Jean-Claude Guillebaud là một nhà báo, nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm suốt đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên – Trở về Việt Nam” (1993) được viết sau chuyến đi Việt Nam của ông từ Nam chí Bắc năm 1992, được giải thưởng Astrolabe–Nhà văn du hành (Astrolabe-Écrivains voyageurs), NXB Points tải bản 2006. Hiện Guillebaud đang công tác tại nhà xuất bản Seuil (Paris).
Mai đây người ta sẽ viết gì về những người «anh em» Xô viết đang quay về đất nước của họ?
***
Khi lựa chọn con đường đất đầy cỏ này, chúng tôi đã đi về hướng ngược lại với căn cứ Cam Ranh, hướng đâm về ngọn núi của dãy An Nam. Trời đột ngột nóng bức. Cánh đồng như bị nung chảy dưới nắng chiều, chân trời trống trải. Không một tiếng động, không một động tĩnh gì của trâu bò hay trẻ con, không một tiếng chim hót... Chúng tôi đi bộ không lâu. Ở kia, cách con đường cái quan xưa hai bước, một tấm biển gắn bên dưới một bậc thang bằng đất leo trên một sườn dốc báo hiệu đã đến ngôi mộ của John Émile Yersin. Chúng tôi leo lên đó.
Một cột tháp ngắn bằng đá và xi măng màu đất son, một bậc thang bốn mặt và vài cây hương mới tàn trong một vỏ đồ hộp. Từ khoảnh đất nhô cao dùng để thờ đó, người ta có cái nhìn bao quát từ vịnh cho đến tận những ngôi nhà đầu tiên của Nha Trang. Sự nghèo nàn của vùng đất, tình trạng tương đối cách ly và những dấu hiệu nhỏ - những hình vẽ nguệch ngoạc có ghi ngày tháng trên cột tháp, những dấu chân trên sỏi - dù sao chăng nữa cũng chứng minh nơi này thường xuyên được thăm viếng, tất cả cùng góp phần làm nảy sinh một cảm xúc mà chúng tôi đã không chuẩn bị để có. Cách xa những con lộ và nhà ga, ở bên rìa một vùng đồng bằng đã bị thuốc súng và thép vang rền của chiến tranh phá nát hơn bất kỳ vùng đồng bằng nào, ngôi mộ đơn độc này, khuất trong đám cỏ dại mọc cao, mà mưa gió đã phủ lên một lớp dạn dày, vẫn là nó như từ một nửa thế kỷ nay. Người ta mường tượng được là nó thường bị các vụ nổ phủ khói, các đội tuần tra vây hãm, các phi đội bay trên cao, và có thể bị hơi thở của các trận cháy liếm phải. Là lăng tẩm bị bỏ quên trong trận mưa đạn, người gác canh mù loà nhưng vẫn nguyên vẹn khi tất cả đã ngưng lại...
AlexandreYersin, cùng với Alexandre de Rhodes, không chút nghi ngờ gì, là người Pháp được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Sinh ngày 22-9-1963 ở Lavaux, Thuỵ Sĩ, mất vào tháng 3-1943 tại Nha Trang, ông đã khám phá ra độc tố bệnh bạch hầu, thực hiện việc thừa nhận cao nguyên Lang Biang, nơi Đà Lạt được thành lập năm 1893, cách ly vi rút bệnh dịch hạch năm 1894 và nhất là đã đưa vào Việt Nam cây cao su và cây canh ki na. Là hình ảnh biểu trưng, tách biệt khỏi đám đông quân thuộc địa chuyên sáng lập truyền thuyết, xây trường và và mang đến những điều hối tiếc.
Trên phiến đá ở ngôi mộ của ông chỉ khắc một hàng chữ, bằng tiếng Pháp, nhưng được viết từ một bàn tay Việt Nam: «Vị ân nhân và người nhân đạo. Được nhân dân Việt Nam tôn kính».
Chúng tôi trở xuống phía xe ô tô và không nói gì. Những chữ trên mộ chí không thôi khiến tôi bứt rứt. Nhất là chữ «ân nhân». Phải chăng đó là tấm lòng thành kính cảm phục? Là lẽ công bằng giao trả cho một «sự nghiệp khai hoá»? Tất nhiên là thế, nhưng điều tôi nhân thấy ở những chữ đó không chỉ có ngần ấy. Đúng hơn, là một một câu hỏi tìm thấy dọc đường. Đất nước Việt Nam, đất nước đã thoát khỏi biết bao cuộc tàn sát, kẻ «thành-bại» của bán thế kỷ sắp mất hút theo thời đại của nó, đã nuốt hết mọi tủi nhục khi chìa tay cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho Ngân hàng Thế giới và cho Washington, đất nước đó đang xô chúng ta vào một trạng thái bất ổn lạ thường. Phải chăng chúng ta không sắp sửa lao vào một chủ nghĩa xét lại mang tính thực dân vẫn chưa tự xưng tên mình ra ? Phải chăng những thất bại ở nơi chốn xa xôi kia, những hỗn loạn của các xứ sở kia, những sự phá sản dồn dập kia cứ hệt như ngần ấy phần tô nổi và minh chứng nghịch trong bán cầu Nam (đã) không làm sống lại một chủ nghĩa chiến thắng của phương Tây được hồi sinh trở lại từ những người đã chết? Phải chăng phương Bắc, kẻ đồng thời chiến thắng cả phương Nam lẫn phương Đông, không quay trở lại với những thái độ ngạo nghễ xa xưa?
Thế ư! Thế là chúng ta tin chắc mình là những kẻ duy nhất được ký thác về của cải, về tự do, về những bí mật âm u của sự phồn vinh. Với «gánh nặng của người da trắng» mới mẻ này, chính xác là chúng ta sẽ làm gì? Đằng sau điệp khúc về nhân quyền và «nhiệm vụ can thiệp», một diễn từ khác đang được giấu kín nay mai sẽ minh chứng cho một sự phong kín siêu vũ trang trong thiên đường của những kẻ giàu có, thậm chí là một vài cuộc «trừng phạt» giáng xuống các quốc gia lúc nhúc dân và mất phẩm chất kia, những kẻ «hoang dã mới» kia. (Năm 1991, chiến tranh vùng Vịnh cũng là thế: là một cây gậy giương ra dưới mũi phương Nam.)
Ngôi mộ của Alexandre Yersin ra dấu với chúng tôi, và cùng với nó là toàn bộ đất nước Việt Nam. Để có được một «vị ân nhân được dân tộc Việt Nam tôn kính», phải có bao nhiêu vụ cướp bóc, bao nhiêu chiếc đầu rơi và bao nhiêu cuộc nổi dậy chìm trong những mây mù thuốc súng? Để có được một «sự nghiệp Pháp quốc» tại Đông Dương, phải có bao nhiêu tội ác? Tất cả những điều đó đã «lỗi thời» và gần như đã được Lịch Sử ân xá. Người ta còn nói rằng các nạn nhân của chúng, từ dưới đáy sâu tai hoạ, suýt chút nữa là đã từ bỏ những cuộc nổi dậy trước đây của mình.
Có thể mai kia chúng ta sẽ phải nói kiểu ngược thời. Và không thôi nhắc đi nhắc lại mãi những gì đã qua. Chủ nghĩa thực dân là một tấm áo nhiều mảnh với ánh sáng và tội ác đan xen, một bài diễn văn khai sáng bị thực tiễn làm biến chất, một bước tiến của Lịch Sử bị các hố rác làm thối rữa, một sự tiến bộ bao quát che khuất sự cướp bóc và nạn buôn người. Liệu rồi đây những bóng tối đó có được bôi xoá hay không trước ánh sáng mà một Alexandre John Émile Yersin, vị ân nhân được tôn kính, là hiện thân duy nhất?
Tôi nghĩ đến câu hỏi đang chờ đợi chúng tôi ở Paris. «Ở kia còn lại gì của thời Pháp thuộc?»
Ôi, giá như chỉ còn lại có mỗi kỷ niệm ấy...
Người dịch và giới thiệu: Phạm Thị Anh Nga
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire