tôi ngoài là một người thầy, tôi còn thấy Thầy như một
người Cha. Với các Thầy Cô khác dạy cùng thời với Thầy, tôi không có cảm giác
này.
17. Theo
Chị, đối với nền giáo dục của nước nhà Thầy có phần đóng góp nào đáng được ghi
nhận không ? Có điều gì của Thầy có thể được xem là giá trị cuộc sống để làm
gương cho các thế hệ sau không ?
Những
đóng góp của Thầy cho nền giáo dục của nước nhà là rất lớn. Giá trị cuộc sống lớn
nhất mà Thầy để lại chính là Thầy, tấm gương không tì vết của lương tâm chức
nghiệp, đạo đức làm người và đạo đức nhà giáo, của lòng nhân hậu, chung thủy, của
tình người, tình thầy trò.
18. Chị
còn điều gì khác muốn nói về Thầy không ? Giả định rằng bây giờ Chị có thể
“gặp” và “nói chuyện” với Thầy, Chị sẽ nói với Thầy những gì ?
Giả
định tôi được gặp và nói chuyện với Thầy, thì tôi sẽ bảo Thầy thế này : Thầy
ơi, Thầy ra đi để lại một khoảng trống không gì che lấp được. Con đã buồn vì sự
mất mát ấy nhưng càng sống con càng thấy không chừng Thầy ra đi như vậy mà lại
hay hơn, vì như thế Thầy không phải chứng kiến những sự nhiễu nhương lũng đoạn
suy thoái khắp mọi lãnh vực trong xã hội, cả trong môi trường giáo dục nơi Thầy
đã ươm mầm cho không biết bao nhiêu thế hệ. Nếu còn trên cõi đời này có lẽ Thầy
sẽ thất vọng và đau khổ nhiều. Càng sống con càng thấy những điều Thầy dạy con
sao mà đúng quá Thầy ạ, chẳng hạn như Thầy hay nói cuộc đời không dành phần tốt
đẹp nhất cho người xứng đáng nhất đâu. Rằng phải cố mà bước qua cửa hẹp, vì con
đường rộng dẫn đến hư hao mất mát. Gide bảo thế, Thầy cũng khuyên con thế,
nhưng mười người thì đến chín người vẫn chọn con đường thênh thang Thầy ạ. Dễ
đi hơn, mà cũng dễ hòa đồng hơn. Qua cửa hẹp thì thui thủi một mình. Nhưng đó
là số phận do con chọn, vì con muốn mình được là mình, như lời Thầy vẫn khuyên
con xưa kia. Hãy là chính mình.
19. Chị có đồng ý cho
chúng tôi gặp trực tiếp để trao đổi thêm vài điều về Thầy hay không ?
×□
Đồng ý □
Không đồng ý
Nếu có dịp thuận tiện.
Xin chân
thành cảm ơn Chị đã chia sẻ ý kiến và những kỷ niệm về Thầy Phạm Kiêm Âu.
(Phạm thị
Anh Nga)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire