Hình như trong đám đông tôi vẫn luôn là một bóng mờ. Một bóng dáng nhạt mờ, lẩn trong vô vàn những bóng dáng nhạt mờ khác, mà giữa trăm nghìn người, ai cũng có thể “nhìn” mà không “thấy”, hoặc có vô tình “thấy” cũng chẳng bận lòng, chẳng lưu giữ chút ấn tượng sâu xa nào trong tâm trí.
Trong sân nhà hoạ sĩ Bửu Chỉ sáng nay, tôi đúng là một con người như thế, trong lúc từng đoàn người ôm những vòng hoa lần lượt vào thắp hương trước linh cữu anh. Đoàn của Phong trào đô thị Huế - Đà Nẵng, của Tuyên huấn Tỉnh... Tôi không nhập vào đoàn nào, mà đứng tần ngần ở một góc sân. Nén hương cần thắp cho anh, tôi đã thắp từ sớm.
Trong nỗi đau mất anh hôm nay, tôi cảm thấy mình chẳng giống ai. Không là đồng chí, đồng nghiệp, không phải đại diện cho chính quyền, đoàn thể, tổ chức. Không là gì hết thảy. Nhưng khi những hạt nước mắt thực sự ứa ra, trào ra không gì ngăn nổi, đâu cần phải là "cái gì", là "ai". Và anh Chỉ ơi, vẫn còn quá nhiều điều chưa kịp nói.
Tin anh bệnh tôi nhận được sáng thứ sáu 13/12. Tiếng anh Nguyễn Thanh Văn điện thoại từ Sài gòn ra như nhoà đi: "Có tin gì thêm về Bửu Chỉ không?... Sao, Nam Nga chưa biết gì à? Anh BC bị đột quỵ, đã mang vào bệnh viện cấp cứu... Có tin gì thêm, nhớ báo cho mình..."
Ở Phnom Pênh về, suốt cả tuần lễ tôi bị cuốn theo việc tổ chức bảo vệ luận văn Cao học. Hai đề tài phản biện phải đọc cho xong và viết nhận xét, cộng với ba đề tài hướng dẫn cũng phải đọc lại và viết nhận xét về quá trình thực hiện đề tài. Và những buổi lên lớp trong tuần không bỏ được. Chạy đua với thời gian, vật vã níu kéo thời gian, từng giây từng phút, mong kịp thời xong xuôi mọi việc. Tất tả, nhọc nhằn, như hình ảnh con người gầy guộc, khắc khổ trong những bức tranh của anh, đang tay níu thời gian...
Vẫn là ngày 13/12. Anh Nam đi Đà Nẵng từ sáng, chiều mai mới về, không liên lạc được. Tôi điện thoại về nhà anh BC, xin gặp chị Vi. "Cả ba mẹ con lên nhà thương rồi, ở hẳn trên nớ... Không biết bệnh tình Chỉ ra răng... Bữa nớ Chỉ bị lạnh, khó thở, chắc là vì suyển... Tui là người giữ nhà..."
Chặp tối, anh Nam điện thoại về, sửng sốt với tin dữ. "Tối mai thứ bảy anh mới về đến nhà, sáng chủ nhật tụi mình sẽ đi thăm anh BC".
Tối thứ sáu 13/12, tôi thức gần như thâu đêm, đến bốn giờ sáng mới xong các bài nhận xét luận văn, và chỉ còn hai giờ đồng hồ ngủ lấy sức để ngày hôm sau, thứ bảy 14/12, thức dậy lúc sáu giờ sáng, và suốt ngày dành cho việc bảo vệ luận văn Cao học.
Trưa 14/12, tôi tạt về nhà, nhận e-mail của anh Đặng Tiến gửi từ Orléans: "Tình trạng Bửu Chỉ mỗi lúc một nguy kịch, đang bị truỵ tim mạch và đi vào hôn mê sâu, coma profond. Theo tin tức BS Sinh, đang theo dõi bệnh trạng."
Chiều tối, trong buổi họp Hội đồng để điều phối điểm chấm luận văn, một thành viên có việc riêng ra ngoài một lúc, trở vào báo: "Cô Nga ơi, em nghe tin ông Bửu Chỉ mất rồi".
Trước mắt tôi vẫn là những con số, cộng lại và chia ra là điểm chính thức đánh giá công lao những tháng năm dùi mài đèn sách của tám con người. Nhưng những con số đã nhoè đi. Tôi mím môi, quệt nước mắt. Những con số lại nhoè đi. Những khuôn mặt quanh tôi cũng nhoè đi... Không ai trách tôi, dù chỉ một lời.
Tôi mượn điện thoại di động, gọi về nhà. Anh Nam vừa về đến cổng. "Anh kiểm chứng xem tin ấy có đúng không. Em chỉ mong đó là tin thất thiệt..."
Nhưng không, anh Chỉ mất thật rồi. Xong xuôi mọi việc, tôi về nhà. Anh Nam vùi mình trong chăn, đang cơn sốt, xác nhận tin trên.
Tại sao lại thế. Anh Chỉ ơi, sao lại thế...
Anh Nam bảo tôi mở e-mail, báo tin cho bạn bè ở xa biết. "Chắc không cần, tôi nói. Có lẽ ai cũng biết tin rồi." Tôi để nguyên áo dài đang mặc, ngồi khóc.
Mở e-mail, vẫn chưa thấy ai động tĩnh gì. Tôi viết vài câu báo tin, kèm với bức tranh "Tĩnh vật. Cầu hồn" của anh Chỉ. Nhưng chép file ảnh mãi không được, đến khi chép được thì thư không chạy. Nhiều lần vẫn thế. Tôi gửi lại thư, lần này không kèm ảnh. Bấm "Send and receive". Thư đi song suốt. Kiểm tra thử, nó đã vào "Sent Items".
Anh Chỉ ơi, em hiểu rồi, anh không bằng lòng cho gửi bức tranh đó đi. Bức tranh mà ngay từ phút đầu nhìn thấy nó em đã hoàn toàn bị mê hoặc. Những chiếc đèn dầu xếp hàng như lặng lẽ dẫn dắt lối về cõi âm, ù lì trước lệnh gửi, chỉ vì anh không đồng ý. Nhưng sao vậy hở anh? Câu hỏi cứ đeo đuổi em. Mãi đến sáng hôm sau, chủ nhật 15/12, bên linh cữu của anh, khi khách đến viếng vẫn còn rất thưa thớt, nghe chị Vi kể về những ngày cuối của anh, thì em hiểu. "Sáng thứ tư, anh Chỉ đi uống cà phê với Nguyễn Hữu Ngô. Trời lạnh lắm. Một lúc sau anh về, than lạnh. Anh nói với Vi, hiền từ: 'Mình lạnh quá '. Anh đòi lấy sấy tóc của Vi để sưởi ấm hai chân. 'Vẫn không làm mạnh được, không làm mạnh được, bậy quá', anh nói... Anh mệt và khó thở, nhưng nói chuyện đi nhà thương là cứ giẩy nẩy. Mãi đến hôm sau, anh mới chịu đi, nhưng nhất định 'Me phải đi theo Ba...'."
Chỉ là một chuyến rong chơi thôi, đâu phải đi vào cõi chết, nên việc gì lại "cầu hồn", phải vậy không anh Chỉ? Và trong cuộc rong chơi đó, anh cần có Tường Vi, người bạn đời thân yêu, hiền từ, chung thuỷ, cái bóng êm ái dịu dàng của anh, đi với anh, bên anh, cho đến phút tận cùng có thể, giới hạn cuối cùng được phép, giữa hai cõi âm và dương.
16.12.2002
Buổi chiều, dạy xong hai tiết đầu, tôi có hẹn với anh Nam để cùng đi nhận các vòng hoa đã đặt sẵn, thay cho một số bạn bè, thân hữu của anh BC, hiện ở xa. Ở cửa hàng hoa quen đường Phan đăng Lưu, có biết bao là vòng hoa có cùng một địa chỉ đến, là ngôi nhà số 279 Nguyễn Sinh Cung.
Những vòng hoa, những lẵng hoa đã bắt đầu tràn ngập bên linh cữu anh, trong nhà, ngoài hiên, ngoài sân. Những tấm lòng bè bạn gần xa. Và cũng bên linh cữu, bức chân dung tự hoạ của anh, hai khuôn mặt với nét mày chau, bờ môi mím. Như thể hồn anh đã thoát ra khỏi cái vỏ vật chất bấy lâu vẫn dung chứa nó, để đậu lên đó, lặng lẽ, khinh bạc nhìn chiếc áo quan bọc kín cơ thể đã bắt đầu lạnh, trái tim đã ngừng nhịp đập của mình. Từ bức chân dung, anh lặng ngắm chung quanh, đăm đăm, ngạo nghễ, không một lời. Nhưng anh đã nhìn thấu hết. Sự Sống và Sự Chết có bao giờ gần nhau đến thế đâu. Ở gian phòng bên, bức tranh "Làm xiếc" ngoái nhìn ra, tựa một cái nhếch mép, một cái nheo mắt ngấm ngầm của anh.
Chợt nhớ buổi chiều nào, trước hiên nhà, anh hào hứng khui chai Saint Rémy để nhâm nhi với bạn bè, dịp anh Miên Đức Thắng về thăm Huế. Đó là vào tháng năm 2002, sau khi anh ở Sài gòn về, và festival Huế đã bế mạc. Hôm đó bạn bè không đông như hôm nay, nhưng họ đã vui hơn, hồn nhiên hơn, rộn ràng hơn, và anh cũng đã vui hơn. Anh đã say sưa hát, hào hứng chia sẻ với chúng tôi những hồi tưởng của mình. Chị Vi lăng xăng khi thì ngồi, khi thì vào trong nhà, bưng ra thêm đĩa bánh ướt, bánh nậm, đĩa tré, chén nước mắm, hai cái cốc lấm tấm những vệt tròn xanh đỏ ("... cho Nga và Vi uống vang đỏ, nhẹ hơn Saint Rémy...")...
Hôm đó, anh bắt tôi ký tên vào cuốn sách nhỏ đầu tay tôi vừa xuất bản, để đề tặng anh, cuốn sách được anh ưu ái cho phép minh hoạ bằng những bức tranh của anh. Anh vui vẻ, thích thú với những trang in màu các bức tranh, đằm thắm nằm xen kẽ giữa những trang sách có nội dung anh cho là "lạ", là hay. Hôm anh đồng ý cho tôi dùng những bức tranh đó, anh đã không chút chần chừ, toan tính, kỳ kèo. Anh đã hoàn toàn thoải mái, cởi mở, hào phóng. "Nam Nga muốn lấy bức mô cũng được..."
Tôi đã rời cuộc vui sớm hơn những người khác, để về nhà lo cơm nước cho các con. Anh Chỉ nhắc chị Vi cột cho tôi một túm vải. "Vải nhà thôi, nhưng ngon. Về ăn cho vui...", anh nói, khi chị Vi cười hiền hoà đưa cho tôi túm vải.
Lúc anh Nam về đến nhà, tôi càng cảm động khi anh Nam vừa kể vừa xuýt xoa: "Anh Chỉ tội lắm. Cứ dặn đi dặn lại anh về phải lo chăm sóc mắt cho em. Anh Chỉ nói, để vậy về lâu về dài không hay...". Anh Chỉ ơi, anh đúng là một ngưởi anh ân cần, chu đáo. Có thể với ai đâu thì anh giận dữ, quát tháo, nhưng tụi em sao được anh ưu ái thế. Em vẫn chưa hết run, vừa mừng vừa run, những ngày anh em chuẩn bị in tập bưu ảnh tranh của anh, khi anh điện thoại lên nhà, hỏi ý kiến về cách dịch sang tiếng Pháp tên các bức tranh của anh. Tại sao lại có sự tin cậy đến nhường ấy? Bản thân anh rất giỏi, rất sâu sắc về những từ ngữ tinh tế nhất trong tiếng Pháp, và bên cạnh anh còn có biết bao cây cổ thụ của làng Pháp văn ở Huế: thầy Bửu Ý, anh Bửu Văn... Em chỉ đáng là học trò của họ, thật sự đã là học trò... Em run, lúng túng, khi anh hỏi han qua điện thoại: "Anh cứ nghĩ "Trăng thiên cổ" phải dịch là "Lune d'antan". Nhưng rồi nghĩ lại, thì thấy hay là dịch lthành "Lune de l'éternelle réminiscence" hè, chắc rứa thì đúng hơn, nghe hợp lý hơn. Nga nghĩ răng...", "Coi lại giùm anh bản dịch tiếng Pháp cái tiểu sử để in ở trang bìa." Hồi đó, anh điện thoại, e-mail cho tôi và anh Nam nhiều lần trong ngày, khi thì bàn về nội dung, cách trình bày, cách dịch... tên tranh hay lời giới thiệu, khi thì dặn dò về "co" chữ cho từng hàng ...
Tập bưu ảnh tranh nay đã in xong. Còn album của anh thì vẫn chưa kịp xuất bản. Nhưng anh Chỉ ơi, đừng bận lòng, hãy cứ thảnh thơi ở nơi anh đến. Anh đã thoát khỏi luỵ trần rồi, tội tình gì phải băn khoăn những việc của trần thế. Hãy dể cho những người ở lại làm nốt những điều anh chưa kịp hoàn tất trước khi rời bỏ cuộc chơi.
Tháng 1.2003
Đã gần một tháng người hoạ sĩ thân mến không còn phải băn khoăn, quằn quại vì tâm tưởng bị giằng co giữa sự sống và sự chết. Cái chết đã thực sự và vĩnh viễn mang anh đi.
Ngày gia đình và bạn bè tề tựu đưa anh rời ngôi nhà ở Vỹ Dạ để lên nằm trên khu đất ở Ba Đồn, từ nơi xa anh Đinh Cường nhờ anh Nam và tôi gửi ảnh tang lễ sang, vì không thể về tiễn bạn. Trong buổi sáng truy điệu cũng như buổi chiều tang lễ, tôi loay hoay với cái máy ảnh, mà nước mắt thì cứ ứa ra không ngăn nổi. Tôi đã vừa quệt nước mắt, vừa nắm vạt áo dài cho khỏi vướng vào những người chung quanh, đi quanh bấm máy. Có lẽ chẳng ai hiểu tôi là ai, là người trong gia đình hay thợ chụp ảnh.
Phút cuối bên huyệt mộ vừa lấp kín, tiếng chị Vi thảng thốt khi cắm nén hương cho anh Chỉ : "Anh Chỉ ơi, anh chết thiệt rồi." Nước mắt tôi như trôi ngược vào hốc mắt, đau nhói.
Những bức ảnh tang lễ được gửi đi sớm sủa, bởi những người bạn thân yêu của anh Chỉ nơi xa đang hết lòng mong ngóng. Cả những bài báo, những tin tức về chị Vi, các cháu Phương, Quang, Minh...
Tháng 3.2003
Thư e-mail của anh Đinh Cường gửi về gần như mỗi ngày, ban đầu còn uất nghẹn, đau đớn, tưởng không gì cứu vãn nỗi. "Tôi buồn xơ cứng cả đầu óc" (ngày 15/12), "BC đã nằm trong quan tài rồi. Tôi như sửng từ hai ba hôm nay, không làm gì được. Thương bạn mà xa xôi, nói gì cũng không thấu" (16/12), "...Mà lòng buồn quá như bị hẫng đi" (17/12), "...nhìn ảnh tôi và Chỉ hồi năm ngoái mà ứa nước mắt. Mới đây nữa, Saigon..." (20/12). Rồi những tâm sự pha lẫn với hồi ức ngày càng trầm tĩnh, lắng đọng hơn với nỗi đau chập chờn : "miếng băng tang, giữ giùm tôi, hè tôi về lên thăm mộ Chỉ sẽ nhận" (21/12), "Tôi cứ ngồi sửng bên computer, sáng sớm mai ngủ dậy, giờ đó có @ BC gởi, đều đặn cả tháng qua. Chỉ chấm dứt vào ngày 10... Nhờ Nam Nga mà Đặng Tiến ở Pháp, tôi ở Mỹ theo dõi đầy đủ bài viết, ảnh đám tang. Không có gì cảm động bằng tấm lòng bạn dành cho những người bạn BC ở xa, đau thắt ruột mà không về được trong những ngày tang lễ. BC luôn hiểu và thương bạn. Tánh khó, nhưng đã là bạn thiết thì sống trải hết lòng với nhau. Tôi quý và thương Chỉ cũng như Vy và mấy cháu vô cùng" (21/12), "Tôi vẫn thầm tụng kinh cho Chỉ như từng nỗi cô đơn của tôi nơi này. Cuối năm tuyết lạnh" (28/12), "Nhớ và thương tiếc BC, không làm gì được những ngày cuối năm. Buồn như dao cắt" (29/12), "Tôi vẫn còn ngồi thẩn thờ nhớ BC, chưa làm gì lại được. Mùa Đông buồn bã nhất xa bạn" (1/1), "Nhớ Huế và nhớ Vỹ Dạ của BC mà giờ đây bạn đã đi xa 17 ngày rồi"... Gần ba tuần sau khi anh Chỉ ra đi, người bạn chí cốt Đinh Cường vẫn còn chìm trong nuối tiếc và chưa vẽ vời gì được : "Tôi chưa đụng tới cây cọ được nữa sau nhát cọ cuối cùng trên tấm tranh lớn tôi đang vẽ trong ảnh chụp gởi Nam, Trời và Đất..." (2/1).
Rồi e-mail ngày 6 tháng giêng của anh đã khiến chúng tôi vô cùng mừng rỡ : "Hai ngày nay tuyết vần còn rơi. Tôi vẫn lui cui vẽ..."
Anh Cường ơi, vậy là anh "đã lui cui vẽ", anh ĐÃ VẼ...
Điều đó mới ý nghĩa làm sao. Khi có hai người bạn cùng có chung một sứ mệnh với đời, nếu một người vì lý do nào đó phải bỏ việc dở dang, thì người còn lại sẽ phải thay thế bạn mình, làm gấp đôi công việc, kham luôn phần việc bạn mình còn bỏ dở.
Anh Cường ơi, rồi anh sẽ vẽ, không chỉ bằng nét bút của anh, mà cả bằng nét bút của bạn mình, bằng nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi đang đốt cháy trong anh, thôi thúc anh.
Chẳng thể nào khác, khi anh Chỉ đã thật sự và vĩnh viễn rời xa chúng ta. May mà trước khi đi, anh còn kịp để lại cho chúng ta bức tranh vẽ con Dê, để nó thay anh cùng chúng ta đón chào mùa xuân mới.
Ở nơi anh đến, có lẽ người bạn hiền Trịnh Công Sơn, để đón chào anh, đang ôm đàn nghêu ngao hát những câu ca đã vĩnh viễn đi vào lòng người : "Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày.".
Một chiều hồn nhiên tóc trắng, cho cỏ cây lô nhô ngoài vườn cùng ngậm ngùi chít vành khăn trắng tiếc thương ...
12 / 2002 - 3 / 2003
Phạm thị Anh Nga
-------------------------------------------------------------------
* Những hàng cuối cùng của bài viết này kết thúc đúng thời gian chuẩn bị một trăm ngày mất của hoạ sĩ Bửu Chỉ. Hôm qua tôi nhận được e-mail của anh Đinh Cường. Anh viết: "...Cái tranh Trời và Đất thì từ hôm Bửu Chỉ mất vẫn để vậy. Có thể trở thành "Hommage à Bửu Chỉ" khi vẽ tiếp..."
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire