Jean-Claude Guillebaud là một nhà báo, nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm suốt đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên – Trở về Việt Nam” (1993) được viết sau chuyến đi Việt Nam của ông từ Nam chí Bắc năm 1992, được giải thưởng Astrolabe–Nhà văn du hành (Astrolabe-Écrivains voyageurs), NXB Points tải bản 2006. Hiện Guillebaud đang công tác tại nhà xuất bản Seuil (Paris).
Ở Huế, kinh đô hoàng triều của miền Trung Việt Nam, thì cái gì cũng im ắng hơn. Ở đây thời gian được tính bằng thế kỷ; quyền lực thực sự nằm trong tay các vị sư sãi, và mặc dù có những bức tường thành rạn vỡ và miếu am thì yếu ớt mong manh, kinh đô của các hoàng đế An Nam vẫn cưỡng lại được trước sự bất công của thời gian như nó đã cưỡng lại trước những cơn thịnh nộ của chiến tranh. Chúng tôi thuê xe đạp để cùng rong ruổi - trong một thời gian dài - trong cảnh mê màng tỉnh lẻ thơm mùi hoa sứ và hoa lài. Chúng tôi hoà cùng những đám người đến từ Hà Nội để đi loăng quăng dọc các hồ nước phủ thảm sen, leo lên các bậc thang của Cấm Thành, dạo chơi gần chợ trung tâm và ở bến sông Hương nơi neo những con đò có phủ mảnh chiếu hình bán nguyệt trên boong, chỗ cách đây không lâu là nơi cư ngụ của những cô gái làng chơi có móng tay trắng sạch.
Nét dịu dàng mơ mộng, những tốp xe đạp đan vào nhau dưới những tán cây ở bờ Nam, những cô nữ sinh tươi cười ngồi bắt chéo chân... Trong các quầy sách dọc theo bờ sông, những cuốn tự điển tiếng Anh và sách giáo khoa tin học vẫn chưa xua mất những tập thơ bé xíu được đóng thủ công nói về “cô nàng yêu dấu” và “mùa xuân cuối cùng”. Ở đây, ngay cả việc khơi dậy những kỷ niệm ngày nào để xem đã có bao nhiêu điều khác trước tôi cũng không nghĩ đến, bởi chẳng có gì thay đổi cả. Tôi đặt va li ở khách sạn Hương Giang cứ như là tôi mới ra đi hôm qua. Dưới cửa sổ phòng tôi ở, cái bể dùng để trang trí cho mảng tường bê tông không di dịch một ly nào. Trên đoạn uốn cong trải rộng của dòng sông Hương cũng nổi trôi những con thuyền có đuôi nhô cao đó, cũng những chiếc ghe y hệt đang lướt la đà mặt nước. Dáng dấp ngôi chợ lợp mái xây bằng bê tông cốt sắt, cách đây hai mươi năm đã cố mang vẻ hiện đại, với những mái ngói có rìa vễnh lên và thấp thoáng nét gô tích, với thời gian trôi qua đã cũ đi nhưng không đến nỗi nào. Với tôi dường như ngay cả mùi vị cũng là những mùi còn lưu lại trong trí nhớ của tôi: một sự pha lẫn của gia vị và đường, tiêu và mật, hoa và nước tiểu.
Trên sân hiên khách sạn Hương Giang, nơi có những lá cửa mở ra dòng sông, tôi gần như kinh ngạc vì không còn nhìn thấy tấm vải thô nguỵ trang của một trong những cố vấn Mỹ lông ngắn, hay không còn thấy trên nền gạch rải rác những chiếc túi còn nguyên xi của những đặc phái viên tóc tai bù xù vẫn đóng quân ở đây mỗi khi dân cư đi tản mác khỏi thành phố trước sự tiến công của cộng quân. Sau quầy rượu, các cô tiếp viên cũng có những câu chuyện trao đổi và những tiếng cười phá lên hệt như cách đây hai mươi năm.
Chúng tôi đạp xe đến mức không ngừng lại nổi, không có mục đích nhất định, thích đâu thì đi đó, được hộ tống bằng những nụ cười và những lời thì thầm. Chúng tôi kề cà với những sinh viên hơi lúng túng khi thắc mắc về phương Tây. Chúng tôi uống trà với cô Vy, một giáo viên hai mươi lăm tuổi, xinh đẹp và nhút nhát, giảng dạy tiếng Pháp ở Ðại học, đã lật đi lật lại đến đến chục lần liên tục những tờ tạp chí cũ đến từ Paris. Cùng với cô gái đang ngần ngại và đỏ bừng mặt, tay đặt lên miệng như muốn kìm nén một sự táo bạo không thuộc về cô, là một nước Việt Nam khác đang thoáng hiện ra. Chính là nước Việt Nam của Huế: truyền thống và học thức, hiếu kỳ đối với thế giới bên ngoài nhưng không thích làm tổn hại thanh danh của mình, chăm chú với những sắc thái tinh tế và bất kham trước những nhốn nháo nhất thời. Cô Vy, xuất thân từ một gia đình trí thức và tư sản, vẫn chưa hết kinh ngạc vì đã nhận lời uống tách trà này với chúng tôi, dưới những cây phượng ở thềm một quán cà phê. Ngoài đường phố! Một hành động ba lần vi phạm: uống giải khát ở nơi công cộng, với nam giới, lại là người nước ngoài! Trước khi đến, cô đã ngần ngại cả một buổi tối. Bây giờ thì chúng tôi đoán được là cô đang bấn loạn vì tình huống; vừa lo lắng muốn chấm dứt nhưng lại vừa say sưa với câu chuyện bất ngờ là được gặp gỡ thế giới bên ngoài. Vẻ bối rối, cách cô động đậy trên ghế ngồi đã nói lên khá đầy đủ về nỗ lực mà cô đã áp đặt cho mình. Cô day day tóc, thấm mồ hôi trán và không còn hiểu được gì nữa. Cô lặp đi lặp lại: «Tôi làm phiền các ông. Tôi làm các ông chán nản mất. Tôi không có khả năng trả lời những câu hỏi của các ông». Ðó không chỉ là sự đỏm dáng. Phải chăng ở đất nước Việt Nam vào năm 1992, sự say mê mở cửa phải khẩn thiết lắm mới khiến cho ngay bản thân cô Vy chịu ngồi với chúng tôi ở thềm một quán cà phê công cộng của Huế!
Đất nước Việt Nam ấy của dòng sông Hương không là một Việt Nam tất tưỡi và trơ trụi của Sài Gòn, cũng không phải một Việt Nam ảo não của Ðà Nẵng, hay một Việt Nam bất diệt và bướng bĩnh của ruộng đồng, cũng chẳng là một Việt Nam còn khắc khổ hơn của miền Bắc. Hôm nay cũng như hôm qua, Huế là hiện thân của một sự uể oải tự tin, một niềm kiêu hãnh ôn hoà cắm vào quá khứ hoàng triều mà mỗi một đối thoại nhỏ đều có thể làm sống dậy. Sự hài hoà không một vết rạn đó khiến tôi kinh ngạc. Làm thế nào mà nó chống chọi được? Làm sao nó có thể sống còn? Bằng cách nào nó có thể lưu truyền giữa những ba mươi năm giông tố? Khác với Ðà Lạt, một sản phẩm thuộc địa, Huế đã không được chiến tranh ưu ái chừa ra. Năm 1968, vào thời điểm Tết và cuộc «tổng tiến công», thành phố đã bị chiếm đóng và khốn đốn, Hải quân Mỹ và lính miền Nam đã giành giật lại khu vực thành nội từng mét một. Cũng chính nơi đây đã diễn ra cuộc «thanh trừng cách mạng» đẫm máu nhất được quy trách nhiệm cho những người Cộng sản: nhiều nghìn vụ hành hình có chọn lọc đã thúc đẩy báo chí thế giới vào những cuộc bút chiến kéo dài đến vô tận. (Phải chăng tất cả là trò lừa lọc của CIA, hay đó là một «sự kiện» đã được xác nhận? Cuộc tranh luận xa xưa của một thời...) Cũng có những cuộc di tản tái diễn trở lại, những nỗi khiếp sợ và đám binh lính miền Nam thất trận (năm 1972) ám ảnh thành phố một cách độc địa. Và cuối cùng, cũng như ở những nơi khác, là imperium [1] đang lan rộng của chủ nghĩa duy vật vô sản, với các uỷ ban và uỷ viên của mình, những nghi ngại và những điều không tưởng khôn cùng.
Thế mà bất chấp tất cả, Huế đã không thay đổi. Phải chăng nó giấu kín những vết thương của mình? Phải chăng nó để khuất vào bên trong những khiếp sợ xưa cũ? Liệu nó có biết xua đuổi những thứ đó đi bằng thế đứng vững chãi trong «thời gian dài», thời gian vĩnh cữu, thời gian một cách tất nhiên rồi sẽ quay trở lại. Theo bản năng, chúng tôi tuân theo khí hậu đó. Chúng tôi đi lại trong thành phố với những bước chân rón rén. Chúng tôi không cưỡng lại được thái độ cẩn trọng lén lút. Nói thế nào nhỉ? Ở Huế, lần này, chúng tôi đặc biệt không muốn quấy nhiễu gì cả.
Nhưng hoài công. Sự phiền nhiễu đã đến bất chấp mọi thứ. Bất ngờ và có tính biểu trưng. Ðiều này còn tai hại hơn. Lúc chúng tôi đang ở khách sạn Hương Giang, bà D., Raymond và tôi, thì một nhóm người từ một xe ca bước xuống, ầm ĩ xâm chiếm lobby [2]. Các nhân viên vội vã, hành lý chất đống trước quầy, một cô phiên dịch hối hả, ngực mang bảng tên và tay cầm một chùm chìa khoá. Khách là những người Trung Hoa đến từ Ðài Loan đang đi du lịch theo đoàn. Bà D. có một cái bĩu môi mà ban đầu tôi cho là do sự đối kháng lâu đời giữa Việt Nam và Trung Hoa. Ðúng là những người Trung Hoa này bụng phệ thật và đi đứng với vẻ cáu kỉnh. Họ trương ra cái vẻ khinh người của những kẻ mang ngoại tệ, gọi nhau í ới bên trong khách sạn Hương Giang mà sau dăm phút họ đã chiếm làm thuộc địa, huơ huơ những chiếc máy quay phim và những chiếc máy ảnh 24 x 36 với một vẻ kiêu hãnh tự phụ khá vô duyên.
Thật kinh ngạc: việc mỗi người về phòng mình không khiến chấm dứt cảnh náo loạn trái khoáy này. Những chiếc thùng nhanh chóng được tháo dỡ, những người Trung Hoa từ trên các tầng lầu bước xuống ăn bận kỳ quái, được bọc trong những tấm áo choàng vải kếp, đầu đội những chiếc mũ làm bằng giấy bồi. Rồi xuất hiện các cô gái Việt Nam mà người ta đoán được là đã được gọi đến cho phải phép, những cô gái điếm mặt trát phấn và ăn bận còn cũn cỡn hơn thông thường ở các Ông Bar [3] (nhà thổ mini).
Những công việc sửa soạn ầm ĩ đó trong nháy mắt đã làm khoấy động cả khách sạn đang đờ đẫn. Điều đó dự báo cái gì đây? Người ta tự hỏi như thế, nhưng không lâu. Bên ngoài, chung quanh chiếc thuyền đang lướt trên sông Hương, cũng diễn những cảnh tượng nhộn nhịp khác. Một chiếc thuyền máy giăng những vòng hoa giấy được trang trí bằng ánh đèn điện. Trên cầu, người ta đã xếp những chiếc bàn và - đã - bày biện lên đó thức ăn và rượu. Chúng tôi được nghe kể là chiếc thuyền đã được những người Trung Hoa đến từ Ðài Bắc thuê để “chơi bời” trên sông. Họ sẽ lên đường vào ngày mai.
Quan sát những người trong bọn họ xuất hiện ở cầu thang, bà D. hiểu ngay đó là kiểu chơi bời gì: một sự mô phỏng để bông đùa quá trớn về những buổi lễ cung đình Huế. Những người Trung Hoa được hoá trang thành những hoàng đế và quan lại An Nam và đang trêu ghẹo không chút khách khí những ái phi của mình. Những tiếng cười béo ngậy, những ánh đèn loé sáng của máy ảnh, những máy quay phim đã chuẩn bị sẵn sàng: cuộc chơi sắp sửa bắt đầu, sau khi đoàn người đến chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Tốc độ của những tour operators [4] Đài Bắc không thua kém gì sự nhanh nhẹn của các công ty Nhật đã đề xuất ở đất nước chúng ta [5] chương trình «Châu Âu trong bốn ngày»...
Bà D., với cương vị là người Việt Nam yêu nước, không giấu giếm cơn thịnh nộ của mình chút nào nữa. Bà nói đã bị “sỉ nhục”. Ðây là ký ức Huế bị nhại lại một cách nặng nề, kỷ niệm về cung đình bị biến hoá thành những cuộc truy hoan trại lính. Sắp đến lúc chiếc thuyền vua giả hiệu nhổ neo trên sông Hương trong tiếng cười và tiếng kèn. Nhìn kỹ, thì chẳng nghi ngờ gì việc những nhân viên khách sạn, cách đây vài phút vẫn còn vội vã, giờ đây đã thể hiện một sự kinh tởm vừa đau buồn vừa bất lực.
Tối hôm đó chúng tôi dùng bữa tối trên sân hiên khách sạn Hương Giang trong lúc dưới chân chúng tôi chiếc thuyền giả hiệu của những người Trung Hoa chuyển động ầm ĩ từ bờ này sang bờ kia. Rất khuya trong đêm tối, cuộc vui vẫn còn tiếp diễn. Vào rạng sáng, tôi thoáng thấy hai ả gái điếm không phấn son loạng choạng rời khách sạn. Lúc ăn sáng, cuối cùng chúng tôi đã chúng kiến cảnh chiếu lại cuộc vui đêm đó, cuộc vui đã được quay thật lâu bằng máy quay phim và như thể chiếu lại cho những tay Trung Hoa hớn hở đang bị cơn mệt đến mụ mẫm người đóng đinh trên ghế.
Vào lúc mười giờ, phòng đã trả, hành lý đã lập danh mục, xe buýt đã chất đầy. Con rồng Trung Hoa, kẻ láng giềng to lớn của nước Việt Nam, ra đi cũng theo cách như nó đã đến.
Trên thành phố Huế, tưởng chừng như có một không khí êm đềm khắc khoải vừa buông xuống. Khu vực viễn Á bao quanh Việt Nam sẽ không bao giờ thận trọng với cái xứ sở rẻ rúng này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire