Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho đề án dạy ngoại ngữ của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT), riêng tôi xin tham gia với một số ý sau:
1 - Trước tiên, tôi rất tán thành việc Nhà Nước cũng như Bộ GD-ĐT đã quan tâm thích đáng đến việc giáo dục thế hệ trẻ, vì “sự nghiệp trăm năm”, và muốn đầu tư thích đáng cho ngoại ngữ, là một phương tiện không thể thiếu để học tập, giao lưu, hoà nhập và phát triển trong tình hình toàn cầu hoá hiện nay. Vấn đề là: làm gì, lựa chọn như thế nào để thực sự hiệu quả, không mắc sai lầm do thiếu cơ sở lựa chọn?
2 - Tôi cũng rất mừng là Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện để những người quan tâm (từ các nhà chuyên môn, những nhà nghiên cứu đến các bạn trẻ, phụ huynh học sinh, cũng như mọi tầng lớp nhân dân) có thể góp tiếng nói và trao đổi những suy tư, thái độ tán thành hay phản bác của mình, với tinh thần làm chủ, dân chủ và cầu tiến. Mong là những ý kiến đó sẽ không rơi vào khoảng trống vô tình, mà được PGS.TS. Nguyễn Lộc cũng như những đồng sự của ông tham khảo và nghiên cứu trước khi đi đến kết luận cuối cùng cho đề án đang thu hút sự quan tâm rộng khắp hiện nay.
3 - Nhiều bài viết tập trung chứng minh cho vai trò hàng đầu của tiếng Anh trên thế giới hiện nay, và nhận định đó phải là ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng nhất trong dạy và học ở các bậc của nhà trường của chúng ta. Theo tôi, với điều này hầu như mọi người đều nhất trí, dù cho vẫn có một số ít (ít nhưng vẫn có) một số học sinh, hay đúng ra là phụ huynh học sinh, với những lý do riêng, vẫn có ước muốn và định hướng riêng và lựa chọn một ngoại ngữ khác (Nga, Trung, Pháp...). Tuy nhiên xác quyết Tiếng Anh là ngoại ngữ “duy nhất” cần dạy ở nhà trường phổ thông là một xác quyết có tính cực đoan, bởi “quan trọng nhất” khác với “duy nhất” rất xa. Tôi không đồng ý là các ngoại ngữ khác cần phải “vứt bỏ” (như lời ông Vũ Việt Dũng) hoặc chờ đợi thêm 14 năm nữa mới được đưa ra xem xét để dạy (trong khi việc dạy thí điểm tiếng Pháp ngoại ngữ 2 đã có kết luận chính thức của Bộ GD-ĐT là có thành quả tốt, có thể nhân rộng, và một số ngoại ngữ khác cũng đang được chính thức dạy thực nghiệm ở nhiều địa phương trong nước ta).
Thú thật khi đọc bài của ông Vũ Việt Dũng, tôi đã bị sốc ngay từ tựa của bài viết: “Một hay nhiều ngoại ngữ? Lựa chọn để vứt bỏ!” và không tin ở mắt mình. Các thứ tiếng khác với tiếng Anh đâu có phải là những cái ung nhọt đang làm thối rữa một phần cơ thể sống, để phải nhận chịu thái độ phũ phàng “vứt bỏ” đó? Mỗi một ngoại ngữ ít nhiều đều đã có đóng góp của riêng mình trong giao lưu và mở rộng quan hệ quốc tế của đất nước Việt Nam, dù cho vai trò quan trọng nhất là của tiếng Anh.
4 - Nếu lý do của việc từ nay đến năm 2020 chỉ dạy một ngoại ngữ là để tiết kiệm ngân sách đầu tư, thì có thực là như vậy sẽ tiết kiệm ngân sách hay không? Chúng ta không xây dựng đề án từ một thực tế là “chưa có gì”, nghĩa là không từ con số không, mà từ một vốn hiện có: chúng ta đang có một đội ngũ giáo viên các ngoại ngữ Anh, Nga, Trung, Pháp, nhiều học sinh đang theo học các ngoại ngữ đó, và nhiều dự án vẫn đang tiến hành với các nước bạn về dạy và học các ngoại ngữ đó. Về giáo viên các ngoại ngữ khác với tiếng Anh, không phải 100% đều có trình độ cao và về nghiệp vụ vẫn còn nhiều bất cập, nhưng họ vẫn có những năng lực nhất định đáng ghi nhận, thậm chí có một số đang giảng dạy rất tốt ở các trường phổ thông, với những phương pháp giảng dạy hiện đại không thua gì ở các nước phương Tây và thật sự hiệu quả. Từ nay đến năm 2020, họ sẽ đi đâu, làm gì, sẽ chuyển qua dạy tiếng Anh để lấp chỗ trống hay sẽ dạy công dân, sử địa, dạy thể dục, nữ công gia chánh? Để đến năm 2020, sẽ phải lập kế hoạch (với vài chục ngàn tỷ đồng) để đào tạo một đội ngũ giáo viên ngoại ngữ 2 mới (nếu sẽ có ngoại ngữ 2)? Hay vì ngân sách không cho phép, tuổi trẻ Việt Nam sẽ đành hài lòng với ngoại ngữ Anh như cửa sổ duy nhất mở ra thế giới? Và như thế, sẽ là tiết kiệm hay lãng phí, không chỉ về tiền mà cả về nhân lực, về con người?
5 - Trong số những đối tượng trực tiếp liên quan đến đề án này, đáng kể nhất là những giáo viên dạy các ngoại ngữ khác với tiếng Anh cũng như các học sinh đang theo học các ngoại ngữ đó. Giáo viên sẽ chuyển sang dạy môn khác hay sẽ thất nghiệp? Học sinh sẽ chuyển qua học ngoại ngữ Anh? Có một điều có tính nhân bản mà chúng ta không có quyền quên: họ là những CON NGƯỜI, với những lựa chọn và những định hướng đã có cho mình, họ không phải là những công cụ lao động (như cuốc xẻng kềm búa) để một khi ta thấy không cần thiết cho việc này thì có thể đưa qua phục vụ cho việc khác, hay vì chúng không có ích lợi gì trước mắt hay lâu dài thì có thể quẳng vào kho, hay đem bán đồng nát.
6 - Tôi xin phép sử dụng lại hình ảnh “vườn hoa nhiều cây” của một bạn (Chan) đã tham gia ý kiến trước dây, để nói rằng: nhiệm vụ của chúng ta không phải là “trồng tất cả các loài hoa trong cùng một vườn” đâu, mà là: trên cơ sở một số cây hoa vốn có, sắp xếp lại sao cho hợp lý, và chăm sóc chúng về chất cũng như về lượng. Và nếu như một số bạn trước đây đã học ngoại ngữ không thành công vào thời đa ngôn ngữ của những năm 80 thế kỷ trước, thì nguyên nhân có nhất thiết là do chủ trương “đa ngôn ngữ” không, hay do hạn chế về trình độ giáo viên, phương pháp dạy và học, về nội dung, về sách giáo khoa, và do tác động của những yếu tố bên ngoài xã hội?
7 - Tôi cũng xin nêu lại, như một lời nhắc nhở, phát biểu của TS. Nguyễn Huy Cẩn, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa Học Xã Hội, đã được bạn Thu Hien trích và gọi tên là “mẩu lá cải”, như sau: “tiếng Việt cũng phải chấp nhận “cạnh tranh” ”, “sự xâm nhập tiếng nước ngoài, về một khía cạnh nào đó, đã làm phong phú tiếng mẹ đẻ. Điều quan trong hơn phải tạo được sức đề kháng trước sự xâm lấn về văn hoá vô hình nhưng sẽ vô cùng bền bỉ của tiếng nước ngoài khi được dùng rộng rãi”. Về phía tôi, phát biểu của ông Nguyễn Huy Cẩn rất có ý nghĩa, và tôi thậm chí cảm thấy tâm đắc với nó và thực sự chia sẻ với tác giả. (Có dịp, tôi sẽ trở lại với mối quan hệ nhạy cảm giữa ngôn ngữ và văn hoá này, mà có lẽ do ông Nguyễn Huy Cẩn nói hoặc viết “tắt” quá, nên khó hiểu.) Nhưng không phải vì bản thân mình không hiểu một lời phát biểu của ai đó trên báo, mà có thể xem đó là một “mẩu lá cải”, không có giá trị.
8 - Cuối cùng, tôi xin đề xuất với PGS.TS Nguyễn Lộc và Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) các điểm sau:
- Một, công bố toàn văn của bản đề án hoặc bản tóm tắt của đề án để những ai quan tâm có thể nghiên cứu và tham gia ý kiến nhằm hoàn thiện nó, chứ hiện nay mọi người chỉ đoán chừng nội dung của đề án qua bài phỏng vấn đã được đăng tải.
- Hai, tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định chính thức như nhà nước ta vẫn làm đối với các chính sách lớn : cần có ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia ngoại ngữ (thuộc nhiều ngoại ngữ chứ không chỉ ngoại ngữ Anh), các cơ sở quản lý giáo dục đào tạo của các địa phương (Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, trường học), các giáo viên ngoại ngữ, các học sinh (hoặc đại diện của học sinh là các bậc phụ huynh).
- Ba, nghiên cứu lại, với thái độ vừa có tính phê phán vừa có tính kế thừa, những nghiên cứu và thành quả, những dự án, chương trình thí điểm về ngoại ngữ đã được Bộ GD-ĐT kết luận, đảm bảo tính nhất quán và thái độ có thuỷ có chung với chính mình, và với các đối tác đã tham gia xây dựng các dự án về ngoại ngữ.
- Bốn, tránh việc áp đặt một ngoại ngữ duy nhất cho học sinh : các em (mà đại diện là phụ huynh) có quyền lựa chọn. Mức độ lý tưởng nhất là lựa chọn cả ngoại ngữ 1, hoặc nếu bắt buộc học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, thì ít ra với những cơ sở có điều kiện thực hiện, cho học sinh lựa chọn và được học ngay từ bậy giờ ngoại ngữ 2.
Tôi không tin rằng “nếu được lựa chọn theo nhu cầu, sẽ có nhiều học sinh lựa chọn không học ngoại ngữ nào” như ông Vũ Việt Dũng đã khẳng định. Tôi cũng mong là Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục sẽ suy xét kỹ, để xây dựng một đề án có tính thuyết phục, thực sự được toàn dân ủng hộ, và có hiệu quả tạo sức bật cho giới trẻ Việt Nam trong tình hình mới.
05/2006
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire