Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

dimanche 24 août 2008

GIAO TIẾP NGÔN NGỮ TRONG HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA PHÁP VÀ VIỆT NAM

(phân tích qua ngữ liệu tục ngữ và ca dao)
-
«La communication verbale dans le fonctionnement de la société en France et au Vietnam (à travers l’analyse d’un corpus de proverbes et de poésie populaire)»
-
Vai trò của lời nói trong giao tiếp xã hội là một thành tố cơ bản để xác định và phân loại các dân tộc ngữ (ethnolecte), như các nhà miêu tả dân tộc học đã nhận ra ngay từ những nghiên cứu đầu tiên của mình. Cũng như Platon thuở xưa, Hymes phân biệt một bên là những người dân A-ten (Athéniens) "đa ngôn" và một bên là những người Xpác-tơ (Spartiates) "ngắn gọn". Nhưng tất nhiên sự phân loại này chỉ có tính tương đối, và trên trục "dài - ngắn lời" (verbosité) này có nhiều cung bậc cao thấp khác nhau [2, tr. 64].

Xét về vai trò của ngôn ngữ trong đời sống xã hội, C. Kerbrat-Orecchioni phân biệt hai kiểu văn hoá: (1) Văn hoá của những dân tộc ít giao tiếp, khộng tán thành cách nói năng dông dài: họ gán cho sự im lặng những "đức tính về đối thoại" (valeurs interlocutives) cao hơn, và giao tiếp rất ít trong suốt cuộc đời. Những dân tộc này rất dè sẻn các cơ hội tiếp xúc và trọng vọng sự im lặng; (2) Văn hoá của những dân tộc liến thoắng (volubile): đối với các dân tộc này sự im lặng mang ý nghĩa đe doạ, và toàn bộ cuộc sống xã hội được trung gian hoá bằng ngôn ngữ. Có quyền lực hay không phần lớn là nhờ ở "tài ăn nói". C. Kerbrat-Orecchioni khẳng định: "Không thể chối cãi là người Pháp chúng ta thuộc về loại dân tộc lắm lời này, và đối với chúng ta phần lớn các tình huống xã hội thường nhật (ăn uống, thăm viếng...) thường có đầy tràn, thậm chí đầy ứ, một thông lượng liên tục lời nói." [2, tr. 65]

Ở đây chúng ta thử nghiên cứu, qua phân tích ngữ liệu tục ngữ ca dao cũng như một số châm ngôn, xem về phương diện giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động xã hội này Việt Nam và Pháp có thể được đặt vào vị trí nào, ở cung bậc nào trên trục "dài - ngắn lời".
-
1. Sự đối lập cơ bản giữa im lặng và lời nói
-
Xem xét tục ngữ ca dao (TNCD) Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy sự im lặng được người Việt Nam đánh giá cao hơn so với lời nói : «Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri»; «Vô duyên siêng nói» ; «Xấu làm tốt, dốt hay nói chữ» ; «Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời». Người Việt Nam còn có thái độ giễu cợt, chê bai, không tán thành đối với lối nói dông dài: «Ăn lắm thì hết miếng ngon - Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ»; «Đa ngôn đa quá». Họ thường dè sẻn trong lời ăn tiếng nói, có khi là để tránh vấp váp, sai lầm: «Ăn bớt bát, nói bớt lời» ; «Có hỏi mới nói, có gọi mới thưa»; «Chim khôn chưa bắt đã bay - Người khôn ít nói ít hay trả lời»; «Hương năng thắp năng khói - Người năng nói năng lỗi».

Như thế không có nghĩa là người Việt Nam thích im lặng hơn là giao tiếp bằng lời nói, mà thật ra họ có thái độ thận trọng, từ tốn trong sử dụng ngôn ngữ: «Ăn có nhai, nói có nghĩ»; «Vô duyên chưa nói đã cười - Chưa đi đã chạy là người vô duyên»; «Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe».

Về phía TNCD Pháp, thì nội dung của chúng lại cho thấy đối với người Pháp sự im lặng là một mối đe doạ ngấm ngầm: «Il n'est pire eau que l'eau qui dort» (Nước lặng là nước tệ hại nhất - ý nói: Phải thận trọng với người có khí chất dịu dàng, điềm tĩnh); «Gardez-vous de l'homme secret et du chien muet» (Hãy tránh xa người kín đáo và chó không sủa). Mặc dù cũng có lúc sự im lặng được người Pháp trân trọng: «Le silence est l'esprit des sots - Et l'une des vertus du sage» (Sự im lặng là trí tuệ của người ngu - Và là một trong những đức tính của nhà hiền triết).

Trong giao tiếp xã hội, người Pháp rất coi trọng phương tiện trung gian là lời nói hay ngôn ngữ : «Faute de parler, on meurt sans confession» (Do không được nói nên người ta chết không được xưng tội); «On lie les bœufs par les cornes et les hommes par les paroles» (Người ta buộc trâu bò ở sừng và buộc con người ở lời nói). Tài ăn nói cũng có thể tạo ra uy thế và quyền lực: «Les diamans et les pistoles peuvent beaucoup sur les esprits - Cependant les douces paroles ont encor plus de force, et sont d'un plus grand prix» (Kim cương và bạc tiền có nhiều quyền lực đối với tinh thần - Tuy nhiên những lời dịu ngọt còn mạnh mẽ hơn, và giá trị còn cao hơn); «Salive d'homme tous serpents domme (dompte)» (Nước bọt con người thuần hoá mọi rắn rết).
-
2. Những cung bậc cao thấp từ thinh lặng đến đa ngôn
-
Từ sự phân tích trên, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta thoả mãn với kết luận rút ra, cho rằng văn hoá ứng xử (VHƯX) Việt Nam thiên về sự im lặng và VHƯX Pháp thiên về lời nói. Do trên trục "dài hay ngắn lời", không chỉ có hai cực đối lập, mà còn có nhiều cung bậc cao thấp khác nhau, ở đây chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng hơn những quan niệm, kinh nghiệm đã được đúc kết qua TNCD của Pháp và Việt Nam, mới có thể nhận định một cách toàn diện.

Về phía người Pháp, họ đề cao vai trò của lời nói trong đời sống xã hội, và sử dụng lời nói đúng lúc, đúng nơi, đúng người, hay có khi chỉ vì thú vui trong chuyện trò: «Qui ne prie ne prend» (Người nào không yêu cầu gì thì chẳng nhận được gì); «Il ne faut pas parler latin devant un cordelier» (Không được nói tiếng La-tinh trước một thầy tu dòng thánh Phơ-răng-xoa [1] - do họ nổi tiếng là những nhà La-tinh học rất giỏi); «Il ne faut point parler de corde dans la maison d'un pendu (devant un pendu)»(Không được nhắc đến dây thừng trong nhà (hay trước mặt) một người bị treo cổ); «Répéter, c'est persuader en détail» (Nhắc lại là thuyết phục trong từng chi tiết); «Il vaudrait mieux s'adresser au Bon Dieu qu'à ses saints» (Nói chuyện với Đức Chúa Trời tốt hơn là với các vị thánh của Ngài); «A grands seigneurs peu de paroles» (Với các chúa tể lớn chỉ cần ít lời); «Au paradis, pour la musique ; mais en enfer, pour l'agrément de la conversation» (Lên thiên đàng để thưởng thức nhạc; nhưng xuống địa ngục vì thú vui chuyện trò).

Nhưng điều đó không mâu thuẫn với thái độ trân trọng đối với sự im lặng được sử dụng một cách có ý thức (à bon escient), đúng lúc cần thiết: «Les eaux calmes sont les plus profondes» (Nước tĩnh là nước sâu nhất); «Brebis qui bêle perd sa goulée» (Cừu kêu be be thì mất miếng ăn - ám chỉ những người phí thời gian trong chuyện nói năng); «En bouche close n'entre mouche» (Ruồi chẳng thể bay vào cái miệng đang ngậm); «Bonnes sont les dents qui retiennent la langue » (Răng giữ được lưỡi là răng tốt); «Trop gratter cuit, trop parler nuit» (Gãi quá gây đau rát, nói quá gây nhàm chán); «La parole est d'argent, mais le silence est d'or» (Lời nói là bạc, nhưng im lặng là vàng); «Bouche en cœur au sage, cœur en bouche au fou» (Miệng cất vào lòng là miệng hiền nhân, lòng phơi ngoài miệng là lòng kẻ điên rồ); «Le plus sage se tait» (Người khôn ngoan nhất thì im lặng); «Il est bon de parler, et meilleur de se taire» (La Fontaine) (Nói là tốt, im lặng còn tốt hơn); «En matière d'aumône, il faut fermer la bouche et ouvrir le cœur» (Trong việc bố thí, phải ngậm kín miệng và mở rộng lòng); «Le silence est l'âme des choses» (Sự im lặng là linh hồn của mọi vật).

Về phía người Việt Nam, thái độ dè dặt trong nói năng và thích sự im lặng gắn với quan niệm cho rằng sự im lặng có một chức năng giao tiếp quan trọng mà lời nói khó đảm đươn : «Chim khôn chưa bắt đã bay - Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời»; «Đi qua nghiêng nón không chào» (Không chào cũng là một cách chào); «Mặt làm thinh, tình đã ưng». Đối với người Việt Nam, quyền hạn trong giao tiếp được thể hiện qua việc được phép sử dụng ngôn ngữ, tức quyền "được nói", hay qua việc "được nghe" người khác nói với mình: «Được ăn, được nói, được gói mang về ; «Chẳng được phẩm oản mâm xôi - Cũng được lời nói cho vui tấm lòng». Và thái độ dè dặt trong nói năng cũng xuất phát từ quan niệm cho rằng ngôn ngữ, lời nói đóng vai trò quan trọng, về tác dụng có thể có hiệu quả tốt hoặc gây hậu quả xấu: «Em như con cá giữa trời - Ai nhanh chân thì được, ai chậm lời thì thôi»; «Phải chẳng qua lẽ, khoẻ chẳng qua phép»; «Cá không ăn muối cá thối, người không ăn lời người hư»; «Canh suông khéo nấu thì ngon - Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng»; «Khôn khéo lấy miệng làm sai»; «Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết»; «Nói nhiều xiêu dạ»; «Trăng lu (= mờ) bởi đám mây nồm - Hai ta trắc trở bởi mồm thế gian». Do đó, cần cân nhắc trong nói năng, tuỳ vào từng thời điểm, từng tình huống, tuỳ vào mối quan hệ giữa hai bên giao lời: «Thò tay mà ngắt ngọn ngò, thương em đứt ruột giả đò ngó lơ»; «Khó nhịn miệng mồ côi nhịn lời». Thậm chí sự "ăn nói" còn là nội dung để giáo dục con trẻ: «Học ăn, học nói, học gói, học mở»; «Con lên ba, cả nhà học nói».

Ở đây chúng ta có thể ghi nhận những điểm giao nhau hay tương đồng giữa hai nền văn hoá Pháp-Việt, qua các câu tục ngữ sau (có trường hợp tục ngữ nước này là vay mượn của nước kia, hoặc tục ngữ của hai bên không sử dụng những hình ảnh giống nhau nhưng có cùng ý nghĩa) :


(Cliquez pour agrandir - Xin nhấp chuột để mở xem)
-
3. Nghệ thuật ngôn từ
-
Ở trên chúng ta đã nghiên cứu vai trò và giá trị của lời nói đối với hai nền văn hoá ứng xử Pháp và Việt Nam, xét về mặt lượng, nghĩa là xu hướng đặc thù trên trục biến thiên từ thinh lặng đến đa ngôn. Giá trị của lời nói còn có thể được xem xét về mặt chất, thể hiện qua nghệ thuật nói năng, tính chân thực, hiệu quả của lời nói ... [2, tr. 67]
.
Trước tiên lời nói có thể được xem như một nghệ thuật : nghệ thuật ăn nói, nghệ thuật dụng từ, dụng ngôn. Từ xa xưa, các diễn ngôn của các nhà hùng biện vẫn thường tuân thủ những quy tắc tu từ học để đạt được cái đẹp, cái hay. Về mặt này TNCD Pháp và Việt Nam đều quan tâm đúc kết kinh nghiệm và có nhiều điểm tương đồng, mặc dù những hình ảnh vay mượn để diễn ý vẫn rất đa dạng, và khác nhau:

- TNCD Pháp: «Il faut tourner sept fois sa langue dans sa bouche avant de parler» (Phải uốn lưỡi bảy lần trong miệng trước khi nói); «Les belles paroles n'écorchent pas la langue» (Lời nói hay không lột mất lưỡi - ý nói: phải nói năng nhã nhặn hơn là có thái độ ngạo nghễ); «La tournure et la démarche ont autant d'accent que la parole» (Cách nói và phương pháp tiến hành cũng quan trọng như chính lời nói); «Le bon ton, c'est le bon goût appliqué aux discours et à la conversation» (Giọng điệu tốt là năng khiếu thưởng thức tốt áp dụng vào diễn ngôn và đối thoại); «Celui qui ne sait pas se taire sait rarement bien parler» (Kẻ nào không biết im lặng thì hiếm khi biết nói cho hay);

- TNCD Việt Nam: «Nói hay hơn hay nói»; «Nói ngọt lọt đến xương»; «Miếng ngon ăn ít ngon nhiều - Người khôn dẫu nói nửa điều cũng khôn»; «Người ngu chẳng biết câu chào - Còn người khôn khéo lời nào cũng dễ nghe»; «Nói có sách mách có chứng».

Tuy nhiên, cái hay, cái đẹp vẫn không thể lấn át cái thật. Lời nói chân thật, dù có khi khó nghe, vẫn được đánh giá cao hơn những lời văn hoa bóng bẩy nhưng thiếu chân thật:

- TNCD Pháp: «Dans les belles paroles [2] le cœur ne parle point» (Trong những lời đẹp đẽ trái tim không lên tiếng); «On l'emporte souvent sur la duplicité - En allant son chemin avec simplicité» (Người ta thường chiến thắng sự giả dối khi đi con đường của mình một cách thật thà); «La vraie éloquence se moque de l'éloquence» (Tài hùng biện thực sự thì coi thường nghệ thuật hùng biện); «On dit bien quand le cœur conduit l'esprit» (Người ta nói hay khi con tim dẫn dắt trí tuệ); Le Diable parle toujours en l'Évangile» (Quỷ luôn nói giọng Thánh kinh);

- TNCD Việt Nam: «Thật thà ma vật không chết»; «Mật ngọt chết ruồi, những nơi cay đắng là nơi thật thà»; «Của ngang chẳng góp lời tà chẳng thưa»; «Văn hoa chẳng qua nói thật»; «Nói dối thêm chanh, nói hành thêm tỏi».

Ngoài yêu cầu về cái hay, cái đẹp, giá trị của lời nói còn được xét ở mặt hiệu quả. Kinh nghiệm đúc rút thể hiện qua TNCD của hai dân tộc Pháp và Việt Nam cũng rất phong phú đa dạng, và có nhiều điểm tương đồng, khi đề cập đến những phương thức tăng tính hiệu quả, những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả...:

- TNCD Pháp: «La morale nue apporte de l'ennui - Le conte fait passer le précepte avec lui» (La Fontaine) (Đạo đức trần trụi đem đến sự nhàm chán - Chuyện kể đi kèm giúp cho lời dạy được chấp nhận dễ dàng); «Un orateur trop long est comme une horloge qui sonnerait les minutes» (Một nhà hùng biện dài dòng thì giống như một chiếc đồng hồ điểm từng phút một); «N'usez que des pièces d'or et d'argent dans le commerce de la parole» (Trong giao thiệp bằng lời chỉ nên sử dụng những đồng tiền bằng vàng và bạc); «Un seul bon argument vaut mieux que plusieurs arguments meilleurs» (Chỉ một luận cứ phù hợp thì giá trị lớn hơn so với nhiều luận cứ tốt hơn);

- TNCD Việt Nam: «Nói hung nói hăng không bằng nói lẽ»; «Nói phải củ cải cũng nghe»; «Khéo lời làm rơi nước mắt»; «Khéo lời rơi máu»; «Chuông già đồng điếu, chuông kêu - Anh già lời nói, em xiêu tấm lòng»; «Nghe lời bạn nói đậm đà - Chồng con chẳng phải, rứa mà em thương».
So với những hành động cụ thể khác, lời nói hay hành động lời nói có giá trị riêng của nó, và có khi còn hiệu lực hơn và dấu ấn của nó còn sâu đậm hơn:

- TNCD Pháp: «La langue est un long bâton» (Ngôn ngữ là một cây gậy dài - ý nói có thể gây tổn thương); «À raconter ses maux, souvent on les soulage» (Nỗi khổ kể ra thường được nguôi ngoai);

- TNCD Việt Nam: «Phải chẳng qua lẽ, khoẻ chẳng qua phép»; «Trăm dao bầu không bằng một câu nói phải»; «Một lời nói, quan tiền thúng thóc - Một lời nói, dùi đục cẳng tay»; «Làm biếng lấy miệng mà đưa»; «Mồm miệng đỡ chân tay»; «Lọ là thét mắng mới nên - Một lời siết cạnh bằng nghìn roi song - Roi song đánh đoạn thì thôi - Một lời siết cạnh, muôn đời chẳng quên»; «Lưỡi sắc hơn gươm»; «Người khôn nói mánh, người dại đánh đòn»; «Miệng người nên bia».

Thậm chí lời nói có khi còn gây hậu quả tai hại hơn cho người nói hoặc cho người nghe, hoặc cho một người nào khác:

- TNCD Pháp: «Méchante parole jetée va partout à la volée » (Lời ác tung ra bay nhanh khắp mọi nơi) ;

- TNCD Việt Nam: «Vạ tay không bằng vạ miệng»; «Miệng nói như sẹo gỗ»; «Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường»; «Lưỡi vò độc quá đuôi ong - Xui người tan hợp rứt lòng nghĩa nhân».

Tuy nhiên lời nói không phải là công cụ vạn năng, và có những hạn chế nhất định của nó. Nói cũng không thay thế được việc làm thực sự:

- TNCD Pháp: «Il est plus facile de dire que de faire» (Nói dễ hơn làm); «Au parler ange, au faire change» (Nói như thiên thần, làm thì khác); «Bien dire fait rire, bien faire fait taire» (Nói hay khiến người ta cười, làm hay khiến người ta im lặng); «Langage ne paist (nourrit) pas gens» (Lời nói không nuôi sống được ai);

- TNCD Việt Nam: «Nói dễ, làm không dễ»; «Miệng nói hay tay làm bậy»; «Nói nên mà ở chẳng nên - Quang rơm gánh đá sao bền bằng mây».

Tục ngữ Pháp còn cho thấy lời nói đặc biệt bất lực trong nhiệm vụ sửa chữa những sai lầm, những thương tổn nặng nề con người đã gây ra trước đó: «"Xin lỗi" không chữa lành cục u».
.
Một tiêu chí khác về giá trị của lời nói, liên quan đến nội dung được thông báo hay chuyển tải qua ngôn từ, xác định tính chân phương hay mức độ "khuôn sáo", tính "đưa đẩy" (phatique), tính vòng vo của lời nói. Ở đây dường như có sự khác nhau khá rõ nét giữa quan niệm của người Pháp và quan niệm của người Việt Nam, thể hiện qua các câu TNCD dưới đây. Nếu về phía Pháp nói năng cần sáng rõ («Sáng sủa (trong nói năng) là sự lịch thiệp của các giáo sư»), thì người Việt Nam thường có xu hướng "xa gần", bóng gió trong nói năng, như trong bài ca dao: «Đường xa thì thật là xa - Mượn mình làm mối cho ta một người - Một người mười tám đôi mươi - Một người vừa đẹp vừa tươi như mình». Xu hướng đó cũng được đúc kết trong câu tục ngữ: «Người khôn đón trước rào sau - Để cho kẻ dại biết đâu mà dò».

Tính chân phương và tính vòng vo, đãi bôi còn liên quan đến một khía cạnh tinh tế khác là tính trực tiếp hay gián tiếp của lời nói. Lời nói là trực tiếp khi nội dung được chuyển tải có thể được hiểu dễ dàng, không cần viện đến những tham số liên quan đến tình huống giao tiếp. Ngược lại, lời nói gián tiếp có ý nghĩa tiềm ẩn, liên quan đến tình huống và phụ thuộc vào tình huống. Về phương diện này, có thể nói khuynh hướng về ứng xử của người Pháp và người Việt Nam rất khác nhau, như qua các câu:

- TNCD Pháp: «Ce qui se conçoit bien s'énonce clairement - Et les mots pour le dire arrivent aisément» (Những gì đã nắm vững thì nói nên lời được một cách rõ ràng - Và ngôn từ để diễn đạt có thể hiện đến dễ dàng);

- TNCD Việt Nam: «Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau»; «Người khôn không nỡ roi đòn - Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay».

Hay một kinh nghiệm được người Việt Nam đúc rút và thể hiện với thái độ mai mỉa, qua câu tục ngữ mới sau: «Lời nói thẳng hay mất lòng, lưng cong hay được lộc».

Tuy vậy, thật ra người Việt Nam vẫn rất đề cao sự trực tính, tính chân phương, trung thực trong lời nói, ca ngợi cách nói phải và chế giễu cách nói đãi bôi: «Trăm dao bầu không bằng một câu nói phải»; «Chẳng tự đáy lòng mà chỉ lòng vòng lỗ miệng»; «Nói gần nói xa chẳng qua nói thật»; «Đãi bôi kia hỡi đãi bôi - Có một đấu tấm đãi mười khúc sông»; «Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo».

Cuối cùng, về nghệ thuật ngôn từ, chúng ta còn có thể đối chiếu VHƯX của Pháp và Việt Nam dựa vào nguyên tắc hợp tác (principe de coopération) của H-P. Grice, cụ thể là các câu châm ngôn về chất và về lượng, cũng như về dạng thức.

Châm ngôn về chất (maxime de qualité) xác định yêu cầu về tính chân lý, là trong nói năng phải tôn trọng sự thật, lẽ phải. TNCD của cả Việt Nam lẫn Pháp đều có thái độ châm biếm đối với kẻ dối trá và thận trọng trước mức độ chân thật của con người:

- TNCD Việt Nam: «Một câu nói ngay làm chay cả tháng»; «Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối»; «Mất lòng trước, được lòng sau»; «Chẳng sợ gì trời, chỉ sợ lời nói phải»;

- TNCD Pháp: «Il faut qu'un démenteur ait bonne mémoire» (Kẻ hay cải chính phải có trí nhớ tốt); «La vérité sort de la bouche des enfants» (Sự thật được thốt ra từ miệng trẻ con); «Les paroles sont femelles et les faits sont mâles» (Lời nói là giống cái còn sự kiện là giống đực).

Để phân tích câu tục ngữ cuối này, có thể nói : trong tiếng Pháp từ "parole" (lời nói) thuộc giống cái, còn từ "fait" (sự kiện) là giống đực, nhưng thật ra "femelle" và "mâle" trong câu tục ngữ lại có nghĩa là giới tính của động vật (tồn tại khách quan), chứ không phải giống của từ trong ngôn ngữ (theo quy ước của ngôn ngữ). Do đó đây là một trường hợp đặt song song hai khái niệm về giống trong ngôn ngữ và giống trong cuộc sống. Câu tục ngữ còn thể hiện một thái độ "khinh ghét phụ nữ" rõ rệt: "lời nói" thường được xem là dối trá được gán cho đàn bà, trong khi sự kiện hay hành động là điều có thật lại được gán cho đàn ông.

Tuy nhiên đôi khi trong giao tiếp người ta "hy sinh" tính chân lý này để đáp ứng những mục tiêu hay quyền lợi được xem là quan trọng hơn. Đó có thể là do phép lịch sự, tính hiệu quả, hay vì sỉ diện của bản thân hay của người khác:

- TNCD Pháp: «Toutes les vérités ne sont pas bonnes à dire» (Không phải sự thật nào cũng nên nói ra); «Beau service fait amis, vrai dire ennemis» (Giúp đỡ thêm bạn, nói thật thêm thù); «Il n'y a que la vérité qui blesse» (Chỉ có sự thật mới khiến tổn thương); « Au vrai dire perd-on le jeu» (Nói thật thì mất lợi); «Peu de gens ont assez de fonds pour souffrir la vérité et pour la dire» (Ít người có đủ bản lĩnh để chịu đựng sự thật và nói thật); «Beaux mensonges aident» (Khéo nói dối thì được lợi);

- TNCD Việt Nam: «Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng»; «Nói ngay hay trái tai»; «Nói thật trật lỗ tai»; «Không biết nói dối thì thối thây ra».

Châm ngôn về lượng (maxime de quantité) yêu cầu phải nói toàn bộ sự thật, một cách trọn vẹn, nhưng cũng không nói quá so với sự thật. Ở Pháp, khi ra trước toà, dù là bên bị, bên nguyên hay là người làm chứng , mọi công dân đều phải nói lời thề: «La vérité, toute la vérité, rien que la vérité» (Sự thật, tất cả sự thật, chỉ có sự thật). Đối với người Pháp nói quá cũng không phải là điều hay: «Qui prouve trop ne prouve rien» (Người nào chứng minh nhiều quá thì không chứng minh được gì). Trong ứng xử của người Việt Nam, sự "vi phạm" châm ngôn về lượng lại khá phổ biến: «Người khôn ăn nói nửa chừng - Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo». Nhưng ngay đối với người Pháp, nói hết sự thật cũng không được xem là ứng xử khôn ngoan: «Ivres et forcenés disent toute leur pensée» Người say và người điên nói hết ý nghĩ của mình).

Cuối cùng, châm ngôn về dạng thức (maxime de modalité : "Soyons clair" - Hãy nói năng rõ ràng) yêu cầu trong nói năng phải rõ ràng, minh bạch. Thật ra đây chỉ là quan niệm của phương Tây về nói năng, và áp dụng vào quan niệm của người Việt Nam thì không thật phù hợp. Có thể thấy được là đối với người Pháp, lời nói phải tương đối rõ nghĩa, người nghe không phải nhọc công tìm tòi mới nắm được ý của người nói: «Ce qui n'est pas clair n'est pas français» (Cái gì không rõ ràng thì không phải là Pháp); « l n'y a qu'un mot qui serve» (Chỉ có một từ là phục vụ được - nghĩa là phù hợp, ý nói cần dùng đúng từ và nói năng rõ ràng). Ngược lại, trong quan niệm của người Việt Nam, cũng như của các dân tộc phương Đông khác, người nghe có một phần trách nhiệm lớn hơn trong tiếp nhận và hiểu ý nghĩa được chuyển tải qua phát ngôn: «Người khôn đón trước rào sau - Để cho kẻ dại biết đâu mà dò». Chẳng hạn lời lẽ của bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình..." hay của bài ca dao dưới đây giả định người nghe phải dụng công tìm nghĩa, dựa vào tình huống, ý tứ của câu chữ và những hình ảnh được gợi ra : «Cô kia khăn trắng tang ai - Nhất tang cha mẹ, thứ hai tang chồng - Tang chồng thì vứt tang đi - Tang cha, tang mẹ, ta thì tang chung».

Trước cách nói "ỡm ờ" buộc người nghe phải dụng công tìm hiểu ý nghĩa, cũng có khi người đối thoại không đủ kiên nhẫn trong việc tiếp nhận và hiểu lời nói: «Có yêu thì nói rằng yêu - Chẳng yêu thì nói một điều cho xong - Làm chi dở đục dở trong - Lờ đờ nước hến, cho lòng tương tư».

Qua phân tích, có thể thấy VHƯX Pháp và Việt Nam đều nằm ở những vị trí lưng chừng trên trục "dài hay ngắn lời" (verbosité), chứ không nằm ở các cực tuyệt đối, và người Pháp thường thiên về lời nói hơn, trong khi người Việt chuộng sự im lặng hơn. Vai trò, giá trị và hạn chế của lời nói cũng như của sự im lặng đều được cả Pháp lẫn Việt Nam thừa nhận, ở những mức độ khác nhau. Quan niệm của họ chỉ khác nhau ở mức độ, cung bậc, ở chỗ xác định thế nào là "đúng mực", là "vừa phải". Qua TNCD, chỉ có thể khai thác những đánh giá, nhận định và so sánh, đối chiếu chúng, và khó khẳng định một cách chính xác mức độ mà mỗi bên cho là đúng mực nhất.

--------------------------------
Thư mục tham khảo :
GRICE H-P., «Logique et conversation» in La conversation, COMMUNICATIONS số 30, trang 57-72, 1979 (1975).
KERBRAT-ORECCHIONI C., Les Interactions verbales, Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994.
MALOUX M., Dictionnaire des proverbes, sentences et maximes, NXB Larousse, 628 trang, 1960.
MONTREYNAUD F., Dictionnaire de proverbes et dictons, Les Usuels du Robert, 638 trang, 1986.
ROY C., Trésor de la Poésie populaire, NXB Seghers, Paris, 392 trang.
VŨ NGỌC PHAN, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, in lần thứ 10, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 831 trang, 1994 (1956).
--------------------------------
Giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động xã hội của Pháp và Việt Nam(phân tích qua ngữ liệu tục ngữ và ca dao)
Phạm thị Anh Nga (Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế)
Tóm tắt:
Dựa trên cách các nhà nghiên cứu phương Tây phân loại các nền văn hoá trên trục dài - ngắn lời (verbosité) và nguyên tắc hợp tác trong giao lời, bài viết này cố gắng phân tích đối chiếu văn hoá ứng xử của Pháp và Việt Nam, về mặt số lượng, tính chất đặc thù cũng như nghệ thuật ngôn từ, thể hiện qua ngữ liệu tục ngữ và ca dao của mỗi cộng đồng.
***
Verbal communication in the social activities of France and Vietnam(an analysis by means of proverbs and eclogues)
Pham thi Anh Nga (College of Foreign Languages - Hue University)
Summary:
Based on the ways European researchers classifying the various cultures on the long - short verbalization, and the cooperative principles, this article tries to analyze contrastively the behavial culture of French and Vietnamese in terms of quantity, distinctive characteristics as well as the rhetoric found in the proverbs and eclogues of each community.
-
Ghi chú:
[1] Saint François d'Assise
[2] "belles paroles" còn có nghĩa là "những lời hứa hão"
***
Tạp chí NGÔN NGỮ VÀ ĐỜI SỐNG số 10 (144) 2007
Tạp chí KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC (ĐH Sư Phạm Huế) số 03 (03) 2007

1 commentaire:

  1. Cho em post lại bài này bên vietnamhoc.multiply.com. Cám ơn chị Nga. Đặng Thái Minh

    RépondreSupprimer

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú